Góc Hoài niệm
Dấu chân Thành nội
10:35 | 16/07/2012

LÊ QUANG KẾT
               

Giai điệu và lời hát đưa tôi về ngày tháng cũ - dấu chân một thuở “phượng hồng”: “Đường về Thành nội chiều sương mây bay/ Em đến quê anh đã bao ngày/ Đường về Thành nội chiều sương nắng mới ơ ơ ơ/ Hoa nở hương nồng bay khắp trời/ Em đi vô Thành nội nghe rộn lòng yêu thương/ Anh qua bao cánh rừng núi đồi về sông Hương/ Về quê mình lòng mừng vui không nói nên lời…” (Nguyễn Phước Quỳnh Đệ).

Dấu chân Thành nội
Minh họa: NHÍM

Thành nội với Huế với tôi đã thành danh từ riêng trong miên man nhớ. Nơi đó lũ chúng tôi đã có những kỷ niệm ngày xanh đằm thắm, hoang nghịch và hồn nhiên tuổi học trò…

Làng quê chiến tranh tan tác, tôi lên Huế học trường Hàm Nghi - vốn là Quốc Tử Giám của triều đình nhà Nguyễn. Vào cửa Thượng Tứ phía trái mấy bước chân là gặp ngay trường tôi nằm khiêm tốn xen giữa hàng nhãn lâu năm trên đường Đinh Bộ Lĩnh và hàng phượng phía bên kia đường Đoàn Thị Điểm. Ấn tượng đến trường với tôi là mỗi bận đi qua Cửa Ngăn - hai bên quảng trường Ngọ Môn dưới chân Kỳ đài sừng sững “Cửu vị thần công”. Chín khẩu đại bác cổ, bên phải 5 khẩu bên trái 4 khẩu - bà ngoại tôi thường dặn với theo - cháu đi qua nơi đó nhớ đừng quên ngả nón cúi đầu. Nhiều huyền thoại được người xưa truyền tụng: Súng thần linh thiêng lắm, có cậu bé hiếu kỳ leo lên họng súng nhìn vào bên trong bị nuốt chửng chẳng thấy hơi tăm. Người đau ốm do vương vào cửu vị phải mời thầy cúng gọi ba hồn bảy vía hay chín vía lạy tạ thần công mới mong qua khỏi. Chuyện cung đình nhà Nguyễn kể rằng: Vua Tự Đức dự định đưa Cửu vị thần công xung trận - quân lính dùng xe song mã kéo nhưng thần công án binh bất động - không hề nhúc nhích. Nhà vua phải cử quan Ngự sử dự khán và xuống chiếu: Nếu ngài bất tuân thì sẽ phạt đánh 50 trượng và giáng chức. Tuyên chiếu xong, ngựa kéo thần công bỗng nhiên ung dung nhẹ nhàng cất bước.

Dấu chân Thành nội - tôi lẩm nhẩm, mới đó đã gần 40 năm xa trường, xa bạn bè ngày tháng cũ. Thế hệ chúng tôi thuở ấy đến trường trong bề bộn lo toan - chiến cuộc biến động từ làng lên phố, mỗi bận hè qua lớp học thưa vắng, bạn bè vơi dần - đứa bị đôn quân, đứa đành nghỉ học, đứa xa rời Huế vật lộn mưu sinh, và bao đứa khác bám trụ cố giữ chút yên bình… Năm rồi điện thoại từ Huế, Lê Quang Tùng, Đặng Thọ, Hoàng Đình Huề, Trần Quang Hải, Trần Đạo Dõng hẹn hò: - Hồi xưa tụi mình đã có Ra khơi, Lướt sóng giờ cố lên để chuẩn bị cho chuyến Về nguồn - giọng Đặng Thọ vẫn nhiệt thành như ngày nào, những hôm năm xưa chật vật, xoay xở bài vở để Lướt sóng - đặc san cuối bậc học phổ thông của năm 12B1 Hàm Nghi ra đời... Ước gì, cuốn lưu bút ngày xưa đó - có bạn cũ nào còn lưu giữ cho đến bây giờ?

Tôi nhớ… Năm học đệ tam B2 (lớp 10 bây giờ), cô Nguyễn Thị Tuyết dạy Việt văn đã bắt cả lớp quỳ lên bàn. Hàng phượng ngoài đường thấp thoáng có nhóm nữ sinh Thành nội tan học sớm, họ nhìn chỉ trỏ rồi ồ lên cười khúc khích, có người còn đồng dao: Lêu lêu trò A bị quỳ/ Không thuộc bài là xấu nghe chưa… Là xấu nghe chưa. Nhóm chúng tôi nhìn ra cửa sổ ai nấy ngượng chín cả người. Cô Tuyết có còn nhớ không? Con vẫn nhớ như in bài ca dao năm cũ cô giảng: “Trăm năm dầu lỗi hẹn hò/ Cây đa bến cũ con đò khác đưa” - cô đã mở bài và mở ra điều thú vị rằng: Bến cũ là từ chung còn người Huế phải là “bến cộ” mới phải và nếu được phép phóng tác thêm câu ca dao - lời tiếp sẽ là: “Cây đa bến cộ còn lưa/ Con đò đã thác năm xưa tê rồi”. Bao năm xa Huế xa trường con vẫn nhớ lời cô - những chữ “cộ”, chữ “lưa”, chữ “mô” “tê” “răng rứa” ngày ấy… và bao điều khác nữa để mang đi suốt một đời…

Thành nội - những ngày nghỉ học đạp xe lang thang, hàng trăm con đường nhỏ, từng đoạn từng đoạn ngắn quẹo, phải rồi rẽ trái và bất chợt gặp người quen có khi chẳng hề biết tuổi tên. Những tên đường tên phố đã thành quen thuộc hiện về trong ký ức: Ông Ích Khiêm, Hàn Thuyên, Nguyễn Biểu, Lê Thánh Tôn, Tống Duy Tân, Tịnh Tâm, Thượng Thành, Ngã Tư Anh Danh, Cầu Kho, Chợ Xép, Tây Lộc,… Thầy Võ Văn Dật (Võ Hương An) dưới mái trường Hàm Nghi - người thầy mà chúng tôi một mực kính yêu và ngưỡng mộ đã công phu uyên áo viết “Đường Xưa Thành Nội” - trong tập “Huế Của Một Thời”. Thầy ơi! Con đã đọc Huế… của thầy như bài sử ngày xưa thầy giảng, như được trở về với Thành nội và trường xưa yêu dấu, như được sống lại trong vòng tay thân ái của bạn bè và hiểu thêm bao nỗi lòng của những đứa con Huế xa…

Hàm Nghi trường tôi nhỏ nhắn và khiêm tốn so với Quốc Học hay Đồng Khánh. Vậy mà chúng tôi mỗi đứa lại có niềm kiêu hãnh riêng về trường mình. Hàm Nghi, nhà vua triều Nguyễn yêu nước, từ bỏ cung son cởi áo bào cùng dân đánh giặc - ban Dụ Cần Vương hiệu triệu sĩ phu giúp vua chống Pháp - đã sống mãi trong lòng dân.

- Vậy nếu công cuộc kháng chiến đòi hỏi đi vào sống trong rừng sâu, Bệ hạ có đi không?
- Tôn Thất Thuyết hỏi.

- Đi đâu cũng đi, sống thế nào cũng được, miễn là đuổi cho giặc Pháp ra khỏi đất nước. - Nhà vua đã trả lời giọng trầm, chậm rãi nhưng kiên quyết. Câu trả lời của ông vua vừa tròn 14 tuổi quả là ý chí và bản lĩnh, nặng lòng với sơn hà xã tắc.

Mười giờ đêm 26 tháng 9 năm 1888, Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình đem hơn 20 lính Mường vào bao vây lều tranh của vua Hàm Nghi trên bờ khe Tả Bảo (Tuyên Hóa - Quảng Bình). Nghe bên ngoài có tiếng động, quan Thống chế Nguyễn Thúy và con trai ông chạy ra, bị tên Ngọc đâm chết tại chỗ. Tôn Thất Thiệp, con út Tôn Thất Thuyết còn đang ngủ, hoảng hốt cầm gươm nhảy ra cũng bị một tên lính Mường phóng ngọn giáo vào ngực chết ngay. Biết mình bị phản, vua Hàm Nghi bước ra, ung dung cầm thanh gươm đưa cho Trương Quang Ngọc và bảo rằng: “Mày giết tao đi còn hơn đưa tao về nộp cho Tây”. Vua vừa nói dứt lời thì một tên lính Mường lẻn ra sau lưng ôm quàng lấy Người rồi giật thanh gươm ra. Từ đó, nhà vua tịnh khẩu - không nói nửa lời.

Chuyện rằng: Trong suốt thời gian lưu đày sang Alger, thủ đô nước Algerie thuộc địa của Pháp bên bờ Địa Trung Hải, nhà vua luôn hướng về cố quốc. Theo công chúa Như Mai (nay đã mất), khi vua Bảo Đại qua Alger thăm có mang cho ông một số tiền, nhưng vua Hàm Nghi không nhận và khuyên Bảo Đại nên đem tiền về lo cho dân nghèo. Trong những năm tháng buồn bã của cuộc đời lưu đày, ông tìm niềm vui trong âm nhạc và hội họa, luôn mặc quốc phục áo dài khăn đóng với đầu tóc búi tó củ hành đặc trưng truyền thống Việt Nam.

Chúng tôi tự hào ngôi trường yêu dấu của một thời áo trắng Huế mang tên nhà vua yêu nước Hàm Nghi. Và ngày xưa ấy, đặc san Ra khơi của thầy trò chúng tôi đã có truyện ngắn tuyệt vời Lửa Trường Sơn của Nguyễn Văn Thêm 12B1 (đệ nhất) - nhân vật chính là ông vua yêu nước trẻ và tên phản tặc xảo quyệt Trương Quang Ngọc - dù chỉ khiêm tốn dòng chữ trang giấy nhưng riêng tôi đã tiếp nhận trong thổn thức và… tâm phục coi đó là hiện tuợng “văn sử bất phân”. Thêm giờ đang làm gì ở đâu? Tới bến bờ nào của văn chương? Có nhớ về năm tháng Hàm Nghi và bài văn trong Ra khơi dấu chân kỷ niệm?

Mấy hôm trước Hồ Xuân Bích, Nguyễn Trọng Minh, Huỳnh Hữu Khánh điện thoại và nhắn tin khẩn: Họp mặt thất 2, 1966 -1973 vào tháng 11- cố về. Bao nhiêu năm xa cách vậy mà Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn hay tận nơi xứ người xa xăm… đi đâu làm gì cũng đau đáu về thầy cô trường lớp bạn bè Hàm Nghi một thuở - điều mà chính tôi người trong cuộc không lý giải nổi? Ái hữu Hàm Nghi đã ra mắt cuốn Đặc san thứ 8 về trường xưa kỷ niệm. Giữa bao chồng chất bề bộn - nỗi riêng niềm chung- trang sách Hàm Nghi mở ra ký ức tuổi thơ ùa về - những lúc như thế tôi như nghe lòng bình yên, thanh thản- nhẹ gánh lo toan, được trở về tìm lại góc nhỏ ngày xưa vô tư vụng dại của tuổi học trò…

Dấu chân Thành nội những ngày Huế mưa, chao ôi là buồn. Thi nhân kim cổ đề thi ngàn vạn trang mưa Huế vẫn còn đâu đó - chưa thể treo lên lầu cao. Mùa mưa dai dẳng lê thê trên đất Huế. Mưa thúi đất thúi đai, trắng trời trắng đất, mưa cả tháng không thấy ánh mặt trời. Mưa từ tháng 7, 8 cho tới giêng hai. Hoàng thành xưa nhuộm thêm màu cổ kính. Màu ngói rêu phong phủ dày trên những ngôi nhà cổ. Từng con đường, góc phố vội vã bước chân qua, Thành nội trầm mặc lặng lẽ giữa các cô cậu học trò lầm lũi trong mưa...

Tuổi cắp sách ai mà không thích những ngày nghỉ học trời… cho. Lụt. Khắp mọi ngả đường vàng đất một màu nước, bầu trời gần hơn - một màu xám âm u lạnh lẽo… Tầm tã mưa, mưa như trút - chuyện nơi xứ này trời hành cơn lụt mỗi năm… như quà tặng của đất trời. Đò Thừa Phủ không đưa, nước tràn Đập Đá lội qua không được; Bao Vinh, Kim Long, Chợ Cống, Đông Ba, Gia Hội… mênh mang một màu sông nước - nước từ thượng nguồn Trường Sơn đổ về ầm ào như thác đổ, sông Hương cuồn cuộn sóng cuốn phăng về cửa biển Thuận An. Lũ chúng tôi xăn quần túm áo lội lụt, vô tới hồ Tịnh Tâm coi rớ cá. Chạy đuổi nhau trợt ngã, về nhà đứa nào đứa nấy ướt như chuột lội.

Lớn lên thêm chút biết mẹ lo âu, lụt chắc năm ni, mùa màng ngoài quê thất bát, bà con mình thiếu gạo ngày đông lạnh, tết ni biết lấy chi mà lo tết… Những năm lụt to, nhìn bà con bồn chồn ra vô đứng ngồi trông ngóng người thân đi mô đó chưa kịp về, thẩn thờ biết răng chừ, chuyện lành ít dữ nhiều. Gia đình chị nớ mất người trôi luôn cả cửa nhà rồi đây lấy chi mà sống… Quê hương em nghèo lắm ai ơi/ Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn… Thương Huế chi lạ…

Tôi đã bỏ Huế bỏ Thành nội mà đi, chừng ấy năm loay hoay bạc tóc chẳng làm nên công cán gì. Cảnh cũ người xưa đà khác, thầy tôi bảo: “Sự đổi thay không đến từ thiên nhiên; tất cả đều do con người, là những lớp sóng phế hưng của thời đại tác động qua năm tháng. Trong dòng đổi thay đó cũng thấy mình trong ấy, thấp thoáng bóng buồn vui… Cũng may còn cái tên Thành nội để nhớ”.

Cũng may giờ đã có ngôi trường Hàm Nghi mới. Ngày ấy rời trường tôi vào sư phạm. Gần 35 năm trên bục giảng tôi đã đi đến nhiều vùng đất nước, dừng chân nhiều loại hình trường lớp, có bao mối quan hệ nghĩa thầy trò, dạy và học, tình bạn bè - thế mà trong tôi trường xưa Hàm Nghi - dấu chân Thành nội vẫn luôn là nỗi nhớ khôn nguôi - hành trang yêu thương mang theo và để thôi thúc bước chân về…

L.Q.K
(SH281/7-12)






 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Xóm Ngự Viên (01/09/2011)