Góc Hoài niệm
Tình mẹ - suối nguồn vô tận…
14:46 | 31/08/2012

LÊ QUANG KẾT
         Bông hồng dâng mẹ 

Vua Tự Đức - ông vua tại vị gặp cơn biến động trong lịch sử dân tộc, sinh thời nhà vua đã tán dương công ơn mẹ: “Nuôi ta là mẹ, dạy ta cũng là mẹ: Mẹ là Thầy vậy. Sinh ra ta là mẹ, hiểu ta cũng là mẹ: Mẹ là Trời vậy”.

Tình mẹ - suối nguồn vô tận…
Minh họa: NHÍM

Mẹ vua là Thái hậu Từ Dũ (Từ Dụ), tên là Phạm Thị Hằng - danh hiệu bà được đặt tên cho bệnh viện phụ sản lớn Sài Gòn thành lập từ năm 1923 và hình tượng Người Mẹ Cao Đẹp ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay (dù đã có lúc người ta muốn đổi tên).

Mẹ là trời là thầy - quả là lời chí tình chí cốt của đứa con hiếu để dù rằng người đang ở ngôi cao thiên tử. Mẹ là trời - ngày trước trời cao có thiên đình - Ngọc Hoàng Thượng Đế soi rọi xuống trần gian, sinh ra con người - quyết định sự sống và cái chết ở đời, hiểu thấu đáo ngọn ngành mọi chuyện giữa thế gian… Mẹ là thầy, người thầy theo con đi trọn cuộc đời, không màng huy chương tưởng lục, chẳng cần bảng vàng bia đá vinh danh…

Mùa hè miền Trung nắng rát gió Lào, mẹ sớm hôm tần tảo nuôi con học hành nên người - khổ riêng mình chịu. Thầy Mạnh Tử ngày xưa có người mẹ tuyệt vời. Bà là Chương Thị (người đàn bà họ Chương) - nhà ở gần nghĩa địa, Mạnh Tử chỉ thích khóc lóc, đào bới chôn cất. Nhìn con như thế mẹ không yên lòng: “Chỗ này không phải chỗ con ta”, dời nhà ra phía chợ, thầy Mạnh chỉ quan tâm chuyện bán mua, thói đảo điên giữa thương trường lạnh lùng tiền bạc, mẹ lại phải thốt lên: “Đây cũng chẳng phải chỗ của con ta”. Cuối cùng mẹ Mạnh Tử dọn nhà đến gần trường học, con bắt chước học trò lễ phép chào thưa, nâng niu sách vở, ê a vần bài - mẹ cười tươi hạnh phúc: “Chỗ này mới thật là chỗ cho con ta”. Từ nơi ở mới Mạnh Tử chí tâm học hành khổ luyện - thành Người đạo cao đức rộng. Ông được xem là vị tổ thứ hai của Nho giáo và được hậu thế tôn làm “Á thánh Mạnh Tử” (chỉ đứng sau Khổng Tử).

Nơi tôi cư trú có bà mẹ nghèo khổ, nhà cửa tuềnh toàng, cô con gái bị sốt bại liệt, mười năm chị cõng con tới trường. Cuối cùng đứa con tật nguyền bất hạnh kia cũng không ở được với chị. Ngày tang cô bé cả xóm đưa tiễn, chị như người mất hồn: “Trời ơi! Con tôi, con ơi… sao trời không bắt tôi đi để cho con tôi được sống, đứa con tội nghiệp đáng thương của tôi… trời ơi…”. Cả dòng người đưa cháu ai cũng sụt sùi, thương cảm.

Những nghệ sĩ lớn, khi nhắc về mẹ họ luôn hãnh diện và tự hào - mẹ là điểm tựa lớn đã đưa họ đến đài vinh quang của nghệ thuật. Nhắc đến kịch nghệ miền Nam, nhắc đến hình tượng đẹp về người mẹ phải kể đến vở Lá sầu riêng của Kịch Kim Cương. Và, NSND Kim Cương đã tưởng niệm mẹ bằng việc tổ chức live show “Tạ ơn đời” - vào ba ngày trong tháng 8 (6,7,8) để tri ân người mẹ kính yêu NSND Bảy Nam nhân 8 năm ngày mẹ đi vào cõi vĩnh hằng. Hồi nhỏ tôi được xem Bông hồng cài áo do chính nghệ sĩ Kim Cương thủ vai. Nhiều khán giả và cả tôi đã khóc thành tiếng. Có người nức nở: Mẹ ơi, mẹ ơi!… Bài hát Lòng mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân là ca khúc tiêu biểu, sâu sắc và thiêng liêng nhất về tình mẹ “Lòng mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu/ Tình mẹ yêu mến thư làn gió đùa mặt hồ…”. Mồ côi cha gia đình nghèo túng, hồi còn ở Hà Nội cả gia đình nhạc sĩ dắt díu nhau trong một túp lều xiêu vẹo ở ngõ chợ Khâm Thiên. Cuối thập niên 50, ông là nhạc công chơi cho các nhà hàng ở Sài Gòn. Nhà vẫn cảnh nghèo, hằng đêm mẹ phải giặt giũ quần áo ở vòi nước công cộng tới tận khuya. Trên đường về nhà từ phòng trà ông mục thị cảnh mẹ vất vả lo toan cực nhọc vì con - đã viết thành ca khúc Lòng mẹ kính tặng người mẹ tảo tần giàu đức hi sinh của chính mình… Giai điệu và ca từ Mừng tuổi mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn dặt dìu nghe nhói tận tâm can: “Mỗi mùa xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi/ Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần/ Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng mẹ bay như gió như mây bay qua đời con, như gió như mây bay qua thời gian/ Ôi mẹ của tôi!/ Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi/ Mồ côi, tội lắm ai ơi!/ Đói cơm khát nước biết người nào lo…”.

Mùa đông miền Bắc rét buốt - lạnh tới xương tủy, mẹ vẫn nắng mưa lặn lội vì chồng vì con, chẳng quản thân mình. Những chuyện kể về tình mẹ cuốn hút độc giả mọi nơi mọi lứa tuổi. Có bà mẹ lạ lùng: gia đình chồng, mẹ chồng và người làng bảo mẹ điên đuổi ra khỏi làng, cách ly với đứa con nhỏ đứt ruột đẻ ra. Dù rách rưới thân tàn ma dại và xa con tới mười mấy năm, người mẹ ấy thân bệnh nhưng tâm luôn nhớ thương con hướng về con, khi gặp lại bà vẫn nhận ra đứa con yêu quý, sẵn sàng lấy thân mình ôm ấp vỗ về che chở dù biết sẽ phải nhận lấy cái chết. Mẹ có thể vì con mà hi sinh tính mạng. Mẹ có thể vì con mà từ bỏ mọi thứ của cải và mọi điều ân sủng quý giá nhất. Tình mẹ thiêng liêng kỳ bí và huyền diệu biết dường nào.

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp ba có câu chuyện bi thương Người thợ săn và con vượn của văn hào Nga Lép Tônxtôi: “Một hôm, người đi săn xách nỏ vào rừng. Bác thấy một con vượn lông xám đang ngồi ôm con trên tảng đá. Bác nhẹ nhàng rút mũi tên bắn trúng vượn mẹ. Vượn mẹ giật mình, hết nhìn mũi tên lại nhìn về phía người đi săn bằng đôi mắt căm giận, tay không rời con. Máu ở vết thương rỉ ra loang khắp ngực…”. Người thợ săn đứng im, hồi hộp… Bỗng vượn mẹ nhẹ nhàng đặt con nằm xuống, vơ vội nắm rác, gối lên đầu con, rồi hái một cái lá to, vắt sữa vào đó, đặt lên miệng con. Xong, nó nghiến răng, giật phắt mũi tên ra, rú lên một tiếng... Câu chuyện được kể tiếp đầy thương tâm của các em nhỏ: Bác thợ săn lặng người, buốt nhói như chính mũi tên kia bắn vào tim mình. Bác chặt bỏ chiếc nỏ đốt hết mũi tên, chôn cất vượn mẹ, đưa vượn con về nuôi trong nhà mình - săn sóc chú như con. Chú vượn con lớn khôn trưởng thành, người thợ săn đầy tâm trạng đã quyết định trả chú trở về với rừng xanh ngay tại nấm mồ vượn mẹ, rồi tự nhủ: Ta là kẻ có tội, ác độc đã hủy diệt một tình mẹ cao cả, từ đó bác ta quy y tam bảo thành tâm sám hối, nguyện làm việc lành ngưỡng mong Phật tổ từ bi gia hộ… Chao ôi! Tình mẹ dạt dào như trời biển!

Mẹ là thầy, người thầy không ngơi nghỉ đưa con tới bến cuộc đời. Mẹ dạy con “học ăn học nói học gói học mở”; “ăn xem nồi ngồi xem hướng”; thế đứng dáng đi, từng câu từng lời, đối nhân xử thế; dạy con đạo làm người giữa cõi đời tục lụy đầy chông chênh gập ghềnh sóng gió… Kỳ thi đại học rồi, tôi gặp người má Nam Bộ đậm chất “hai lúa”. Má bán hơn trăm giạ lúa cho con lận lưng lên thành phố ứng thí. Số lúa chắt chiu dành dụm mấy năm trời, nhà chẳng còn chi. Con đi rồi nghe chòm xóm thiệt hơn - Sài Gòn đắt đỏ, phố thị lành dữ xô bồ, tiền ăn ở xe cộ chi phí tốn kém… Má đứng ngồi không yên, lo nghĩ: con mình chơn chất liệu bề sao đây!? Vậy là má cầm luôn đôi bông tai hồi cưới, lên tận nơi để lo cho con, cố không để con buồn tủi. Má cười thỏa: “Lo cho con mà tính toán chi, năm tới tui cố mần thêm mấy công mía là tạm ổn…”. Ôi! Cực thân má, chỉ việc đưa con đi thi mà người mẹ miệt vườn phải tằn tiện mấy năm trồng cấy thu hái, cầm cố thêm kỷ vật yêu đương thời thiếu nữ lo cho con. Không biết cậu con ngày sau này thành đạt tính chuyện sao đây…

Những đứa con lớn khôn tung cánh xa rời vòng tay mẹ, bay tới những chân trời mới, tìm kiếm bao điều cao xa kỳ lạ. Mẹ vẫn thế, cặm cụi sớm hôm nơi quê nhà. Anh chị biết không? Tôi đang còn mẹ, mẹ tôi đã ngoài tám mươi còn tôi đang bước vào lục thập. Vậy mà tôi vẫn chưa làm được điều gì cho mẹ vui…
 

Minh họa: NHÍM

Tuổi nhỏ vắng ba tôi ở với mẹ. Mẹ nuôi tôi trong khổ cực với nghề hàng xáo. Ngày ấy để có hạt gạo trên đôi quang gánh hàng xáo đều phải từ bàn tay. Những nông cụ thủ công từ bao đời gắn liền với công việc hàng ngày trên vai mẹ tôi vẫn nhớ như in. Cái xay lúa phải kéo đẩy ầm ào cả buổi mới xong mấy thúng lúa, giờ hình như chỉ còn trong truyện cổ tích hay ở khu bảo tàng làng quê Việt. Đôi lần thuở ấy tôi đã thử xay lúa phụ mẹ nhưng chỉ dăm ba phút là tay chân mỏi nhừ, quay cuồng như người say. Chiếc cối giã, rồi những chày tay chày vồ, giần, sàng, thúng mủng, trấu thóc, nong nia, tấm cám… đã cùng mẹ con tôi dần dà theo năm tháng.

Tan học chiều, tôi thường ra ngóng mẹ đi mua lúa về ở cây mưng đầu xóm. Tối đến, căn nhà rộn lên tiếng xay giã giần sàng, thường thì tôi thiếp đi khi công việc mẹ chưa xong. Sáng sớm mẹ đã gánh gạo ra chợ, phần lời thường là mấy đồng và đôi ba lon gạo mẹ con đắp đổi qua ngày. Một mình mẹ ngày qua tháng lại tần tảo nuôi con chờ chồng ngày đoàn tụ…

Từ đôi tay chai sần và đôi vai quang gánh trên vai mẹ, tôi đã được đến trường. Thời ấy túng khổ lắm các anh chị biết không? Cuộc sống làng quê thiếu thốn, rồi chiến tranh bom rơi đạn lạc chuyện học hành thi cử là gánh nặng gia đình. Cả làng xã chỉ mấy nhà khá giả mới lo nổi cho con đến lớp, hiếm lắm tú tài cử nhân. Mẹ con tôi nghèo. Căn nhà mẹ chỉ là phên đất mái tranh, chẳng có thứ gì đáng giá. Ký ức tháng ngày cũ thầm nhắc: “Cậu được ăn học là mồ hôi công sức và có cả nước mắt của mẹ. Sau này khôn lớn nên người làm gì đi đâu cậu không được phép quên”.

Làng quê chẳng yên, mẹ con tôi bỏ quê lên thành phố. Tôi phải tạm nghỉ học. Nhưng với mẹ không thể thế được. Phải tiếp tục việc học dở dang? Lấy gì để nuôi con ăn học giữa chốn thị thành đông người ít việc? Một phụ nữ nghèo khó như mẹ biết làm gì ngoài chuyện phải chấp nhận người giúp việc ở mướn. Mười năm đằng đẵng nhục nhằn ở đợ nuôi con. Mỗi khi nghĩ về mẹ và ngày tháng cũ tim tôi đau nhói… lòng quặn thắt… nước mắt cứ chực trào ra. Bước đường học vấn của tôi được trả giá bằng sự hy sinh vô bờ bến của mẹ. Tôi vào sư phạm và ra trường ngày đất nước thống nhất.

Ba tôi tập kết trở về. Mẹ con tôi mừng mừng tủi tủi. Nhưng điều ngang trái đã đến với mẹ khi biết ba có vợ con ngoài Bắc. Mẹ lại cắn răng âm thầm chịu đựng. Khổ riêng mình chịu. Mẹ chẳng một lời phàn nàn trách cứ, lặng thầm chấp nhận. “Một đời gánh nắng gánh mưa/ Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng”. Hai mươi mốt năm một mình nuôi con chờ chồng giờ thành vô vọng. Mấy năm đó mẹ ít nói ít cười… Chuyện rồi cũng nguôi ngoai, mẹ quyết định về quê nội dựng lại căn nhà nhỏ. Mẹ khẽ bảo: “Lỗi chẳng do ai, chỉ là chuyện lịch sử đất nước, do chiến tranh xa cách mà ra. Giờ mẹ già rồi, về quê lo chuyện mồ mả kỵ giỗ, chăm sóc ông nội cho trọn bề dâu trưởng”. Chao ôi, mẹ tôi một đời khổ cực buồn tủi!

Hơn ba mươi năm rồi tôi chưa kịp về với mẹ, chỉ thưa thớt mấy bữa phép năm. Đứa con bất hiếu bôn ba chen chúc lợi danh, thu vén cho mình, ấm êm vợ con, cố tìm nơi chốn yên lành. Mẹ nơi quê nhà ngày càng luống tuổi. Mắt mờ, lưng còng, tóc bạc, da nhăn… “Mẹ không còn ở lâu với ông nữa đâu” - ai đó thầm nhắc nhở, thúc giục…

Mỗi ngày đi qua lòng tôi lại bồn chồn lo lắng. Căn nhà nhỏ thời thơ ấu của mẹ hiện về, nắng sương mưa gió, mẹ tôi đôi quang gánh hàng xáo lầm lũi tần tảo nuôi con. Giờ đây ốm đau trái gió trở trời ai người chăm sóc, phụng dưỡng. Mẹ ơi, cái ngày con xa mẹ đang gần, Vu Lan sắp tới con có còn được cài nụ hồng lên ngực? Cảm ơn chị Xuân Quỳnh với câu thơ hay “Dẫu con đi hết cuộc đời/ Cũng không đi hết những lời mẹ ru”. Cảm ơn anh Đỗ Trung Quân về “Mẹ” và tôi hiểu ra, nghe lặng lòng thổn thức. “Con sẽ không đợi một ngày kia/ Khi mẹ mất mới giật mình khóc lóc/ Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?/ Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt/ Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua/ Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ/ Ai níu nổi thời gian?/ Ai níu nổi?/ Con mỗi ngày một lớn lên/ Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi/ Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn…”. Xin phép nhà thơ cho tôi được nhắn gởi những ai còn mẹ một nụ hồng và thêm một lần - điệp ngữ “Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn”.

Mạ ơi! Con đã lo liệu mọi thứ và sẵn sàng hành trình: - Về với Mạ, Mạ ơi!...

L.Q.K
(SH283/09-12)  








 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Xóm Ngự Viên (01/09/2011)