Góc Hoài niệm
Tháng hai mãi nhớ
15:14 | 17/02/2014

(SHO). Nhân dân Việt Nam khắc sâu và nhớ mãi cuộc chiến đấu can trường bảo vệ biên giới tổ quốc thân yêu tháng 2/1979. Điều đó đã thêm vào trang sử hào hùng về tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.

Tháng hai mãi nhớ
Nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên - Hà Giang, nơi yên nghỉ của các liệt sỹ đã đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới. Ảnh: Dantri.com.vn

Tháng Hai 1979, cách đây tròn 35 năm, khi đất nước vừa thống nhất, khói lửa chiến tranh chưa kịp nguôi ngoai, biên giới phía Bắc Tổ quốc lại bị xâm chiếm. Lời kêu gọi tất cả vì tổ quốc quyết sinh lại vang vọng trong mỗi trái tim.

Ngày đó, ngay trong đêm 17/2, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã xúc động sáng tác bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do”: “Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng - Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca!”. Bài hát này chỉ vài ngày sau đã được dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên. Nhiều bài hát bừng bừng khí thế tiến công sau đó tiếp tục ra đời, và đến bây giờ nhiều người vẫn hát: “Đôi mắt hình viên đạn” (Trần Tiến); “Gửi em ở cuối sông Hồng” – nhạc: Thuận Yến, thơ: Dương Soái, 1979-1980; “Chiều biên giới” – nhạc: Trần Chung, thơ: Lò Ngân Sủn, 1980; bản hùng ca “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” (1979) của nhạc sĩ Hồng Đăng; “Hát về anh” của Thế Hiển viết về những hy sinh thầm lặng của người lính biên phòng…

Cả dân tộc Việt Nam lại bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Sau gần một tháng chiến đấu ngoan cường giữ gìn cột mốc biên cương, quân xâm lăng cuối cùng phải rút quân về bên kia biên giới.

Tháng hai 2014. Những ngày này nơi miền biên giới, sắc đỏ hoa đào tràn ngập như tri ân người chiến sĩ quên mình bảo vệ biên cương. Nhân dân cả nước đã không quên công ơn của những người đã hy sinh vì non sông.

Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết về việc đặt tên 6 đường, 85 phố và 26 công trình công cộng trên địa bàn TP Lào Cai, trong số đó có 3 tuyến đường mang tên ba liệt sỹ tiêu biểu hy sinh anh dũng trong chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979.

Đó là tên của Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND), liệt sỹ Võ Đại Huệ (1952 – 1979), cán bộ phân đội thuộc Trung đoàn 16 (Công an vũ trang nhân dân) đã mưu trí, kiên cường trong chiến đấu, lập chiến công xuất sắc và anh dũng hy sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới ở Mường Khương (tỉnh Lào Cai) tháng 2/1979. Tên của liệt sỹ Võ Đại Huệ được đặt tên cho một đường  phố mới (trục đường N7 nối với đường N8 ở khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường).

Đó là tên Anh hùng LLVTND, liệt sỹ Quách Văn Rạng (1956 - 1979), là Trung đội phó chiến đấu của Đồn biên phòng 125 cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã mưu trí, ngoan cường trong chiến đấu giữ vững trận địa khi bị địch tấn công ngày 17/2/1979 và dũng cảm hy sinh để giữ vững khí tiết của người chiến sỹ biên phòng Việt Nam khi bị rơi vào tay kẻ địch, góp phần bảo vệ đơn vị di chuyển về vị trí mới tiếp tục chiến đấu. Tên của liệt sỹ Quách Văn Rạng được đặt tên cho một  khu phố mới ở khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường của phường Bắc Cường.

Đó là tên liệt sỹ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết (1945 - 1979), là phóng viên mặt trận của báo Hoàng Liên Sơn đã anh dũng hy sinh trong ngày 17/2/1979 khi đang cùng bộ đội địa phương trực tiếp chiến đấu bảo vệ chốt tiền tiêu biên giới ở khu vực xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Tên của liệt sỹ - nhà báo - nhà văn Bùi Nguyên Khiết đã được đặt tên cho khu phố mới nằm trên trục đường DN2 thuộc địa bàn phường Bình Minh trong khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường.

Nhân dân Việt Nam khắc sâu và nhớ mãi cuộc chiến đấu can trường bảo vệ biên giới tổ quốc thân yêu tháng 2/1979. Điều đó đã thêm vào trang sử hào hùng về tinh thần bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc.

Nam Giao

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Ấy và mình (20/10/2013)