Vùng quê nghèo chúng tôi nằm sát chân núi Hồng Lĩnh có Hàm Anh (nay là xóm 1 xã Tân Lộc) từng sản sinh ra một Tiến sĩ xuất thân Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) (1499) đời Lê Hiến tông tên là Phan Đình Tá (1468-?)
Dưới triều Lê, lúc đầu ông lĩnh chức Thừa chánh sứ Nghệ An, rồi thăng chức Lại bộ Thượng thư tước Lan xuyên bá. Đến khi Mạc Đăng Dung đoạt quyền lên làm vua, ông được phong tước Hầu, quyền uy rất lớn, thường vênh vang tự coi mình là “Lưỡng triều Tể tướng”. Ông là người đã vâng lệnh Lê Cung Hoàng đi phong cho Mạc Đăng Dung là An Hưng vương, rồi lại sai ông thảo tờ chiếu nhường ngôi cho nhà Mạc. Do đố mà số quan lại trung thành với nhà Lê gọi ông là “Mại quốc Thượng thư” và ngọn Rú Mã ở nơi quê ông được mệnh danh là “Mại Quốc Sơn”. Dù vậy, Tiến sĩ Phan Đình Tá cũng đáng được coi là một “nhân kiệt” của xứ “địa linh”.
Về sau, ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cũng tại làng Hàm Anh này lại có thêm một người có học hành chữ nghĩa thánh hiền, đi thi đậu Tú tài tên là Đào Đôn Thạnh mà nhân dân thường gọi là cụ Hàn Thạnh vì cụ được ban chức Hàn lâm viện đãi chiếu và cũng là người có học vị cao nhất của tổng Phù Lưu vùng hạ huyện Can Lộc.
*
Làng Hàm Anh kề sát với làng yên Tập (nay gộp 2 làng này thành xóm 1 (xóm núi) của xã Tân Lộc) là sinh quán của ông Nguyễn Hưu (1914-1986). Hiện nay, vì tập Hồi ký, Tự truyện của Thanh Minh – Nguyễn Hưu bị thất truyền, chúng ta không thể biết rõ quá trình xuất thân gia đình và hình thành nhân thân, nhân cách của Nguyễn Hưu từ buổi ấu thơ, nhưng có thể suy diễn được rằng, ông có chịu ảnh hưởng của “truyền thống đất khổ học” nơi đây. Ông đã học qua bậc “Ấu học” và có bằng “Tuyển sinh”. Hán học như thế nào, học với ông đồ nho nào mà có được vốn chữ Hán đủ để đọc thông viết thạo và dịch được văn thơ chữ hán khá trôi chảy được mọi người khâm phục, thì cũng đáng được xếp hạng là một “trí thức làng xã” và là một thầy giáo “hương sư” của những năm 1935-1940 trước đây. Và chính ông cũng có dạy kèm một số con cháu ở lớp học gia đình, nên mọi người cũng từng gọi ông là Thầy Giáo Hưu ở làng Yên Tập. Chính vào tuổi thiếu niên lúc ấy, ông đã rời quê hương để lên huyện, lên tỉnh theo học trường “Pháp Việt kiêm bị”. Ở cấp học này, ông đã nắm được ít nhiều tiếng Pháp, trau dồi thêm chữ Quốc ngữ và được coi như một “trí thức trẻ” có trình độ Hán - Pháp – Quốc ngữ tinh thông, có kiến thức, học vấn của một “Thầy Ký” để có tha phương kiếm sống bằng nghề “cạo giấy” (thư ký) cho nhà buôn các cửa hiệu thuốc bắc ở Sài Gòn, ở Huế, ở Vinh,v.v... Do yêu thích văn thơ, phú lục, ông mở rộng tầm hiểu biết bằng cách đọc thêm sách báo của các tỉnh thành nơi ông làm việc và biết cách sưu tầm, tìm đọc và lưu giữ những tờ báo, những tập sách để tra cứu học hỏi thêm, và rồi ông cũng tập làm thơ cảm tác, viết bài đăng báo. Khoảng năm 1943-1944 ông có mang về quê được một số tập báo chí đương thời như các tập báo Khuyến học, Công luận... xuất bản ở Sài Gòn hay tờ báo Tuần Đông y của cụ Nguyễn Trung Khiêm (?) xuất bản ở Vinh.
Thuở ấy cha tôi thường bảo tôi đến nhà Thầy Hưu mượn về đọc. Bản thân tôi tuy với trí óc non nớt cũng đã thu nhận được nhiều kiến thức khá hấp dẫn từ các bài báo viết về các danh nhân như Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt... Tôi từng chú ý đọc đi đọc lại nhiều lần truyện Nhà bác học Trương Vĩnh Ký được tôn vinh là 1 trong số 18 danh nhân thế giới lúc đó. Hình ảnh nhà bác học này được in chung với 17 nhà bác học khác chiếm cả một nửa trang báo Khuyến học khiến tôi xúc động và nhớ mãi đến tận hôm nay. Phải chăng những bài báo đó đã giúp tôi sớm yêu thích môn học Lịch sử, kính phục các bậc hiền tài để càng yêu thích hơn nghề sử và đam mê tìm hiểu nghiên cứu các danh nhân và các bậc tiền bối trong lịch sử nước nhà? Tôi thực sự cảm ơn Thầy Giáo Hưu và sách báo cũ ở nhà Thầy Hưu đã góp phần tác thành nên con người và sự nghiệp của tôi hôm nay.
Hình ảnh Thầy Hưu, một thân hình mảnh mai nho nhã lịch thiệp hằn sâu trong trí nhớ của tôi là một hình ảnh đẹp. Đúng như bài thơ Tự vịnh của ông cảm tác năm 1952:
“Không thô cho lắm cũng không thanh,
Chẳng rặt nông thôn, chẳng thị thành.
Cát bụi vấy hoen màu áo sẫm,
Nắng mưa dầm nhợt nước da xanh...”
Những vần thơ tự họa phản ánh trung thực con người dễ ưa dễ mến của Thầy Giáo Hưu mà tôi sớm cảm nhận và cảm phục.
*
Những năm tháng có mặt ở quê hương, Thầy Hưu thường đến thăm viếng những gia đình có học hành chữ nghĩa, như gia đình con cháu cụ Thị Nga (Hàn lâm Thị độc Nguyễn Duy Nga tức Cử nhân Nguyễn Hữu Chánh ở làng Kim Trì, nay là xóm 3 xã Tân Lộc) hay là gia đình chúng tôi ở làng Đỉnh Lữ (nay là xóm 8 xã Tân Lộc). Thầy Hưu và các bậc cha chú của chúng tôi giao lưu bàn thảo những vấn đề gì về thế thái nhân tình hay là bàn chuyện “quốc sự” gì thì không rõ, nhưng hễ gặp nhau là họ hân hoan lắm.
Rồi không lâu sau những buổi gặp mặt ấy, Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ. Quê hương tổng xã tôi tưng bừng trong không khí “cướp chính quyền ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng” khắp các xã, tổng, huyện. Chúng tôi thấy trong hàng ngũ những người cán bộ Việt Minh đều có mặt các bậc cha chú quen thuộc được giới thiệu trong các buổi tập họp mít tinh, biểu tình do Việt Minh huyện, tổng và xã tổ chức để biểu dương lực lượng hết sức rầm rộ. Và lúc này, trước đông đảo quần chúng nhân dân đã xuất hiện không những có Thầy Hưu và các cha chú quen thuộc mà còn có cả đại biểu Phụ nữ Cứu quốc của tổng. Thay mặt Hội Phụ nữ Cứu quốc là chị Võ Thị Cúc – vợ của Thầy Hưu (một phụ nữ mặc trang phục tân thời) vốn là con gái rượu của cụ Tú tài Võ Quốc Vọng quê ở xã Thuần Thiện; cụ Tú Vọng là bà con họ hàng với cụ Võ Liêm Sơn, một nhân sĩ nổi tiếng cả ở xứ Nghệ - cũng đăng đàn diễn thuyết, đôi khi lại tuýt còi nghiêm lệnh yêu cầu công chúng giữ trật tự để nghe ý kiến của chị.
Hình ảnh “Thầy Hưu – Chị Cúc” ở thời kỳ Việt Minh cướp chính quyền – Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 tại quê tôi thật nổi bật, thật đáng ghi nhớ như là hình ảnh của các trang anh tài xuất hiện ở trong một cuốn tiểu thuyết nghĩa hiệp... và đó cũng là ấn tượng khó quên trong trí nhớ của tôi.
Chặng thời gian tiếp theo, vợ chồng Thầy Hưu thoát ly khỏi địa phương để lên huyện lên tỉnh làm cán bộ, ít có dịp gặp lại, nhưng tôi vẫn dõi theo tin tức gia đình của Thầy.
Mãi đến năm 1956 khi tôi Tốt nghiệp Đại học ra trường, về tỉnh nhà mới đến thăm gia đình Thầy hiện công tác ở Ty Văn hóa Hà Tĩnh. Thầy và bà Cúc bảo tôi từ này xưng hô bằng Anh Chị và nhận là bạn vong niên của Thầy để thường xuyên trao đổi thư từ sách báo giữa hai địa điểm: Tôi công tác nghiên cứu lịch sử ở Hà Nội và Thanh Minh (bút danh của Anh) rất quen thuộc với giới văn hóa – văn nghệ ở Hà Tĩnh. Từ đó, giữa tôi và người bạn vong niên Thanh Minh trở nên gắn bó hơn. Trong nhiều năm liền, anh đã gửi cho tôi hàng mấy chục tập sách của Ty Văn hóa Hà Tĩnh do anh biên tập, xuất bản chứa đựng nhiều thông tin hoạt động văn nghệ - văn học ở quê hương. Lại cũng có những luận văn nghiên cứu, những tập sách sưu tầm văn học dân gian đều là những tài liệu rất quý cho những nhà nghiên cứu lịch sử/ văn hóa xứ Nghệ. Kèm theo những tập sách do Ty Văn hóa mà chính anh Thanh Minh sưu tầm biên soạn, anh cũng gửi thư đều hàng tháng cho tôi trao đổi nhiều tin tức thân tình thắm thiết. Anh có người con trai đầu tên là Giai học Đại học ở Hà Nội cũng thường đến thăm gia đình chúng tôi. Có năm Tết đến, anh viết thư cho chúng tôi: “Vì chiến tranh bom đạn ác liệt, cháu Giai không về quê được, vậy anh chị (tức chúng tôi) đón cháu về với gia đình ở lại dịp Tết cho vui...”. Tình cảm thân thiết của anh gợi lên nhiều xúc cảm sâu sắc trong lòng chúng tôi khó mà quên được. Lại có một lần thật xót xa thương cảm anh chị, khi anh Thanh Minh viết thư báo “cháu Nghi – em trai của Giai – vừa hy sinh ở chiến trường chống Mỹ trong Nam” và gửi luôn cho tôi một bài thơ Khóc con dài đến 3 trang đầy tâm sự đau thương đẫm lệ. Bài thơ này cũng đáng được coi là một tác phẩm nói về lòng xót thương của cha mẹ đối với người con yêu dấu đã hiến thân cho Tổ quốc quang vinh. Sau này nếu biên soạn tập sách về văn thơ của Thanh Minh thì cũng không thể bỏ quên bài thơ Khóc con đầy cảm xúc nhưng sâu lắng này.
*
Nguyễn Hưu, bút danh là Thanh Minh – nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, quê làng yên Tập (nay là xóm 1 xã Tân Lộc) sinh cách nay vừa chẵn 100 năm, người mà chúng ta đang tưởng niệm, đúng là một gương mặt văn hóa hiếm có của quê hương xứ Nghệ. Thuở nhỏ, học chữ Hán rồi học trường Tiểu học Pháp – Việt ở Hà Tĩnh; về sau làm Thầy giáo làng, rồi đi làm Thư ký cho các nhà buôn, cho các hiệu thuốc bắc tư nhân để kiếm sống và để tự học, tự nâng cao trình độ học vấn, mở rộng kiến thức, trau dồi phẩm chất, đạo đức tư cách, trở thành một nhà văn hóa chân chính. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực, là đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Ông còn công tác ở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và Liên khu IV, là Hội trưởng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh rồi làm Ủy viên Ban chấp hành Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Ông có công lớn trong việc sáng lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và xây dựng Hội phát triển trong những năm tháng lâu dài thời chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
Thanh Minh là người có kiến thức sâu rộng, giàu vốn sống mà cũng giàu tư liệu văn hóa, văn hóa dân gian và văn hóa bác học, nhất là văn hóa văn nghệ của xứ Hồng Lam văn vật. Ông sống chân thành, thái độ khiêm cung cẩn trọng, sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến mình. Công lao của ông lớn nhất là đã xây dựng Hội văn nghệ Hà Tĩnh, tự thân ông đã sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn được nhiều thơ ca, hò vè, ví giặm của xứ Nghệ và hiện nay vẫn còn lưu giữ trong hàng chục ấn phẩm được xuất bản hồi ông công tác ở Ty văn hóa Hà Tĩnh. Thống kê sơ bộ danh mục tác phẩm của ông để lại, gồm có: Đất nước Hồng Lam (1959), Thơ ca cách mạng (sưu tầm 2 tập, 1962), Thơ văn tập Kiều (1963), Cánh diều lộng gió (thơ 1968), Cái lách nứa (thơ trào phúng, 1976), Truyện Kiều hiệu chỉnh một số phương ngữ (1973), Những hạt nắng (tập thơ), Chung thủy (tập thơ),v.v... Thơ cổ kim (dịch Hán văn), Bút châm Đồ Nghệ (thơ trào phúng), Qua đường Kẻ Tá (thơ Đường), Thơ văn Hồng La (sưu tầm)... và rải rác trong các tập sách nhỏ Văn hóa Hà Tĩnh cũng còn có nhiều thơ ca và giặm của Thanh Minh, thậm chí có cả những tiểu luận về Thơ Diễn ca và nhiều bài bàn về phương pháp luận nghiên cứu thơ văn có giá trị khác nữa.
Theo ý kiến tôi, nhân dịp “Kỷ niệm 100 năm sinh Thanh Minh 1914-2014”, cơ quan văn hóa tỉnh Hà Tĩnh cũng nên sưu tầm biên soạn Tuyển tập của ông để lưu lại cho gia đình con cháu ông và cho giới học thuật cả nước nói chung. Việc này có lẽ anh Thái Kim Đỉnh là người có thẩm quyền quyết định hơn ai hết để tổ chức bản thảo và kêu gọi mọi người cùng đóng góp. Mong thay!
Hà Nội, tháng 4 năm 2014
_______________
* Chương Thâu (Nguyễn Chương Thâu) PGS Sử học.
Nguồn: Chương Thâu - Văn Hóa - Nghệ An