Góc Hoài niệm
Cha tôi - nhà văn Lan Khai
14:56 | 21/08/2014

LTS: Nhà văn Lan Khai tên thật là Nguyễn Đình Khải, sinh năm Bính Ngọ 1906 ở Tuyên Quang, song lại có gốc gác dòng họ Nguyễn ở Huế. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm 1930 - 1945, được mệnh danh là “nhà văn đường rừng”, để lại hàng trăm tác phẩm văn học, trong đó có gần 50 cuốn tiểu thuyết.

Cha tôi - nhà văn Lan Khai
Nhà văn Lan Khai

Tư tưởng bao trùm sáng tác của ông là yêu thương thiên nhiên và con người, tinh thần chống đế quốc phong kiến áp bức bóc lột, đại đoàn kết dân tộc… Ông mất khi mới 39 tuổi sau một cái chết có nhiều uẩn khúc. Một thời gian dài di sản của ông bị khuất lấp, phải đến năm 2006, khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỉ niệm 100 năm sinh Nhà văn Lan Khai và Hội thảo “Lan Khai với văn học Việt Nam hiện đại”, nhiều vấn đề mới được sáng tỏ. Ông được đánh giá là một nhà văn yêu nước và có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam.

Sông Hương vừa nhận được bản thảo một số chương trong cuốn hồi ký về nhà văn Lan Khai do người con trai là ông Lan Phương viết và gửi đến. Được sự đồng ý của ông Lan Phương, Sông Hương xin giới thiệu một số chương của cuốn hồi ký trong số báo này và số báo sau. Do trang báo có hạn, chúng tôi phải lược đi một số đoạn so với bản gốc. Chương hồi ký dưới đây là chương III, có tên là “Sự nghiệp văn chương và đời thực của Nhà văn Lan Khai”, Tòa soạn sửa lại tiêu đề “Cha tôi, Nhà văn Lan Khai”.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.



LAN PHƯƠNG

Năm 1926, là những năm tháng cuối cùng ở Trường Bưởi, cha tôi tham gia tổ chức cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên ở Hà Nội, nhân đám tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau đó, ông bị nhà trường của Chính phủ bảo hộ Pháp bắt và đuổi học, với tội danh “Nguyễn Đình Khải dính líu vào quốc sự”. Ông lại tìm đường vào học Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, nhưng luôn bị kẻ thù theo dõi. Trở về quê hương, ông tiếp tục tham gia vào tổ chức bí mật chống Pháp của lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Hoạt động được một thời gian ngắn, ông bị mật thám phát hiện và bị bắt giam ở Hỏa Lò - Hà Nội. Sau khi ra tù, ông trở lại Tuyên Quang, nơi quê hương sinh ra và lớn lên để cùng những người thân đang ở đó. Bước đầu Nguyễn Đình Khải cầm bút để thử nghiệm về học lực và tài năng đặng khẳng định con đường văn nghiệp của mình. Ông lập một nhà sách riêng, đêm ngày tự học và tiến hành nhiều cuộc hành trình khắp nơi trong nước. Rồi những kết quả đã không phụ công đèn sách, rèn tập nghiệp nghề của ông...

Mùa thu năm 1928, ông bà sinh ra tôi, năm ấy là năm Mậu Thìn, ông nội liền đặt cho tôi cái tên Nguyễn Đinh Phượng cũng là cái mốc, cha tôi có tiểu thuyết đầu tay gửi về Hà Nội, gia nhập làng văn bút Hà Thành (Theo các ông Nguyễn Tuân và Ngọc Giao cho gia đình tôi biết: Trước đó Lan Khai đã có một số bài viết cho An Nam Tạp Chí, Đông Pháp, Đông Tây, nhưng chúng tôi chưa sưu tầm được). Đó là cuốn: Nước Hồ Gươm được in thành sách do nhà xuất bản Nguyễn Kính - Hà Nội phát hành. Tiếp đến là các cuốn: Cô Dung, Liếp li, Lẩn sự đời, Chế Bồng Nga, Lầm than và Chuyện lạ đường rừng... do nhà xuất bản Hương Sơn, Tân Dân... xuất bản. Tiếp đến là tiểu thuyết Mực mài nước mắt do nhà xuất bản Đời Mới in. Trong khoảng thời gian ngắn, ông đã liên tiếp cho ra đời một loạt các tác phẩm cuốn nào cũng được các nhà in chào đón, được bạn đọc cổ vũ nồng nhiệt, nhất là những truyện đường rừng. Tên tuổi của Lan Khai nổi tiếng như cồn.

Sau gần nửa thế kỷ, tên tuổi Lan Khai vắng bóng trên văn đàn cả nước, bởi cái chết bất ngờ do tên côn đồ gây ra. Lan Khai mất người, mất cả tên tuổi, chỉ còn lại trên đời nỗi đau khổ triền miên ám ảnh vợ con ông. May thay sau 58 năm biệt tích, nhờ những người tốt bụng, gia đình Lan Khai đã tìm ra sự thật về cái chết của ông. Ngày 26/7/2006, Hội Nhà văn Việt Nam đã làm Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Lan Khai, khi những người gần gũi với ông đã ra đi gần hết. Đến dự Lễ kỷ niệm ông, chỉ còn lại một số nhà văn thế hệ nối tiếp ông như Vũ Tú Nam, Nguyễn Xuân Sanh... mà tôi đã gặp. Cách đây không lâu trên dưới 30 năm có một số người bạn văn bút với Lan Khai như Ngọc Giao, Nguyễn Vĩ, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân, Trương Tửu, Trinh Đường, Học Phi... còn kể tường tận về cha tôi, đôi khi các ông còn liên lạc thăm hỏi mẹ tôi và chúng tôi.

Mẹ tôi và ông nội tôi cho biết, khi còn nhỏ cha tôi sài đẹn, khó nuôi, nhưng biết nói rất sớm nên có biệt danh: Cu Lém và tên cúng cơm: Cậu Bủng. Còn chính danh khai sinh là Nguyễn Đình Khải được giấu đi, lên 7 mới xưng danh ở trường tiểu học. Tên “Khải” chữ Nho có nghĩa là vui, còn Nguyễn Đình là tên dòng tộc. Trong gia đình ông bà nội tôi gọi cha tôi là anh Khải, ngoài xã hội gọi cha tôi là anh Đồ Khải, vì ngoài viết văn và vẽ ra, cha tôi còn dạy học. Khi ở Hà Thành, các bút danh của cha tôi phần lớn do các nhà văn tặng. Năm 1928 gia nhập làng văn sĩ Bắc Hà, cha tôi lấy bút danh Lan Khai, nghĩa là hoa Lan nở, theo tâm nguyện của bà nội tôi: “Mong sao đời con sau này như hoa Lan nở” và cha tôi cũng tôn thờ loài hoa Lan. Vì thế cha tôi đặt tên cho 4 anh em trai chúng tôi là: Lan Hương, Lan Phương, Lan Hoa, Lan Diệp. Bác Trần Huy Liệu khi đến nhà hay gọi cha tôi là Đệ Huyên, bởi khi cùng tham gia đảng Quốc dân của bác Nguyễn Thái Học, cha tôi được cải danh là Nguyễn Văn Huyên, một thời gian sau cha tôi vẫn giữ bút danh này trên tờ Đông Pháp. Cụ Tản Đà gọi cha tôi là ông bạn Lâm Tuyền và tặng cha tôi bút danh Lâm Tuyền Khách. Cụ Nguyễn Văn Tố hay mời Lan Khai đi diễn thuyết, cụ yêu mến tặng cha tôi bút danh là Huệ Khai để nối với Lan Khai. Khi gần gũi, Nguyễn Tuân gọi cha tôi là Ông Mán Do Thái, hoặc ông bạn Lô Giang, Lôi Giang (ý chỉ quê Sông Lô, sông Chảy, ở Tuyên Quang). Nguyễn Vĩ hay gọi Lan Khai là Thục Oanh, bởi khi đó có một cô thiếu nữ Hàng Đào rất đẹp tên Oanh mắc chứng phải lòng văn thơ của Lan Khai. Vũ Trọng Phụng thường gọi cha tôi là Ông Khai. Các chú Nguyên Hồng, Trần Huyền Trân, cô Anh Thơ hay gọi cha tôi là Lan. Ai gọi thế nào cha tôi nghe thế ấy và luôn vui vẻ. Nếu trong cùng số báo có nhiều bài viết của mình cha tôi ký các bút danh khác nhau. Chỉ có bút danh ĐKG là cha tôi tự đặt, có nghĩa là “Để kiếm gạo”, đây là những trang sách viết nhanh, viết vội, giao cho nhà in để kịp tiền đong gạo nuôi 8 người ăn, cha tôi nói: “ĐKG không phải sách để đời mà để sống qua ngày”, nhưng khi sắp chữ in các bác vẫn thường đổi lại tên hay cho dễ bán. Bác Tchya viết thư cho Lan Khai gọi cha tôi là “Người phiêu lưu thân mến!” Bởi vào những năm 1928 - 1933 cha tôi có nhiều cuộc hành trình khắp Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên để khám phá phong tục tập quán và danh lam thắng cảnh mọi miền đất nước. Bởi thế cha tôi quen cả tiếng Ba Na, Gia Rai, Tày, Mông, Dao, Cao Lan... ghi chép đủ điều xa lạ và sáng tác các Truyện đường rừng. Đương thời các văn sĩ Bắc Hà đã mệnh danh Lan Khai là Nhà văn đường rừng nguyên do từ đó. Năm 2003, chúng tôi lại được ông Thiếu tướng Hoàng Mai (Bộ Công an) kể lại bút danh Lan Khai mà cha tôi đã giải nghĩa cho ông Mai hồi đó biết cả bằng chữ Nho và Tiếng Pháp: “Lan Khai có nghĩa là hoa Lan đang nở, với ngày ấy văn chương của Lan Khai chiếm khắp văn đàn được mọi người chú ý”. Mỗi bút danh hay tên hiệu của Lan Khai đều gắn với những quan hệ gia đình, địa danh hay làng văn sĩ Bắc Hà và sở trường hoạt động của ông. Có khi trong một số bài báo, cuốn sách, Lan Khai lấy cả tên người trong gia đình hoặc bè bạn làm tên tác giả, hoặc ghép với tên mình như bác Minh Tuynh trong bài ký Sáu năm cách biệt nay hồi quê hương, cụ Nguyễn Văn Tố ghép với Lan Khai trong tiểu thuyết Rỡn sóng Bạch Đằng... Trong các sổ nhuận bút cha tôi lại ghi tên hai người mẹ của tôi là: Hà Minh Kim và Nguyễn Thị Duyên để ghi công cho các mẹ. Cha tôi thường nói với chúng tôi: “Văn hay dở không tại bút danh mà ở danh dự người cầm bút.”

*

Thời gian đầu, những tập sách ông viết ở quê hương miền núi Tuyên Quang đem gửi về Hà Nội, các nhà xuất bản có tiếng đều nhận in và bán chạy. Nhưng một số ông chủ nhà in, còn cắt xén hoặc ăn quỵt tiền thù lao, ít khi họ chịu thanh toán sòng phẳng nhuận bút cho nhà văn, thậm chí đến một dòng chữ hay lá thư gửi tới động viên, khích lệ ông, họ cũng không quan tâm. Mặc cho nhà in đối xử như thế nào, cha tôi cũng không nản chí, ông coi đó như là một sự thử nghiệm về trí tuệ và tài năng với đời. Ông nhận thấy việc lập nghiệp buổi đầu trong đời sống con người, có phải lúc nào cũng suôn sẻ cả đâu. Xác định như vậy, cha tôi liền lao vào sáng tác cả ngày lẫn đêm. Những cuốn sách cha tôi viết ra trong thời gian này, tôi nhớ hình như có các cuốn: Chàng đi theo nước, Vuông vải trắng, Hồng thầu, Cái ám ảnh, Mọi rợ, Mưu thằng Đợi, Lũ quỷ ám, Thằng Gầy... đã được đăng trên các báo Đông Phương, Ngọ báo, Văn học Tạp chí cùng Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san thuộc nhà in của ông Vũ Đình Long.

Sách và bài viết của ông về sau gửi về Hà Nội không phải đợi lâu và được trả lời ngay. Như vậy ước vọng thành một văn nhân đã chào đón ông. Bạn bè bằng hữu và một số nhà xuất bản đã viết thư khen ngợi, động viên khích lệ mời ông cộng tác. Các số sách, báo được gửi in lần này đã có sự quan tâm của các chủ nhà in, nhà xuất bản trả tiền nhuận bút cho ông rất sòng phẳng và thỏa đáng.

Thế là ngay từ những năm 30 của thế kỉ trước, tên tuổi và sự nghiệp văn chương của Lan Khai đã được khẳng định nhanh chóng, có chỗ đứng trong lòng độc giả Hà thành cũng như cả nước. Thời kì này, các nhà in, các tạp chí đã giành nhau in tác phấm của ông.

Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học kiêm lương y lại là người sinh ở nơi lâm tuyền huyền bí nên ngay từ thuở thiếu thời, cha tôi đã chịu ảnh hưởng của gia đình và môi trường thiên nhiên hùng vĩ và cả những con người nơi ông sinh ra và lớn lên. Trong tâm hồn ông sớm hình thành tư tưởng và nhân cách sống cao cả. Ông thương cảm, yêu mến những người dân nghèo, những người thợ mỏ tội nghiệp, lầm than... Từ nhỏ, ông đã gần gũi và hòa đồng cùng họ, coi họ như những người ruột thịt thân yêu của mình. Sau này, trong các tác phẩm cửa ông, họ là những nhân vật chính. Tác phẩm nào của ông cũng thấy bóng dáng các thổ dân, các cô sơn nữ, những cánh rừng già huyền ảo, những suối sông, núi non hùng vĩ, mờ mờ, ảo ảo thần tiên... Thông qua đó để giới thiệu với những người miền xuôi cuộc sống sinh hoạt, những phong tục tập quán các dân tộc miền núi. Cha tôi có nhiều bạn hữu là người dân tộc thiểu số khác nhau như: Mông, Tày, Dao, Nùng, Cao Lan... Những người áo chàm chân đất ấy đến gia đình tôi trong tình thân thiết. Ông còn tự mình đưa những người bạn không biết tiếng Kinh ấy đi thăm thắng cảnh, phố phường đây đó để biết thêm về đất nước. Không biết từ ma lực nào mà cha tôi lặn lội khắp các bản làng, buôn soóc của đồng bào các dân tộc thiểu số từ thung lũng đến đỉnh núi mờ sương, vừa dạy chữ cho họ, vừa học tiếng nói của họ vừa khảo cứu phong tục. Cho nên mọi tục lệ hôn nhân, ma chay, cưới xin, ca hát, thờ cúng, làm nhà, trồng trọt chăn nụôi... cha tôi biết cặn kẽ từng vùng. Các tục như tục cướp vợ, bắt rể, đưa dâu, chuộc vợ... ông đều chứng kiến. Cha tôi thường dạy chúng tôi và các học trò của ông rằng: “Không có “giống người này giống người nọ” chỉ có loài người cùng một bọc mà thôi!”. So với những cây bút cùng thời, cha tôi là người tiên phong thế hiện tư tưởng cách mạng của mình. Ông là người đầu tiên viết về giai cấp công nhân, cũng là người dám tố cáo tội ác của thực dân Pháp cùng bọn tay sai. Chúng đã cấu kết với nhau để bóc lột dân lành. Chả thế mà khi Lầm than ra đời, lập tức có ngay một bài báo khá dài trên văn đàn Việt Nam với nhan đề: Lầm than, một tác phẩm đầu tiên của nền văn học tả thực xã hội ở nước ta do một nhà báo, nhà văn Mác xít tầm cỡ thời đó chấp bút viết ra, đăng tải trên báo Dân Tiến số 1, năm 1938. Đó là bài báo của Hải Triều, ông hết lòng ca ngợi lập trường và tư tưởng của tác giả viết trong cuốn sách, làm cho dư luận độc giả thời đó xôn xao về tiếng vang, tính thuyết phục của cuốn sách. Còn thực dân Pháp hoảng hốt bởi cuốn sách sớm đến với công nhân và phong trào cách mạng đầu những năm 30 khi còn là bản thảo nên chúng đã ráo riết khám xét nơi ở nhà tôi, ra lệnh thu hồi, tìm bắt Lan Khai để hạ ngục ông. Qua đấy, thấy rõ sự lợi hại của Lầm than, với phong trào cách mạng Việt Nam khi Đảng Cộng sản mới ra đời. Cũng từ đây, ngoài cái tên nhà văn đường rừmg cha tôi có cái tên mới: nhà văn phu mỏ than.

Dấn thân vào sự nghiệp văn chương trong hoàn cảnh đất nước là thuộc địa, không khéo có thể bị tù đày, thậm chí phải hi sinh tính mạng nhưng cha tôi coi đó là cái nghiệp phải mang. Thế là, cha tôi đưa ra một quyết định táo bạo trong cuộc đời của mình: Bốc cả bầu đoàn thê tử tám miệng ăn với hai bàn tay trắng về nơi phồn hoa đô hội, nơi lắm kẻ đua chen. Quyết định quả là liều lĩnh củạ một Nhà văn Mán. Thời ấy, giới Văn nghiệp thường vui đùa gọi cha tôi như vậy. Trong giới văn bút thời tiền chiến, họ thường cởi mở, chân tình quý văn tài, trọng đức độ, nhân cách cũng như lối sống của nhau, một cách tình nghĩa, trong mối tình bạn hữu, huynh đệ, bởi họ cùng chung cảnh ngộ của những nhà văn mất nước.

Cái thời điểm mà cha tôi bốc cả gia đình, vợ con về Hà Thành ấy, hình như là vào năm 1932 - 1933 gì đó, tôi không nhớ chính xác ngày tháng, nhưng nhớ rõ bước chân đầu tiên của mấy đứa trẻ đường rừng được cha mẹ dắt dìu về nơi trọ. Thoạt đầu, mới chân ướt, chân ráo từ núi rừng thâm u tỉnh Tuyên Quang về nơi đô hội, gia đình tôi không khỏi ngỡ ngàng, lạ lẫm, phải chật vật, vất vả, lang thang mãi, nay thuê chỗ này mươi bữa, mai trọ chỗ kia vài ngày, đến là khốn khổ. Đó là cuộc hành trình của tám miệng ăn, không tiền bạc tài sản. Cả gia đình ấy đều trông vào cây bút của văn sĩ Lan Khai. Đồ dùng cũ nát, ăn uống thì bữa đói bữa no, gặp chăng hay chớ, miễn được qua ngày. Còn ngủ thì vạ vật, người nằm, người dựa tường qua đêm mong sao trời chóng sáng, chủ yếu là cho lũ trẻ chúng tôi ngủ mà thôi. Những nơi cho gia đình tôi tá túc ngày ấy đều là những bạn tốt của cha tôi, họ cũng chẳng khá giả gì. Trong cơn bĩ cực đành phải cưu mang, giúp đỡ nhau là may lắm rồi. Chúng tôi còn đòi hỏi gì hơn!

Khoảng gần một tháng sau, nhờ vào uy tín của cái tên trong giới văn chương và độc giả, nên một số anh em tốt bụng đã nhiệt tình giúp đỡ, giới thiệu cho một chỗ ở có thể cố định lâu dài. Đó là căn gác của một ngôi nhà nhỏ ở đầu góc phố Hăng - ri - đoóc - lê ăng (là một con phố nhỏ thời thuộc Pháp). Một thời nơi đây là trụ sở của tờ báo Le travail và tờ Dân chủ, lúc sinh thời, các ông Trường Chinh và Trần Huy Liệu hay lui tới làm việc, họ đều biết rõ con người và công việc của cha tôi. Căn gác nhỏ này có diện tích khoảng chừng 20m2. Nó quá cũ và trật chội. Cả một gia đình tám con người, rồi còn đồ đạc, chổi cùn rế rách lôi thôi... nhưng trong hoàn cảnh bấy giờ phải chấp nhận, miễn là có chỗ ở ổn định để cha tôi có thời gian tâm trí mà sáng tác. Hơn nữa, còn biết làm sao khi mà mình còn nghèo túng.

Một thời gian sau, bạn bè tốt của cha tôi lại giới thiệu cho một chỗ ở mới. Một căn nhà gần ngay mặt đường, rộng rãi, thoáng mát hơn căn nhà nhỏ chúng tôi đang ở. Nhà tuy một tầng nhưng có hai buồng được kiến trúc theo lối chạy dọc chiều sâu, rất thuận tiện cho sinh hoạt của nhà nghèo đông con. Phía đằng sau còn có một mảnh sân nhỏ, lát gạch vuông Bát Tràng và cả công trình phụ riêng, gồm nhà tắm và nhà vệ sinh. Căn nhà mới thuê này nằm ngay trong phố nhỏ Châu Long, gần nhà in Idéo cũ, có một đường trục ngang chạy sang khu Ngũ Xá. Tôi nhớ lúc đó nó là như vậy, còn bây giờ phố xá thay đổi tôi không biết thế nào. Diện tích sử dụng khoảng 30m2, gấp rưỡi diện tích căn gác ọp ẹp trước. Thật là lí tưởng đối với hoàn cảnh nhà tôi lúc đó. Cha tôi thật đã mãn nguyện, ông đâu có đòi hỏi gì hơn thế nữa! Nơi ở cũ, vào những hôm nóng nực, oi bức, mỗi khi cần tĩnh tâm sáng tác, cha tôi phải bảo chúng tôi ra ngoài chơi, rồi ông đóng cửa lại và nằm bò ra sàn gác để viết, viết tới lúc nào mệt quá thì lăn kềnh ra đấy mà nghỉ, mà thở giốc ra như con cá mắc cạn để hớp lấy chút không khí ít ỏi trong phòng. Viết tới đoạn này, nhớ lại những hình ảnh năm xưa về ông, lòng tôi rung lên muốn khóc, bởi thương cha cực khổ quá!

Sau khi dọn tới nơi ở mới, cả nhà chúng tôi cảm thấy sảng khoái hơn. Các bạn của cha tôi, ngày đêm lui tới đông vui hẳn lên. Mọi người quen biết gia đình tôi đều gọi nơi đây với cái tên của làng kiếm hiệp: Vũng Lương Sơn Bạc. Các bạn bè bằng hữu cha tôi mới quen hoặc nghe danh ông mà vui vẻ hòa nhã đến chơi thăm cha tôi và gia đình, bất kể ngày đêm để chia ngọt xẻ bùi, đàm đạo văn thơ, động viên nhau hãy phấn đấu viết vì con người. Mặc dù tất cả các ông cùng nghèo nhưng tấm lòng thanh bạch, không vướng chút bùn nhơ. Đôi lúc cao hứng lên một chút, để giải khuây nỗi buồn tủi cảnh nghèo vì văn bút thì các ông rủ nhau xuống nơi kính trời (tức phố Khâm Thiên) để làm vài chầu hát ả đào, hoặc giải buồn chốc lát thì hò nhau góp ít tiền tổ chức bữa rượu suông đạm bạc ngay tại nhà tôi, rồi cùng nhau nhấm nháp đưa cay cho vơi nỗi hận mất nước thành ra nghèo túng; luận bàn về văn chương và nhân tình thế thái.

Ngày ấy, cả cha tôi cũng như các chú, các bác, các cô trong làng văn bút, không mấy ai ươn hèn, thoái hóa đầu hàng hoàn cảnh. Chỉ có một số ít kẻ bẻ cong ngòi bút đi làm tay sai cho lũ thực dân làm thành nhóm riêng của họ. Bọn họ bị những văn nhân chân chính rất khinh rẻ. Những nhà văn tâm huyết với nghề, với đời đã sáng tạo ra nhiều tác phấm để đời như: Lầm than, Giông tố, Số đỏ, Tắt đèn, Việc làng, Đoạn tuyệt, Vang bóng một thời, Lều chõng, Chiếc ngai vàng, Cô gái làng Sơn Hạ, Ai lên phố Cát, Hồn bướm mơ tiên, Đồng xu kế chuyện... Đây là những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ, văn tự, tư duy, trí tuệ, tư tưởng, tài năng... của nền văn học nước nhà. Cha tôi là người đã nhiệt thành góp phần cho cái chung ấy.

Gia đình tôi đã sống tại căn nhà nhỏ phố Châu Long ấy mãi cho đến đầu năm 1943 thì cha tôi trả lại chủ nhân nó rồi từ biệt cái nơi ngàn năm văn hiến để trở lại rừng núi Tuyên Quang, nơi ông nội tôi đang ngày đêm mong đợi gia đình sum họp. Lúc này, đất nước sắp có sự biến động lớn, cha tôi cũng rất lo cho sự an toàn của ông nội tôi vì cụ đã nhiều tuổi, lại luôn đau ốm, không có người thân bên cạnh, nếu có mệnh hệ gì, cha tôi sẽ ân hận suốt đời. Như vậy là, thời gian gia đình tôi về sống ở Hà Nội được tất cả chừng mười năm (từ 1933 - 1943). Tuy thời gian ngắn ngủi nhưng đã để lại những dấu ấn, những kỉ niệm làm tôi khó quên.

Những năm tháng ở Hà Thành đã giúp cha tôi hiếu biết thêm nhiều mặt diễn ra trong cuộc đời và văn nghiệp, vốn sống, vốn văn chương của cha tôi cũng mỗi ngày một dày lên theo năm tháng. Tác phẩm của ông vì thế trở thành món ăn tinh thần của xã hội. Ông là một con người không sợ cường quyền, ra đường bước đi bao giờ cũng đĩnh đạc và không có thói quen khép nép đứng chào Tây như kẻ khác. Ông dạy chúng tôi: “Ra đường thấy Tây thì tránh mặt, chứ không được run sợ cúi chào. Còn họ chủ động hỏi han mình thì đáp lại một cách đàng hoàng, lịch thiệp!”. Chú Ngọc Giao và Nguyên Hồng đều kể lại: “Ở tòa báo, Lan Khai đứng đàng hoàng tranh biện với Tây, không biết sợ”. Hồi kháng chiến chống Pháp tái chiến, chú Nguyễn Vĩ còn cho biết: “Thời đó, ở tòa báo chỉ có Lan Khai mới đủ chữ để tranh cãi với Tây”. Ông luôn bênh vực người nghèo, chống lại những sự bất công ngang ngược, những kẻ bán nước hại dân bằng những trang viết thấm mồ hôi nước mắt của mình. Hồi còn ở Hà Nội chú Nguyễn Vĩ bị Tây bắt đi tù, nhận được tin, cha tôi và các bác các chú làng văn sĩ Bắc Hà ra tận ga xe lửa Hà Nội tiễn biệt. Sau này chú Vĩ còn kể lại từng chi tiết nét mặt và cái nhìn của Lan Khai với mình trong tập Văn thi sĩ tiền chiến (1971).

Sinh thời, cha tôi là người trung thực, ngay thẳng, cởi mở, chân tình với mọi người, luôn chịu phần thua thiệt hơn; không bao giờ giành giật lợi lộc với người khác. Ở ông còn một thông lệ đẹp nữa trong tính cách sinh hoạt thường nhật, ấy là mỗi khi nhà văn viết xong một bài báo hay một cuốn sách được in, xuất bản, dù cho là nhuận bút lúc ấy nhiều hay ít, nhận được tiền là ông chia ra làm mấy khoản: Trước tiên là khoản dành mua sách, sau đó là khoản đưa cho vợ con, gia đình sinh sống hàng ngày (khoản này lớn hơn cả) còn một phần nhỏ để chi tiêu riêng cho bản thân, phòng khi gặp bằng hữu nào khó khăn thì giúp đỡ. Thông lệ này, cha tôi thực hiện rất nghiêm túc.
 

Bà Hà Thị Minh Kim, người vợ, người trợ bút đắc lực cho nhà văn Lan Khai

Sống giản dị nhưng cha tôi bao giờ cũng nghiêm túc trong việc ăn mặc hàng ngày (về điểm này, cha tôi rất giống lề lối sinh hoạt của nhà văn Nguyễn Tuân, người bạn thân của ông). Khi tiếp khách, dù người đó là thân hay sơ, giàu sang hay nghèo khó, có địa vị hay dân thường hoặc trước khi ngồi vào bàn viết, lúc ngồi vào mâm ăn cơm, bao giờ ông cũng tắm giặt sạch sẽ, chải đầu ngay ngắn, ăn vận thật đĩnh đạc, đàng hoàng, trang trọng và thư thái. Nguyễn Tuân rất thích ngồi ăn uống với Lan Khai là thế đó. Có lần Nguyễn Tuân nói với mẹ con tôi: “Ngày trước ông ấy (Lan Khai) thích ngắm hoa còn tôi thích ngắm hương”.

Là người con trai được sống bên ông từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành, tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc lối sống của cha và tôi cũng đã theo đến cùng lối sống ấy. Vì thế, mà cuộc sống của tôi và vợ con cũng lặp lại cái cảnh thanh bần như cha tôi ngày xưa vậy. Cho dù là không thức thời, thiếu thực tế như mọi người vẫn thường quan niệm, thì tôi vẫn cứ đi theo con đường ấy. Tôi quan niệm: lối sống ấy sẽ làm cho lương tâm trong sạch, tôi và gia đình tôi sẽ thanh thản trong suốt cuộc đời của mình.

Viết tới đây, tôi nhớ tới mẩu chuyện cảm động về cha. Hồi ấy, tôi mới có mười mấy tuổi đầu. Tôi không nhầm, hình như vào năm 1942 thì phải. Ngày ấy cha tôi viết cuốn Thành bại với anh hùng mà cả nhà in Hương Sơn của Thụy Ký và nhà in Tân Dân của Vũ Đỉnh Long đều thích thú chào đón. Vì cuốn sách rất ăn khách. Loại sách như thế, độc giả Hà Thành rất mê tìm đọc, bởi nó không những lạ lẫm về nội dung cốt truyện mà còn do nghệ thuật tả cảnh, tả người lôi cuốn, thuyết phục của tác giả.

Cả hai nhà in đã giành nhau. Cuối cùng, nhà in Tân Dân mạnh hơn nên họ giành được quyền in. Sau khi cuốn truyện in xong, cha tôi được trả tiền nhuận bút khá sộp so với những cuốn khác trước kia. Khi nhận tiền xong, cha tôi làm cái việc thường lệ như tôi đã kể trên (chia ra các phần), số tiền còn lại, ông mang đến một hiệu giày ở phố Hàng Trống, thuê họ đóng cho một đôi hợp thời trang lúc bấy giờ. Đó là kiểu giày hai mầu: trắng và vàng nâu, trông kẻng lắm. Tư trang của cha tôi chẳng có gì đáng giá ngoài bộ com lê. Vì thế, lần này đóng được đôi giày như vậy, làm ông thú vị lắm. Không chỉ có cha tôi thích thú mà ngay cả mẹ tôi cùng cả nhà, ai cũng thích vì trông nó rất đẹp. Nhất là mẹ tôi, bởi bà luôn mong muốn cho ông sang trọng bằng người. Thời xưa, các bà vợ thường quan niệm: xấu chàng hổ ai. Trong lúc cả nhà đang ngưỡng mộ đôi giày kẻng của cha tôi thì ít bữa sau, không hiểu tại sao nó không cánh mà bav mất.

Người nhận ra đầu tiên là mẹ tôi. Bà lấy làm lạ, liền hỏi ông. Ông không trả lời chỉ cười xòa và làm thinh. Hỏi đi hỏi lại mấy ngày liền, ông cứ phớt lờ coi như từ trước tới nay chưa hề có sự tồn tại của nó nên làm mẹ tôi cũng phát chán. Sự việc này khiến ông bà suýt cãi nhau. Bởi bà rất thương quý ông, vì ông phải chịu nhiều vất vả, túng thiếu, bà không đành lòng. Bà thấy xót xa khi cha tôi lại lếch thếch na đôi giày sứt chỉ và long đế kia. Mãi về sau, cho đến một ngày kia, khi mẹ tôi và cả nhà ai nấy đều đã quên chuyện đôi giày nọ, thì bỗng dưng, một hôm, nhà văn Thiều Quang (Lê Quang Lộc) là bạn thân của cha tôi và gia đình xuất hiện. Ông cũng nghèo như cha tôi. Đến thăm gia đình tôi, ông đi đôi giày hai mầu mà cha tôi đóng dạo nọ. Thấy vậy, mẹ tôi rất tế nhị, bà liền ướm thử bằng cách kể câu chuyện về một đôi giày nào đấy. Giọng bà diễn đạt rất cảm động. Thoạt mới nghe, nhà văn Thiều Quang tỏ ra lơ đãng không có vẻ gì chú ý lắm tới câu chuyện của mẹ tôi đang kể. Về sau càng nghe, ông càng phải chú ý hơn. Cuối cùng, khi nghe thủng câu chuyện, nhà văn Thiều Qụang rất xúc động và ông đã khóc vì thương quý và cảm phục tấm lòng, tình cảm của cha tôi đối với bạn bè bằng hữu. Là người rất chiều chồng, mỗi lần cha tôi đi hát cô đầu cùng các bác các chú văn sĩ, mẹ tôi luôn để ý xem nom quần áo dày dép, ca ra vát và đầu tóc của cha cho đẹp đẽ. Cha tôi cũng quan tâm chu đáo đến các mẹ tôi, mỗi lần đi xa về, ông chẳng ngại ngần mua sắm cho hai bà vợ từ cái khăn, cái yếm đẹp như nhau...

Trở lại những trang viết trước, năm 1943 cha tôi đành phải bốc cả nhà và gia đình tám miệng ăn rời đất Hà thành, nơi gửi gắm bao tâm huyết và kỉ niệm vui buồn với bạn hữu, với độc giả thiện lương vẫn thường hâm mộ mình về nơi rừng xanh heo hút của Tuyên Quang, quê hương thân yêu của ông, nơi có người cha già yếu đang ngày đêm vò võ một mình ngóng đợi con cháu trở về.

Cha tôi nào có biết đâu, cái lần rời Hà Nội trở về là lần ông ra đi vĩnh viễn. Bởi một tai bay khủng khiếp do bọn bất lương chụp vào đầu ông và gia đình một thảm họa bất ngờ đau đớn. Sự việc xảy ra sau hơn một năm ông rời Hà Nội. Là một người con hiếu thảo nên khi ông nội tôi lâm bệnh, cha tôi đã quyết định về Tuyên Quang để phụng dưỡng ông tôi và giúp ông chạy loạn nếu chiến sự xảy ra, bởi tình hình lúc đó vô cùng căng thẳng. Báo chí ở Hà thành thông báo tin chiến tranh thế giới hàng ngày sắp tràn đến Việt Nam.

Khi đã ổn định gia đình rồi, ông lại tiếp tục công việc sáng tác và dạy học như trước để kiếm sống. Thời gian này, gia đình tôi vẫn phải ở chung trong căn nhà lá ba gian, hai chái đã cũ kĩ của ông nội tôi ở khu phố Xuân Hòa ngày xưa. Cha tôi đã dành hết tâm lực, thời gian để biên tập hoàn chỉnh cuốn bản thảo bộ lịch sử tiểu thuyết mà ông đã thai nghén từ lâu, dung lượng của nó khoảng ngót ngàn trang viết tay. Đó là cuốn ông tâm đắc nhất từ trước tới nay, ngoài các cuốn Lầm than và Mực mài nước mắt, Vạn Hoa Từ điến. Để viết ra được cuốn sách này, cha tôi đã phải vắt óc suy tính, chắt chiu từng tí công sức, thời gian và của cải gần ngót chục năm trời cho việc đầu tư, từ lúc chuẩn bị đi sưu tầm tư liệu, nghiên cứu lịch sử, biên chép bản thảo, chỉnh sửa, viết đi viết lại nhiều lần. Song song với nó là việc cha tôi vẫn phải kiếm sống, ông không khi nào rời cây bút, vì nếu rời nó là gia đình của ông chết đói. Cả gia đình ở bất kỳ đâu cũng trông cậy vào cây bút của ông.

Có thể nói đó là bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ nhất của đời ông (trước đó ông đã nổi tiếng viết về đề tài này). Cuốn sách tái hiện lại các sự tích lẫy lừng của các thế hệ anh hùng, các nhân vật lịch sử, các mốc thời gian nó xuyên suốt từ thế kỉ XVIII cho tới thời kì lúc thực dân Pháp mới manh nha nhòm ngó, xâm chiếm nước ta (những sự kiện mà đời thuờng ít ai biết đến hoặc chưa hề biết đến), rồi phong trào Cần Vương, Đông kinh nghĩa thục, Xô viết Nghệ Tĩnh, Nam Kì khởi nghĩa... Đặc biệt là những trang viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và sự thất bại của nó vào ngày 17/6/1930. Tuy cuộc khởi nghĩa bị thất bại nặng nề chìm trong máu lửa, song thật đáng tự hào. Cái chết bất khuất, kiên cường của 40 chiến sĩ cách mạng cũng là 40 anh hùng quả cảm của Đảng Quốc dân do lãnh tụ Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo đã làm cho bọn Pháp phải thật kinh. Cha tôi đã ghi chép rất đầy đủ trong cuốn sách này bởi ngày ấy, cha tôi là đồng chí của Nguyễn Thái Học và Trần Huy Liệu cùng trong Ban chấp hành của Đảng Quốc dân. Cuốn bản thảo đó có tên Việt Nam Ngươi đi đâu? là cuốn sách cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của ông cùng vài cuốn nữa chưa kịp in là cuốn: Lũ quỷ ám, Vuông vải trắng, gửi về nhà xuât bản Hoạt Động ở Hà Nội để in, song xảy ra cuộc đảo chính Nhật - Pháp, mấy bản thảo của cha tôi bị thất lạc. Cuốn Việt Nam, Ngươi đi đâu? Cha tôi đã tốn bao thời gian viết lại, nhưng khi ông bị mất tích, một số người trong Ủy ban Tỉnh đã xuống nhà nói với mẹ tôi: “Theo yêu cầu của thượng cấp chúng tôi xin mượn về nghiên cứu rồi trả lại”, nhưng suốt từ 1946 đến nay các bản thảo của nhiều cuốn tiểu thuyết và bản thảo bộ Vạn hoa Từ điển (3tập), tập bản thảo Thơ ca lâm Tuyền Khách, Tập Tranh sơn dầu vẫn biệt tăm...

Một số bạn văn tâm đắc của cha tôi ngày ấy như Trần Huy Liệu, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Ngọc Giao và Nguyên Hồng đều biết và từng đọc đến những trang cuối cùng của những cuốn sách đó. Ai cũng vui và luôn khích lệ ông sớm cho ra mắt độc giả. Khi đang viết cuốn Việt Nam, Ngươi đi đâu?, cha tôi đã nảy ra ý định khi nào xuất bản sẽ dịch nó ra tiếng Pháp nên ông mới đặt cho nó cái phụ đề bằng tiếng Pháp là Vietnam Où Va Tu? Ông muốn cho người Pháp được đọc cuốn sách ấy để họ thấy rằng: dân tộc Việt Nam là một dân tộc không khi nào chịu khuất phục, làm nô lệ cho ngoại xâm đâu. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc không thế coi thường! Cha tôi đã giải thích cho tôi hay khi tôi lựa ý hỏi ông về tên tác phẩm bằng tiếng Pháp. Ông có chủ ý rõ ràng chứ tuyệt nhiên không phải là sính dùng tiếng Pháp hoặc phô trương ngoại ngữ của mình như một số người hiện nay có bằng ngoại ngữ mà khi hỏi đến thì không nói và đọc được? Mãi sau, khi đất nước đã kết thúc cuộc kháng chiến chín năm trường kì, hòa bình đã lập lại ở Việt Nam và ở Đông Dương, nhà nước và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã rời chiến khu Việt Bắc để về tiếp quản Thủ đô. Nhân một chuyến công tác về Hà Nội, tôi đã gặp lại một số bạn văn bút tâm giao của cha tôi là: Trần Huy Liệu, Nguyễn Tuân, Ngọc Giao và Nguyên Hồng. Các chú, các bác xúm lại hỏi thăm gia đình tôi, nhất là căn nguyên về cái chết oan khuất của cha tôi cùng số phận của cuốn bản thảo lịch sử tiểu thuyết Việt Nam, Ngươi đi đâu? và nhiều bản thảo khác ra sao? Nghe tôi kể lại sự tình câu chuyện đau lòng của gia đình, mọi người ai cũng ngậm ngùi, phần vì xót thương cha tôi tài hoa mệnh bạc, phần thì phẫn nộ về hành động tồi tệ của bọn người không hiểu biết.

Mãi mấy chục năm sau, nhân một chuyến về Hà Nội thì hay tin mấy cuốn sách cha tôi gửi in (Vuông vải trắng, Lũ quỷ ám, Việt Nam, Ngươi đi đâu?), tưởng thất lạc bản thảo nhưng không phải. Nhà xuất bản Hoạt Động đã in cả mấy cuốn đó cuối năm 1944, trước ngày Nhật đảo chính Pháp và trước cả ngày cách mạng tháng 8/1945 nổ ra. Một số thợ nhà in đó cho biết: sách của ông Lan Khai họ được sắp chữ và seo giấy, sách đã in ra rồi nhưng bọn Nhật cấm phát hành. Do đó cho đến nay, tôi vẫn chưa sưu tầm được mấy cuốn kể trên để lưu lại cho cháu con.

Lúc sinh thời, cha tôi rất yêu quý sách. Bởi ông coi đó là một thứ tài sản vô giá và đáng trân trọng nhất trên đời. Ông quan niệm: sách chính là tâm hồn, là trí tuệ, là tài năng và tư tưởng cũng như tâm huyết trác tuyệt của những người sáng tạo. Ông nói: “Dù là vàng bạc, kim cương, của cải châu báu gì quý giá đến đâu chăng nữa, khi không may ai đó có đánh mất đi, thì họ vẫn có cơ tìm lại chúng nhưng nếu là sách quý thì chỉ có một lần, lỡ để mất là chả có cơ tìm lại, trong lịch sử đã diễn ra rồi” (tất nhiên nó phải là thứ sách quý mà trong đó ẩn chứa đầy tính nhân văn, trí tuệ quý hiếm, chứ không phải là tất cả những cuốn sách đều quý đâu).

Trong sự nghiệp văn chương của cha tôi, đã có thời kì ông được đích thân Vũ Đình Long, chủ nhà xuất bản Tân Dân ở 93 Hàng Bông Hà Nội đến tận nhà trân trọng mời tới tòa soạn báo làm Tổng thư kí cho tờ Tạp chí Tao Đàn, một tạp chí nổi tiếng của Hà thành thời ấy. Tờ tạp chí này khai sinh vào tháng 3/1939, đến tháng 12 năm đó ra số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng xong thì nó phải dừng lại vì chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ làm ảnh hưởng nhiều mặt tới Việt Nam. Đây cũng là Tạp chí nêu cao tinh thần dân tộc và hiện đại. Tạp chí ra đời đúng vào thời điểm bản lề của đời sống chính trị, văn hóa của mỗi quốc gia trên toàn cầu. Bởi thế, nên nó có công lớn trong việc hoàn bị công cuộc kiến thiết nền văn hóa dân tộc bằng sự thông qua việc gây dựng ngay một phong trào quốc văn mạnh mẽ và rộng lớn ở quy mô toàn quốc kể từ trước tới nay. Theo Nguyễn Vĩ cho biết, trước đó 5 - 6 năm cha tôi từng làm Tổng Biên tập cho tờ báo Đông Phương và viết nhiều cho các tờ Ngọ báo, Đông Pháp, Văn học Tạp chí, Ích hữu, Thanh Nghị...

Tuy chỉ hoạt động được có 9 tháng trời nhưng trong thời gian ít ỏi đó, Tạp chí Tao Đàn đã thực sự cắm được cái mốc son đỏ chói trong đời sống văn học. Như vậy, tạp chí đã góp phần xứng đáng làm rạng rỡ thêm cho lịch sử văn học và cả lịch sử báo chí hiện đại của nước nhà. Cha tôi đã có công đóng góp về thời gian, trí tuệ, tài năng cho sự thành công của Tạp chí Tao Đàn.

Ngoài ra, cha tôi còn là cây bút chủ lực cho tờ Tiểu thuyết thứ bẩy và tờ Phổ thông bán nguyệt san. Đây là những tờ báo có ảnh hưởng lớn nhận được sự ái mộ của những gia đình có học thức, có giáo dục và có văn hóa thời bấy giờ.

Sự thực, cha tôi đã là một viên gạch góp mình tích cực cho nền văn học nước nhà. Ông xứng đáng đứng trong hàng ngũ những nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại mà một số nhà nghiên cứu gần đây đã chỉ ra. Trong số báo Văn Nghệ ngày 15 tháng Tư năm 2006, ông Trần Mạnh Tiến cho rằng: “Nhà văn Lan Khai - Người mở đường vào thế giới sơn lâm”. Trong bài biết “Nhìn lại Lầm than” trên Văn Nghệ 22 tháng Tư cùng năm, Trần Mạnh Tiến cũng khẳng định: “Lan Khai là một tài năng lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại”. Đó là cái nhìn khách quan về Lan Khai và di sản của ông.

Cuộc đời văn nghiệp của Lan Khai đã hi sinh không mệt mỏi với mong muốn có một tân văn hóa Việt Nam cho tương lai. Bất khuất trước cường quyền bạo lực nhưng Lan Khai lại nhân ái trước đồng bào. Tuy số phận chỉ dành cho cha tôi 39 năm có mặt trên đời nhưng ông đã để lại cho dòng họ Nguyễn Đình của mình và hậu thế mai sau, cho nền văn học Việt Nam hiện đại một di sản văn chương không nhỏ. Hàng trăm tác phẩm với đầy đủ các thể loại, được đăng tải trên hầu hết các báo là những tác phẩm ông viết bằng cả tâm huyết, bằng máu thịt của mình và bằng cả tấm lòng yêu quê hương đất nước thiết tha luôn cháy bỏng trong con tim ông nữa.

Sau lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Lan Khai, một số người tâm huyết đã phát hiện thêm hàng chục cuốn tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn, bút ký khác của ông (riêng tiểu thuyết của ông chừng trên 60 tác phẩm). Nhiều người từng biết nhà văn, nhà giáo Lan Khai 60 năm về trước đã liên lạc với gia đình chúng tôi để cung cấp thêm nhiều tư liệu mới về ông mà họ lưu giữ cả những ẩn tích về cái chết do côn đồ hãm hại ông mà họ ít nhiều chứng kiến...

L.P
(SH306/08-14)






 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Với Thạch Lam (06/08/2014)
Bạn bè tôi (25/07/2014)
Nhớ Phùng Thăng (11/07/2014)