Góc Hoài niệm
Những người ở lại Hà Nội sau Hiệp định Genève
08:52 | 09/10/2014

THANH TÙNG

Hiệp định Genève ký kết, sông Bến Hải tưởng chỉ là giới tuyến tạm thời, không ngờ đã trở thành ranh giới chia cắt đất nước Việt Nam hơn 20 năm. Nỗi đau chia cắt và biết bao câu chuyện thương tâm, cảm động đã diễn ra ở đôi bờ Hiền Lương kể từ ngày ấy. Nhiều cuộc tình đẫm máu và nước mắt. Có những đôi vợ chồng chỉ ở với nhau đúng một đêm. Có người chồng Bắc vợ Nam, khi vợ được ra Bắc thì chồng lại đã vào Nam chiến đấu, đời vợ chồng như chuyện vợ chồng Ngâu.

Những người ở lại Hà Nội sau Hiệp định Genève
Khung cảnh buổi ký kết hiệp định Genève

Những chuyện như vậy không chỉ có ở đôi bờ giới tuyến. Kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp định Genève về lập lại hòa bình, tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam, tôi chợt nhớ chuyện riêng của một vài người quen biết và chuyện của chính gia đình mình...

Trong cầu truyền hình “Hà Nội ngày trở về” nhân kỷ niệm 54 năm ngày giải phóng Thủ đô, do Đài Truyền hình Hà Nội thực hiện, có một vị khách mời là người Huế, một ông già từ Huế ra dự với tư cách là một chứng nhân lịch sử. Đó là ông Thân Trọng Ninh. Những năm cuối thập kỷ 1970, đầu thập kỷ 1980 ông có biệt danh là ông Ninh mạch nha (chế biến mạch nha từ sắn), ông Ninh nấm...

Hồi ấy ông Ninh đang học đồng thời hai trường đại học ở Hà Nội. Biết được ngày quân ta về tiếp quản thủ đô ông mua 2 cuốn phim kodak lắp vào chiếc máy ảnh Rétina. Sáng sớm ngày 10/10 ông ra phố Hàng Bông, Hàng Gai, Bờ Hồ, ra bờ đê sông Hồng... chụp những người lính Pháp cuối cùng trên đường phố, chụp những xe quân cảnh, những đoàn xe nhà binh nối đuôi nhau qua cầu Long Biên về Hải Phòng; chụp bộ đội ta về tiếp quản Hà Nội giữa rợp trời biểu ngữ, cờ hoa và niềm hân hoan của người dân. 36/72 bức ảnh ngày ấy của ông đã xuất hiện trong triển lãm “Hà Nội ngày tiếp quản qua ống kính người dân”.

Năm 1951 ông ra Hà Nội ở với người chú ruột nguyên là Tuần vũ Sơn Tây, sau chuyển về làm Chánh án Tòa thượng thẩm, có tư gia ở phố Nguyễn Gia Thiều. Trước ngày quân ta tiếp quản thủ đô cả gia đình người chú ruột và gia đình người vợ chưa cưới của ông đã thu xếp hành lý vào Huế, vào Sài Gòn. Những người thân thiết trong gia đình hòa trong làn sóng di cư vào Nam, riêng ông tự tin ở lại Hà Nội. Ông đã từng rời Huế sau ngày toàn quốc kháng chiến (12/1946) ra làm việc tại Phòng thí nghiệm số 1 ở Chu Lễ - Hà Tĩnh, rồi về dạy học ở trường Collège Vinh (Nghệ An), trường Trung học kháng chiến Nguyễn Chí Diểu ở Thừa Thiên. Khi đang theo học ở Đại học Hà Nội ông tham gia các phong trào sinh viên kháng chiến. Ông quyết định ở lại Hà Nội mà không về Huế vì đang học dở đại học, vì sự hiếu kỳ. Ông cứ tưởng rằng chỉ hai năm là mình sẽ được đoàn tụ gia đình sau Hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Nam - Bắc vào năm 1956. Nhiều chuyện may mắn, rủi ro của cuộc đời ông cũng từ đó mà ra. Ông không thể ngờ rằng mình phải hơn 20 năm trời chờ đợi mới được trở về quê hương bản quán gặp lại mẹ già, người thân. Nhưng cũng nhờ vậy mà ông mới trở thành một nhân chứng, một người chép lại ngày tiếp quản Thủ đô Hà Nội bằng hình ảnh.

Ông Ninh và bà Trinh năm 1954 tại Hà Nội


Người vợ trẻ ngày nào thì ông Ninh không một lần gặp lại. Bà tên là Lê Thị Lợi Trinh, người Hà Nội, quê gốc Quảng Ninh, lúc đó là sinh viên trường Dược, con gái của một quan chức cấp cao trong Bộ Y tế. Dù vắng chú rể nhưng cuối năm 1954 tại Sài Gòn hai gia đình đã tổ chức hôn lễ cho họ để bà Trinh có lý do trở ra Hà Nội, vào đầu năm 1955, thuyết phục ông vào Nam. Nếu ông không đồng ý thì bà có thể ở lại vì đã có danh phận. Lúc đó ông vẫn còn cơ hội di cư vì quân đội Pháp đang đóng ở Hải Phòng. Là người có cá tính mạnh, ông Ninh giữ nguyên quyết định ban đầu. Ông không muốn dang dở chương trình học ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Vả lại, ông tin tưởng nước nhà sẽ được thống nhất vào năm 1956, và người trí thức thì ở chế độ nào cũng được trọng dụng. Thế là hai người lại hai ngả. Họ tạm chia tay nhau. Ông tiễn bà xuống Hải Phòng để trở lại Sài Gòn với lời hẹn ước trong niềm lạc quan, tin tưởng... chén mừng xin đợi ngày này năm sau!

Sau khi bà Trinh trở vào Sài Gòn ông Ninh nhận được thư của nhạc mẫu, thư đề ngày 25/3/1955; sau đây là mấy dòng đầu lá thư này:

 

Mợ gửi lời ra thăm anh mạnh khỏe luôn. Trinh về nói anh vẫn đi học và đi dạy vui vẻ, cậu mợ và các em rất mừng. Cụ trong nhà (thân mẫu ông Ninh - NV) thỉnh thoảng cũng viết thư vô cho cậu mợ. Cụ hiền lành quý hóa, và thương dâu cũng như con. Từ hôm Trinh về em nhận được thư của cụ luôn. Cậu mợ rất vui lòng và không hề ngăn cản ý định của anh. Mợ chỉ mong mỏi anh bớt thì giờ vào chơi trước là gặp cụ và cậu mợ. Sau là hai vợ chồng lại cùng đi một thể. Cậu mợ rất hiểu anh, biết anh đúng mực nên dù vợ chồng ở đâu đi nữa cũng rất tin cậy ở anh...

Kẻ Bắc người Nam, ông và bà giữ liên lạc với nhau qua điện thoại, thư từ. Về sau thì chỉ có những thông tin ít ỏi trên mặt sau của những tấm bưu thiếp (ảnh). Do những tình cảnh éo le, ở Sài Gòn bà Trinh phải miễn cưỡng lập gia đình với một vị giáo sư là thầy giáo của mình. Trước ngày “đi bước nữa” bà chủ động gửi bưu thiếp thông báo và an ủi ông:

 

Em đã học xong và sắp sửa lập gia đình. Mạ (thân mẫu ông Ninh - NV) cũng vui lòng cho phép như vậy. Và anh cũng phải lo bề gia thất để cho mạ yên tâm lúc tuổi về già. Anh đã từng gặp gỡ rồi lại chia ly nên đừng xem chuyện lần này là hệ trọng lắm mà canh cánh, đắn đo, do dự... Anh gắng làm vui lòng mạ nhé. Cả nhà và em mong chóng nhận được tin mừng của anh.

Bưu thiếp gửi từ Huế ngày 25/5, dấu bưu điện Sài Gòn 27/5/1960, ở Hà Nội ông Ninh nhận được ngày 23/6. Bà Trinh sinh hạ được một con. Đứa trẻ chưa kịp chào đời thì người bố đã mất vì bạo bệnh. Bà lấy lý do mình có số “sát phu” để từ chối những người đàn ông khác khi tuổi đời vẫn còn rất trẻ.

Ngày 14/11/1962 ông đọc được mấy dòng thông tin về bà Trinh trên báo Hà Nội (về sau là báo Hà Nội mới). Bài báo dẫn nguồn từ tờ Tin nhanh Campuchia ra ngày 8/11/1962, mục “Thư từ Sài- gòn”, với nội dung như sau:
 

Báo Hà Nội

“Chỉ tính từ ngày lễ “Quốc khánh” 26/10 đến đầu tháng 11/1962, bọn tay sai của Diệm đã khám xét và bắt giữ đến hơn 1.000 người, phần lớn thuộc các giới học sinh, sinh viên, trí thức, những người làm nghề tự do như nhà báo, giáo sư, luật sư, bác sĩ, dược sĩ. Riêng đối với giới dược sĩ tờ báo đã nêu tên ba nữ dược sĩ trẻ tuổi: Lê Thị Lợi Trinh, Trần Thị Nga, Vân Anh. Những nữ dược sĩ này đều bị khép vào tội bán thuốc kháng sinh cho “Việt cộng” và đều đã bị đưa ra “xét xử” trước “tòa án” của Diệm ở Sài-gòn.”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, khi ông hồi hương thì bà đã rời Sài Gòn theo gia đình qua Pháp, rồi qua Mỹ. Về sau bà định cư tại Úc. Có lần ông Ninh nói với tôi: Bà vợ nhà thơ Thanh Tịnh cũng tình cảnh như bà Trinh. Khi nghe tin ông mất đã đi bước nữa. Sau này gặp lại bà, Thanh Tịnh có bài thơ thật cảm động: Người cũ đây rồi người cũ đây/ Cầm tay mà nói chuyện chia tay... Những năm ở miền Bắc tôi cũng “ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân” giống như ông Thanh Tịnh. Nhưng khi đã về Nam thì khác Thanh Tịnh là chưa một lần được gặp lại người mình thương yêu nhất.

Không chỉ có nỗi buồn chia ly, ở lại Hà Nội ông Ninh đã gặp khá nhiều rắc rối. Cú sốc đầu tiên là ông buộc phải rời khỏi ngôi nhà của người chú để lại. Chính quyền quản lý ngôi nhà này. Họ đổi cho ông một căn hộ trên gác ở đường Lê Văn Hưu, gần chợ Hôm, diện tích khoảng 60m2, các công trình phụ sử dụng chung. Tiếp theo đó là chuyện ông gặp rắc rối về chuyên môn trong thời gian dạy ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi dạy về di truyền học ông không theo thuyết của 2 nhà sinh vật học Nga xô viết Mítsurin-Lưxenkô, mà theo thuyết di truyền cổ điển của Mendel-Morgan. Đã lâu lắm rồi thuyết di truyền của Mítsurin-Lưxenkô bị loại ra khỏi giáo trình sinh học trong nhà trường nhưng hồi đó những người “đoán giữa trần ai” như ông Ninh thì chỉ có chuốc họa vào thân.

Khổ tâm nhất là việc ông bị nghi vấn về lý lịch. Có người nói bóng nói gió là ông “do địch cài lại” (?) với những lập luận: Bà con thân thích di cư, vợ chưa cưới di cư, quê hương, gia đình ở Huế tại sao không về Nam?

Rồi do “lý lịch không rõ ràng” người ta thuyên chuyển ông ra khỏi Hà Nội. Ông lên trường hỏi, phòng Tổ chức cán bộ bảo đó là chủ trương và quyết định của Bộ. Ông lên Bộ khiếu nại. Tiếp ông là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có tên là Sơn. Ông này người Huế nhưng không hề có một chút tình cảm đồng hương cũng như một sự cảm thông, chia sẻ nào cả. Ông Sơn bảo việc này anh về hỏi trường. Ông Ninh phản ứng: Tôi không phải quả bóng để các anh đá qua đá lại. Nhà tôi ở Huế. Ở Hà Nội hoặc ở đâu đi nữa thì cũng là xa nhà cả. Tôi không ngại xa nhà nhưng cần phải được biết rõ lý do vì sao phải chuyển ra khỏi Hà Nội. Ông Vụ trưởng nói cà lăm rằng đồng chí cứ đi một thời gian rồi Bộ sẽ điều động trở lại. Trở về trường, về khoa người ta cũng chỉ an ủi ông được một câu đại loại như thế. Từ đó ông về Hà Đông dạy ở trường Sư phạm cấp 1. Một năm sau người ta lại điều chuyển ông về Hà Nam, rồi về Nam Định cho đến ngày Huế giải phóng.

Tôi hỏi, năm nào cũng ra Hà Nội một vài lần, có khi nào ông gặp lại mấy anh cán bộ tổ chức hồi đó không? Bây giờ không còn cấn cái gì nữa, có khi nào họ thật lòng bày tỏ với ông cái chuyện ngày xửa ngày xưa? Ông Ninh bảo: Không hiểu sao mấy anh chơi xấu tôi hồi ấy công danh sự nghiệp chẳng ra gì, lại mất sớm nên tôi không có cơ hội gặp lại họ.

Thực ra hồi đó không chỉ có mỗi một mình ông Thân Trọng Ninh ngây thơ về thời hiệu hai năm tập kết của Hiệp định Genève.

Mặt sau tờ bưu thiếp ông Ninh gửi về Huế thăm mẹ


Nhà thơ Giang Nam có tên trong danh sách cán bộ tập kết ra miền Bắc qua đường cảng Quy Nhơn. Anh đã có một mối tình sâu nặng với chị Chiều ở chiến khu Hòn Dù. Anh làm cán bộ Tuyên huấn. Chị làm văn thư của cơ quan Tỉnh ủy Khánh Hòa. Chị là nguyên mẫu của “cô bé nhà bên” trong bài thơ “Quê hương” nổi tiếng. Sau Hiệp định Genève anh trong diện ra Bắc, chị về Nha Trang hoạt động nội thành. Họ hẹn nhau sau hai năm anh trở về sẽ tổ chức đám cưới. Ông Bảy Hữu, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa lúc đó, biết chuyện cười bảo: Làm đám cưới ngay đi. Nói đi hai năm là nói vậy chứ chắc chi đã... Cơ quan lo tổ chức đám cưới cho anh Giang Nam và chị Chiều. Anh chị ở với nhau được đúng một ngày một đêm thì chia tay. Ra Quy Nhơn tập trung, trong thời gian chờ đợi xuống tàu anh đề xuất và được tổ chức đồng ý cho quay trở lại Khánh Hòa bám trụ. Sau này chính nhà thơ Giang Nam cũng đã thừa nhận với tôi: “Đúng là lúc đó mình còn thơ ngây về chính trị.”

Tháng 4/1975, trên đường hành quân vào Nam đơn vị tôi dừng lại ở Phú Bài bốn ngày để chờ xe đi tiếp. Theo địa chỉ ghi trong lý lịch tôi tìm về từ đường ở phố Gia Hội. Chú tôi dẫn tôi lên Ngự Bình thăm mộ ông nội, qua cầu Lim thăm mộ ông ngoại. Khi đó thắp hương bái lạy trước mộ phần thì tôi cứ lóng ngóng mãi. Ông chú phải “làm mẫu” để tôi làm theo. Nhưng xem bia mộ thì tôi đọc rất kỹ. Ông ngoại tôi mất tháng 9 năm 1956. Ông nội tôi mất tháng 6 năm 1960. Nếu người Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm có thiện chí mà chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève thì ông cháu tôi đã được ở bên nhau. Chú tôi thở dài bảo: Cả miền Nam lúc đó ai cũng tưởng như rứa. Tưởng đi hai năm, không ngờ thành hai mươi năm...

Ngay như luật sư Phan Anh, nguyên là thành viên phái đoàn đàm phán Genève, thành viên Hội đồng Chính phủ, cũng đã nhầm tưởng mà ứng tác mấy câu thơ dưới đây trong một cuộc giao lưu văn nghệ sau buổi tiếp đoàn đại biểu miền Nam do luật sư Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ, dẫn đầu.

Tiệc vui Nam Bắc một nhà
Quân dân, lương giáo bên Cha sum vầy
Chén mừng nhớ bữa hôm nay
Chén vui thống nhất ngày này hai năm.


Mọi người nhiệt liệt vỗ tay. Bác Hồ cũng vỗ tay. Nhưng đến lúc mãn cuộc vui, mọi người ra về, Bác vỗ vai Bộ trưởng Phan Anh nói: Thơ “thầy cãi” khi nãy tứ hay nhưng có một ý mình chưa tiện bình. Lạc quan tếu đấy. Lúc này nói ra rộng rãi chưa có lợi. Với riêng tác giả, mình bình thế này:

Đấu tranh thống nhất ắt dài
Hy sinh gian khổ chẳng vài năm đâu!
Hai mươi năm nữa là mau.


Những tư tưởng lớn, ý chí lớn thường gặp nhau!

Trong phiên họp cuối cùng vào ngày 21/7, trong khi nhiều vị trưởng đoàn tỏ vẻ hài lòng về Hiệp định đã đạt được thì Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng vẻ mặt đầy ưu tư. Ông ngoảnh về hướng Nam, nơi có Tổ quốc Việt Nam, với những lời đầy xúc động: Đoàn ta đã cố gắng hết sức mình nhưng mới chỉ giành lại được một nửa đất nước từ phía Bắc sông Bến Hải. Cuộc chiến đấu của dân tộc ta sẽ còn phải tiếp tục lâu dài…

Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đã bật khóc khi nhìn thấy những cán bộ miền Nam nét mặt hân hoan giơ hai ngón tay vẫy chào người thân đưa tiễn xuống tàu tập kết ra Bắc với thông điệp: hai năm nữa sẽ gặp lại nhau sau tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Khi bí mật trở lại bưng biền, ôm hôn ông Lê Đức Thọ, người đứng đầu Trung ương cục miền Nam nhắn gửi: Anh ra nói với Bác hai mươi năm nữa mới gặp nhau…!

T.T
(SDB14/09-14)








 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Đường về quê (06/09/2014)