NGUYỄN XUÂN HOA
Tôi không có dịp được học với thầy Phạm Kiêm Âu, người thầy nổi tiếng ở Huế, nhưng lại có cơ duyên cùng dạy ở trường nữ trung học Đồng Khánh với thầy trong các năm 1974 - 1975.
Lúc bấy giờ, thầy Phạm Kiêm Âu đã là vị “giáo sư” cao niên, là người thầy lớn tuổi nhất trường và tôi là người trẻ nhất, vừa “chân ướt chân ráo” từ một trường huyện được chuyển về dạy các môn văn chương và triết học ở trường Đồng Khánh. Có thể nói, thầy đã đứng trên bục giảng khi tôi chưa mở mắt chào đời. Dù cùng dạy một trường, nhưng thầy Phạm Kiêm Âu đã là “đại sư phụ”, là thầy của một số thầy từng dạy tôi.
Ở Đồng Khánh, thầy Phạm Kiêm Âu nổi tiếng là “cuốn tự điển sống” của trường với phương pháp quản lý và lưu trữ tư liệu về học sinh bằng sơ đồ ảnh và phiếu trích ngang ghi đặc điểm của mỗi học sinh, duy trì liên tục qua nhiều thế hệ; nổi tiếng là người thầy rất ng- hiêm khắc, luôn đặt yêu cầu tối đa với học sinh, cả trong học tập và trau dồi đức hạnh, nhưng lại rất “bênh” học sinh, ưu ái dìu dắt học sinh. Thầy còn được biết là người từng tham gia biểu tình chống Pháp sát hại học sinh Trần Văn Ơn, bị thực dân Pháp trục xuất khỏi Sài Gòn, nhưng lại là người dạy Pháp văn rất hấp dẫn, là người gieo mầm cho học sinh say mê học ngôn ngữ và văn hóa Pháp… Đại thể, trong chừng ấy năm tháng, hình ảnh thầy Phạm Kiêm Âu đọng lại trong ký ức của tôi là một mẫu hình người thầy mẫn cán, một nhà giáo bản lĩnh, hiểu biết sâu rộng và… rất được nữ sinh Đồng Khánh ngưỡng mộ.
Những năm không còn đứng trên bục giảng, bận rộn với trăm thứ đa đoan của cuộc đời, mỗi lần có dịp ngồi lại với đám nữ sinh Đồng Khánh cũ của mình, trong những lúc nhắc lại “Đồng Khánh mái trường xưa”, bao giờ tôi cũng nghe học sinh say sưa nói về thầy Phạm Kiêm Âu như một hiện tượng. Đặc biệt, những câu chuyện về thầy Phạm Kiêm Âu của các học sinh Đồng Khánh lại chứa đựng rất nhiều chi tiết vừa dí dỏm, vừa cảm động, thể hiện tình cảm rất sâu đậm của học trò dành cho thầy.
Và trong những trang hồi ức viết về Quốc Học - Đồng Khánh, về thuở học trò ở Huế, từ các nhóm Quốc Học - Đồng Khánh, Lá thư Phượng Vỹ… ở hải ngoại, đến một số tạp chí, tập san, đặc san ở trong nước, những bài viết về kỷ niệm một thời niên thiếu ở Huế đều thấp thoáng hình ảnh rất đặc biệt của thầy Phạm Kiêm Âu.
Nhưng đến khi đọc xong cuốn sách “Thầy Phạm Kiêm Âu - Có một Người Thầy như thế…”, với hơn 60 bài viết tỏ lòng hoài nhớ của học trò, đồng nghiệp, bạn bè, người thân và cả những trang thư, bài viết của chính thầy, được xuất bản nhân 20 năm ngày mất của thầy, hình ảnh thầy Phạm Kiêm Âu lại hiện ra qua nhiều góc độ, tạo nên một tổng hợp đa dạng, đa chiều hơn, không chỉ dừng lại trong những hồi ức kỷ niệm, mà còn soi rọi đến những góc khuất rất sâu trong tận cùng những cảm xúc, suy nghĩ và ước nguyện của chính thầy Phạm Kiêm Âu, phản chiếu rõ hơn nữa, đặc biệt hơn nữa về thầy Phạm Kiêm Âu, đặc biệt như hiện tượng độc đáo của Huế vào một thời rất xa, như hiện tượng - hay đúng hơn là huyền thoại trường Đồng Khánh - đã bị đánh mất một cách oan uổng của Huế.
Ở đây, hình ảnh thầy Phạm Kiêm Âu đôi lúc rất lạ. Đúng là khó ai có thể hình dung một thầy Phạm Kiêm Âu sau năm 1950 ở trường Chơn Phước Phượng - Đồng Hới, với hai chai bia lùn đặt trên bàn, vừa uống bia vừa giảng bài; nhưng từ hồi đó, bản sơ đồ ảnh của lớp học cũng đã xuất hiện và được thầy gìn giữ đến sau năm 1975, qua bài viết thú vị của người học trò Nguyễn Lương Phán.
Ngoài các bài viết quen thuộc của những nữ sinh Đồng Khánh, lần này chúng ta còn đọc thấy nhiều bài viết của các nam sinh như Trần Viết Ngạc, Nguyễn Đình Niên, Hà Thúc Hoan, Trần Nguyên Vấn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Tự Hỷ, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Minh Đức… với những nhận định mới: “Thầy Phạm Kiêm Âu là ngoại lệ” (Trần Viết Ngạc), “Thầy Phạm Kiêm Âu là nhà mô phạm hiếm có” (Lê Tự Hỷ), “Thầy yêu đến tận tụy thiên chức cao cả của Thầy” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), “Thầy bất lực nhìn bao nhiêu điều đẹp đẽ về cuộc sống Thầy đã ươm vào đầu chúng tôi trong thời gian chúng tôi còn ngồi trên ghế giảng đường Đại học đã không trở thành thực tế” (Trần Minh Đức),…
Nhưng những bài viết dạt dào tình cảm với thầy Phạm Kiêm Âu bao giờ cũng là những bài của nữ sinh Đồng Khánh. Với họ, tiếng gọi “Thầy ơi!” vừa rất trìu mến, rất da diết và tràn đầy nữ tính. Họ không chỉ nhớ thương thầy của mình, mà còn thường xuyên giữ mối liên lạc, nối kết thầy với bạn bè Đồng Khánh, tâm sự với thầy, chăm sóc giúp đỡ thầy những lúc khó khăn, bàng hoàng tiếp nhận tin thầy qua đời như nhận hung tin của gia đình, cùng nhau đóng góp tiền để xây lăng mộ cho thầy và rồi cùng nhất trí chuyển tiền định xây lăng mộ thầy thành quỹ học bổng Phạm Kiêm Âu… Đúng như nhận định của người học trò Phan Mộng Hoàn: “Hiếm có một vị thầy nào trên đời này lại được môn sinh kính trọng và luôn nhắc nhở đến như Thầy Âu đã từng được”. Với con mắt tinh tế của một nhà văn, Trần Thùy Mai còn đưa ra một nhận xét sắc sảo: “Thầy là một con người rất ấn tượng, một “nghệ sĩ” trong ngành giáo dục. Cách dạy và cách sống của Thầy rất độc sáng, không ai có thể giống Thầy”. Nhà giáo Thái Thị Ngọc Dư lại nhận ra: “Thầy thể hiện lý tưởng giáo dục qua hành động hàng ngày của mình”; ở thầy có “một tình yêu văn hóa Pháp hòa quyện với tình yêu Tổ quốc”…
Giữa vô vàn những lời xưng tụng của các thế hệ học trò, và cả những bạn bè, người thân quen như các thầy Phan Văn Dật, Nguyễn Hữu Thứ, Võ Đình Nam, bác sĩ Lê Bá Vận…, thầy Phạm Kiêm Âu vẫn một mực khiêm cung, chỉ tự nhận mình là “con đom đóm nhỏ” giữa cuộc đời. Đọc những di cảo là thư từ của thầy gởi cho học trò, cho người thân và bằng hữu, phần lớn được viết trong những năm tháng buồn và nghiệt ngã ở cuối đời, giữa những tình cảnh oái ăm “thấy bao nhiêu sự thật chán chường về công bằng, lẽ phải, tình đời...”, giữa những điều ngang trái về nhân tình thế thái dễ làm cay đắng lòng người, nhưng nhiều bức thư của thầy vẫn được mở đầu bằng dòng địa chỉ hóm hĩnh: “Cố Đô - muôn thuở buồn, trầm lặng, cổ kính và… đại kẹt!”, “Cố Đô - muôn thuở trầm lặng, mơ buồn, cổ kính và… nghèo!” theo đúng phong cách rất Phạm Kiêm Âu.
Chừng như cả cuộc đời thầy Phạm Kiêm Âu đã vận vào khá đúng với “năm điều nguyện” độc đáo mà thầy đã tự đặt ra cho chính mình khi chọn làm người thầy giáo:
1. Tôi nguyện sẽ chịu có thân hình không tráng kiện, rất có thể thường đau ốm hoặc ho lao.
2. Tôi nguyện sẽ chịu cảnh giúp người, người lại vong ân, và người rất có thể lấy ân làm oán.
3. Tôi nguyện sẽ chịu sự bạc đãi ức hiếp.
4. Tôi nguyện sẽ chịu sự nghèo.
5. Tôi nguyện sẽ chịu sống tối tăm suốt đời.
Những lời thệ nguyện phảng phất hơi hướm của một tu sĩ thuộc dòng tu khổ hạnh, nhưng thật ra, như Trần Lạc Thư đã nhận xét khi nghe thầy tự ví “Tôi chỉ là con đom đóm nhỏ”. Con đom đóm nhỏ Phạm Kiêm Âu chưa bao giờ “sống tối tăm” mà ngược lại “con đom đóm nhỏ mà ánh sáng khiêm tốn lập lòe trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người! Nơi ấy, ngay cả mặt trời chói chang cũng không soi thấu được”.
Con người đó đôi lúc đã hóa thân trở thành một hình tượng văn học, làm nền cho một số truyện ngắn rất thú vị. Hai truyện ngắn “Đằng sau một số phận” của Quỳnh Anh và “Hai đóa hoa Quỳnh” của Hoàng Phủ Ngọc Phan được chuyển tải trong tập sách “Thầy Phạm Kiêm Âu - Có một Người Thầy như thế…” càng làm cho hình ảnh Phạm Kiêm Âu thêm một lần nữa trở thành biểu tượng đẹp, lung linh trong lòng người đọc.
Viết về thầy của mình, Nguyễn Lương Phán - người học trò từ năm 1950 ở trường Chơn Phước Phượng - Đồng Hới đã ước ao “có cách chi để Thầy tôi cũng có một đoạn đường mang tên Phạm Kiêm Âu! Và còn nhiều thầy giáo, cô giáo xứng đáng lắm… đáng được đặt tên cho những con đường mà họ từng gắn bó…”. Tôi cũng nghĩ, theo một cách nhỏ nhoi hơn, giá như ở ngay trong ngôi trường Hai Bà Trưng - “Đồng Khánh xưa” có một thư viện, một sân chơi, một phòng thí nghiệm… mang tên cô giáo Hiệu trưởng Đào Thị Xuân Yến (bà Nguyễn Đình Chi), tên thầy Phạm Kiêm Âu thì hay biết mấy, tình nghĩa biết mấy!
Thật tình, tôi cũng nghĩ đề nghị của mình chắc gì đã được ai để mắt tới, nhưng với những điều đáng nói, tại sao chúng ta lại ngại ngùng không nói?
N.X.H
(SH308/10-14)