Góc Hoài niệm
5 năm một chặng đường
08:50 | 04/12/2014

NHỚ LẠI "THUỞ BAN ĐẦU"
"Cái thuở ban đầu..." vẫn thường lưu lại trong ký ức người ta những dấu ấn sâu đậm khác thường. "Thuở ban đầu" của Sông Hương đối với tôi còn gắn với một kỷ niệm riêng nho nhỏ mà khó quên. Những ngày trung tuần tháng 6 năm 1983...

5 năm một chặng đường
Buổi họp cộng tác viên tại TP. Hồ Chí Minh

Nhưng để có những ngày vui tháng 6, tưởng cũng nên nhắc lại vài cột mốc thời gian trước đó.

- Ngày 14-11-1980, nhà thơ Xuân Hoàng ký công văn số 68 về việc xin ra Tạp chí.

- Ngày 30-1-1981, cuộc họp đầu tiên chuẩn bị cho việc ra tạp chí - một tạp chí văn nghệ chưa có tên gọi. Những cái tên được đưa ra cân nhắc: Miền Trung, Đất Nước, Ngôi Sao, Sông Hương, Phú Xuân...

- Ngày 14-12-1982, Thường Vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên chính thức đề nghị Trung Ương cho "Sông Hương" ra mắt 6 kỳ/năm...

Cho đến ngày 4-3-1983, "Sông Hương" mới nhận được giấy phép xuất bản mang số 33/XB-BC - con số thường được ghi ở trang cuối các số Sông Hương xuất bản trong 5 năm qua.

Chỉ một ngày sau, cuộc họp bàn đề cương xây dựng Tạp chí, lập danh sách Ban biên tập do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chủ trì, được tổ chức. Và một tháng sau, ngày 4-4-1983, Xuân Hoàng và Lê Thị Mây thay mặt Ban biên tập, tổ chức cuộc họp "quảng cáo" cho Sông Hương tại Hà Nội. Cuộc họp đông vui ngoài dự kiến: gần 100 người dự. Một số tên tuổi: Thanh Tịnh, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Hoàng Trung Thông, Lê Minh, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Bửu Tiễn, Nguyễn Xuân Sanh, Viễn Phương, Phan Tứ, Hoàng Minh Châu... đã đến bày tỏ tình cảm của mình đối với Sông Hương.

Cho đến ngày 12-6-1983. Hôm đó là thứ 7. Anh chị em Xí nghiệp In Bình Trị Thiên đã khẩn trương vào bìa, xén trước 500 cuốn để kịp tặng các đại biểu dự một hội nghị của Tỉnh và kịp ngày mai lên tàu đi thành phố Hồ Chí Minh. Người được tặng Sông Hương đầu tiên là đồng chí thợ xén sách, rồi đến Trưởng ga Huế. Đến chiều thì nhiều anh em ở cơ quan 26 Lê Lợi đã có Sông Hương trong tay. Đứa con đầu lòng, ai cũng nâng niu trân trọng. Đã hết giờ, Hoàng Phủ Ngọc Tường và Tô Nhuận Vỹ còn ngồi xổm dưới cây trứng gà bên cổng trụ sở Hội xem Sông Hương.

Ngày hôm sau, 13-6-1983, 400 cuốn Sông Hương số 1 đóng thành 2 thùng đựng chuyển lên tàu Thống nhất 3. Người "áp tải" là vợ và con gái tôi - cháu Hoàng Hà. Vừa khéo, hai mẹ con nghỉ hè vào Sài Gòn thăm bà con. Lên ga chờ tàu từ 14 giờ. Chờ mãi, tôi trở về lo cơm nước cho vợ con, lên ga, thì tàu sắp chạy. Trời tối, khối người vừa từ tàu tràn xuống nóng bức, đông nghịt. Hai thùng tạp chí thì nặng chịt. Vừa may, đi cùng chuyến tàu có Lê Tây, chồng Trần Thùy Mai, tác giả truyện "Một chút màu xanh" đăng trong số 1. Tôi và Tây, vác hai thùng Sông Hương hối hả lách đoàn người nhốn nháo bước lên tàu. Những số Sông Hương đầu tiên ấy đến với bạn đọc thành phố Hồ Chí Minh qua tay anh bạn thơ Trần Phá Nhạc. Còn ngay trên chuyến tàu Thống Nhất 3 ấy, cháu Hoàng Hà của tôi đã quảng cáo giới thiệu bán được khoảng vài chục số. Đó là những bạn đọc đầu tiên mua Sông Hương. Nếu có ai trong số bạn đọc tình cờ ấy còn theo dõi Sông Hương đến hôm nay, khi đọc những dòng này hẳn sẽ thú vị mỉm cười.

Ba ngày sau, Tòa soạn mới nhận đủ 4.000 cuốn từ Xí nghiệp In. Chiếc xe Zeep của Hội mang tấm biển quảng cáo Sông Hương, gắn loa phóng thanh chạy một vòng quanh thành phố. Trên xe có Thái Ngọc San, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ. Xe chỉ dừng mấy tụ điểm đã bán được gần 1.000 số. Chỗ bán được nhiều nhất là trước chợ Đông Ba. Có lẽ một phần vì trong Sông Hương số 1 có hồi ký "Chợ Đông Ba những ngày này" của Lê Thị Mây. Võ Quê thường bảo: bà con rất xúc động khi nghe đọc bài thơ cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải đã rủ nhau tới mua...

Buổi tối, trời nóng, và cũng như muốn bày tỏ chí hướng "nhập cuộc" và cởi mở đối với bạn đọc của Sông Hương, cuộc họp giới thiệu tờ Tạp chí vừa ra mắt không đóng khung trong những bức tường mà trải ra quãng sân dưới bóng mát hai cây trứng gà bên con đường Lê Lợi dọc sông Hương. Một số tác phẩm in trong Sông Hương số 1 đã được trình bày, trong đó có bài hát "Ai đã đặt tên dòng sông" của nhạc sĩ Trần Hữu Pháp. Một bài ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường và bài nghiên cứu của cụ Nguyễn Hữu Đính cũng lấy tựa đề là một câu hỏi mà có lẽ mãi mãi không ai trả lời được. Đó cũng là số phận của những sáng tác dân gian, không thể tìm ra tác giả, nhưng tác phẩm thì sống muôn đời. Tôi cũng không sao nhớ lại được ai là người đầu tiên đã đặt tên cho tờ tạp chí là "Sông Hương". Dù chỉ mới qua năm tuổi, tôi cũng muốn cầu mong cho "Sông Hương" trường tồn như dòng sông thơ mộng chảy qua thành Huế cổ kính và xinh đẹp, và sống muôn đời như những tác phẩm dân gian.

Huế, ngày 12-6-1988
NGUYỄN KHẮC PHÊ


SÔNG HƯƠNG VÀ NHỮNG TẤM LÒNG BÈ BẠN

* Tôi đọc Sông Hương không được đều. Nhưng tôi cho đấy là một tờ báo lớn, có tầm toàn quốc. Cái giỏi của Sông Hương là: nếu xét từng bài thì chưa hẳn bài báo nào cũng hay (mà báo nào cũng thế thôi), nhưng tất cả hợp thành một khối thống nhất. Đấy là một tờ báo "sang trọng" (xin hiểu cho từ dùng của tôi), trí thức, chúng tôi đang lo Văn Nghệ bị lỏi, rất mong Sông Hương, vốn có tính khuynh hướng mạnh mẽ, cùng "hợp đồng tác chiến".

Tôi biết Sông Hương có quyết tâm, nhưng theo tôi cần phải tìm cho ra phương thức riêng với tờ báo của mình.
Nhà văn NGUYÊN NGỌC
(Tổng biên tập Báo Văn Nghệ)


* Sông Hương là một trong những tờ tạp chí chiếm được cảm tình của tôi - vì sức trẻ của nó, và cả vì sự thanh lịch của nó, từ nội dung cho đến hình thức. Sự thanh lịch cần phải có mà lại chưa có nhiều trên báo chí của ta lâu nay. Tôi cứ nghĩ, phải chi có những mục thường xuyên (như điểm tin, đọc sách...) các anh tạo được một giọng nói riêng, một phong cách trang nhã riêng, chỉ Sông Hương mới có (như các báo Ngày Nay (trước CM), Văn (ở Sài Gòn trước 75)... thì tờ báo còn để ấn tượng trong bạn đọc sâu sắc hơn nữa.
Giáo sư NGUYỄN HUỆ CHI


* Đã từ lâu Huế đối với tôi như là một Athènes đối với Hy Lạp. Nếu Athènes đã từng bị các đế quốc thống trị, cướp đoạt như thế nào, thì Huế cũng đã trải qua nhiều thời kỳ phong ba, bão táp còn thô bạo hơn thế nữa. Nếu L’acropole đã từng bị biến thành pháo đài chống giữ thời xa xưa thì Hoàng Thành Huế cũng chịu chung số phận dưới thời thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng điều khác biệt là những quả đại bác bắn vào L’acropole còn thể hiện cái ác, còn tham vọng hạn chế, trái lại bom đạn Mỹ trút xuống Hoàng Thành Huế trong tết Mậu Thân là thể hiện bản tính dã man của loài thú dữ. Trong trí tôi hình ảnh 2 cái lô cốt xây lên ở cửa Đông Ba và cửa Thượng Tứ sau khi Mỹ dùng bom phá hủy, chẳng khác nào 2 cái gông quàng lên đầu người nô lệ của chế độ ngụy quyền, đó là vết sỉ nhục một thời còn lại của những người đem linh hồn tổ tiên bán cho loài Bạch Quỷ.

Mặt khác, Huế đối với tôi là biểu tượng tuyệt vời nhất của Nữ thần Athéna Hy Lạp. Bởi vì tôi tìm thấy vẻ yêu kiều của Athéna, Thần Trinh nữ, qua giòng sông trong xanh bốn mùa, qua tà áo trắng, chiếc nón, mái tóc thề của cô gái Huế đoan trinh, qua đức hạnh của người mẹ Huế thủy chung...

Có lẽ những ý nghĩ những cảm xúc của tôi vượt ra ngoài giới hạn của một bức thư, nhưng dù thế nào thì đây cũng chỉ là ý kiến chân thật riêng của tôi đối với Sông Hương.
VƯƠNG KIỀU


* Là một tờ báo có phạm vi hoạt động trên gần khắp cả nước, cả ở nước ngoài. Lại có 5 năm tồn tại. Là đáng tự hào lắm. Thế nhưng, có bao giờ các anh rà soát lại nội dung không? Tờ báo của chúng ta viết nhiều về Huế quá! Từ văn học cho đến nghiên cứu, phê bình. Tất nhiên là tờ báo địa phương, chúng ta phải nói nhiều hơn một chút về địa phương. Chúng ta có quyền. Và suy cho cùng nó là bản sắc. Tôi hiểu điều đó lắm nhưng sao cứ bứt rứt. Tự mình như thế đó là tự giới hạn lấy không? Hay còn là một điều gì khác? Lại nghĩ về tác giả. Cũng là một lặp lại đa số, thường xuyên các tên tuổi đó. Đồng ý là có Trang viết đầu tay, có phát hiện tài năng nhưng vẫn còn hạn chế quá...

Lại nói về một khía cạnh khác. Có nên không khi ta vượt qua tôn chỉ hoạt động của mình một chút là làm văn học nghệ thuật để nói về đời thường, về người dân của chúng ta với muôn vàn nguyện vọng, ước mơ nhưng do điều kiện nào đó không thể lên tiếng được?
LÊ TRUNG THÀNH
(Thành phố Hồ Chí Minh)


* Tôi không có dịp may mắn đọc đủ Tạp chí Sông Hương, nhưng tin rằng chặng đường 5 năm vừa qua của Tạp chí không phải là một chặng đường riêng lẻ về xã hội chủ nghĩa của quê hương chúng ta.

Những sáng tác nghệ thuật, qua nhiều hình thái khác nhau trong Sông Hương... đã khai lộ cho nhiều tình cảm, nhiều tư tưởng sinh hoạt và bản chất người Huế nói riêng, và cho con người chúng ta nói chung đang sống. Có những bức tranh hùng vĩ, cả những bức tranh đau thương và... cả những cố gắng ôm cho kỳ được những ước mơ hạnh phúc cho hôm nay, hôm qua và cả mai sau...

Và Tạp chí Sông Hương đã biết thu hút huy động được cảm tình của nhiều tổ chức, tấm lòng và tài năng của nhiều người, văn hóa, văn nghệ Trung Nam Bắc, Đông và Tây, cũ và mới, trong và ngoài nước... Báo Sông Hương là vẻ đẹp của một cái gì cô đọng, tích cực, luôn biến hóa và chan chứa nỗi niềm với tâm hồn của những người Huế đang xa quê nhà. Tôi nhớ mãi những tâm tư trong bức thư về Huế, với hương hồn của chị H. do giáo sư Cao Huy Thuần ở Paris viết.. Nói thế nào đây! Một cái gì như là một thực tế đang sống, như "đầu ta gối vào chính tay ta, đỡ lấy chiêm bao trên gối mộng của chính mình" một cái gì đủ sức lay động tư duy, tình cảm, mang nặng nhớ thương của mình, nhớ thương Tổ quốc Việt Nam của mình...

Tôi thường thích bóng dáng đài các của giới thượng lưu Huế dễ yêu, cái kết tinh một vẻ đẹp lâu đời của người Huế chúng ta. Nhưng tôi chỉ có thể phát biểu những điều tôi suy nghĩ, cảm nghĩ trên những câu nói "lác lác" của một người Huế thường hay sử dụng công thức toán học, vui vẻ với các anh thôi! Về cái gì? Về cái nghịch lý tiềm ẩn trong sự vật luôn luôn phát triển: Đó là cái đổi mới tư duy mà báo chí lãnh sự mệnh đi đầu. Và không phải không trả giá cao, như anh Nguyên Ngọc đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập báo Văn Nghệ.
NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG


* Sông Hương, tiếng là của Bình Trị Thiên nhưng người đọc thấy nét Huế nhiều hơn, như là của riêng Huế. Theo tôi, điều ấy vừa hay vừa chưa hay. Hay là có nét riêng, rất riêng và biết đâu người ta mê Sông Hương vì lẽ đó, cả tôi nữa. Còn chưa hay là các miền đất của B.T.T nữa đâu, ở đó cũng có cái riêng nữa chứ, ví như Quảng Bình (chẳng hạn).

Còn điểm này nữa, cách trình bày tên tác giả tại sao Sông Hương nhiều số lại viết chữ in thường. Có đúng với chính tả không? Tôi có đứa cháu, nhỏ thôi, đang học cấp 1, nó giở Sông Hương, thấy vậy, hỏi tôi. Và bây giờ tôi hỏi Sông Hương. Tôi nghĩ, thiếu gì cách trình bày, nếu để như thế vừa không đúng chính tả (theo cách góp của cháu tôi) vừa có gì như chưa trọng tác giả, và cả người đọc chúng tôi nữa chứ. Chuyện rất là nhỏ thôi, song tôi thấy là như vậy.

Ở Sông Hương, phần văn học nước ngoài đọc rất tốt, có chọn lọc, mong có thêm giới thiệu thơ của tác giả nước ngoài.

Nên có thêm nhiều bài như kiểu bài của Ngọc Trai viết về Nguyễn Tuân. Phần điểm sách và phê bình nên hay hơn một chút nữa. Mục hộp thư rất độc đáo, rất vui. Nói chung ở Sông Hương, với tôi, khen nhiều hơn chê. Sông Hương là một tờ báo đáng mua, đáng đọc nói như các cụ xưa thường nói "Xứng đồng tiền, bát gạo".
VŨ TUẤN SƠN
Bình Thạnh - Thành phố Hồ Chí Minh

(SH32/08-88)





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng