Góc Hoài niệm
Nhớ những ngày Hậu Lộc
17:39 | 22/12/2014

TÔ NHUẬN VỸ

Lớp sinh viên chúng tôi tốt nghiệp Khoa Văn - Sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, đúng vào thời điểm Mỹ đánh phá miền Bắc và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam kêu gọi con em miền Nam đang ở miền Bắc hãy trở về chiến đấu cho quê hương.

Nhớ những ngày Hậu Lộc
Thầy Tô Nhuận Vỹ và thầy Thự (thứ 2 và 3 từ trái qua) cùng các học sinh 50 năm trước

Nhiều anh em xung phong vào bộ đội như Phạm Tiến Duật, Tô Hoàng, Vương Trí Nhàn… và gần như tất cả sinh viên quê ở miền Nam đều viết đơn xin trở về chiến đấu cho quê hương. Ở lớp Văn 3B có tôi và Nguyễn Khoa Điềm, xin về chiến trường Trị Thiên Huế. Nhưng, Nguyễn Khoa Điềm được chấp nhận, còn tôi thật đau khổ: tôi bị từ chối vì mắt đang bị bệnh viêm màng tiếp hợp mùa Xuân. Cái bệnh quái ác lại mang tên mùa Xuân mà lẽ ra phải gọi là bệnh hại người mùa đen tối! Tôi quá buồn. Hồi đó, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi được Khoa kêu lên để chọn nhiệm sở. Tôi được chọn một trong 5 nơi: Sơn Tây, Trường Sư phạm Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình và 1 nơi nữa mà tôi quên rồi (trừ Hà Nội không ở trong danh sách chọn lựa). Tôi xin đi Quảng Bình chỉ với ý nghĩ đây là nơi gần với Huế nhất. Nhưng Quảng Bình chỉ cần 1 chỉ tiêu mà Ty Giáo dục đã nhận 1 giáo viên mới. Chỉ còn Thanh Hóa là nơi gần với Huế hơn cả.

Và tôi được về Thanh Hóa.

Ty giáo dục Thanh Hóa ưu tiên cho tôi về trường Lam Sơn nổi tiếng vì tốt nghiệp loại giỏi và đặc biệt, như trong mọi trường hợp ở miền Bắc lúc đó, vì tôi là con em miền Nam. Nhưng tôi cũng nghe cán bộ trong Ty nói với nhau trường cấp 3 Hậu Lộc mới thành lập, khai giảng một tháng rồi mà chỉ có giáo viên Toán, Lý, Hóa, mãi chưa có ai là giáo viên các môn Xã hội về hết! Với tôi, không hiểu sao lúc đó tôi có ý nghĩ ở đâu có một chút khó khăn thì cũng “gần” với quê hương tôi đang chiến đấu gian nan hơn một chút! Mà trước đó ít lâu, không quân Mỹ trong cuộc mở đầu hành động tấn công miền Bắc đã đánh phá một số nơi ở miền biển Lạch Trường, Hậu Lộc. Lập tức tôi xin về trường cấp 3 Hậu Lộc.

Theo lời dặn, tôi đi tàu hỏa, xuống ga Nghĩa Trang khi trời còn rất sớm (mới đầu nghe tên ga này hơi… rờn rợn). Tôi bắt xe ngựa về chợ Phủ. Chợ Phủ lúc đó là trung tâm của huyện và trường dĩ nhiên đóng ở đây. Trường mới thành lập nên mới chỉ có 2 lớp 8 (8A và 8B), chưa có lớp 9 và lớp 10, đang học tạm tại trường cấp 2 của huyện, ngay sân vận động. Sáng cấp 3 chiều cấp 2. Ngồi trên xe ngựa lóc cóc trên con đường cấp phối, đường có lúc len giữa 2 ngọn núi đá, qua mấy làng xóm xanh ngắt vườn dừa yên bình mà lòng tôi nôn nao vô cùng. Còn 5 cây số nữa, tôi sẽ gặp những học sinh đầu tiên trong đời thầy giáo của mình. Tôi như đếm từng bước chạy của con ngựa gầy gò. Tiếng lóc cóc của vó ngựa như tiếng đập thình thịch của trái tim tôi.

Đến chợ Phủ, tôi xách va ly hỏi đường đi về hướng sân vận động. Mặc dầu trên xe mấy người đồng hành đã bày cho tôi chi ly cách tìm ra trường, nhưng tôi vẫn hỏi bà bán nước chè nơi chợ Phủ cho chắc. Hai bác lớn tuổi, có vẻ là cán bộ, cười hỏi tôi có phải là thầy giáo mới về trường không. Tôi hơi lạ sao họ giỏi thế. Nhưng ngẫm lại thì có gì đâu mà không đoán ra: trường cấp 3 là sự kiện quá quan trọng ở Hậu Lộc và mấy xã quanh đây của vùng Hoằng Hóa, Hà Trung, tôi là chàng trai “ra vẻ chữ nghĩa”, lại xách valy - thành phố, không phải giáo viên về trường đang đói thầy thì ai vô đây nữa!

Ra khỏi mấy xóm nhà thì đến ngay đoạn đê cao bên Sân vận động. Một đám học sinh đang tập thể dục dưới sân. Tôi đang phân vân sao giờ này lại tập thể dục, mà học sinh cấp 3 hay cấp 2… thì dưới sân vận động tiếng la, tiếng hoan hô váng lên. Và lập tức cả đoàn học sinh chạy lao lên triền đê. Trong thoáng chốc, tôi bị vây kín giữa hàng trăm học sinh. Hàng trăm cặp mắt mở to, hàng trăm tiếng reo tiếng hỏi dồn dập.

- Chào Thầy! Chào Thầy!

- Em chào Thầy! Em chào Thầy!...

- Thầy dạy môn gì ạ?

- Thầy trẻ quá chúng mày ơi!...

Tình cảm vồn vả của học sinh khiến tôi hơi bị… choáng. Ngày đó tôi cũng mới 23 tuổi mà học sinh cấp 3 ở vùng quê Thanh Hóa lúc đó có vẻ “lớn” hơn các vùng khác thì phải, nên giữa chúng tôi cứ như “một lứa” với nhau cả, tuổi tác hơn nhau không bao nhiêu. Sau đó tôi lại được cử làm Bí thư Chi đoàn giáo viên kiêm luôn Bí thư Đoàn trường (hai lớp 8A và 8B có 2 Chi đoàn), tình thân mật như anh em càng đằm thắm hơn. Tôi hoàn toàn không có cảm giác đạo mạo của một ông thầy và sự cách biệt giữa thầy và trò, ngay cả khi giảng bài ở trên lớp. Bao giờ tôi cũng thấy những ánh mắt tươi rói và nụ cười nơi các em. Suốt cho đến ngày tôi chia tay các em để vào chiến trường. Ánh mắt và nụ cười của các em cứ theo tôi suốt bao nhiêu năm trời, cho tới tận bây giờ, khi các em đã là các ông các bà.

Lúc đó, hơn một tháng trời từ ngày khai giảng, giáo viên về trường mới chỉ có anh Thự dạy toán, anh An dạy Vật lý (kiêm Hóa). Hiệu trưởng chưa có nên anh Duyện Hiệu trưởng trường cấp 2 kiêm luôn phụ trách và dạy môn Chính trị. Anh là đảng viên duy nhất trong trường. Anh An là Thư ký Công đoàn, tôi là Bí thư Đoàn trường (Chỉ mấy người mà đã… đủ thứ chức vụ!). Hồi đó, ở trường Đại học Sư phạm đào tạo sinh viên khi ra trường dạy 1 môn chính toàn cấp và 1 môn phụ dạy lớp 8. Như khoa tôi học là khoa Văn - Sử thì dạy Văn lớp 8, 9 và 10 và dạy Sử lớp 8. Các bộ môn khác đều “đúp” vậy cả (các khoa Toán - Lý, Lý - Hóa, Hóa - Sinh, Sinh - Địa, Sử - Địa…). Khi chưa có giáo viên Sử, tôi dạy cả Sử lớp 8 là chuyện không có gì đặc biệt (sau đó chị Hòe, người Hà Nội, về dạy Sử). Nhưng môn Địa không có ai có thể kiêm cả. Anh Duyện, anh An động viên tôi, trong lúc chờ thầy Địa lý sắp về, hãy mạnh dạn dạy vài ba tiết chờ đợi. Mới nghe tôi đã toát mồ hôi, nhưng anh em động viên cứ đọc sách giáo khoa cho kỹ để “chữa cháy”, chứ học thiếu môn học sinh buồn lắm.

Và tôi đã có một phen liều mạng. Và trong “phen liều mạng” này đã có sự cố xảy ra, chắc đến giờ chưa học sinh nào của tôi ngày ấy biết được.

Môn Địa lý của cả ba lớp 8, 9, 10 ngày ấy, tôi cho Địa lớp 8 là khó nhất, vì học kinh tế - địa lý các nước tư bản mà tài liệu về các nước ấy lúc đó là của hiếm (và là của… phản động nữa!). Tôi không có bất cứ tài liệu tham khảo nào, ngoại trừ phần in trong sách giáo khoa, về nước Anh.

Khi đọc phần về nước Anh trong sách giáo khoa, có câu “Bờ biển nước Anh có rất nhiều Fiord”, tôi ớ người ra vì không biết Fiord là cái quái gì, lại không có chú thích. Từ điển tiếng Anh dĩ nhiên càng không có bởi lúc đó học sinh và sinh viên chỉ học tiếng Nga và tiếng Trung. Cho đến gần sáng mà đầu óc tôi vẫn tịt mít chuyện Fiord. Tôi đành lên lớp với giáo án “lờ tịt” cái từ hắc búa này. Nhưng một học sinh giỏi đã giơ tay ngay sau khi tôi ngắt lời:

- Thưa thầy, Fiord là gì ạ?

Tôi lạnh người trong giây lát, chạy trời không khỏi nắng rồi! Nhưng, đúng vào phút “sinh tử” đó, đầu óc tôi cũng còn chút… thông minh. Tôi sực nhớ đến 2 chữ “phát vấn”. Tôi thở phào.

- Em nào biết Fiord là cái gì? - Tôi hỏi cả lớp và hít một hơi dài để lấy lại bình tĩnh.

Mấy cánh tay đưa lên, cũng toàn mấy học sinh giỏi. Hai em lần lượt phát biểu, nội dung mà tôi nghĩ là chưa đúng nhưng lại gợi ý cho tôi chợt nhớ đến một câu chuyện mà tôi đã đọc trên báo chí thời tôi đang học cấp 3. Chuyện rằng, thời các ông Malencop và Bunganin đang lãnh đạo Liên Xô, các ông được mời qua thăm nước Anh. Hai ông đi tàu thủy của Liên Xô. Thường các tàu nước ngoài tới phải đợi ngoài xa để chờ hoa tiêu của nước Anh ra trực tiếp dẫn đường vào bờ, chứ không sẽ va vào vô vàn các tảng đá san hô ngầm ở các vịnh hẹp giữa các bờ đá. Nhưng tàu của hai ông Malencop và Bunganin lại không cần hoa tiêu, tàu họ tự đi vào, tránh được tất cả các tảng đá ngầm ở các vịnh hẹp để vào bờ trước sự ngỡ ngàng của toàn bộ hệ thống bảo vệ quốc phòng của Vương quốc Anh. Sau vụ này, Bộ trưởng Hải quân và Chỉ huy tình báo Anh bị cách chức vì rõ ràng tình báo Liên Xô đã có trong tay toàn bộ bản đồ chi tiết bờ biển nước Anh. Nhớ tới chuyện này, tôi sung sướng đến… toát mồ hôi! Tôi không những định hướng được phạm vi giải thích về Fiord, dù dài dòng nhưng chính xác (sau này anh Trản dạy Địa lý về trường, tôi có kể chuyện này, anh cười lăn cười lộn, nhưng nói rằng, nội dung cơ bản tôi giải thích là đúng, dù không ngắn gọn như trong từ điển Địa chất học là “Vịnh hẹp giữa hai bờ đá…”). Mặt khác, tôi được học sinh khen là thầy mình… hiểu biết rộng khi kể cho các em nghe câu chuyện độc đáo đó. Đây là kỷ niệm “thất kinh” duy nhất của tôi trong “những ngày Hậu Lộc” đầy ắp thân thương.

Lúc đó trường chưa có bếp ăn tập thể nên giáo viên người thì tự túc nấu ăn bằng bếp dầu, người gửi tiền, gạo cho mấy nhà gần trường nấu giúp. Tôi và anh Trản, An, Thự… theo cách tứ hai. Trong số giáo viên của trường, tôi trẻ nhất, lại làm công tác Đoàn nên học sinh đến chơi với tôi nhiều và tự nhiên hơn với các giáo viên khác. Đặc biệt, nhiều em thường đến sớm đem theo quà “cây nhà lá vườn” cho tôi: lúc thì cam, quýt, dừa của vườn nhà, lúc bánh trái mẹ vừa gói, có khi nồi cá kho ăn cả tuần chưa hết. Nhà các em có cỗ, nếu mời tôi không đi được thì chắc chắn sáng hôm sau tôi có phần. Tôi không bắt gặp em nào khi đưa quà, nhưng tôi đoán đa phần là các em nữ. Con gái thường tỉ mỉ, chu đáo, nhìn cách gói quà là biết. Mà cứ đúng vào lúc tôi đang đánh răng rửa mặt buổi sáng, về phòng đã thấy đống quà chuồi qua cửa sổ bỏ trên bàn làm việc rồi. Khu tập thể giáo viên lúc đó chỉ có mấy phòng nhà tranh vách đất, vừa đủ để cái bàn cạnh cửa sổ và cái giường cá nhân để ngủ và để chăn màn áo quần. Quà nhiều quá có lúc không còn chỗ để. Dĩ nhiên tôi phân chia cho các giáo viên khác nữa, nhưng tôi vẫn thấy ngại nên có hôm tôi nói với các em là bớt cho tôi chuyện này, bởi vì chuyện ăn uống của tôi không đáng để các em lo lắng như thế. Tôi chỉ nhận lại được những nụ cười thân thương từ dưới lớp.

*

Ngày 4 và 5 tháng 8 năm 1964, máy bay Mỹ đánh ác liệt vào cầu Hàm Rồng và nhiều nơi khác. Cầu Tào, cầu Hà Trung bị đánh sập. Chiến tranh đã ào ạt ập đến Thanh Hóa, đến với thầy trò tôi. Không đợi chủ trương của cấp trên, Đoàn thanh niên trường ngay lập tức tổ chức Đội tuyên truyền xung phong gồm những học sinh và giáo viên biết hát, biết ngâm thơ đến các điểm nóng đó. Trong ánh sáng bập bùng của ngọn lửa từ các bó nứa cháy rực đang soi sáng cho hàng trăm thanh niên, công nhân, tự vệ, bộ đội lấp hố bom, dọn đường sắt tan nát hoặc đang bắc cầu phao, chúng tôi nối nhau đọc tin chiến thắng giặc Mỹ từ các chiến trường, hát những khúc ca, ngâm những bài thơ chống Mỹ mới nhất, sục sôi nhất của miền Bắc lúc đó để động viên mọi người. Hát đến khô cả cổ, hát cho đến nửa đêm sương xuống lạnh hai vai. Hôm đến cầu Hàm Rồng, hàng ngàn người hối hả khắc phục hiện trường hai bên vùng cầu. Nhìn thôn Hoàng Anh bên này cầu hứng hàng trăm quả bom và hỏa tiễn Mỹ thả và bắn không trúng cầu vì bị hỏa lực nhiều tầng của ta bắn rát phải tránh né, số bom và hỏa tiễn đó rơi hết xuống Hoàng Anh, khiến làng Hoàng Anh chỉ còn như một bãi chiến trường ngổn ngang. Hoàng Anh là làng của anh Thự, giáo viên Toán. Chúng tôi tìm vô nhà anh. Nhà anh cũng không ngoại lệ của cảnh tan nát. Nhưng may là không ai việc gì vì đã kịp sơ tán trước khi địch ném bom.

Đội tuyên truyền chỉ hoạt động mấy hôm vì chúng tôi còn phải dạy và học. Mặt khác, trường được lệnh chuẩn bị sơ tán về Chợ Dầu ở Thịnh Lộc, chứ không ở trung tâm huyện lỵ nữa. Nhưng tinh thần chiến đấu kịp thời của giáo viên và học sinh Hậu Lộc đã được báo Người giáo viên nhân dân biểu dương sau khi đăng bài viết của tôi. Tiếc rằng, vì sau đó tôi đi chiến trường nên không còn giữ được bài viết kỷ niệm này.

Ít lâu sau sự kiện 5 tháng 8, tôi được lệnh của Ban thống nhất Trung ương ra Hà Nội tập trung để chuẩn bị đi chiến trường B. Những tháng ngày đó, ở đâu có người được gọi đi chiến trường thì không những cá nhân ấy phấn khích, tự hào mà còn là niềm vui và tự hào của cả tập thể đó. Vì vậy, dù đang thiếu giáo viên, dù cho rất bịn rịn tình cảm thầy trò mới nồng ấm… gần như cả trường vui mừng, cảm động chia tay tôi. Đã gần 50 năm qua mà tôi vẫn nhớ buổi sáng tôi chia tay học sinh để ra Hà Nội. Lúc này hai lớp 8A và 8B đã thành 9A và 9B. Tôi xin giảng bài văn cuối cùng cho cả hai lớp, bài “Tổ quốc có bao giờ đẹp thế này chăng” của Chế Lan Viên. Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm/ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?...

Tôi đã nghẹn ngào khi đọc những dòng thơ cháy bỏng tình yêu thương và tự hào về Đất Nước. Cả đất nước đang sống những ngày gian nan và kiêu hùng trong hào khí chống Mỹ xâm lược. Mỗi chú bé đều nằm mơ Ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng. Và những dòng nước mắt đã chảy dài trên má các em… Tôi thầm nói với các em rằng, tôi sẽ sống và chiến đấu xứng đáng với những tấm lòng, những đôi mắt sáng như gương của các em. Và tôi cũng thầm nghe, từ những đôi mắt long lanh, lời hứa sống xứng đáng với thầy của các em. Ôm tạm biệt các em, lòng tôi ứ đầy nước mắt, không biết đến bao giờ chúng tôi mới gặp nhau hay không bao giờ nữa… Câu thơ của Chế Lan Viên thật đúng tâm trạng lúc này của tôi, Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn… Các em bíu vào hai tay tôi, khoác người tôi và cả khối thầy trò như trôi trên con đường rợp bóng dừa nơi sơ tán Chợ Dầu, đưa tôi đi về hướng Hà Trung, để từ đó bắt xe từng đoạn ra tàu lửa ở gần Ninh Bình bởi các cây cầu ra đến Ninh Bình đều đã bị bom Mỹ đánh sập. Nhưng, trong từng ngõ ngách của vùng quê Hậu Lộc cho đến ngay bên hố bom sâu hoắm dưới chân cầu, tôi không hề bắt gặp một ánh mắt sợ hãi mà chỉ có sự căm thù và lòng tự tin. Những năm tháng gian khổ ở chiến trường, nhất là những ngày tan nát sau Tết Mậu Thân, khi tôi bị thương mà phải nằm hầm bí mật hàng tháng trời giữa lúc địch lùng sục, tàn sát khắp vùng phía Nam Huế, tôi thường nhớ tới những đôi mắt trong sáng và những giọt nước mắt tiễn đưa tôi đi chiến trường của các em mà thêm vững lòng. Với các em cũng vậy. Cách đây mấy năm, khi thầy trò ngồi tâm sự với nhau, một em đang là cán bộ chủ chốt một ngành của Thanh Hóa, thành thật kể cho chúng tôi nghe chuyện em đi bộ đội cũng vào chiến trường Trị Thiên Huế. Giai đoạn đói khổ quá, em có phút yếu lòng tính chuyện bỏ đơn vị để trở ra Bắc. “Nhưng em sực nhớ Thầy cũng đang ở chiến trường ni, Thầy cũng chịu gian khổ mấy năm rồi, mình đang B QUAY mà bất chợt gặp thầy thì ăn nói răng đây? Rứa là em thôi ngay ý nghĩ tiêu cực!”. Hôm ấy tôi đã ôm lấy người học trò cũ của tôi mà ứa nước mắt. Đó là phần thưởng quý hóa cho những ngày tháng Hậu Lộc của tôi.

*

Năm 2000 tôi đang làm Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế thì được VTV3 mời tham gia Ban Giám khảo buổi Chung kết cuộc thi SV 2000 tại thành phố Hồ Chí Minh giữa 3 trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Đại học Ngoại Thương thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc thi tổ chức tại Nhà văn hóa Quân khu 7, được VTV3 truyền hình trực tiếp toàn quốc. Không ngờ cuộc thi này là “bước ngoặt” trong việc nối lại quan hệ thầy trò của chúng tôi, sau gần 35 năm xa cách. Hóa ra, với các học sinh Hậu Lộc 1964 - 1965, tôi chỉ là thầy Tô Thế Quảng, chứ các em không biết từ ngày về Huế chiến đấu, tôi đã buộc phải mang một tên khác là Tô Nhuận Vỹ. Ngay khi cuộc thi sắp bắt đầu, điện thoại của tôi liên tục có các cuộc gọi lạ mà phần nhiều là kêu gọi tôi ủng hộ trường của họ (bằng cách cho nhiều điểm). Nhưng có một cuộc chỉ là một câu hỏi thảng thốt:

- Thầy có phải là thầy Quảng không ạ?!

Để không bị phân tâm, theo yêu cầu của Ban Tổ chức, các thành viên Ban Giám khảo phải tắt máy, nhưng tôi quá băn khoăn về người hỏi câu sau cùng. Tôi đã đoán là chỉ có thể một em học sinh Hậu Lộc cũ. Nhưng làm sao em biết số di động của tôi? Chắc em hỏi VTV3. Tôi tính sẽ gọi lại cho em đó ngay sau đêm chung kết. Nhưng quá nửa đêm tôi mới về khách sạn và còn bị bao cuộc gọi khác nữa. Đến sáng hôm sau thì tôi không còn phân biệt đâu là số điện thoại từ em mà tôi đoán là học sinh Hậu Lộc cũ. Nhưng tôi không phải chờ đợi lâu, chỉ ít hôm sau đó, em Lưu Ngọc An từ thành phố Thanh Hóa đã gọi vào cho tôi, vui mừng thông báo “đã tìm ra thầy Quảng” bọn em đã báo cho nhau, cả ở đây và ngoài Hà Nội! Ở thành phố Thanh Hóa thì có Lưu Ngọc An, Nguyễn Thị Chưởng, Đinh Bích An, Trần Ngọc Thạch, Dương Văn Hồng (và vợ là Quy, cũng là học sinh Hậu Lộc cũ), Chu Huy Thợi, Hoàng Quốc Vinh… Và nhóm ở Hà Nội có Vương Hồng Bàng, Bùi Thị Bao, Nguyễn Quang Viên, Hoàng Thị Nụ, Đỗ Thị Ngọ, Nguyễn Đức Long, Cao Đình Trúc, Lưu Văn Trình…

Ngày Nhà giáo năm ấy, ngoài những đóa hoa của sinh viên cũ và mới tặng nhà tôi (Giảng viên Vật lý Đại học Sư phạm Huế) là đài hoa 3 tầng rực rỡ của tập thể học sinh Hậu Lộc thuở 64 - 65. Nhà tôi ngào ngạt hương thơm thầy - trò suốt tuần.

Từ ngày đó, hễ có dịp ra Thanh Hóa hay Hà Nội, tôi đều có các cuộc gặp gỡ thân tình, “ríu rít” với các học sinh - bạn bè thân quý của tôi. Và cứ mỗi dịp Tết Lễ, nhất là Ngày Nhà giáo, bao giờ tôi cũng có những lời chúc mừng thắm thiết từ những học sinh đã vào tuổi ông tuổi bà. Ngày tôi còn ở trong căn phòng lợp tranh vách đất bên sân vận động chợ Phủ, những cái bánh, trái cây, nồi cá kho… đã nuôi tôi trong tình thương quý của học trò, thì nay gần như hàng ngày tôi đều chạm đến kỷ vật mới của các em, từ cái khăn, đôi giày, bộ veston… Nhà tôi thật ra chẳng thiếu thứ gì, tôi cũng đi khắp nơi khắp chốn của thế giới rồi, cũng dấn thân vào bao thử thách trong chiến tranh cũng như hòa bình… để tìm kiếm bao điều mới mẻ, để đổi thay, nhưng, những kỷ vật nhỏ này, “những tấm lòng xưa cũ” này luôn luôn là bảo vật, là điều vĩnh viễn giá trị của tôi và gia đình tôi.

*

Tôi bồi hồi khi nhận được thư mời ra dự kỷ niệm 50 năm thành lập trường Cấp 3 Hậu Lộc (nay là trường PTTH Hậu Lộc 1), với lời đề Kính gửi Thầy Tô Thế Quảng.

Tôi gạt mọi việc để ra dự và trước ngày lễ chính, tôi và anh Thự - dạy Toán, 1/5 giáo viên đầu tiên của trường - cùng các em Thợi, An, Thạch học sinh 50 năm trước về Hậu Lộc 1. Khi vào địa phận của chợ Phủ ngày xưa, xe đi chậm để các em nhắc lại nơi chốn cũ. Ủy ban huyện đây thầy… Bách hóa tổng hợp đây thầy… Nhà mà lúc đầu các thầy ở nhờ đây… Không còn đâu dấu vết nghèo khổ mà gắn bó với tôi ngày xưa. Tất cả tòa ngang dãy dọc, với những tên chữ của thời hiện đại. Trung tâm, Trung tâm… Tôi kêu xe dừng chốc lát. À, cái vệt cỏ chừng trăm mét vuông bên đường… Có phải sân vận động ngày xưa? Dạ phải đó thầy, giờ sân vận động về dưới huyện mới, to đùng… Bây giờ gọi là trường PTTH Hậu Lộc 1 đóng ở xã Phú Lộc, bởi huyện Hậu Lộc bây giờ đã có tới 5 trường PTTH. Bước xuống xe, trước mắt tôi là cổng trường đồ sộ, những khu nhà cao tầng hoành tráng giữa khuôn viên rợp bóng cổ thụ và cờ hoa biểu ngữ choáng ngợp, nước mắt tôi bỗng trào ra. Tôi đứng lặng, để cho nước mắt chảy thành dòng. Hình ảnh những những đôi mắt trong veo đầy yêu thương của các em ngày ấy, hình ảnh mái trường tranh tre vách đất mà thầy trò chúng tôi còn phải trú nhờ học nhờ trường cấp 2 ngày ấy ập về. Các thầy cô, các em Hậu Lộc ngày nay thực sự có bao người còn nhớ tới những ngày xa xưa cổ lỗ ấy? Ôi chao, bao nhiêu thay đổi, mừng vui lẫn lo lắng đầy ắp trong tôi. Nhưng nghe tôi và anh Thự về thăm, thầy Quảng trong Huế ra, thầy Tô thế Quảng… tất cả ùa tới. Cô hiệu trưởng Bùi Thị Thanh và mấy em trong Ban Giám hiệu mới chạy tới. Cô Thanh ôm chầm lấy tôi, nghe tin Thầy sẽ ra, chúng em mừng quá, chúng em cảm ơn Thầy nhiều lắm!... Nghe giọng nói, nhìn ánh mắt em, tôi tin sự mừng vui chân thật của các em. Tôi bước vô phòng truyền thống, bức ảnh tôi và mấy em 8A, 8B chụp cách đây 6 năm được treo ở chỗ trang trọng. Danh sách số lớp của các năm, từ ngày 18/8/1964 có quyết định thành lập trường của ỦY BAN HÀNH CHÍNH tỉnh Thanh Hóa, với con số 2 ít ỏi, bên dưới là hàng hàng các con số 10, 20, 30, 40, 42 lớp của trường! Con số 2 là oai nhất đó thầy! Em nào đó thốt lên bên cạnh tôi. Học sinh ra đi từ trường này đã có hơn 50 tiến sĩ, 20 giáo sư, phó giáo sư, nhiều cán bộ cao cấp, 2 sĩ quan cấp tướng, trường đã được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Hai và lần này lại nhận Huân chương Lao động hạng Hai. Và đây nữa: Danh sách liệt sĩ của trường, những giáo viên, học sinh đã ngã xuống vì Đất nước trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược: 134 liệt sĩ. Một trăm ba mươi tư liệt sĩ! Đêm giao lưu với trường, tôi đã tặng trường 3 tác phẩm tiêu biểu của mình, Dòng sông phẳng lặng, Vùng sâu, Bản lĩnh văn hóa. Phút giây ấy tôi đã rưng rưng, nói với các em, nói với các bạn đồng nghiệp 50 năm trước và bây giờ: Những gì tôi viết trong Dòng sông phẳng lặng, viết về những tháng ngày kháng chiến cực kỳ gian nan, kiêu hùng của nhân dân Thừa Thiên Huế trong kháng chiến chống Mỹ, cùng những tháng ngày cấp 3 Hậu Lộc 50 năm trước là những tháng ngày mãi mãi thiêng liêng trong trái tim tôi, trong dòng máu của tôi!

Huế - Hậu Lộc tháng 2 - tháng 11/2014
T.N.V
(SDB15/12-14)





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng