NGUYỄN NGUYÊN
Tháng 6-1966, ở Sài Gòn, giữa cái rừng báo chí mấy chục tờ báo hằng ngày, báo tháng, báo tuần, bỗng mọc thêm một từ bán nguyệt san: Tin Văn.
Về mặt pháp lý, trên trang bìa đương nhiên phải nêu tên chủ nhiệm, nhưng nó có vẻ khác người ta ở chỗ góc đầu bìa trái được sắp theo hình bầu dục mấy chữ "do một nhóm văn nghệ sĩ và trí thức chủ trương", và cũng trên cái bìa khổ giấy 14x21 ấy lại xếp một loạt những bút danh, bút hiệu, gồm những là Á Nam Trần Tuấn Khải, Giản Chi, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Văn Thư, Vi Huyền Đắc, Trần Thúc Linh, Thuần Phong, Thiên Giang, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc, Mặc Khải, Hiếu Chân, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Phụng, Lê Dân, Bùi Chánh Thời, Tú Duyên, Kiêm Minh, Phong Sơn, Tường Linh, các bà Ái Lan, Vân Trang, Minh Quân, cô Thanh Ngôn... tổng số trên bốn chục vị mà số đông tên tuổi đều thuộc hàng gạo cội.
Một lực lượng viết cực kỳ hùng hậu, nhưng lưng vốn tiền bạc lại rất ngặt nghèo.
Với thời giá lúc ấy, một tờ báo tuần, nếu chủ báo không có nhà in, trước khi ra đời, tiền vốn để chịu đựng, để cầm cự, ít nhất cũng phải vài trăm ngàn, vì báo sau khi phát hành số 1, kế tiếp số 2, số 3 rồi số 4, đến số thứ 5, dù báo có bán chạy như tôm tươi, ở bộ phận quản lý trị sự, tiền bán báo cũng mới có thể lai rai thu hồi.
Nhưng ngoại trừ một số ít anh chị em có trách nhiệm trực tiếp, còn chắc chắn không một ai có thể ngờ lúc sửa soạn để ra số đầu, tiền bạc chạy vạy chỗ này chỗ kia vẫn không gom nổi quá sáu chục ngàn đồng. Ở Sài Gòn lúc ấy, giới báo chí nhà nghề ai cũng biết rằng làm báo văn nghệ, một tờ báo đúng đắn, là làm cái việc ném tiền qua cửa sổ, hoặc đốt giấy bạc mà chơi. Làm báo văn nghệ, thứ văn nghệ sạch sẽ lành mạnh tức là chỉ cốt lấy tiếng, không thể nhằm kiếm miếng. Có lẽ vì vậy nên mấy chục cây bút nhận viết cho Tin Văn, hầu như không ai nghĩ đến tiền nhuận bút, hoặc nếu có ai được trả nhuận bút chăng nữa cũng rất tượng trưng.
Câu chuyện khá dài.
Số là đầu năm 1966, Hai Vũ (Nguyễn Văn Tài, đảng ủy viên đảng ủy văn hóa văn nghệ đặc khu Sài Gòn - Gia Định) từ ngoài khu đưa về một bản chỉ thị viết tay, trên giấy pơ-luya trắng những giòng chữ viết nắn nót, nhận định tình hình ta, địch, phân tích bạn, thù, nhưng chủ yếu đặt vấn đề phải bằng mọi cách chiếm lĩnh trận địa, nắm trong tay mộc tờ báo văn nghệ. "Giữa dòng đục khơi một dòng trong, từng bước phát triển dòng trong, dần dần tiến tới chi phối dòng đục...". Đề ra phương châm chiến lược, rồi bản chỉ thị một lần nữa nhấn mạnh phải chạy lo cho có được một tờ báo, nhưng lại không mảy may đả động gì đến vấn đề tài chính.
Sau khi bàn bạc, Hai Vũ nói sẽ tìm cách vận động các nhà Mạnh Thường Quân, đồng thời đưa ra phương thức góp cổ phần, mỗi cổ phần năm ngàn đồng, ai muốn góp bao nhiêu cổ phần cũng được, và đây cũng là một cách tạo ra cái thế hợp pháp. Tuy nhiên trước mắt hãy xoay cho ra cái giấy phép. Là một con người bén nhạy, xốc vác, đã lăn lộn nhiều năm, hiểu hết những ngóc ngách của xã hội Sài Gòn nên Hai Vũ biết những khó khăn của việc xin giấy phép ra sao, tức là nếu không dựa vào được một thế lực lớn, dứt khoát ít nhiều phải cậy cục lo lót với Nha báo chí Bộ thông tin tâm lý chiến, đồng thời người đứng tên chủ nhiệm phải qua điều tra của công an, vừa bị điều tra gián tiếp vừa bị gọi đến trực tiếp tại Sở nội chính, khai báo về quan hệ họ hàng xa gần ba bề bốn bên cùng nguồn gốc tiền bạc.
Rất nhiều cửa ải phải đi qua, nhưng rồi chỉ trong ít bữa các cửa ải đều vượt qua được hết. Do nhiều tác động phối hợp khéo vận hành, đích thân Đinh Trịnh Chính, Bộ trưởng thông tin tâm lý chiến hạ lệnh cho Phạm Văn Thụ phải ký giấy cho xuất bản Tin Văn. Người được nhờ cậy để nói với Đinh Trịnh Chính chỉ tốn có chút nước bọt.
Cái giấy phép như vậy đã dứt điểm, và tiếp theo vấn về cấp bách là báo phải ra đúng với thời hạn mà giấy phép quy định, nếu không kịp, phải xin gia hạn rất phiền phức. Nếu không giữ đúng thủ tục, giấy phép đương nhiên không còn giá trị. Những câu nói suông không thể làm nảy ra giấy báo và nhà in. Chạy đôn chạy đáo mà không tìm ra được một Mạnh Thường Quân chịu mở két sắt. Đúng vào lúc cấp bách nhất tức lúc mua giấy báo (mua theo phiếu, nếu quá hạn, phiếu sẽ hết giá trị) và ứng trước cho chủ nhà in một mớ (đây là chỗ tử tế, còn thông thường phải đưa gối đầu hai ba số, vì lỡ báo chết yểu, chủ báo sẽ chạy luôn) để họ mua mực, Hai Vũ mới ôm đến một chục ngàn bạc và không nói xuất xứ, còn người góp cổ phần thì độc mỗi mình chị Minh Quân đưa mười ngàn và bảo là của chị và chị Bích Nga. Tất cả tổng cộng mới thành con số sáu chục ngàn như vừa kể.
Mà cũng rất may là giá giấy báo lúc ấy còn được Bộ kinh tế Sài Gòn trợ cấp nhập cảng nên giấy in khổ 90x60 chỉ mới có 132 đồng một ram. Tin Văn số 1 dày 192 trang bài vở đủ các thể loại, nội dung đậm đặc, lý lẽ dữ dằn. Anh Vũ Hạnh phụ trách tòa soạn, một mình ngồi trên căn lầu của nhà in Võ Tánh gần ngã sáu Sài Gòn, ngày ngày cặm cụi biên tập, sắp xếp bài vở, sửa bản vỗ, Trương Khả Liệu (Hà Kiều) phụ trách trị sự kiêm luôn hộp thư bạn đọc.
Các ấn phẩm xuất bản trước 1975 tại Sài Gòn và Thẻ nhà báo do Tổng bộ Thông tin chiêu hồi Sài Gòn (cũ) cấp cho nhà báo Nguyễn Nguyên lúc ông làm chủ nhiệm Tạp chí Tin Văn - Ảnh: internet |
Không ai được hưởng một xu, tiền thù lao, bồi dưỡng. Tất cả đều ăn cơm nhà vác ngà voi. Hộp thư bạn đọc đặt ra không phải tắc trách mà có chủ trương. Quả nhiên Tin Văn số 1 phát hành, chỉ ít ngày sau thư bạn đọc các nơi gửi về tới tấp, từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ Đông Hà Quảng Trị (thư của Võ Quê gửi từ Quảng Trị) đến Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, thư viết bức vắn, bức dài, hết thảy đều lời lẽ tha thiết, kỳ vọng. Cùng với đợt đầu những bức thư gửi về khích lệ, chị Vân Trang đến tòa soạn cho hay rằng anh Thiên Giang và chị đã vận động vợ chồng kỹ sư Lâm Tô Bông tặng cho Tin Văn một chục ngàn đồng. Tất nhiên không thể không phấn khởi và hân hoan đón nhận (!). Và như đã nói, đối với tờ Tin Văn, không chỉ những anh em có trách nhiệm, những người ở trong cuộc, tại chỗ mới ngày đầu lo lắng mà anh em bạn bè ở xa cũng đặc biệt quan tâm. Anh Nguyễn Văn Xuân ở Đà Nẵng đầu tiên gửi cho truyện ngắn "Hương Máu", sau đó tiếp luôn "Cái Giỏ", "Viên đội hầu",… ba bốn truyện một lúc kèm như góp ý. Anh Phan Du từ Huế vào Sài Gòn, ghé tòa soạn đưa "Hang động mới" rồi "Trăng Vỡ", đưa cho không. Anh Võ Hồng ở Nha Trang mặc dầu tối ngày bận rộn dạy học kiếm sống và nuôi bầy con mất mẹ, mà chẳng những đã lo viết cho Tin Văn xong lại đi thu gom từng trăm bạc ở các hiệu sách có gửi bán báo để gửi về tòa báo.
Thật không thể kể xiết những cách thức đóng góp, những phần ủng hộ đỡ đần. Anh Xuân Hiến vẽ bìa. Những vi-nhét, một loạt tên những chuyên mục rồi tự tay cầm đi thuê làm bản kẽm. Anh Tú Duyên minh họa rồi đi kiếm người khắc bản gỗ ăn công giá rẻ. Ông Giản Chi dịch văn, dịch thơ của Lỗ Tấn, khi đưa bản thảo cũng nói luôn rằng khoản tiền nhuận bút, tòa báo khỏi phải bận lòng. Anh Triệu Công Minh (cô Thanh Ngôn) không có tiền mua gói thuốc sợi đen, nhưng vẫn đem đến đóng góp một loạt bài đả kích "Thần tượng Sagan". Ông Thuần Phong viết "Văn chương Đồng Nai chống xâm lược", ông Nguyễn Hiến Lê viết "Vấn đề chuyển ngữ ở Đại học", "Dân tộc tính trong văn chương" khi đưa biếu báo và trả nhuận bút mỗi bài 500 đồng (chỉ bằng nửa tiền nhuận bút ở tạp chí Bách khoa), các ông nhận và nói để cho báo được tiếng là có trả nhuận bút.
Không ít những trường hợp đặc biệt, mà đặc biệt hơn hết, ấy là trường hợp lão nghệ sĩ Bảy Niêu, ông viết "Ca Ra Bô", tự thuật buổi thiếu thời và những năm tháng đầu của sân khấu cải lương. "Lần nào đến gặp tại Phú Hòa đình đường Trần Quang Khải cũng được ông cho uống cà phê đen". Khi phát hành số báo kỷ niệm "50 năm sân khấu cải lương", đem đến Phú Hòa đình biếu ông Bảy hai số báo và đưa tiền nhuận bút, ông nhận báo rồi nghiêm mặt nói: "Bậy nào, cho báo là đủ rồi, đáng lý "qua" phải đưa thêm tiền cho em mua giấy và trả công in nữa chớ".
Nếu nói không quá đáng thì dường như ai cũng muốn có một chút gì đó để góp cho Tin Văn, hoặc được nhờ cậy thì không tiếc công tiếc của. Tại tòa soạn không phải chỉ có việc biên tập hay thu phát mà còn rất nhiều việc nhỏ, mỗi số báo đều phải đưa lên phòng kiểm duyệt Nha báo chí, tại đây kiểm duyệt từng bài từng dòng, từng chữ. Không thể không có người dành riêng ngày giờ để chầu chực, lấy về từng bài cho đúc chì, hoặc đã đúc mà có chỗ bị gạch xóa thì phải đục bỏ trước khi lên khuôn. Trương Khả Liệu đành phải đi kiếm 1 thanh niên tên là Huân, tuổi cỡ mười chín, hai mươi, quê quán Quảng Nam và Liệu giới thiệu đây là một đoàn viên, nhưng tòa báo chỉ sử dụng như một người làm công. Mỗi tháng tiền lương một ngàn đồng vừa đủ cho Huân ăn ngày hai bữa cơm và cái bánh mì nhỏ không nhân buổi sáng. Nhà Huân ở trên Gò Vấp, nhưng cứ bảy giờ sáng đã có mặt tại tòa soạn, mọi việc tiền bạc giấy tờ, mọi điều căn dặn, Huân đều hoàn thành cực kỳ nghiêm túc. Nhưng chưa đầy hai tháng Huân đã phải "lặn", vì cơ sở chỗ Huân bể bác.
Ăn cơm nhà vác ngà voi, nhưng gánh vác công việc của Tin Văn còn nặng gấp bội phần vác cặp ngà voi. Tháng 5-1967, sau khi anh Vũ Hạnh và Trương Khả Liệu bị địch bắt, Nam Bằng (Phan Văn Chất) được triệu đến để kiêm trị mọi việc. Một gia đình bảy con vừa gái vừa trai đang đi học, nhưng trước lúc đến nhận việc, Nam Bằng bảo với vợ con, rằng ở nhà tự lo liệu, đừng trông mong mình đem tiền về như những chuyến đi làm cho thiên hạ. Giữa năm 1967, tình hình căng thẳng mọi mặt, có nhiều dấu hiệu cho thấy địch thế nào cũng ra tay đánh phá. Anh Hoàng Hà, lúc ấy là bí thư đảng ủy văn hóa văn nghệ, đem đến giao thẳng tại chỗ một ngàn đô-la. Mười tờ giấy trăm đồng US đem đổi ra tiền ngàn hàng Sài Gòn, đổi lậu, chỉ vừa đủ mua bốn tấn giấy, giấy báo lúc này đã lên 470 đồng một ram), dự trữ đủ in cho mười số báo. Tin Văn cần phải duy trì, cần phải đứng vững trong trường hợp các hội đoàn và Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc bị dẹp. Hiển nhiên thường vụ nhận thấy Tin Văn phải được tiếp hơi tiếp sức. Báo tuần (Tin Văn chuyển thành tuần báo từ tháng 3-1967) dù có bán được, tiền bạc thu hồi cũng không bù nổi được nửa phần sở phí. Làm báo tuần giống như ăn gỏi tiền. Bữa nọ, tòa báo bòn vét không còn được ngàn bạc, mà tiền nhà in phải trả, tiền mua giấy phải đóng, vậy mà khi Lê Hữu Thành cầm mảnh giấy nhỏ đến hiệu sách Yên Sơn tại số 300 - 302 đường Võ Di Nguy Phú Nhuận, chị Yên Sơn đã mở tủ lấy năm lạng vàng đưa Ba Thành và nói nhà không sẵn tiền mặt, báo cần tiền mà chờ lãnh ngân hàng, quá lâu, vậy hãy cầm mấy lượng qua bên tiệm vàng mà bán đem về tiêu đỡ. Anh chị Yên Sơn hiện vẫn ở số nhà kể trên, nhưng năm ấy, tháng ấy, ngày ấy, giờ ấy nào có biết Lê Hữu Thành là ai.
Lại một bữa nọ, tòa báo gặp lúc cạn tiền, đang bối rối bỗng Thái Bạch đi tới (Thái Bạch tức phạm Đằng Giao, cán bộ phụ trách công tác lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc). Không cách nào khác hơn là bảo Thái Bạch đi chạy tiền. Nói cầu may nhưng chẳng ngờ không đầy ba tiếng đồng hồ sau Thái Bạch đem về một ngân phiếu (chèque au porteur) ba chục ngàn và chủ tài khoản ở ngân hàng là chị Thu Nga (thủ quỹ của Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ). Ba chục ngàn có thể mua giấy đủ in cho hai số báo.
Quả thật rằng là ai có thể cho được bao nhiêu thì cho, giúp được chừng nào thì giúp, chẳng ai kỳ quản gì, chẳng tính toán gì. Một lần anh Nam Sơn (nghệ sĩ cải lương) cười nói: "Thì Tin Văn, tờ báo có máu mặt mà...".
N.N
(SH33/10-88)