Góc Hoài niệm
Vài hồi ức về Phan Bội Châu
15:24 | 11/02/2015

L.T.S: Vương Đình Quang nguyên là thư ký tòa soạn báo "Tiếng Dân" do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ biên, vừa là thư ký riêng của nhà yêu nước Phan Bội Châu, chuyên giúp Phan Bội Châu hoàn chỉnh những văn bản tiếng Việt trong mười lăm năm cuối đời sống và sáng tác tại Huế. Bài này trích từ "Hồi ký về cụ Phan và cụ Huỳnh" do chính tác giả viết tại quê hương Nam Đàn Nghệ Tĩnh khi tác giả vừa tròn 80 tuổi (1987).

Vài hồi ức về Phan Bội Châu

VƯƠNG ĐÌNH QUANG

Tết nguyên đán năm 1926 cụ Phan dậy sớm hơn mọi ngày và đánh thức tôi dậy luôn. Cụ bảo đưa bút giấy ra để chép "Bài thơ chúc Tết". Bằng cái giọng ồ ồ của xứ Nghệ cụ đọc:

Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi! Xuân có biết cho chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với chát
Trời bể may còn thân sống sót,
Tháng ngày khuây với bạn đầu xanh
Thưa các cô, các cậu, lại các anh


Đọc đến đây cụ dừng lại và giải thích: "Các cô các cậu còn nhỏ, chớ các anh đã lớn rồi. Tôi van lại (lạy) các anh phải tính làm sao đây..."

Hiểu ý cụ, tôi viết lạy chứ không viết lại như cụ đọc theo tiếng Nghệ chẳng hề phân biệt lại (giới từ) lạy động từ.

Rồi cụ đọc tiếp hết bài ca:

Trời đã mới, người càng nên mới mới
Giương mắt thấy rõ ràng tân vận hội
Ghé vai vào xốc vác cựu giang sơn
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan,
Dây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp mới
Ai hữu chí, từ đây xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn.
Đúc gan sắt để dời non lấp bể.
Xối máu nóng rửa vết dơ nô lệ!
Mới thế này là mới hỡi chư quân!
Chữ rằng: "Nhật nhật tân, hựu nhật tân
"

Chúng tôi ăn điểm tâm vừa xong thì một số đồng bào lân cận đến chúc thọ cụ Phan. Rồi nam nữ học sinh, hết đoàn này đến đoàn khác kéo đến mỗi lúc một đông. Trong nhà không đủ chỗ, phải đứng ngoài sân, ngoài vườn. Bà Đạm Phương, mẹ anh Hải Triều, hội trưởng Hội nữ công Huế cũng có mặt. Ông Võ Liêm Sơn, giáo sư trường Quốc Học đọc bài văn khẳng khái chúc tụng:

Phan tiên sinh là người hào kiệt
………………………

Đồng bào vẫn tiếp tục đến. Cụ Phan bảo đọc "bài ca chúc tết" cho mọi người nghe. Nhưng những người đứng quá xa vẫn nghe được. Trước một công chúng đông đúc đang vây quanh mình, cụ Phan vừa xúc động vừa phấn khởi, cao giọng diễn thuyết như một nhà hùng biện. Cụ ra sức kích động tinh thần yêu nước của đồng bào, nhấn mạnh cái nhục của người dân nô lệ, kêu gọi đoàn kết đấu tranh cho tự do độc lập. Tiếng nói của cụ mỗi lúc một trầm hùng. Tiếng than mất nước. Tiếng thét căm thù.

Phải nói đây là cái Tết vui nhất trong đời cụ Phan. Hồi đó cụ chưa già lắm. Mới khoảng sáu mươi, râu tóc chưa bạc. Nhuệ khí đang dồi dào. Dưới con mắt của nhân dân, nhà lãnh tụ phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX xuất hiện như một ngôi sao chói lọi.

III

Hồi cụ Phan mới được tha về Huế ở nhà Nguyễn Bá Trác, những người đầu tiên đến thăm cụ là bọn chúng tôi, thanh niên, học sinh, từ miền ngoài vào, từ miền trong ra.

Chúng tôi đến vì tò mò và khâm phục.

Ông già hiên ngang ấy với chòm râu quai nón, vừng trán cao, mặc bộ quần áo Tàu (cụ bị bắt ở Trung Quốc) bôn ba hải ngoại mưu đồ sự nghiệp giải phóng dân tộc, không may bị giặc bắt đưa về giam lỏng, ông già ấy, chúng tôi sùng bái như một vĩ nhân.

Chúng tôi được cụ Phan tiếp rất niềm nở, thân mật như cha với con. Cụ hỏi từng người một: tên tuổi, quê quán, bố mẹ. Đặc biệt cụ để ý đến người Nghệ Tĩnh hơn.

IV

Cụ Phan được hầu hết các báo chí trong Nam ngoài Bắc gửi biếu. Đủ các loại. Đủ các màu sắc chính trị.

Về báo tiếng Việt, tôi có nhiệm vụ chọn lọc những bài quan trọng đọc cho cụ nghe. Về báo chữ Pháp, tôi chỉ dịch đại khái một số bài liên quan đến thời cụ.

Tạp chí Nam Phong của Phạm Quỳnh đăng một bài xã luận đề nghị Chính phủ Pháp trao trả mọi quyền nội trị cho dân Việt Nam, trừ ngoại giao và quốc phòng. Cụ Phan đùng đùng nổi giận. Cụ nói: "Hai cái quan trọng nhất mà giữ lại thì còn gì? Chết! chết!".

Dạo ấy báo Argus (Minh Trí) của Clémenti xuất bản ở Hà Nội đăng một loạt bài nói về vụ tai tiếng giữa D'elloy với hoàng hậu vợ góa Khải Định. Cụ Phan thở dài, lẩm bẩm: "nhục ôi là nhục!" và bảo tôi đừng đọc những chuyện ấy nữa.

Báo Humanité (Nhân Đạo) cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp cũng gửi biếu. Tờ báo này luôn luôn tỏ thái độ bênh vực các dân tộc thuộc địa và thỉnh thoảng có bài ủng hộ "nhà cách mạng Phan Bội Châu".

Tờ báo được cụ Phan ưa thích nhất là tờ Cloche fêlée (Chuông rè) của luật sư Phan Văn Trường xuất bản ở Sài Gòn. Trong nước ta hồi đó chỉ có tờ báo này dám công nhiên chống chế độ thực dân Pháp. Nó đả kích mạnh những chủ trương chính sách vô nhân đạo của bọn thống trị.

Tờ báo này mở một cuộc lạc quyên kêu gọi đồng bào Nam bộ kẻ nhiều người ít giúp đỡ nhà chí sĩ Phan Bội Châu trong tuổi già. Kết quả số tiền thu được tổng cộng trên 2.000 đồng Đông Dương. Từ số tiền ấy: những bạn bè của cụ trích ra một khoản để mua một khoản vườn trên dốc Bến Ngự và dựng lên một ngôi nhà tranh để ổn định nơi ăn chốn ở cho cụ.

VI

Sogny - Chánh mật thám Trung Kỳ, một con cáo già thực dân Pháp, nói thạo tiếng Việt.

Một hôm y đến thăm cụ Phan và biếu cụ 100 đồng. Y nói:

- Đây không phải là tiền của Chính phủ. Đây là tiền riêng của cá nhân tôi. Đây là lòng thành của tôi đối với cụ.

Cụ Phan từ chối:

- Về vật chất, đồng bào đã giúp cho tôi đầy đủ, không thiếu thốn gì. Ngài có lòng tốt, tôi xin cảm ơn. Tiền, tôi không nhận.

Nhưng Sogny cứ nài nỉ:

- Đồng bào của cụ đã góp tiền giúp cụ vì họ hâm mộ cụ thì tôi đây cũng thế. Xin cụ vui lòng nhận cho tấm lòng thành của tôi.

Cuối cùng, cụ Phan nhận và hứa sẽ sử dụng số tiền đó vào việc công ích.

Ít lâu sau, một hệ thống dụng cụ thể dục trang bị đầy đủ từ xà đơn đến thang đu, được bố trí trước sân.

Hàng ngày mấy em thiếu nhi được cụ Phan nuôi cho ăn học trong nhà cùng với những thanh thiếu niên trong xóm đến tập luyện. Vì thiếu bảo quản và sử dụng bừa bãi, chẳng bao lâu dụng cụ hư hỏng hết cái này đến cái khác cho tới khi chỉ còn lại một chiếc xà đơn. Trăm đồng bạc của Sogny quả là bạc toi.

VII

Cụ Phan rất thích văn học dân gian. Cụ thường ngâm:

Chồng chài, vợ lưới, con câu
Sông Ngô bể Sở gặp đâu là nhà
Nên ra tay kiếm, tay cờ
Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ tay ai
.

và tỏ vẻ đắc ý với cái điệu phóng khoáng và tinh thần tự lực tự cường của câu ca.

Đối với bài "Thằng bờm có cái quạt mo" cụ bực tức lắm. Cụ giải thích như sau: ba bò chín trâu là nói về nông nghiệp. Một xâu cá mè là nói về thủy sản. Một bè gỗ lim là nói về lâm sản. Con chim đồi mồi tượng trưng cho nền văn hóa nghệ thuật. Phú cường như thế mà không biết, văn minh như thế mà không biết, chỉ biết miếng ăn bỏ vào mồm!

Hè năm 1926, Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ Quảng Nam ra Huế để sắp xếp công việc Viện dân biểu. Cụ Ngô Đức Kế ở Hà Nội cũng vào chơi. Hai cụ cùng đến thăm cụ Phan. Trời oi bức, và cũng muốn được nói chuyện thoải mái, cụ Phan mời hai bạn đồng chí xuống đò ăn cơm và uống rượu trên sông Hương. Câu tâm sự giữa ba nhà chí sĩ trong một cuộc họp mặt hiếm có biết bao đậm đà. Cụ Phan ngâm và nêu lên một số đề tài để thảo luận:

Tích thù ta hãy còn lâu
Trồng tre nên gậy, gặp đâu đánh què.


Sự nghiệp cách mạng phải tiến hành về lâu về dài. Phải kiên trì, bền bỉ. "Dục tốc bất đạt". Trồng tre! Chăm bón cho tre tốt lên để dùng làm gậy mới chắc chắn. Có lực lượng rồi mới đón chờ thời cơ: gặp đâu đánh què. Cụ Phan nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của câu ca. Cụ nói với giọng tin tưởng lạc quan: "Cụ Hoàng sắp ra tờ báo, phải lo việc trồng tre". Ý nói giáo dục đào tạo những con người làm cách mạng.

VIII

Chân dung Cụ Huỳnh Thúc Kháng và tờ "Tiếng Dân" - Ảnh: internet


Cụ Huỳnh Thúc Kháng chuẩn bị cho ra một tờ báo.

Việc đầu tiên là phải đặt cho nó một cái tên để ghi vào đơn gửi ra phủ Toàn quyền xin phép xuất bản. Hồi đó cụ đã là Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ.

Thời bấy giờ, tức là vào khoảng trước những năm 30, ngôn ngữ văn tự nước ta có thói quen lệ thuộc vào chữ Hán. Một cái tên là một chuyện quan trọng. Phải là tên "chữ" đàng hoàng. Không thể là tên "nôm", huống là tên của một tờ báo, một cơ quan ngôn luận. Trong Nam ngoài Bắc người ta đặt những tên như: Thực nghiệp dân báo, Đông Pháp thời báo, Nam phong tạp chí, Trung Bắc tân văn. Ngắn và gọn hơn thì như Trung lập Công luận, v.v...

Tờ báo của cụ Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng lại càng phải có một cái tên xứng đáng. Chọn mãi và được nhiều người góp ý, ban đầu cụ định lấy hai chữ "Trung Thanh" vừa có nghĩa là tiếng nói ngay thẳng, vừa có nghĩa là tiếng nói của miền Trung. Cuối cùng cụ nghĩ đến hai chữ Dân Thanh (tiếng nói của dân). Hỏi ý kiến cụ Phan, cụ đáp: "Đã nói Dân thanh thì chi bằng nói quách là Tiếng Dân."

Mới đầu chưa quen, nghe có vẻ nôm na thế nào ấy. Nhưng về sau lại thấy cái tên hay và đẹp.

Trụ sở báo "Tiếng Dân"


IX

Tờ báo chính trị đầu tiên ra đời giữa kinh đô Huế cách đây hơn nửa thế kỷ do một vị đại khoa không xuất sĩ, mang trong lý lịch 13 năm tù đày. Sự kiện ấy có một tầm quan trọng lớn mà thế hệ trẻ ngày nay khó có thể hình dung được.

Ngay từ số đầu Tiếng Dân được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Người ta tò mò muốn biết cụ Huỳnh Thúc Kháng nói gì. Người ta đón chờ những bài luận thuyết ích quốc lợi dân. Người ta đòi hỏi những món ăn tinh thần hợp khẩu vị, khác với những món nhồi sọ của biết bao báo chí phản động.

Xã hội Việt Nam đương thời là một xã hội cực kỳ đồi trụy. Cả một bộ máy chính quyền hủ bại từ trên xuống dưới. Nạn tham ô nhũng nhiễu đầy rẫy khắp nơi. Ở nông thôn hàng ngày diễn ra cảnh tượng giành nhau từ một chỗ ngồi trong một buổi họp xóm, tranh nhau từ nắm xôi miếng thịt sau một cuộc tế lễ trong làng. Những vụ kiện cáo đê tiện bỉ ổi thường xẩy ra trước cửa công. Nạn hối lộ thịnh hành hơn bao giờ hết. Óc hư danh, óc tư lợi hàng ngày đẻ ra gian dối, nịnh hót, táng tận lương tâm. Cờ bạc, rượu chè, mãi dâm đua nhau gây những cảnh thương luân bại lý...

Trước tình hình đó, Tiếng Dân ra sức "khua chuông gõ mõ" nói theo ngôn ngữ hồi đó - để thức tỉnh đồng bào. Khi khuyên bảo, khi kêu gọi, khi gào thét. Tiếng Dân luôn luôn đóng vai trò giáo dục nhân dân. Đối với kẻ địch, tờ báo của cụ Huỳnh được sử dụng như một vũ khí để chiến đấu, sẵn sàng chống lại những chính sách thâm độc của bọn Pháp: bần cùng hóa nhân dân bằng đủ các thứ thuế lợi dụng Nam triều làm tay sai để đàn áp và thống trị, pháp luật dã man, giáo dục nhồi sọ, mê hoặc quần chúng và tất cả những gì để tiêu diệt tinh thần đấu tranh của dân tộc.

Đương thời đọc Tiếng Dân người ta nghĩ ngay đến cụ Huỳnh và nói đến cụ Huỳnh, người ta không thể quên được tờ báo đạo mạo, nghiêm chỉnh, hay đả kích, ít nô đùa, thường đệm những câu chữ nho nóng bỏng, kín đáo, một tờ báo chê nhiều hơn khen, luôn luôn thù địch với những cái cũ lỗi thời, những cái mới nguy hiểm, với hai chữ Tiếng Dân, kể bằng lối chân phương bất di bất dịch từ số đầu đến số cuối.

X

Cụ chủ nhiệm kiêm chủ bút Huỳnh Thúc Kháng làm việc không biết mỏi.

Ở vùng Bến Tượng, theo mé đường bờ sông Đông Ba nơi đặt trụ sở tòa báo, bà con trong phố quen gọi là "Cụ Tiếng Dân". Đối với họ cái hình ảnh của ông già đi sớm về trưa lui tới tòa soạn, quanh năm đội chiếc mũ nỉ đã xài xạc nắng mưa, vừa đi vừa trầm ngâm suy nghĩ... là một hình ảnh quá quen thuộc.

Vào bàn giấy là bắt tay làm việc ngay. Trước hết duyệt qua những bài và tin tức mới gửi đến. Nếu là tin tức gửi từ nông thôn nói về một viên tổng lý hành hung, một viên quan bị dân kiện, một vụ khám xét, bắt bớ v.v... thì được cụ ưu tiên cho lên báo. Sau đó, cụ xem qua mấy tờ báo trao đổi, lướt qua vài quyển sách tặng. Sách hồi đó chẳng có gì, phần nhiều là tiểu thuyết vớ vẩn. Xem cái tên và nhà xuất bản là biết ngay nó thuộc vào loại nào. Nếu là tiểu thuyết phong tình lãng mạn thì cụ ném sang một bên. Thơ mới cũng vậy, cụ không thích. Vì không quen ý thơ và lời thơ phỏng theo phong cách phương Tây.

XI

Viết và xem sách là hai việc cụ say sưa nhất. Nếu không bận tiếp khách và đã cầm đến bút, đã tìm ra đề, là cụ viết luôn một mạch hết trang này sang trang khác, bài này đến bài khác. Nhiều khi không đọc lại bản thảo, quên dấu và sai sót là thường, cứ thế giao cho anh em chúng tôi bên tòa soạn điều chỉnh trước khi đưa sang nhà in.

Biệt hiệu của cụ Huỳnh có đến hàng chục. Khi thì cụ ký Tha Sơn Thạch, khi thì ký Khi Ưu Sinh, khi ký Chuông Mai, khi ký Sử Bình Tử và năm sáu bút danh khác nữa. Có những bài viết xong, chưa biết nên ký tên gì cho hợp nội dung, cụ chỉ ký tắt một hay hai chữ X.

Biệt hiệu chính của cụ là Minh Viên, ít khi cụ dùng đến.

Cụ viết nhiều quá, có khi thừa ra, vô ích. Cụ cũng biết thế nhưng muốn phòng khi thiếu bài.

Thời gian rỗi, cụ xem sách. Hầu hết là sách Hán. Đã cầm đến sách là cụ say mê vào đó, không còn biết trưa biết tối. Nhiều bữa người nhà phải đến mời cụ về ăn cơm. Ăn uống thì hết sức thanh đạm. Hầu như chỉ có muối vừng, và rau luộc. Nhiều người hỏi: "Sao cụ ăn khổ thế?". Cụ trả lời: "Còn sướng hơn khi ở tù nhiều".

Cụ Huỳnh không hay uống rượu như cụ Phan.

Cụ Phan vốn là cộng tác viên của báo Tiếng Dân. Những bài của cụ nhiều khi không ký tên hoặc chỉ ký tắt: S.N (Sào Nam), V.Đ (Việt Điểu). Cũng có khi ký Cây Sung. Sở dĩ cụ lấy bút danh này là vì chiếc đò của cụ thường đậu dưới một cây sung ở phía trên Bến Ngự.

Dưới con mắt của nhà chí sĩ luôn luôn mang trong mình một tâm hồn thơ, cây sung dễ gợi cho người ta nghĩ đến câu ca dao quen thuộc:

Ăn sung nằm cội cây sung
Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm.


Đây quả là một cảnh ngộ éo le, một tâm sự khó nói. Tâm sự của một cô gái bị hoàn cảnh ép buộc phải chung sống với một người mà cô ta không thể nhận làm chồng. Liên hệ bản thân, nhà cách mạng kiêm nhà thơ cảm thấy thân phận mình sao mà giống như cô gái đó. Với đầu đề "Lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm" cụ Phan cảm tác bài thơ:

Thời thế xui nên giả vợ chồng!
Lấy anh chưa dễ đã nằm chung
Ù, chơi với nó toi đồng bạc,
Thật chẳng cho ai nếm má hồng!
Cười gượng lắm khi che nửa mặt,
Khóc thầm một nỗi khác hai lòng!
Bao giờ duyên cũ thay duyên mới,
Thỏa thuận cùng nhau tát biển Đông
.

Bài thơ sáng tác năm 1929, đăng lên báo Tiếng Dân được nhiều người chú ý.

Mãi cho tới năm 1938, khi Nhật Bản tiến quân vào Đông Dương, phát động chiến tranh Đại Đông Á, một tờ báo mới xuất bản - nếu tôi nhớ không sai thì đó là tờ Sông Hương của Phan Khôi - đem in lại bài thơ và lý luận rằng cụ Phan có xu hướng thân Nhật, gây dư luận xôn xao. Đến nỗi cụ Huỳnh Thúc Kháng phải lên hỏi. Thì cụ Phan trả lời:

- Duyên cũ là chính trị áp bức bất lương. Duyên mới là chính sách thành tâm khai hóa... Nước Nam không có ngày độc lập như ý nguyện của tôi thì chớ, chớ tôi không có ý điên cuồng gì mà mong ước cho nước Nam tôi làm Đài Loan, Triều Tiên thứ hai(1)

Bài phỏng vấn này được đưa lên báo Tiếng Dân ngày 25-8-1938.

Dù sao, đối với người đọc, lối giải thích duyên cũ, duyên mới của tác giả có vẻ gượng gạo, chưa thỏa đáng. Ai chứ như cụ Phan Bội Châu thì bao giờ lại tin và mơ ước "thành tâm khai hóa" của giặc Pháp. Đó chẳng qua là một cách nói để được đưa lên báo cho khỏi bị kiểm duyệt. Nếu muốn đúng với ý của tác giả thì phải nói: Duyên cũ là nước Việt Nam độc lập do cha ông để lại. Duyên mới là nước Việt Nam bị Pháp xâm lược và đô hộ.

XIV

Ngô Đình Diệm từ chức Thượng thư Bộ Nội vụ.

Thời gian ấy tôi không còn là thư ký của cụ Phan nữa. Nhưng tôi đến thăm cụ đúng vào lúc cụ đang làm bài thơ khen Diệm. Và tiện dịp cụ bảo tôi chép.

Bài thơ kết thúc bằng hai câu:

Ví bằng có dịp làm vai vế
Sau ngựa em xin múa ngọn roi.


Đến chữ "em" tôi không thể nhịn được, dừng bút lại, thưa với cụ:

- Xin phép cụ, con không đồng ý cụ tự hạ mình quá đi như vậy. Cụ là bậc cha, bậc anh.

Cụ Phan nói:

- Tôi làm cách mạng chớ nếu như đặt mình vào địa vị ấy, chưa chắc đã làm được như vậy.

Rồi cụ vừa nói vừa giải thích:

- Múa ngọn roi. Ăn thua mấy chữ đó. Ngựa anh cưỡi nhưng roi tôi cầm. Tôi quất cho ngựa đi tới. Dừng lại, không được với tôi.

Hồi đó, trong số những bạn bè ở Nghệ Tĩnh vào thăm cụ Phan có cụ Mai Lão Bạng, một tín đồ Thiên chúa giáo đã từng cùng cụ Phan hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Cụ Mai Lão Bạng vốn quen Diệm. Cụ vừa thăm cụ Phan vừa thăm Ngô Đình Diệm. Ở với cụ Phan năm bảy ngày lại ở với Diệm năm ba ngày, qua lại như một con thoi.

Nội dung những cuộc gặp gỡ này, không ai rõ. Chỉ biết đại khái là hai bên muốn gặp nhau nhưng không tiện, mặc dù ở cách nhau không đầy một cây số: Bến Ngự - Phú Cam. Và một hai lần gì đó Diệm có gởi tiền giúp cụ Phan.

Năm 1940, cụ Phan ốm nặng, xem chừng không sống được bao lâu nữa.

Ngô Đình Diệm đánh liều đến thăm vĩnh biệt.

Sau đó cụ Phan vẫn còn tỉnh táo để viết sáng tác cuối cùng của mình:

Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
Thiên hạ thùy nhân bất thức quân
Bảy mươi tư tuổi trót phong trần
Được bạn mới, tinh thần thêm hoạt hiện
.


XV

Những năm cuối đời của cụ Phan là những năm buồn tủi nhất. Cảm cảnh thay cái thân phận của người tù già bị bao vây, cô lập! Đồng bào không mấy ai dám đến, sợ bị ghi vào sổ đen. Lớp bạn già lui tới thăm họa chăng chỉ còn có cụ Huỳnh. Không mấy chủ nhật cụ không dành riêng một buổi lên thăm, để nói vài câu chuyện tâm tình, an ủi và cũng để phần nào "giám thị" người đồng chí về già đâm ra lẩn quẩn, nhẹ dạ, cả tin. Những năm ấy, cụ Huỳnh kế tục cái nhiệm vụ mà trước kia cụ Phan Văn Trường đã làm trên báo Cloche fêlée: kêu gọi đồng bào quyên giúp nhà chí sĩ thiếu thốn và bệnh hoạn.

XVI

Khi cụ Phan gần hấp hối, cụ Huỳnh đọc trước bài điếu văn đã soạn sẵn với rất nhiều công phu, coi như để viếng sống. Đoạn kết của bài văn như sau:

Những ước gan vàng mình sắt, dù ngày mạt lộ, sống trăm năm mà làm bạn quốc dân.
Nào hay móc sớm sương mai, chán kiếp dư sanh, đau một trận hóa ra người thiên cổ.
Hỡi ôi!
Trời cướp danh nhân!
Đất vùi ngọc Thọ!
Hào kiệt đi đâu?
Non sông trơ đó!
Hồn cố quốc về chăng hay chớ! ào ào gió thổi, bốn mùa đỉnh núi sóng thông reo
Gương vĩ nhân sáng mãi chẳng lờ, vằng vặc nước trong, ngàn thuở lòng sông vừng nguyệt tỏ.
Chúng tôi
Tiếc đấng anh hùng,
Xót tình dòng họ
Uống nước nên nhớ đến nguồn cơn,
Khắc đá hãy ghi lời phế phủ.
Vàng ngọc nhờ ơn chỉ bảo, rượu ba tuần dâng món tâm hương.
Tiên trần rẽ ngã tử sinh, ngâm một khúc thay lời phi lộ.
Nào dám gọi sinh sau hơn trước, một lòng đền kính, đưa tiên sinh về cõi trường sinh
Chỉ mong câu "người chết như còn, chín suối có thiêng, dìu hậu bối lên đường tiến bộ".

Cụ Phan nghe xong, đang cơn mê dần dần tỉnh lại, sống thêm được một tuần.

Cụ mất ngày 29-10-1940.

Từ đây ở Tiếng Dân hàng năm lại thêm một ngày nghỉ để anh em tòa soạn cũng như thợ nhà in dự lễ tưởng niệm Phan Sào Nam tiên sinh trước bàn thờ thiết lập tại tòa báo. Trước đây chỉ có ngày 24-3 là ngày kỷ niệm cụ Phan Chu Trinh.

V.Đ.Q
(SH34/12-88)


--------------
(1) Trước thế chiến chứ 2, Đài Loan và Triều Tiên là thuộc địa của Nhật.





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Mùa mưa (16/01/2015)