TRẦN PHƯƠNG TRÀ
Cuối năm 1961, tôi rời Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao về làm biên tập viên chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình này nằm trong Phòng Văn học do nhà văn Trọng Hứa làm Trưởng phòng.
Năm 1960, nhà giáo Nguyễn Tuân đã rời trường học sinh miền Nam về làm biên tập Tiếng thơ. Vì trùng tên với nhà văn lớn Nguyễn Tuân, anh đảo ngược tên mình thành bút danh Tuân Nguyễn. Chúng tôi lo chọn thơ của cộng tác viên gửi đến và tìm trong sách báo cho đánh máy, giao cho các diễn viên ngâm và biên soạn thành chương trình phát thanh 30 phút. Các nghệ sĩ Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Hồng, Hồng Lê, Nguyễn Thị Hòa, Văn Thành, Hoàng Linh, sau này có thêm Tường Vi ở Hải Phòng, Linh Nhâm, Kim Cúc, Tường Thụ, Đức Miêng, Lê Tín… thường cộng tác với chúng tôi.
Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, chương trình Tiếng thơ được nhiều thính giả hâm mộ, chờ đón.
Tiết mục được phát thanh 22 giờ tối chủ nhật, sau này có một thời gian thêm một chương trình vào tối thứ tư.
Năm 1962, khi giáo sư Lê Quang Vịnh cùng các sinh viên bị Tòa án quân sự Việt Nam Cộng hòa tuyên án tử hình, cùng nhân dân cả nước, nhiều nhà thơ đã lên tiếng. Tiếng thơ phát nhiều bài thơ về Lê Quang Vịnh trong đó có bài thơ “Tiểu đội anh hùng” của nhà thơ Tố Hữu và thơ Lưu Trọng Lư…
Tháng 10 năm 1962, khi Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu ra thăm miền Bắc, chúng tôi có các chương trình Tiếng thơ chào mừng đoàn. Nhà thơ Tuân Nguyễn viết được hai bài thơ hay: “Lời chào hy vọng” và “Gửi người đồng hương”. Tuân Nguyễn viết với giọng tha thiết:
“… Đây tôi lặng nhìn anh
Tôi nhìn mặt
Tôi nhìn đôi mắt vừa mới khóc
Đây tôi nhìn cái nhìn còn phảng phất
Chị em tôi trong ấy đã nhìn anh…”
Vào dịp tháng 7 hàng năm, nhắc đến sự kiện đất nước còn tạm thời chia cắt ở vĩ tuyến 17, chúng tôi phát thanh những bài thơ của Tế Hanh, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Trinh Đường… viết về vĩ tuyến 17. Bài thơ “Sóng vỗ Cửa Tùng” của Lưu Trọng Lư do nhà thơ đọc gây ấn tượng sâu trong lòng người nghe.
Tháng 8 năm 1964, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức một đoàn 21 văn nghệ sĩ vào Quảng Bình mừng kỷ niệm 10 năm giải phóng Quảng Bình (15/81954 - 15/8/1964). Cùng với các nhạc sĩ Hoàng Vân, Phạm Tuyên, Trần Thụ, Hồ Bắc, Mộng Lân, Thương Huyền, Hồng Lê, Mộng Ứng…, phòng Văn học có Mai Văn Tạo, Đinh Quang Nhã, Bùi Minh Quốc, Trần Nguyên Vấn.
Trong thời gian đoàn chúng tôi ở Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình, ngày 5/8/1964, giặc Mỹ đã cho ném bom nhiều nơi ở miền Bắc. Chính ở đây, Hoàng Vân có “Quảng Bình quê ta ơi!”, Phạm Tuyên có “Bám biển quê hương” v.v. Chương trình Tiếng thơ kịp thời đưa lên sóng những sáng tác mới của các nhà thơ lên án tội ác của giặc Mỹ và ca ngợi các chiến công của quân dân ta.
Ngày 15/10/1964, người thợ điện Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn tại nhà lao Chí Hòa, Sài Gòn. Chúng tôi đã kịp thời thu thanh một số bài thơ viết về tấm gương bất khuất của Nguyễn Văn Trỗi trong đó có bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi!” của nhà thơ Tố Hữu.
Chương trình Tiếng thơ cũng đã thu thanh các buổi nói chuyện thơ của nhiều nhà thơ như Xuân Diệu nói về thơ được giải cuộc thi viết về người giáo viên, Huy Cận về tập “Đất nở hoa”, Lưu Trọng Lư nói về thơ Sóng Hồng, Chế Lan Viên nói về bài thơ “Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi”…
Chúng tôi đã đến Ủy ban Thống nhất và Tiểu ban Văn nghệ miền Nam của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam mượn các tài liệu về văn học từ miền Nam gửi ra để đưa lên sóng… Bên cạnh phần văn xuôi, đến năm 1967 thơ của Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn, Lê Anh Xuân, Cao Phương, Liên Nam, Phan Minh Đạo, Hồng Chinh Hiền, Thân Như Thơ cùng nhiều tác giả khác ở miền Nam thường xuyên được giới thiệu.
Chương trình Tiếng thơ do nhà thơ Xuân Diệu khi công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam hồi đầu kháng chiến chống Pháp khởi xướng đến tháng 9/2015 tròn 70 năm.
Nhiều thế hệ biên tập viên đã đóng góp cho tiết mục sáng giá này. Chương trình Tiếng thơ vinh dự đã góp phần giới thiệu những gương mặt thơ mới từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiều tác giả đã trở thành nhà văn nhà thơ nòng cốt của nền văn học nước nhà.
Thời kỳ làm biên tập viên Tiếng thơ, tôi cũng có viết được đôi bài thơ. Ngày 8/3/1967, trên báo Nhân dân, tôi có bài thơ “Người anh hùng bám biển” viết về chị Nguyễn Thị Khíu ở Bảo Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Tôi cũng viết được vài bài bút ký, ghi chép. Tham gia cuộc vận động sáng tác về Hà Nội của Thành đội Hà Nội, tôi có hồi ký “Đánh sân bay Gia Lâm” được in trong tập ký và truyện ngắn “Trở về Hà Nội”, nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1960.
Tháng 4 năm 1964, tôi cùng Bùi Minh Quốc rời Đài Tiếng nói Việt Nam đi vào chiến trường miền Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên đã dành riêng cho chúng tôi một buổi trao đổi về thơ. Bùi Minh Quốc ký bút danh Dương Hương Ly, tôi ký bút danh Trần Phương Trà.
Hơn 5 năm trời từ 1961 đến 4/1967, có một thời gian sang Ban biên tập miền Nam học thêm các thể loại báo chí để đi B, tôi cùng các biên tập viên khác, tiếp xúc với nhiều cộng tác viên, chọn bài, dàn dựng chương trình phát trên sóng Tiếng nói Việt Nam, góp sức với các binh chủng khác của đội ngũ văn nghệ phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tháng 6 năm 1967, tôi vào đến Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế và vui sướng nhận ra người cán bộ đi đón mình là anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, bạn cùng lớp đệ Tứ với tôi ở trường Trung học Khải Định (Quốc học Huế) niên khóa 1953 - 1954. Chúng tôi ôm nhau mừng. Ở Ban Tuyên huấn, tôi được làm việc với nhà thơ Thanh Hải, các nhà báo Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, họa sĩ Lê Khánh Thông, Nguyễn Đính (Trần Vàng Sao) v.v.
Ở chiến trường Trị Thiên Huế, chúng tôi phải lo làm nhà, đào hầm, phát rẫy, gùi gạo, sẵn sàng chiến đấu. Về công tác chuyên môn tôi lần lượt làm các báo “Cờ Giải phóng” của Thành ủy Huế, Quyết thắng của Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trị Thiên Huế, tạp chí Sinh hoạt văn nghệ của Chi hội Văn nghệ giải phóng, năm 1972 làm báo “Cứu lấy quê hương” của Liên minh dân tộc dân chủ hòa bình thành phố Huế. Có một bộ phận thường trực cho Đài Giải phóng ở Trị Thiên Huế. Tôi có nhiệm vụ cung cấp bài vở tin tức. Chúng tôi chuyển đi cả truyện ngắn, ký, kịch ngắn và cả các ca khúc. Tôi ghi bản nhạc dưới dạng Sol đen la đơn mi đơn gạch nhịp… các anh báo vụ theo đó mà chuyển đi. Nhờ thế mà các tác phẩm Trị Thiên Huế gửi qua Đài phát thanh Giải phóng đến được nhanh với bạn nghe đài cả nước. Thật cảm động mỗi chiều chủ nhật nghe qua mục Tuần san văn nghệ Đài phát thanh Giải phóng biết được bạn bè văn nghệ ở các chiến trường đã gửi cho Đài bài thơ, bài hát, bút ký hay truyện ngắn gì. Mừng bạn đang còn sống và có tác phẩm được phát thanh.
Một địa chỉ quan trọng là Tiểu ban văn nghệ miền Nam do nhà thơ Bảo Định Giang phụ trách. Liên hệ thường xuyên với Tiểu ban, chúng tôi gửi thư và báo cáo cùng tác phẩm đến anh Bảo Định Giang, chị Ngọc Trai, chị Bội Lan, anh Trần Doãn Triều… Tác phẩm từ tiểu ban đã đến với báo, đài thuận lợi.
Nhờ chuẩn bị tư liệu khá chu đáo khi vào chiến trường và học hỏi cách làm việc của những người đi trước, tôi có một số đề tài để nói chuyện thời sự bất kỳ ở trạm giao liên, ở cơ quan, bệnh xá, bệnh viện, đơn vị bộ đội hay du kích dù chỉ có 1,2 người. Tôi thường nói về: Điều kiện quốc tế của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Mấy mẩu chuyện về Bác Hồ; Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; Thơ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; Thơ Trần Đăng Khoa. Có một kỷ niệm vui. Một lần tôi đi cùng anh y tá Phạm Văn Rạng đến một cơ quan. Đến trạm giao liên còn sớm, anh Rạng xin phép tạt về cơ quan cũ để thăm. Anh đến đơn vị khoe đi cùng một nhà báo Khu ủy và anh này hay nói chuyện thời sự. Ban chỉ huy rất mừng bảo anh Rạng quay lại trạm đón tôi đến nói chuyện cho bộ đội và nhân bộ đội vừa bắn được một con nai rất to, chiêu đãi nhà báo luôn. Tôi đến nói chuyện xong, ban chỉ huy soạn ra một mâm thịt nai và còn tặng hai gô cho hai người đi đường vào hôm sau.
Tôi còn tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho các cơ sở trong vùng tạm chiếm. Bài giảng là những âm mưu thủ đoạn của địch, chủ trương nghị quyết của địa phương, phương pháp đấu tranh vũ trang, chính trị, binh vận, phương pháp tuyên truyền miệng và các tổ chức hợp pháp trong vùng địch tạm chiếm v.v. Đến dự đại hội chiến sĩ thi đua của huyện Hương Thủy cuối năm 1967, đồng chí Nguyễn Xuân Ngà, Bí thư huyện ủy yêu cầu tôi xây dựng một bản báo cáo cho chiến sĩ thi đua Nguyễn Thị Lài. Chị Lài hoạt động gan dạ trong vùng địch nhưng chị không biết chữ. Tôi phải nghe chị kể các hoạt động của chị rồi ghi chép, làm thành một báo cáo, đọc từng câu cho chị lặp lại rồi nhắc chị kể các sự kiện cụ thể.
Về sau chị được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xúc động trước hành động anh hùng của chị, tôi viết bài thơ “Giữa đồng nước trắng”.
Mỗi lần đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua của khu, giới báo chí văn nghệ được đồng chí Thiếu tướng Lê Chưởng, Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên Huế, Trưởng ban Tuyên huấn dành cho mười ngày để gặp các chiến sĩ từ các đơn vị, địa phương về dự. Chính ở các đại hội này, chúng tôi đã tranh thủ làm việc ngày đêm để khai thác tư liệu. Tôi được gặp lại anh hùng Vai người Pa Kô. Trước Anh hùng Vai đã ra Bắc và tôi có dịp theo Đoàn anh hùng chiến sĩ đi một số địa phương. Lại gặp được A Nun, người chiến sĩ vận tải có lần gùi trên lưng một máy nổ gần 3 tạ bị bom B52, anh đứng như trời trồng, sau trận bom lại đi tiếp. Tôi viết được bài thơ “Người anh hùng chân đồng vai sắt”. Mới đây, vào thư viện, tôi tìm được bài thơ đã đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội tháng 12/1970.
Khi kết thúc đại hội, tôi lên đọc một bài thơ viết chúc các anh chị về lập những chiến công mới. Đồng chí Lê Chưởng đã tặng tôi một cành hoa và nói:
- Chúc hoa văn nghệ nở rộ như hoa chiến công của quân dân Trị Thiên Huế.
Tấm lòng ưu ái của vị tướng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong anh chị em văn nghệ. Với bút danh Trường Xuân, ông Lê Chưởng đã viết nhiều bài thơ. Nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ nhạc một số thơ của Trường Xuân.
Cuối năm 1967, tôi về hai huyện Hương Thủy, Phú Vang. Thật cảm động khi về Phú Vang, tôi giặt bộ áo quần bà ba màu cỏ úa được phát trước khi vào Nam phơi trên giây thép trước hiên nhà. Bà mẹ đã dùng bàn tay đo áo quần rồi đến tiệm may may cho tôi một bộ. Hôm sau mẹ tặng tôi bộ áo quần mới kèm theo một chiếc khăn mặt bông. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ cùng đi với tôi qua nhiều xã, có lần vào khu vực Cầu Vực, chúng tôi bị một trận phục kích. Năm 1968, Tô Nhuận Vỹ bị thương và được ra Bắc điều trị vết thương. Tô Nhuận Vỹ và tôi có tham gia cuộc thi viết truyện ngắn báo Văn nghệ 1970 - 1971. Truyện ngắn “Của tin” của tôi được đăng trên báo Văn nghệ số 399 ra ngày 4/6/1971 và phát thanh ở chương trình Đọc truyện đêm khuya. Truyện ngắn “Chuyện của tui” của Tô Nhuận Vỹ cũng được đăng trên báo Văn nghệ.
Tổng kết cuộc thi, truyện ngắn của Tô Nhuận Vỹ và Trần Phương Trà được tặng thưởng báo Văn nghệ và đăng trong tập “Truyện ngắn được giải báo Văn nghệ 1970 - 1971” (Nxb. Hà Nội, 1972).
Tôi cũng đã viết một số bút ký, ghi chép như “Những người con gái thành Huế”, Giải phóng nhà lao Thừa Phủ, Những người mở cửa Chánh Tây… các truyện ngắn Đất gọi, Của tin, Gõ cửa, Tìm, Chiếc chìa khóa, Chuyện kể một bài vè… Về thơ, tôi có các bài Giữa lòng dân, Thơ cho con, Đón thơ Bác giữa mùa xuân, Huế của tôi, Trang báo mừng thọ Bác, Giấc ngủ, “Ông cụ vận tải”, Giữa đồng nước trắng, Người anh hùng chân đồng vai sắt…
Tháng 4 năm 1969, chúng tôi tổ chức Đại hội thành lập Chi hội văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế. Ban chấp hành Chi hội có 15 người. Nhạc sĩ Hồ Thuận An (Trần Hoàn) được bầu làm Chi hội trưởng, nhà thơ Thanh Hải, Chi hội phó kiêm Tổng thư ký. Các chi hội phó gồm nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà viết kịch và đạo diễn Thanh Huyền, Ủy viên thường trực kiêm Phó Tổng thư ký là nhà viết kịch Nguyễn Tuyến Trung (Nguyễn Kim Cúc). Các ủy viên khác: Thuận Yến, nhạc sĩ trong Quân giải phóng; Nguyễn Hữu Vấn, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, chị Thu Lưỡng, diễn viên dân ca Trị Thiên; Ku Lai, dân tộc Pakô, đội trưởng đội văn công miền Tây Trị Thiên; Trần Vàng Sao, nhà thơ; Phong Hải, nhà văn trong Quân giải phóng; Chị Phương Nhi, diễn viên múa Đoàn văn công Quân giải phóng Trị Thiên Huế; Trần Phương Trà, nhà văn; Lê Khánh Thông, họa sĩ báo Cờ giải phóng Huế; Vân Dung, nhạc sĩ.
Tôi đã vào Thư viện Quốc gia lục sách báo để tìm những tác phẩm của anh chị em văn nghệ Trị Thiên Huế hồi ấy và vui mừng tìm được bản danh sách Ban chấp hành Chi hội văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội số 6 năm 1969.
Chính trong hoàn cảnh gian khổ và ác liệt ở chiến trường Trị Thiên Huế, nhiều anh chị em đã trưởng thành.
Nhạc sĩ Hồ Thuận An với trọng trách Phó Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế, chi hội trưởng luôn nhiệt tình xông xáo và sáng tác nhiều ca khúc. Anh còn làm thơ ký bút danh Thanh Hồng.
Nhà thơ Thanh Hải bám trụ từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Giữa năm 1969 anh bị ốm nặng phải chuyển trên cáng ra Bắc chữa bệnh. Đến 1973 anh trở lại chiến trường.
Nhà văn Xuân Thiều ở tạp chí Văn nghệ quân đội đã vào sống ở chiến trường mấy năm. Với bút danh Nguyễn Thiều Nam, Xuân Thiều đã viết nhiều truyện ngắn và sau này viết nhiều tiểu thuyết về quân dân Trị Thiên Huế. Anh còn làm nhiều bài thơ và hồi ấy đã in một tập thơ.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh với bút danh Vũ Ngàn Chi đã đóng góp nhiều bài thơ.
Nguyễn Quang Hà là giáo viên vào bộ đội sau chuyển về Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế sáng tác nhiều thơ, sau này anh viết nhiều tiểu thuyết. Hoàng Phủ Ngọc Tường có lúc ký bút danh Thế Ngọc làm thơ đều tay và viết nhiều bút ký hay.
Nguyễn Khoa Điềm từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào chiến trường Thừa Thiên năm 1964. Anh hoạt động trong phong trào thanh niên học sinh, sinh viên Huế và bị Mỹ bắt trong một trận càn ở huyện Quảng Điền cuối năm 1967 và bị giam ở lao Thừa Phủ. Ngày 2/2/1968, nhà lao Thừa Phủ được giải phóng. Nguyễn Khoa Điềm được ra tù, cầm súng chiến đấu trong hàng ngũ cách mạng. Giữa năm 1969, anh về ở với các anh Trần Hoàn, Thanh Hải, Nguyễn Kim Cúc và tôi ở Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên Huế. Anh viết được nhiều bài thơ hay. Tháng 3 năm 1971, lúc đi gùi gạo qua dốc Cao Bồi để trở về cơ quan, anh nhẩm một bài thơ trong đầu. Đến nhà, anh đặt gùi gạo xuống sạp, lấy khăn lau vội mồ hôi, cầm bút chép bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên trên lưng mẹ” và đưa cho tôi. Tôi đọc vui mừng nói với Điềm:
- Đây là một bài thơ hay viết về đồng bào dân tộc thiểu số. Chúc mừng Điềm.
Ngay sau đó bài thơ được đăng trên tạp chí Sinh hoạt số 4 năm 1971 của Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế. Nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc với nhan đề “Lời ru trên nương” (1971). Nghệ sĩ Trần Thị Tuyết đã diễn đạt thành công bài thơ này trên sóng phát thanh.
Ngày 31/10/1971, khai mạc trại sáng tác văn học của Chi hội văn nghệ giải phóng, chúng tôi đã có hai cuốn sách: “Tập ký và truyện Trị Thiên Huế”, tập thơ “Huế nổi dậy rồi” do chi hội ấn hành.
Tập ký và truyện Trị Thiên Huế với các tác giả: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Hồ Thừa, Huyền Dân, Trần Phương Trà, Hoàng Giang, Đặng Đình Loan, Vũ Ngàn Chi, Thuận Yến, Nghiêm Sĩ Thái, Nguyễn Khoa Điềm, Phong Hải.
“Huế nổi dậy rồi” là tập thơ của nhiều tác giả: Hoàng Cát, Vũ Ngàn Chi, Võ Dương, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Hải, Tâm Hằng, Thanh Hồng, Nguyễn Khoái, Vũ Liên, Hồng Minh, Nguyễn Thiều Nam, Hà Nguyên, Đức Nguyên, Tống Huỳnh Nguyên, Dương Quốc Phương, Trần Vàng Sao, Như Tân, Thu Tín, Vũ Nam Tiến, Nghiêm Sĩ Thái, Trần Phương Trà, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trường Xuân, Doãn Yến, Trường Thành.
Trại sáng tác mới hoạt động được 20 ngày thì bị một trận bom B52 của Mỹ ném đúng vào Ban Tuyên huấn và Ban Y tế của Khu Trị Thiên. Tôi cùng một hầm với Nguyễn Khoa Điềm. Tôi bị một mảnh bom nhỏ sượt qua trán và một mảnh bom khác cắt đứt chiếc võng cách đầu tôi 20cm, mảnh vải còn dính với nhau một xăng ti mét chiếc radio trên ngực bị xé toang. Tôi bị thương ở trán và ngón tay trỏ trái, phải đi bệnh viện điều trị. Bản thảo của Điềm bị vùi trong đất.
Ban Tuyên huấn và các anh tham gia trại sáng tác vừa chuẩn bị chống càn, chống biệt kích rồi tiếp tục công việc. Nguyễn Khoa Điềm hoàn thành trường ca “Mặt đường khát vọng” có nhiều chương thật xúc động. Nguyễn Quang Hà sửa chữa tập thơ “Nghe tiếng gà trên điểm chốt”. Nguyễn Đắc Xuân hoàn thành mấy truyện ngắn. Quế Lâm viết được một số bài thơ. Nguyễn Tuyến Trung viết xong một vở kịch. Trần Lâm và Hà Nguyên cũng viết được một số truyện. Tôi ở bệnh viện về, tiếp tục hoàn chỉnh bản thảo truyện ngắn “Gõ cửa”.
Từ trong phong trào học sinh sinh viên thành phố Huế, một số tác giả đã xuất hiện và có những đóng góp đáng kể. Đó là Trần Vàng Sao, Lê văn Ngăn, Võ Quê, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Lê Gành, Tần Hoài Dạ Vũ và nhiều anh chị em khác.
Năm 2015, tôi sẽ cho in 2 tập ký với hơn 40 bút ký và ghi chép đã đăng báo: Về giữa lòng quê và Dọc theo năm tháng, Tập chân dung văn nghệ với 25 gương mặt văn nghệ sĩ nhan đề Nặng lòng với Huế và tập thơ Ngày lại ngày.
Tôi biết ơn Đài Tiếng nói Việt Nam đã tạo điều kiện cho tôi được đến nhiều nơi, được làm công việc mình yêu thích. Hơn 6 năm ở chiến trường Trị Thiên Huế, hòa vào trong cuộc sống vô cùng gian khổ ác liệt của quân và dân, nhiều lần về đồng bằng sống với cán bộ và du kích, tôi cảm nhận được lòng yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Tôi được bà con đùm bọc, thương yêu, chăm sóc và bảo vệ. Tự hào về những năm tháng ấy, tôi mừng đã có đóng góp chút ít công sức cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân.
T.P.T
(SH314/04-15)