NSND Trà Giang chia sẻ ký ức và cảm xúc về bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ năm 1962.
NSND Trà Giang là thế hệ những diễn viên đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam sau giải phóng. Sự nghiệp điện ảnh của bà là một minh chứng cho một thế hệ diễn viên tài năng, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu.
Chia sẻ về bức ảnh được chụp cùng Bác Hồ, NSND Trà Giang nhớ lại: “Bức ảnh tôi tặng hoa cho Bác là bức ảnh ghi lại giây phút tôi đi dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 tại nhà hát Lớn của thủ đô Hà Nội. Lúc bấy giờ, đại hội cũng có nhiều đại biểu miền Nam làm việc ngoài Bắc, trong đó có tôi. Tôi là đại biểu trẻ tuổi nhất nên tôi được tổ chức phân công cùng đại biểu cao tuổi nhất đại diện tặng hoa cho Bác. Tại đại hội đó, Bác gặp gỡ rất nhiều đại biểu và Bác nói nhiều điều với văn nghệ sĩ. Trong đó, điều sâu sắc nhất mà tôi cảm nhận được là khi Bác nói về đất nước và trách nhiệm của người nghệ sĩ. Bác nói “Ngày xưa, khi đất nước còn nô lệ, thì văn nghệ sĩ cũng là nô lệ, bị coi là 'xướng ca vô loài'. Còn bây giờ, đất nước thuộc về ta nên văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Bác nói nhiều điều nhưng đây là điều tôi ghi nhớ sâu sắc.”
Mặc dù thời gian đã hơn 50 năm, nhưng khoảnh khắc những lần được gặp Bác vẫn còn là ký ức đẹp trong lòng NSND Trà Giang, cô chia sẻ thêm: “Bức ảnh đó ghi lại thời khắc lịch sử của hội nghị và tôi là người được tặng hoa cho Bác. Nhưng với tôi, lời Bác nói trong hội nghị như bài học đầu đời của tôi khi bước chân làm nghệ sĩ. Trước đó tôi đã đóng 2 phim nhưng tôi vẫn chưa hiểu hết trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cuộc sống, đối với xã hội. Khi dự hội nghị đó tôi cảm nhận đầy đủ nhất. Và trong suốt quá trình công tác hơn nửa thế kỷ, tôi luôn nhớ trách nhiệm của người nghệ sĩ với công chúng, và trong cuộc sống. Tôi luôn phấn đấu theo lời Bác Hồ nói trong hội nghị lần đó”.
Hiện tại những điều đó vẫn còn mang ý nghĩa trong cuộc sống của bà khi nghĩ về vai trò người nghệ sĩ. NSND Trà Giang cho biết, bà đã dừng đóng phim được hơn 20 năm, nhưng bà luôn nghĩ, không chỉ bản thân bà mà tất cả những ai có trách nhiệm với xã hội sẽ thấy, sẽ hiểu những lời Bác nói vẫn còn mới và còn đầy đủ ý nghĩa đến hôm nay. Bởi vì, văn nghệ không chỉ là giải trí mà còn có vai trò mang đến cho người xem những ý nghĩa của cuộc đời, có vai trò tranh đấu vì một xã hội tốt đẹp hơn. Người nghệ sĩ không cảm nhận được điều đó, không thấy được đầy đủ trách nhiệm của mình trước người xem thì theo bà, cũng chưa làm tròn trách nhiệm của người nghệ sĩ.
NSND Trà Giang cũng chia sẻ thêm cảm nhận riêng của bà về Bác Hồ: “Đối với tôi thì những lần tôi được gặp Bác, nghe Bác nói, tôi cảm nhận Bác không chỉ như một nhà lãnh tụ mà như một người cha, người ông trong gia đình. Vì những lời Bác nói vừa hài hước, dí dỏm vừa cô đọng mà rất gần gũi, dễ hiểu. Ví dụ như, ngoài cuộc gặp lần đó thì tôi còn được gặp Bác khi Bác đến thăm trường Điện ảnh. Chúng tôi là những diễn viên thế hệ đầu tiên học ra. Bác hỏi thăm “Các cháu học về diễn viên điện ảnh thì học về cái gì?’, chúng tôi mới nói “Chúng cháu được họ về diễn xuất, học về văn học, học vũ, học hát”. Bác chữa ngay, “phải nói là học múa mới đúng từ Việt Nam, còn họ vũ là từ của Hán học”. Những chuyện nhỏ như thế cũng hiểu Bác muốn người Việt Nam phải dùng đúng từ của Việt Nam”.
Đã hơn 50 năm trôi qua, những lần gặp Bác Hồ, những kỷ niệm có được, dường như vẫn vẹn nguyên trong ký ức của NSND Trà Giang.
Hiện tại, NSND Trà Giang không còn đóng phim, nhưng bà vẫn theo dõi sự phát triển của điện ảnh Việt Nam qua các kỳ liên hoan, các lễ trao giải thường niên của Hội Điện ảnh… Bà cũng theo dõi nhiều bộ phim Việt Nam sản xuất. Bà cho biết mình không đóng phim nữa, một phần vì sức khỏe không cho phép, nhưng điều quan trọng nhất chính là sau loạt vai mà bà đã đóng thì những vai diễn sau này đều chưa đủ sức hấp dẫn đối với bà, nên NSND Trà Giang từ chối.
Tuy không đóng phim nhưng NSND Trà Giang vẫn giữ niềm đam mê với nghệ thuật, đó là nghệ thuật hội họa. Bà cho biết, hàng ngày bà vẫn lao động miệt mài cùng màu sắc để tạo ra những bức tranh, để nuôi lớn những đam mê nghệ thuật trong mình.
Theo Băng Châu - Dân Trí