Góc Hoài niệm
Huế - nhà văn và báo chí
10:35 | 19/06/2015

90 NĂM BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM(21/6/1925 - 2015)

THANH NGỌC

Sự hình thành và phát triển của Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thừa Thiên Huế kể từ khi ra đời đến nay đã gắn bó rất chặt với đời sống báo chí. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi những mầm xanh của VHNT rất cần được gieo trồng trên cánh đồng báo chí. Điều khác nữa, Huế - vùng đất từng là “thủ đô văn hóa” của cả nước, nơi báo chí phát triển cực thịnh mấy chục năm từ trước 1945 đến 1975, các nhà văn hoạt động mạnh mẽ trên lĩnh vực báo chí là lẽ đương nhiên.

Huế - nhà văn và báo chí

Những năm 1945 - 1954

Tối ngày 18/9/1945, Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên được thành lập, đây là tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế hiện nay. Tối 22/9/1945, Liên đoàn họp Đại hội nghị tại trụ sở Ban Tuyên truyền Trung Bộ, quyết định xuất bản tờ tuần báo lấy tên là Đại chúng. Tháng 11/1945, Đại chúng ra số đầu tiên, do Tôn Thất Dương Kỵ làm chủ bút, Phan Thao làm Thư ký Tòa soạn, họa sĩ Phạm Đăng Trí trình bày. Vậy có thể nói, Đại chúng là tờ báo đầu tiên của tổ chức Hội VHNT Thừa Thiên Huế. Từ tháng hai năm sau (1946), vẫn ban biên tập ấy, Đại chúng được nâng lên thành tạp chí, mỗi tháng ra một kỳ, số 1 ra ngày 1/3/1946. Từ lúc này Đại chúng trở thành Cơ quan văn hóa cứu quốc Trung Bộ, chuyển về 35 phố Hàng Bè.

Văn nghệ sĩ trí thức Thừa Thiên trong giai đoạn 1945 - 1954 cũng tham gia mạnh mẽ trên lĩnh vực báo chí cách mạng và báo chí yêu nước.

Ngay khi chính quyền cách mạng vừa mới thành lập, ngày 27/8/1945, Việt Minh Trung bộ đã phát hành nhật báo Quyết chiến, do nhà văn Vĩnh Mai làm chủ bút, tòa soạn đóng ở 43 Trần Hưng Đạo - Huế. Báo Quyết thắng, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung bộ do Nguyễn Cửu Thạnh làm chủ nhiệm, Lê Chương làm chủ bút ra đời ngay sau báo Quyết chiến. Số 1 ra ngày 1/10/1945 đã đăng bài thơ “Hồ Chí Minh” của Tố Hữu.

Cùng với Đại chúng, Liên đoàn Văn hóa Cứu Quốc Thừa Thiên còn phát hành tờ Reo, tạp chí văn nghệ trào phúng, do Đỗ Hữu Phú làm chủ nhiệm. Nhà văn Thanh Tịnh, nguyên Thư ký Liên đoàn Văn hóa Cứu Quốc Thừa Thiên cũng ra báo Lòng dân, tạp chí nghị luận văn chương. Báo này ngừng hoạt động khi Thanh Tịnh đi dự Đại hội Văn hóa Toàn quốc tại Hà Nội và sau đó tham gia kháng chiến phía Bắc.

Báo Chiến sĩ số 1 ra ngày 16/11/1945, là cơ quan tuyên truyền của Vệ Quốc đoàn Thừa Thiên (về sau là cơ quan của Vệ Quốc đoàn Khu IV), do nhà văn Ngô Điền

Văn nghệ sĩ cũng tham gia cộng tác với các báo trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nhiều tờ báo ở Huế cũng chủ trương đăng tải các tác phẩm văn nghệ(1).
 

Báo Tay thợ ra đời sau Cách mạng Tháng Tám, là “cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của công nhân Việt Nam Trung bộ tại Huế”, do Huỳnh Ngọc Huệ (Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ) làm Thư ký tòa soạn. Báo đăng nhiều thơ ca hò vè về giới thợ thuyền. Số kỷ niệm 1 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/1946) có đăng bài thơ của Chủ nhiệm Việt Minh Trung bộ Nguyễn Chí Thanh “tặng thợ thuyền lao động Việt Nam”.

Các báo khác của Việt Minh Trung bộ và Ủy ban Hành chánh Thừa Thiên và các ban ngành: Quê hương, Kinh tế, nguyệt san văn nghệ Quần chúng”; Đánh thắng” (cơ quan của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Thành phố Huế, phát hành 1949); Công đoàn (tiếng nói của công nhân, lao động Thừa Thiên, phát hành cuối 1949); Chiến đấu (1950, báo Công Đoàn chuyển thành báo Chiến đấu); Chuyển mạnh (15 số phát hành trong thời điểm Đại hội Tỉnh đảng bộ Thừa Thiên 5/1950 tại Khe Rệ, Hương Trà); Thông tin (từ 8/1950, phát hành 2 kỳ/tuần để kịp phổ biến tin tức kháng chiến); Cầu tiến (phát hành tháng 10/1949, sau hội nghị tuyên truyền cổ động của Tỉnh ủy Thừa Thiên); Đoàn Kết (Thành ủy Huế, phát hành 1951 - 1952)…, và báo của tôn giáo (Tổ Quốc - cơ quan Hội Phật giáo Cứu Quốc, Liên đoàn Công giáo Trung bộ, phát hành 1946); Giải thoát - cơ quan của Hội Phật giáo Cứu Quốc Trung bộ, phát hành sau 8/1946)… cũng đăng tải nhiều hoạt động văn nghệ, tác phẩm văn học lúc bấy giờ.

Tại nội thành Huế trong kháng chiến chống Pháp cũng đã xuất hiện nhiều tờ báo của trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước. Trong đó có những tờ báo ủng hộ kháng chiến: Năm 1947, Thị ủy Thuận Hóa vận động trí thức yêu nước Phạm Bá Nguyên ra báo Công lý, ra được 8 số thì bị thu hồi giấy phép. Cũng năm đó, Phạm Bá Nguyên và Hồ Đắc Nghi lại ra báo Tin tức, hoạt động một thời gian thì cũng bị đình bản. Năm 1948, Đoàn học sinh kháng chiến Thuận Hóa được thành lập và bí mật ra báo Tin tưởng và cho lưu hành công khai tờ Hồn trẻ

Báo chí Huế giai đoạn 1945 - 1954 rất phong phú, có thể nói đây là thời kỳ bùng nổ của báo chí trong lịch sử báo chí Huế. Các trang báo ngoài việc để các văn nghệ sĩ trí thức thể hiện lòng yêu nước, còn là nơi rèn bút luyện tài để sau này trở thành những tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam, trở thành những tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam.

Những năm 1954 - 1975

* Văn nghệ sĩ tham gia báo chí cách mạng ở chiến khu

Sau Hiệp định Genève 1954, đất nước tạm thời chia làm 2 miền. Đảng bộ Thừa Thiên Huế củng cố tổ chức, lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng trong hoàn cảnh mới. Báo chí cách mạng tiếp tục thu hút văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong công tác tuyên truyền phục vụ kháng chiến.

Từ 8/1954, Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trương lập cơ quan ngôn luận là tờ báo Thống nhất, với danh nghĩa “Tiếng nói của những người kháng chiến cũ”, báo in khổ nhỏ tại chiến khu. Tháng 12/1960, báo Thống nhất đổi tên thành báo Giải phóng, với danh nghĩa cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng Thừa Thiên Huế chỉ đạo, hướng dẫn, động viên nhân dân tiến hành đồng khởi mở ra vùng giải phóng, và đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận trên cả 3 vùng chiến lược.

Năm 1965, thành phố Huế được tách ra, trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Liên khu ủy 5, Đảng bộ Huế có tờ báo Cờ Giải phóng với danh nghĩa cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng thành phố Huế. Báo do nhà thơ Thanh Hải phụ trách. Báo in tại nhà in Sông Hương ở chiến khu.

Năm 1967, nhà báo Ngô Kha chuyển về làm thư ký tòa soạn báo Cờ giải phóng thay nhà thơ Thanh Hải lên Hội Văn nghệ Khu. Các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân cũng về Ban Tuyên huấn Thành ủy và tham gia viết báo. Tòa soạn luôn nhận được nhiều bài của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, phản ánh cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt, kiên cường của nhân dân vùng ven nam Huế...

Những năm 1966 - 1967, có tờ Việt Nam trẻ nhắm đến đối tượng thanh niên do Mặt Trận giao cho các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân tổ chức(2). Về sau, còn có tờ Vùng Lên, cơ quan tranh đấu của thanh niên, sinh viên, học sinh Huế do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phụ trách, in tại nhà in Sông Hương.

Sau thắng lợi mùa xuân 1968, “Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và Hòa bình thành phố Huế” được thành lập, cơ quan ngôn luận là tờ báo Cứu lấy quê hương do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tổng thư ký Liên minh phụ trách. Khoảng 1967, Khu ủy giao nhiệm vụ cho Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân tiếp tục tổ chức báo Việt Nam Việt Nam y như lúc ở Nội thành để đưa về thành phố, với sự tham gia của Trần Vàng Sao, họa sỹ Lê Minh Trường trình bày…

Năm 1971, tỉnh Thừa Thiên Huế được lập lại, báo Cờ giải phóng Cứu lấy quê hương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
 

Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên - Huế cũng xuất bản Tạp chí Sinh hoạt Văn nghệ, tiếng nói của Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên - Huế. Số tháng 4/1971 đăng nhiều tác phẩm: Thơ: “Ta xây mộ mày ở Bản Đông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường), “Đường 9” (Nguyễn Quang Hà), “Miền Nam ở đường 9 Khe Sanh” (Vũ Ngàn Chi), “Chúng con đang hành quân trên đường về chiến thắng” (Thanh Hải), “Lửa cười” (Nguyễn Đắc Xuân), “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” (Nguyễn Khoa Điềm), “Đêm” (Hoàng Kim Sơn); Kịch ngắn “Định hướng” (Nguyễn Tuyến Trung)…
 

Về sau, nhà thơ Thanh Hải cùng các nhà văn ở chiến trường tiếp tục xuất bản tạp chí của Chi hội văn nghệ giải phóng Trị Thiên Huế, lấy tên là Văn nghệ Trị Thiên Huế ra được mấy số cho đến ngày giải phóng Huế 26/3/1975. (Theo Trần Nguyên Vấn, “Từ chương trình tiếng thơ đến chiến trường Trị Thiên - Huế”, Tạp chí Sông Hương số 4/2015).

Từ năm 1968 đến 1975, Thừa Thiên - Huế có một phân xã Thống tấn xã Giải phóng, do đồng chí Đoàn Dũng làm phân xã trưởng. Nhiều văn nghệ sĩ tham gia viết bài cho phân xã.

Sau ngày quê hương giải phóng, báo Cờ Giải Phóng được đổi tên thành Thừa Thiên Huế giải phóng rồi Thừa Thiên Huế cho đến năm 1976 nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên hợp nhất. Báo Cờ Giải phóng và báo Cứu lấy quê hương đã được thưởng Huân chương Giải phóng hạng 2 và hạng 3(3).

Văn nghệ sĩ ở Nội thành tham gia báo chí tranh đấu(4)

Khá nhiều tờ báo tranh đấu đã xuất hiện ở Nội thành giai đoạn 1954 - 1975, có tờ do Thành ủy Huế chủ trương, có tờ do trí thức yêu nước thực hiện. Các văn nghệ sĩ đã tham gia trực tiếp làm nhiều tờ báo, cũng như cộng tác với các báo tiến bộ.
 

Vào thời điểm điểm Hiệp định Genève sắp được ký kết, một nhóm trí thức từng có quá trình gắn bó với cuộc kháng chiến chống Pháp ở Huế, một số đang hoạt động cách mạng bí mật đã cùng nhau hình thành tờ Tập văn Ngày Mai để vận động việc thi hành Hiệp định Genève, đấu tranh cho hòa bình. Tờ báo do Cao Xuân Lữ đứng tên làm đại diện liên lạc, làm nòng cốt là nhóm trí thức làm công tác trí vận cho Thành ủy Huế: Bác sĩ Thân Trọng Phước, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm, nhà văn Võ Đình Cường. Báo Công lý: Sau Hiệp định Genève 1954, với vỏ bọc trí thức di cư vào Nam, Phạm Bá Nguyên từ Sở Thông tin Tuyên truyền      Liên khu 4 vào Huế, cùng với Nguyễn Quý Hương ra báo Công lý. Báo Tiền phong Văn nghệ Tiền phong: Báo Tiền phong ra vào cuối tháng 12/1955, do Nguyễn Thanh Hoàng chủ trương. Đến 17/4/1956, Tiền Phong chuyển thành Văn nghệ Tiền phong. Báo Lành mạnh, do bác sĩ Lê Khắc Quyến, một trí thức từng hoạt động trong các tờ báo Tiến hóa, Ngày mai chủ trương.

Báo chí và các tập san nghiên cứu thuộc Đại học Huế xuất bản giai đoạn từ sau 1957 thật sự đã đóng góp lớn cho công cuộc chấn hưng giáo dục, phổ biến tri thức nói chung, đóng góp cho nền văn nghệ Việt Nam nói riêng. Với chủ trương xây dựng Huế trở thành một trung tâm chính trị văn hóa của miền Trung, chính quyền Ngô Đình Diệm đã đầu tư cho Viện Đại học Huế phát triển, trong đó có việc thu hút trí thức từ nước ngoài về dạy, tập hợp nên một đội ngũ các giáo sư danh tiếng, các nhà phê bình lý luận VHNT uy tín hàng đầu trên văn đàn miền Nam lúc bấy giờ. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm không ngờ rằng, với môi trường tự trị đại học, Đại học Huế đã có những hoạt động tỏ rõ chính kiến yêu nước của mình. Trí thức, văn nghệ sĩ Huế qua hoạt động chống chính quyền và tham gia báo chí đấu tranh đã thức dậy tinh thần đấu tranh yêu nước chống Mỹ xâm lược trong học sinh sinh viên và nhân dân lao động, tạo nên sự sôi động mãnh liệt của phong trào đô thị Huế.
 

Năm 1958, gần một năm sau ngày thành lập, Viện Đại học Huế đã phát hành tạp chí Đại học, quy tụ không chỉ các cây bút uy tín của Đại học Huế, mà còn có các giáo sư của Viện Đại học Sài Gòn. Trên lĩnh vực văn học, các công trình nghiên cứu, phê bình đã tiệm cận với lý luận phê bình thế giới đương đại, chiếu rọi tác phẩm văn học qua các góc nhìn khác nhau mang màu sắc hiện đại rõ nét, phê bình hiện tượng luận, có cả đưa hiện tượng luận phân tâm học, hiện tượng luận hiện sinh vào phê bình.

Từ 1961, bộ máy lãnh đạo Viện Đại học bị xáo trộn nên tạp chí Đại học dần phai nhạt, đến 1964 thì ngừng phát hành.
 

Từ tháng 2/1964, một nhóm giáo sư Viện Đại học Huế ra báo Lập trường do Tôn Thất Hanh làm chủ nhiệm, Lê Tuyên làm chủ bút, Cao Huy Thuần làm Tổng thư ký tòa soạn.

Từ tháng 5/1955, nhà văn Nguyễn Văn Xuân chủ trương xuất bản tuần báo Văn nghệ mới. Báo ra được một thời gian thì ngưng xuất bản.

Năm 1960, nhà văn Trần Như Uyên và Ngô Văn Chương chủ trương nguyệt san Thể hiện - tạp chí sáng tác, phê bình VHNT. Số 1 phát hành tháng 8/1960, được 3 số thì đình bản.

Nhà biên khảo Lê Hữu Mục (khởi nghiệp VHNT bằng âm nhạc, nhưng thành công ở lĩnh vực biên khảo) chủ trương ra báo Rạng đông - tập san văn hóa văn nghệ. Năm 1962 báo tự đình bản.

Nhà văn, dịch giả Bửu Ý chủ trương tờ Quan điểm năm 1963 - tạp chí sáng tác VHNT, ra được 1 số thì ngừng xuất bản.

Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Văn Đồng (Hà Nguyên Thạch) chủ trương ra nguyệt san Nhận thức năm 1964, nhằm thể hiện những nguyện vọng và ý thức chân thành của người sinh viên (tạp chí Đại Học giới thiệu). Số 1 có thơ của Luân Hoán, Trần Sao (Trần Vàng Sao), Phan Duy Nhân, truyện của Lê Uyên Nguyên (Lê Hiếu Đằng)… Số 2 có sự tham gia của học giả Nguyễn Văn Xuân và các cây bút trẻ (lúc đó) như Nguyễn Mộng Giác, Đinh Hoàng Sa, Nguyễn Nho Sa Mạc, Hoàng Đan Phượng… Báo ra 3 số thì đình bản.
 

Phong trào đô thị Huế xuống đường chống Mỹ kéo theo sự xuất hiện nhiều tổ chức, nhóm hoạt động tại Huế: Quán Bạn, Hội Hồng Sơn, Hội đồng Nhân dân Cứu quốc, Đoàn Sinh viên Quyết tử, Ủy ban Cứu nguy Phật giáo, Nhóm Việt, Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa bình, Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Cách mạng, Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung, Phụ nữ đòi quyền sống thành Huế, Mặt trận Nhân dân cứu đói miền Trung, Nhóm Văn Sử, nhóm nữ sinh Áo Trắng, nhóm Lê Ki Ma… Phần lớn các tổ chức đều có sự phối hợp của các tổ chức, cơ sở cách mạng tại Nội thành, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Huế. Văn nghệ sĩ, trí thức tham gia các hoạt động của các phong trào đô thị, đặc biệt là Hát cho đồng bào tôi nghe. Nhiều tổ chức, nhóm chủ trương ra báo đấu tranh yêu nước, tạo nên một đặc trưng báo chí Huế giai đoạn 1964 - 1975: báo chí tranh đấu.

Khác với giai đoạn trước (1954 - 1963), giai đoạn này lực lượng những người tham gia viết văn, làm báo đông đảo và tuổi đời trẻ trung, với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ luôn sôi sục: Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Hiếu Đằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Tiêu Dao Bảo Cự, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Ngọc Sơn, Ngô Văn Ban, Nguyễn Văn Phụng, Võ Quê, Bửu Chỉ, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Phú Yên, Trần Phá Nhạc, Lê Nhược Thủy, Trần Đình Sơn Cước, Lê Gành, Nguyễn Đông Nhật, Nguyễn Hữu Châu Phan, Trần Đại Vinh, Trần Viết Ngạc, Nguyễn Xuân Hoa, Trần Văn Hội, Bửu Nam, Nguyễn Công Thắng, Võ Văn Ngọc…

Một sự kiện đáng chú ý xuất hiện và góp mặt của Nhóm Việt. Ngay từ đầu năm 1965, một số nhà văn trẻ ở Huế như Bảo Cự, Đông Trình, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Trần Duy Phiên… đã quy tụ lại, thành lập Hội Hồng Sơn, để có một tiếng nói chung chống lại những khuynh hướng văn nghệ lai căng, vong bản. Hội ra tờ báo Đỉnh triều và giữ vai trò nòng cốt trong việc biên tập báo Tranh thủ của Lực lượng tranh thủ hòa bình Thừa Thiên Huế. Năm 1967, Hội đã chuyển thành Phòng sinh hoạt Giáo dục, Văn hóa nghệ thuật. Bị khủng bố trắng, tổ chức này chỉ tạm lắng đi, để đến giữa năm 1968 phát triển mạnh hơn dưới một danh xưng mới - Nhóm Việt, với một công cụ đấu tranh mới: tạp chí Việt (tháng 8 - 1968 ra số đầu tiên) và với một lực lượng ngày càng đông hơn, không chỉ thu hẹp trong địa bàn Cố đô Huế. Ngoài số nòng cốt cũ, còn có thêm các cây bút Ngô Văn Ban, Huỳnh Ngọc Sơn, Võ Trường Chinh, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Phú Yên, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Đông Nhật, Hoàng Văn Trương… Một số người trong lực lượng nói trên là đảng viên cộng sản, và từ 1972 họ được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy Huế.

Từ giữa năm 1971 cho đến 1975, Nhóm Việt đã đảm trách phần văn nghệ của tạp chí Đối Diện (Sài Gòn) với chủ trương “ý hướng làm văn nghệ của chúng ta là làm công tác văn học nghệ thuật trên căn bản hiện thực xã hội, yêu hòa bình, yêu dân tộc, chống chiến tranh và ngoại xâm, kêu gọi thống nhất đất nước”. Trong suốt 5 năm trời, tờ tạp chí này đã đi đầu trong phong trào báo chí, văn nghệ yêu nước chống Mỹ và đã đăng tải không ít những tác phẩm văn học (thơ, truyện, lý luận) có giá trị cao cả về tư tưởng và nghệ thuật (…)(5).

Trong thời gian chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), báo chí yêu nước ở đô thị Thừa Thiên Huế với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ Huế đã phát triển mạnh mẽ. Các lực lượng tranh đấu như công nhân lao động, tiểu thương, sinh viên, học sinh, giáo chức, văn nghệ sĩ trí thức đã liên kết tạo thành lực lượng đấu tranh của nhân dân thành phố, áp đảo kẻ địch liên tục từ năm này qua năm khác làm rối loạn hậu phương địch, tạo điều kiện xây dựng lực lượng cách mạng, làm nên các “mùa” tranh đấu sôi động: Mùa hè 1963, 1966, mùa xuân 1968, mùa thu 1970-1971, mùa hè 1972, 1975...

Sau 1975, các nhà văn tiếp tục tham gia viết báo ở Huế. Hội VHNT lần lượt có các tờ Văn nghệ Bình Trị Thiên, Nội san Văn nghệ (của Hội VHNT Bình Trị Thiên). Sở Văn hóa - Thông tin có tờ Văn hóa đời sống…

Năm 1983, Tạp chí
Sông Hương ra đời, là diễn đàn của Hội VHNT Thừa Thiên Huế.

Ngay từ khi xuất bản số đầu tiên, tạp chí Sông Hương đã tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc, nhanh chóng trở thành tạp chí văn nghệ hàng đầu của cả nước, và duy trì tên tuổi đó đến hôm nay.

T.N
(SDB17/06-15)

-------------------
(1), (4) Các tư liệu sau đây, dẫn theo “Lịch sử báo chí Huế”, Nguyễn Xuân Hoa, Nxb. Thuận Hóa, 2013; có tham khảo các tư liệu của NNC Dương Phước Thu.
(2) Theo Bùi Đình Khôi, Người làm báo số 9/1999, tr 29-31 - “Nhà văn, nhà báo Nguyễn Đắc Xuân - người bơi ngược thời gian”.
(3) Dẫn theo Ngô Kha, Báo chí yêu nước và cách mạng Thừa Thiên Huế (1926 - 1975)
(5) Nhìn lại một chặng đường văn học, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.42- 44).




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Mười Cents (16/04/2015)
Nhớ cha (16/03/2015)