HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 70 NĂM HỘI VHNT THỪA THIÊN HUẾ
LÊ TRỌNG SÂM
Nhà thơ Thanh Hải và tôi chia tay Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1975 trong nỗi nhớ vô cùng. Và ngày 17 tháng 5 chúng tôi về đến Huế, chiếc ô tô hàng chạy thẳng vào sân Ủy ban Nhân dân tỉnh ở đường Lê Lợi bây giờ, bị một trận khiển trách nặng của tổ bảo vệ cơ quan nhưng rồi cũng cười trừ.
Anh Trần Hoàn, Trưởng Ty Văn hóa Thông tin tỉnh ra đón chúng tôi. Vài ngày sau, Thanh Hải về Hội Văn nghệ tỉnh và công tác luôn ở đó (tuy sau này mới có Hội), tôi được phân công về làm Phó trưởng Ty. Cuộc sống với anh chị em văn hóa văn nghệ tỉnh bắt đầu.
Anh Trần Hoàn giao tôi sang họp với các giáo sư, giảng viên trường Mỹ thuật và Âm nhạc Huế. Lần đầu tiên tôi gặp anh Phạm Đăng Trí, anh Vĩnh Phối. Đôi bên còn dè dặt, tôi nói về đại thắng lợi vừa qua và hoạt động văn hóa văn nghệ sắp tới. Sau đó tôi lần lượt đến nhà và đến trường thăm các anh, thấy các anh đã tạm an tâm, chúng tôi bàn chuyện tiếp tục chiêu sinh và giảng dạy. Anh Phạm Đăng Trí mời tôi về nhà ở đường Phan Bội Châu lúc đó, cho tôi xem các bức tranh quý về phụ nữ Huế của anh, đưa tôi ra Ngọ Môn chơi, lần đầu tiên anh giảng giải cho tôi nghe về tỷ lệ vàng trên nóc Ngũ Phụng lâu, một kiệt tác kiến trúc. Cả anh Vĩnh Phối, tốt nghiệp hạng ưu trường Đại học Mỹ thuật La Mã (Ý) cũng trao đổi nhiều với tôi và các xu hướng hội họa sắp tới. Hai anh và nhiều anh chị em khác như bác Trần Kích lão nhạc công, chị La Cẩm Vân rất trẻ đã sẵn sàng nhận công việc mới. Đến nay, trừ những người đã ra đi, chắc vẫn còn nhớ lại.
Anh Chế Lan Viên từ Hà Nội vào và cùng tôi sang thăm nhà thơ Phan Văn Dật, gặp nhau mừng mừng tủi tủi, nhắc lại những bài thơ trước đây, còn hẹn gặp nhau nữa. Tôi được nghe và mấy hôm sau được sang hầu chuyện, tôi tặng anh các tờ tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn trung ương, gặp tôi, anh cứ hỏi hoài và mong gặp các anh Xuân Diệu, Huy Cận sắp vào Huế. Trải qua bao tao loạn, hồn thơ của Phan Văn Dật đã lại hướng về dòng chảy của nguồn thơ cách mạng.
Tôi đến thăm nhà thầy Bửu Kế. Rất lịch thiệp, thầy cho các con gái mặc áo dài ra chào tôi, lễ phép cúi đầu. Thầy kể tôi nghe những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, tặng tôi tạp chí Đại học có bài dịch Khiêm cung ký của vua Tự Đức, bản dịch làm tôi rất thích. Thầy hứa hẹn có thêm những nghiên cứu mới. Kinh tế miền Nam, kinh tế Huế sau đó gặp rất nhiều khó khăn: dân phải đi kinh tế mới, nhiều người phải bán nhà, bán đồ đạc để sinh sống. Thầy mời tôi ở lại, đọc tôi nghe bài thơ của bác trong đó có hai câu mà thầy cho là tự vịnh: “Thượng vận phong lưu, hạ vận nghèo/ Bán giường, bán tủ, bán màn treo”. Bác buồn buồn đưa tôi ra cửa nhưng còn dặn lại: các anh yên tâm.
*
Một thời gian sau, Tỉnh ủy lại chuyển tôi về làm Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế, tham gia vào Thành ủy Huế, thành phố mà trong thời chống Pháp tôi có mấy lần vào ra nội thành lập những tổ tuyên truyền bí mật. Ở đây, tôi được gặp ít nhiều bạn văn nghệ sĩ Huế mà tôi đã nghe tiếng từ Hà Nội. Anh Trịnh Công Sơn - nhạc sĩ tài danh cũng đang nằm trong quân số của ngành văn hóa ở đây. Buổi gặp ban đầu rất thú vị, trước khi ra về, anh nói với tôi: “Xin anh giải quyết cho việc an sinh”. Thú thật, tôi không hiểu nghĩa chữ “an sinh” ở đây. Té ra là lương thực thực phẩm hàng tháng. Và anh Sơn có ngay mỗi tháng mười kilô gạo và mấy chục ngàn đồng tạm đủ sống.
Thế là phòng Văn hóa Thông tin của chúng tôi đã có đủ mặt, một số đã trưởng thành từ đây và sau này còn góp phần xứng đáng. Có đủ cả Lê Văn Ngăn, Ngụy Ngữ, Trần Vàng Sao, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Đông Nhật, Phạm Tấn Hầu, Trần Đình Sơn Cước và các họa sĩ trẻ mới từ trường Mỹ thuật sang: Mạnh Tuấn, Thái Hòa, Phan Công Dương, Phan Chi, mỗi người một việc ở tổ nghiên cứu sáng tác, Thư viện, Đài Truyền Thanh, Ban Cổ động. Công tác rất vui, không có bia rượu như sau này, nhưng hàng tuần có một ngày họp nhau lại chúng tôi đọc thơ văn cho nhau nghe, những lúng túng trong cách sáng tác mới, những bài thơ chiến đấu chống B52, Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Duy… cũng đã nằm lòng ấp ủ cho những tên tuổi sau này: những bài thơ cốt cách đằm thắm của Lê Văn Ngăn, sau này anh chuyển vào Bình Định, sáng tác nhiều hơn, rồi làm phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh mà mới đây chúng ta đã ngậm ngùi tiễn biệt anh; những bài thơ xuống đường sôi nổi của Trần Phá Nhạc, hiện nay đang ở Sài Gòn, và cả những dự định ấp ủ của Ngụy Ngữ để sau này đi xa Huế vẫn có những kịch bản phim sôi nổi là bắt đầu từ những ngày này chăng? Và Nguyễn Đông Nhật, những bài thơ ngắn tâm tình những năm ở nơi đây đã chắp cánh cho anh hàng chục bài thơ mới với giọng suy tư hồn nhiên. Và cả Phạm Tấn Hầu nữa, công tác ở Đài Truyền Thanh Huế lúc đó thì kín tiếng mà nay có mấy tập thơ ý tứ lạ đã ra đời, đang giữ phần trách nhiệm của mình ở Tạp chí Sông Hương mà vẫn thấy xuất hiện những vần thơ mới lạ. Đó là những cây lá xanh non chuẩn bị cho những mùa hoa thắm đẹp hiện nay. Những con người đã góp phần làm nên các công trình văn nghệ cho dòng sông Hương xanh thêm đang cùng các dòng sông địa phương khác hòa chung dòng chảy nhưng vẫn mang sắc thái quê hương. Chắc là vậy.
Về Huế mấy tháng rồi, có ông Mai Vy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa vào thăm. Tôi đưa ông đi xem một đêm sân khấu có vừa hát bội vừa hò quảng ở rạp Đồng Xuân lâu, trước là rạp Bà Tuần ở đường Phan Bội Châu cũ. Sân khấu và khán phòng quá chật hẹp, ánh sáng bình thường, không có dàn âm thanh, diễn viên tuổi già đang hát sự tích Lục Vân Tiên. Một chàng trai phong lưu thượng mã bước ra từ cánh gà nho nhỏ và bên trong là lời giới thiệu vọng ra: “Vân Tiên ngồi ở bụi môn/ Chờ khi trăng lặn bóp … Nguyệt Nga” (Tôi xin bảo đảm là thứ thiệt 100%). Ông Mai Vy và tôi buồn bã cúi mặt. Ngẫm lại mình, đang phụ trách Nhà hát kịch nói Việt Nam (ở Hà Nội) với một sân khấu lộng lẫy. Đừng buồn, phải làm gì đây.
Thế là mời một số các ông bà nghệ nhân: các ông Bát Hòa, La Cháu… ở Đội hát cung đình trước đây xúm lại cùng nhau tập và diễn lại tuồng Sơn Hậu (ngoài Bắc gọi là Ngọn lửa Hồng Sơn), áo mũ cân đai đi vay mượn, tập và diễn xong chỉ uống nước chè hoặc một bát cháo gà do các bà vợ đem tới. Gánh hát rồi cũng tan. Lại có gánh của bác Châu Thành, một nghệ sĩ tuồng và ca Huế đặc biệt. Về hưu rồi, bác vẫn tập họp một số nghệ nhân cũ, mời một số ở Đà Nẵng ra, phục trang đi mượn, xe cộ cũng không, trụ sở đi mượn của công an biên phòng đường Điện Biên Phủ. Thế mà đi lưu diễn suốt 2, 3 năm, đạp xe tận các làng xa xuôi, biểu diễn mỗi tháng 15, 20 suất, sống nhờ sự giúp đỡ của bà con. Một nhân cách độc đáo mà không biết hiện nay đã được nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú chưa.
Các chị (nay là các bà) Vân Phi, Minh Mẫn đã dần dần tập họp lại trong các buổi diễn ca Huế ở các gia đình mạnh thường quân rồi ra các câu lạc bộ, một năm một đôi lần may mắn được diễn ở rạp Hưng Đạo… Quá nghèo khó, chúng tôi đã mấy lần trực tiếp ý kiến Ủy ban Nhân dân thành phố Huế cấp cho mỗi chị mười kilô gạo mỗi tháng nhưng rồi không có gì. Mừng thay là giọng ca của các bà vẫn còn mượt mà ấm êm lắm, những giọng ca hiếm quý của một thời, gần đây và chắc là hiện nay đang hưng thịnh lên ở Câu lạc bộ Ca Huế gia đình của anh Bửu Ý, vẫn sáng đèn, hấp dẫn cả khách nước ngoài.
*
Thế rồi dâng lên một phong trào văn nghệ quần chúng thường xuyên sôi nổi ở quê ta. Mỗi năm một lần, vào mùa hè, phong trào lại nổi lên, không phải chỉ một vài ngày mà kéo dài cả tuần, không phải chỉ là một vài cơ quan mà đủ tất cả ngành giới của thành phố. Phong trào mạnh, quy tụ nhiều thành phần. Một ngày một đêm cho các tiết mục của phường xã, đêm khác và lần lượt tiếp theo cho ngành giáo dục của thành phố bao gồm các trường, ngành đại học lại có riêng phần mình, các cơ quan thành phố đều tham gia đông đủ. Các tài năng quần chúng được nở rộ. Ngày chủ nhật dành cho buổi tổng kết lớn, một ngày một đêm ròng cho các tiết mục hay nhất. Từ đó mà phong trào được tiếp tục lâu dài về sau, từ đó mà phát hiện các nghệ sĩ tài năng đến cả hiện nay! Anh Lê Phùng nay là Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh, chị Thúy Vân vẫn đang ngâm thơ và ca Huế ở nước ngoài, Ánh Tuyết đã là giám đốc Đoàn ATB đêm đêm vẫn vang vọng những bài Thiên Thai, Giọt mưa thu…
Từ trong phong trào đó mà Đội Văn nghệ xung kích của thành phố được hình thành và hoạt động sôi nổi. Anh Lý Văn Nghiên hiện nay đang ở Huế phụ trách đội này. Một số đội viên lấy trong biên chế của phòng Văn hóa: Thúy Vân, Lê Quang Hào, Bồng Lai (hai anh em), có các bác sĩ Hải Thúy (nay là giáo sư tiến sĩ), Đoan Trang, Trần Hữu Dàng, Lê Hùng, có cả Văn Giảng chơi kèn saxophone. Diễn ở nhiều nơi, rất sôi nổi: chiều thứ bảy, chủ nhật ở Thương Bạc, diễn ở các phường cổ động cho phong trào tòng quân, nếp sống mới, sản xuất… từ đó nhiều anh chị em còn đóng góp sôi nổi hiện nay ở các nơi. Lại một mảnh đất màu mỡ ươm mầm trong hoạt động chung rất phong phú của giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà, hiện nay và mãi sau này.
Nhà xuất bản Thuận Hóa ra đời từ 1981, cho đến 2 năm sau mỗi năm ra chừng 20 tập sách mà phần lớn là các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Mãi đến năm 1984, qua nhiều cố gắng đã lần lượt đóng góp nhiều mảng sách văn học, đề tài ngày một phong phú. Các nhà văn Trần Thùy Mai, Hoàng Vũ Thuật đã đóng góp nhiều cho việc ra nhiều tập sách văn học. Còn nhớ, có Lương An (Ban Tuyên huấn tỉnh) có đóng góp nghiên cứu Vè thất thủ Kinh đô, Thơ của Mai Am Huệ Phố. Anh Xuân Hoàng Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ có một tập thơ ở Nhà xuất bản, anh mừng lắm. Thái Ngọc San được in một tập thơ, khóc trước đông đảo bạn bè trong ngày ra mắt.
Càng về sau, hàng chục tác phẩm của các bạn nhà văn tỉnh nhà đã ra đời từ Nhà xuất bản, sung sướng thay đã có Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Những cánh cửa đã mở (Nguyễn Khắc Phê), Dòng sông phẳng lặng (Tô Nhuận Vỹ), và rất nhiều tác phẩm có giá trị đã lần lượt ra đời cho đến nay, ngày càng phong phú.
Từ những tia nắng ban đầu của 40 năm qua, vượt qua bao lên xuống thác ghềnh đến nay đã trở thành những ngọn nắng rộn ràng ấm áp, tất cả chúng ta đã đóng góp xứng đáng cho quê hương và rộng ra, cả đất nước.
L.T.S
(SDB17/06-15)