Góc Hoài niệm
55 Năm di cảo Phan Khôi - Hành trình và kỷ niệm
09:39 | 22/07/2015

PHAN NAM SINH

Thầy tôi mất trưa hôm 16/1/1959 tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội. Sau khi cùng các anh chị tôi lo xong đám tang cho ông, mẹ tôi thu dọn tất cả số sách báo, sổ tay ghi chép, di cảo... của ông để lại vào trong hai chiếc va li loại lớn được ông mang về từ lần đi Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn.

55 Năm di cảo Phan Khôi - Hành trình và kỷ niệm
Nhà báo Phan Khôi - Ảnh: internet

Chừng vài ba tháng sau, mẹ tôi được phân công về làm nhân viên tiếp tân cho Hội Văn Nghệ Việt Nam tại số nhà 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Do tính chất công việc, bà được phân hai phòng nhỏ, một ngay sát phòng thường trực của cơ quan để nghỉ trưa, phòng kia trên gác tư số nhà 96 phố Huế, để ở. Đây cũng là nơi tá túc của gia đình các văn nghệ sĩ và cán bộ viên chức nhà nước thuộc Hội Văn Nghệ Việt Nam như gia đình nhà thơ Lưu Quang Thuận, các nhạc sĩ Văn Ký, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Văn Tý, Phan Thanh Nam... Cùng ở gác tư với mẹ tôi còn có các nhà thơ Nguyễn Đình, Trang Nghị, Xuân Quỳnh; nhà văn Hà Minh Tuân và nhà văn người dân tộc thiểu số Mạc Phi, tác giả cuốn tiểu thuyết Rừng động.

Vợ chồng cụ Phan Khôi - Ảnh: internet


Vậy là số sách báo, ghi chép, di cảo... của thầy tôi cũng theo mẹ tôi về tại phòng 32, số nhà 96 phố Huế - Hà Nội. Nó tuy có sáng sủa, mát mẻ hơn so với hồi ở 73 Thuốc Bắc nhưng cũng chỉ rộng chừng 10m2, kê vừa một chiếc giường đơn và một cái tủ lệch để đựng quần áo. Hai chiếc va li đựng sách báo, tài liệu và di cảo của thầy tôi; cái nặng phải để ở gậm giường, trong đựng hai bộ sách quý Tư trị thông giám Lỗ Tấn toàn tập thầy tôi mang về từ lần đi Trung Quốc, mỗi bộ trên 10 cuốn, bìa cứng, gáy mạ chữ bạc trông rất bề thế, sang trọng; cái nhẹ hơn trong để báo chí, sổ tay ghi chép và di cảo của ông được đặt ở mặt trên cùng của chiếc tủ.

Lúc này tôi đang là học sinh lớp 9 Trường Học sinh miền Nam số 24 tại Hải Phòng, năm lớp 10 lại chuyển về một nơi thuộc vùng núi Đông Triều, lúc đó còn thuộc tỉnh Hải Dương. Hồi ấy, cách nhau chừng một hay hai tháng tôi lại về thăm nhà một lần. Những lần đó, tôi thường giúp mẹ tôi đem sách vở, tài liệu của ông ra phơi. Hai mẹ con khiêng được hai chiếc va li lên tận gác thượng đã khá mệt, vậy mà còn phải thay nhau canh chừng trời mưa hoặc gió to, không chạy kịp, có thể làm ướt sách hoặc bay mất các thứ giấy tờ, di cảo của ông.

Khoảng giữa tháng 6 năm 1960, tôi thi vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng lại được nhận vào học tại Trường Đại học Sư phạm Vinh thuộc tỉnh Nghệ An, cách nhà hơn 300 cây số nên hàng năm chỉ về Hà Nội thăm mẹ tôi được một hay hai lần, vào mỗi dịp hè hoặc Tết. Công việc phơi phóng, bảo quản, gìn giữ số sách báo, di cảo của thầy tôi bấy giờ chỉ còn trông cậy vào mỗi một mình bà. Nghe bà kể lại, vì không thể một mình khuân hai chiếc va ly lên sân thượng như hồi còn có tôi ở nhà, nên bà phải phơi sách báo, di cảo của thầy tôi ngoài hành lang hoặc cạnh cửa sổ, nắng chỉ vào được một khoảng thời gian ngắn trong ngày, nhưng may nhờ có gió nên cũng khô được. Chỉ có cái là phải luôn luôn để mắt trông chừng bọn trẻ con hàng xóm vì chúng rất hay nghịch.

Hè năm 1962, sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Sử Trường Đại học Sư Phạm Vinh, tôi được phân về giảng dạy môn ngữ văn tại Trường Học sinh miền Nam số 28 ở thôn Thanh Nộn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 60 cây số. Việc phơi phóng, gìn giữ số sách báo, di cảo của thầy tôi trở lại như cũ.

Dịp hè năm 1965, tôi được Ty Giáo dục tỉnh Hà Nam cử đi học lớp Bồi dưỡng năm thứ tư tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong thời gian chờ nhập học, tôi bắt tay vào lập thư mục cho số sách báo, ghi chép, di cảo của ông để lại. Đến nay bản thư mục ấy đã bị thất lạc nhưng nhớ đâu như không đầy bốn trang giấy thếp viết tay, tất cả chỉ hơn 100 khoản, nghĩa là không nhiều! Thật kỳ lạ là trong số sách báo, di cảo của ông để lại, không hề có tờ báo hay cuốn sách nào có đăng bài phản đối ông, ngoại trừ một ít thư của độc giả, nhiều nhất là của các anh chị cán bộ miền Nam tập kết, hoặc ủng hộ, hoặc phản đối ông. Cũng không có lấy một bài viết hay một lời, một chữ nào của ông nhằm phản bác hoặc thanh minh những điều người ta đã viết về ông hồi đấu tranh chống Nhân văn - Giai phẩm. Tất cả chỉ là những bài viết thuần túy về khoa học, khi mà tất cả mọi thứ quyền lợi đều đã rời bỏ ông và việc phổ biến tác phẩm của ông là điều hoàn toàn không thể. Một nhân cách như thế chắc chắn không nhiều, nhất là trong thời gian mà các giá trị ít nhiều đã bị đảo lộn, thói ăn không nói có chẳng còn là của riêng của mấy mụ hàng tôm hàng cá mà đã len lỏi vào tận hàng ngũ trí thức và văn nghệ sĩ.

Khoa Văn Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội lúc này đang ở Cầu Giấy, sau mới sơ tán về một nơi trong huyện Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên. Thời gian này, ngoài giờ lên lớp, tôi thường xuyên về nhà với mẹ tôi, vừa để bà vui, vừa để lục tìm trong số sách báo, di cảo thầy tôi để lại những tài liệu cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu ở bậc Đại học. Một năm học tập tại đây, tôi còn giữ được khá nhiều kỷ niệm với số sách báo, tài liệu, di cảo của ông để lại.

Nhớ có lần Giáo sư Trương Chính cho bài về nhà làm, đề tài Lỗ Tấn. Tôi tìm trong số sách thầy tôi để lại, chọn ra được hai cuốn Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn (I, II) và Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn do ông dịch và mấy cuốn của bộ Lỗ Tấn toàn tập, xuất bản tại Bắc Kinh, trong có đăng toàn bộ truyện ngắn và tạp văn của Lỗ Tấn để tham khảo, đối chiếu. Tôi cũng tìm được trong di cảo của thầy tôi bài Đời và tư tưởng của Lỗ Tấn, ông dịch của Phùng Tuyết Phong để soi sáng những chi tiết thuộc con người và tư tưởng Lỗ Tấn. Làm xong bài, tôi cảm thấy rất vui vì đã đưa được vào bài những chi tiết và nhận định về Lỗ Tấn mà hồi bấy giờ chưa thấy sách nào có. Tuy vậy, trong thời gian chờ đợi thầy trả bài, lòng tôi không lúc nào yên, bởi thầy Trương Chính cũng có dịch hai tập truyện ngắn của Lỗ Tấn, tên là Gào thét Bàng hoàng và ba tập tạp văn Lỗ Tấn (I, II, III) nhưng tôi chẳng trích một câu nào của thầy mà chỉ trích của thầy tôi, một vài đoạn là do tôi tự dịch vì không có trong Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn cũng như trong Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn, dù hồi ấy chỉ riêng việc nhắc đến tên ông cũng đã là điều cấm kỵ, có thể gây ra nhiều điều phiền toái.

Hoá ra điều tôi lo là thừa! Lần đó, thầy không chỉ cho tôi điểm 10 mà còn khen tôi có năng khiếu văn chương. Tới giờ là gần 50 năm, tôi vẫn còn giữ được bài làm ấy và cái cảm giác phấn khích, tự tin từ ngày đó cứ mãi theo tôi mỗi khi có dịp đọc lại lời phê của thầy, dài hơn nửa trang giấy thếp viết tay, mực là thứ thuốc đỏ (mercurochrome) dùng để sát trùng vết thương, lâu ngày đã không còn giữ nguyên được màu mực.

Kỳ thi vấn đáp mãn khóa năm ấy, tôi phải bình giảng một bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi. Người hỏi thi tôi là Giáo sư Bùi Văn Nguyên. Trước đó tôi đã nghiên cứu khá kỹ cuốn Quốc âm thi tập do giáo sư Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm và chú giải trong số sách thầy tôi để lại. Nhớ ở cuốn này còn giữ được khá nhiều bút tích của thầy tôi, đặc biệt là những chỗ ông không tán thành với cách phiên âm của Giáo sư Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm. Vậy là ở phần đầu bài bình giảng, tôi tự ý thêm vào mục Tìm hiểu văn bản, nêu rõ những khác biệt trong cách phiên âm của thầy tôi và Giáo sư Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm. Lần ấy tuy tôi không được điểm tối đa, cũng không thấy thầy Nguyên nhận xét đúng sai thế nào nhưng nhớ tôi được thầy khen là có đầu óc nghiên cứu.

Cũng trong một lần đi tìm tư liệu như thế, tôi đọc được bài Những con số không nhất định trong từ ngữ trong số di cảo của thầy tôi để lại. Bài này tôi đã đọc từ lúc ông còn chưa viết xong, nay mới được đọc toàn bộ một cách chi tiết, kỹ càng hơn. Hóa ra số chín trong Còng lưng thồ nặng chín triều vua ở bài Bảy mươi tự thọ thầy tôi viết năm 70 tuổi là số nhiều không nhất định như kết quả khảo sát trong bài nghiên cứu nói trên của ông. Vì vậy mà chín triều vua cũng tức là rất nhiều triều vua, chẳng khác gì chín từng trời, chín nghìn anh em rất nhiều từng trời, rất nhiều anh em, không hề có ý ám chỉ chế độ dân chủ cộng hòa cũng chỉ như một thứ triều đại gì đó và có mưu toan lật đổ như lời các học giả, các nhà phê bình đã gán ghép để buộc tội ông. Một đoạn văn có tên Cứt lợn dại trong sổ tay của ông, vốn chỉ là những ghi chép về một loài cây có nhiều ở Việt Bắc lúc đó, kèm theo hai ba câu bàn góp của các ông Trần Văn Giáp, Đào Duy Anh được thầy tôi chỉnh sửa, bổ sung, đổi tên thành Cây cộng sản như cách gọi của đồng bào Việt Bắc rồi đưa vào tập Nắng chiều, gửi Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đây chính là cái cớ để Đào Vũ, người của Nhà xuất bản viết bài phê bình mà thực chất là vu cáo dài tới 15 trang tạp chí, kết tội ông phỉ báng chủ nghĩa cộng sản và bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ (!). Lại hai câu thơ trong bài Nhớ nhà mà tôi thuộc lòng từ năm 1948, thầy tôi viết rõ ràng là Bé nhất Lang Sa mới ba tuổi, Tên mày ghi cái nhục non sông nhưng bấy giờ người ta lại bảo ông mong cho thực dân Pháp trở lại (?). Oan ức tới thế là cùng mà có muốn kêu cũng không kêu được bởi giờ đây mọi cái miệng đã bị vú lấp rồi còn đâu! Vậy là từ đó, đọc thì vẫn có đọc nhưng tôi đã không còn tin vào những gì mà các học giả, các nhà phê bình hồi ấy đã viết về ông nữa!

Từ năm mười lăm tuổi, lúc thầy tôi còn sống, mỗi khi về thăm nhà, tôi đã có thói quen tìm đọc những tác phẩm có khi vừa mới ráo mực, có khi còn chưa viết xong của ông. Có lúc còn được ông sai chép lại bản thảo trước khi gửi một tờ báo hay một nhà xuất bản nào đó. Bây giờ, với những gì đã kể, tôi lại càng có thêm lý do để yêu thích, gắn bó với những gì ông còn để lại, trong đó có phần di cảo của ông.

Giữa năm 1966, học xong khóa bồi dưỡng năm thứ tư hệ đại học cũng là lúc tôi đã tự mình nhận ra giá trị của những gì ông để lại, tôi xin phép mẹ tôi cho mang theo một ít sách và toàn bộ di cảo của ông để nghiên cứu, bảo quản và gìn giữ. Hồi này Mỹ đã rục rịch ném bom miền Bắc. Dọc các vỉa hè thành phố Hà Nội bắt đầu thấy có nhiều hố cá nhân, nơi tập trung đông người còn có hầm trú ẩn tập thể. Có lần còn nghe cả tiếng còi báo động máy bay Mỹ xâm phạm không phận thành phố, đồng bào Hà Nội sắp sửa phải đi sơ tán. Có lẽ vì thế và cũng vì muốn bảo vệ di cảo của thầy tôi mà mẹ tôi không chỉ bằng lòng, lại còn thuê may cho tôi một chiếc ba lô bằng tấm vải bạt màu vàng sậm mà ai đó đã tặng bà. Tôi chọn ba cuốn là Kinh Thánh, Quốc âm thi tập và các tập Giai phẩm đã đóng thành một cuốn dày; mỗi tập đều có chữ ký của các tác giả; thêm vào toàn bộ số di cảo của ông là vừa đầy một chiếc ba lô mẹ tôi may cho.

Vậy là từ đó di cảo của thầy tôi theo tôi đi khắp các trường cấp 3 mà tôi đã dạy qua. Đầu tiên là Trường Bổ túc công nông tỉnh Hà Nam, lúc này đã sơ tán về xã Hùng Lý, huyện Lý Nhân; sau chuyển về thôn Bối Kênh, huyện Bình Lục, một vùng công giáo toàn tòng.

Hồi này nhà thờ Bối Kênh không sầm uất, đông vui như bây giờ; giáo dân cũng không thường xuyên tới nhà thờ vì thi thoảng mới có các Cha từ nơi khác tới làm lễ. Chủ nhà tôi trọ là một nông dân công giáo còn nhớ ít nhiều tiếng Pháp hồi học ở trường Sơ học Pháp - Việt. Thỉnh thoảng ông vẫn hỏi mượn tôi cuốn Kinh Thánh để đọc vào những ngày không phải đi lễ hay mưa gió không ra đồng được. Chính ông đã dịch Société Biblique Britannique et Étrangère - Shanghai - 1925 in ở bìa lót cuốn Kinh Thánh xuất bản tại Thượng Hải năm 1925 mà phần lớn do thầy tôi dịch là Hội Thánh kinh Anh quốc và nước ngoài - Thượng Hải - 1925 mà gần 50 năm sau, tôi đã đưa vào bài viết của mình như là một kỷ niệm, dù biết có người không dịch như ông.

Sang đầu năm học sau, tức khoảng tháng 9 năm 1967, tôi phải chuyển trường mà không rõ lý do. Đó là Trường cấp 3 Mỹ Lộc. Trường này mới thành lập được đúng một năm, lúc đầu ở chùa Lang Xá, gần chợ Vọc; sau chuyển về ga Đặng Xá, cách thành phố Nam Định bốn, năm cây số. Như tất cả các trường cấp 3 thời chiến; điều kiện ăn ở, sinh hoạt, làm việc của chúng tôi lúc này quả là hết sức khó khăn. Tôi và một thầy dạy Vật lý được phân ở trong một lớp học cũ; cột kèo bằng tre, tường đất mái rạ, dột nát tứ tung. Vào mùa mưa bão, có đêm chúng tôi phải thức trắng để di chuyển, canh chừng đồ đạc, nhất là số sách vở, tài liệu dùng cho giảng dạy. Riêng tôi còn phải lo cho số sách vở, di cảo của thầy tôi bởi chẳng may bị ướt, chắc chắn tất cả sẽ thành vô dụng vì hầu hết đều được thầy tôi viết trên thứ giấy thủ công từ hồi còn trên Việt Bắc, vừa mỏng vừa đen. Gặp những đêm như thế, tôi thường phải bọc cả ba lô sách vở, di cảo của thầy tôi vào trong tấm áo đi mưa, đặt vào chỗ khô ráo rồi mới đi nằm mà vẫn cứ thắc thỏm, hễ giật mình thức giấc là lại phải kiểm tra xem có làm sao không, vì nếu làm sao thì dù cho có phép tiên cũng chẳng làm sao được!

Về đây, tôi được phân giảng dạy tất cả các lớp cuối cấp của trường, tức như lớp 12 bây giờ. Vậy là chẳng ai nghi ngờ gì trình độ chuyên môn của tôi, có chăng chỉ vì tôi là con một phần tử Nhân văn, lại không có mác để dạy một trường mà học sinh toàn là con em các gia đình nông dân, công nhân thuộc thành phần cốt cán và đang hồi là động lực của cách mạng!

Hồi này, Ty Giáo dục tỉnh Nam Định được đặt dưới quyền lãnh đạo của thầy Hoàng Trung Tích, em ruột nhà thơ Nhượng Tống, một người mà tôi có thừa lý do để kính mến, nể phục. Thầy là người luôn biết lo cho chuyên môn, coi chuyên môn làm trọng nên những năm dạy học tại đây, cứ mỗi dịp hè là chúng tôi lại khăn gói lên đường về các Trường cấp 3 trong tỉnh, dự các lớp chuyên đề về chuyên môn, nghiệp vụ.

Một lần, tôi được phân công thuyết trình đề tài Ngôn ngữ trong giảng văn. Lần đó, ngoài những gì tự tìm tòi, nghiên cứu được tôi còn đưa vào bài thuyết trình cả những gì là kết quả nghiên cứu của thầy tôi được đúc kết lại trong cuốn Việt ngữ nghiên cứu xuất bản tại Hà Nội năm 1955, đặc biệt là bài Những con số không nhất định trong từ ngữ mà có lần tôi đã nhắc tới. Trong lúc chuẩn bị, tôi đã không định nhắc tới tên thầy tôi nhưng khi trình bày tôi vẫn phải nói vì nếu không, cứ băn khoăn cắn rứt như là kẻ phạm tội gian lận. Mấy anh chị bạn là giáo viên ngồi nghe phía dưới có vẻ như lo cho tôi nhưng may là sau đó chẳng có sự gì xảy ra cả. Có anh bạn đồng nghiệp người Bình Định còn kín đáo khen tôi là dũng cảm, trung thực và một lô xích xông những gì gì đó nữa!

Dạy ở Mỹ Lộc được đúng hai năm, đầu tháng 9 năm 1969, tôi lại phải một lần nữa khăn gói chuyển về Trường cấp 3 Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nam. Lần này là để thay cho một thầy giáo vừa được cất nhắc lên dạy đại học. Hai năm trước đó tôi đã xây dựng gia đình. Vợ tôi là người thôn Quan Trung, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Để an tâm, tôi mang toàn bộ số di cảo của thầy tôi về gửi tại nhà ông anh vợ cũng là nhà giáo, cách trường năm cây số; một hai tuần lại đảo qua thăm gia đình anh một lần, phơi phóng sách vở, di cảo, tiện thể mang theo những thứ cần thiết về trường để đọc. Đây là quãng thời gian tôi không phải lo lắng nhiều cho số sách vở, di cảo của thầy tôi bởi anh đã dành hẳn một chỗ trên cao trong buồng nuôi tằm để tôi cất giữ sách vở, di cảo. Đó là nơi kín đáo, an toàn nhất trong nhà, mưa không đến, nắng không vào; sách vở, di cảo không còn lo bị ẩm mốc nhờ lò than sưởi ấm cho tằm những ngày mưa rét.

Giữa tháng tư năm 1972, Mỹ trở lại ồ ạt ném bom miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Mẹ tôi và bà bác ruột phải sơ tán về ở nhờ nhà ông anh vợ tôi. Hồi này, vợ tôi cũng đã sinh cháu gái đầu lòng và cũng về đây ở. Thời gian này, ngoài giờ lên lớp, tôi luôn có mặt ở nhà; việc phơi phóng sách vở, di cảo được mẹ tôi nhắc nhở luôn nên cũng được thường xuyên, chu đáo hơn.

Rồi cũng phải tới lúc Mỹ ngưng ném bom miền Bắc, hội nghị Paris được ký kết, mẹ và bác tôi trở lại Hà Nội. Trước khi đi, mẹ tôi đã định mang theo toàn bộ số sách vở, di cảo của thầy tôi nhưng sau khi biết tôi muốn giữ thêm một thời gian nữa để học tập, nghiên cứu bà đã vui vẻ đồng ý.

Tháng 10 năm 1977, tôi nhận quyết định của Bộ Giáo dục chuyển vào Biên Hòa dạy Trường Sư phạm cấp 2 Đồng Nai, sau là Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Trên đường vào Nam, tôi ghé qua Hà Nội mấy ngày để thăm mẹ tôi và trả lại toàn bộ di cảo của thầy tôi cho bà, chỉ mang theo ba cuốn là Kinh Thánh, Giai phẩm Quốc âm thi tập. Vậy là sau hơn 11 năm theo tôi về các Trường cấp 3 ở Hà Nam rồi Nam Định, di cảo của thầy tôi lại trở về với mẹ tôi đúng từ nơi nó ra đi; phòng 32, số nhà 96 phố Huế - Hà Nội mà không mất mát, hề hấn gì. Mười một năm đó, tôi cũng đã nhờ di cảo của thầy tôi mà có thêm hiểu biết về ngữ ngôn, về lịch sử không chỉ của Việt Nam mà cả của Trung Quốc, trưởng thành dần về chuyên môn, nghiệp vụ. Những phát hiện của ông trong các bài Cổ sử Trung Hoa bị đánh đổ, Kiểm thảo cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc đời xưa viết từ hồi còn trên Việt Bắc không chỉ giúp tôi hiểu đúng lịch sử Trung Quốc mà còn thay đổi cách nhìn của tôi về các nhà viết sử Trung Hoa, kể cả cận đại và hiện đại. Hóa ra, phần cổ sử trong sách của các nhà viết sử Trung Quốc là không đáng tin và cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc có từ thời Khổng Tử, Mạnh Tử như lời họ khẳng định chẳng qua là di chứng của phép thắng lợi tinh thần, con đẻ của bệnh sĩ diện mà các nhà làm sử nước này bịa ra do sợ bị bẽ mặt với lịch sử các nước châu Âu mà thôi! Bởi, phần cổ sử trong các sách do người Trung Quốc soạn ra, hầu hết là những thần thoại hay truyền thuyết. Một nhân vật trong chính sử mà trình ra cái giấy căn cước như Bàn Cổ một ngày chín lần biến hóa; Cung Công lấy cái đầu húc đổ hòn núi Bất Chu; Nữ Oa luyện đá vá trời thì thật là điều chẳng ai ngờ! Ngay cả cái danh sách Tam hoàng, Ngũ đế cũng có nhiều thuyết khác nhau, đến cái tên người còn bất nhất nữa thì hỏi ai tin nổi? Hèn chi từ xưa ở ta đã có cái thành ngữ chuyện tam hoàng ngũ đế để chỉ những chuyện tào lao, trên trời dưới đất, không đáng tin.

Còn cái gọi bằng dân chủ ở Trung Quốc đời xưa mới thật là quái đản! Chỉ căn cứ vào câu “Người nước Cữ giết vua nước mình là Di Mật Châu” trong sách Xuân Thu của Khổng Tử hay câu “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Tử để bảo rằng “từ Khổng Mạnh giở xuống chẳng thiếu gì nhà chính luận đề ra cái học thuyết dân chủ” như sách Trung Quốc thông sử giản biên, xuất bản năm 1948 do nhà sử học duy vật Phạm Văn Lan chủ biên thì thật là quá lắm! Bởi ai nấy đều biết dân chủ, dù là dân chủ tư sản cũng phải hội đủ ba yếu tố “của dân, bởi dân, cho dân”; trong khi “dân vi quỷ” của Mạnh Tử cùng lắm chỉ gọi được là cái thuyết “dân quỷ” hay “quý dân” mà thôi; không đủ để gọi là học thuyết dân chủ được! Nếu quả là học thuyết dân chủ, nghĩa là hoàn toàn bất lợi cho chế độ chuyên chế thì liệu Chu Nguyên Chương, tức Minh Thái Tổ Hoàng Đế có chịu để yên cho thần vị thờ Mạnh Tử trong Khổng miếu và lấy sách Mạnh Tử cùng Luận ngữ, Trung dung, Đại học làm tứ thư hay lại coi là tà thuyết, là dị đoan rồi bách hại, nghiêm cấm làm cho tuyệt diệt đi? Cũng nên biết là hồi Minh Thái Tổ mới lên ngôi, thấy trong sách Mạnh Tử có một hai câu như dân vi quý, quân vi khinh hay vua xem tôi như bụi rác thì tôi xem vua như khấu thù thì giận lắm, bèn sai triệt bỏ thần vị thờ Mạnh Tử, thay sách Mạnh Tử bằng sách Mạnh Tử tiết văn do đám nho thần của ông ta soạn ra. Sau rồi thấy Mạnh Tử có công lớn với Khổng giáo, những câu nói quá trớn đó thật ra không lấy gì làm nguy hiểm cho chính quyền nên đã phục hồi lại như cũ. Chỉ một lẽ đó cũng đủ thấy cái câu “dân vi quý” của Mạnh Tử không thể coi là học thuyết dân chủ được. Trong việc này, một ông vua thông minh như Chu Nguyên Chương chắc chắn không thể lầm!

Còn như dựa vào hai nước dân chủ mà người Trung Quốc từng lập ra để kết luận từ xưa nước họ đã có dân chủ thì lại càng sai lầm! Sự thực thì người Trung Quốc cũng có lập ra nhà nước dân chủ nhưng cả hai đều không nằm trong lãnh thổ hay là trong nội địa nước họ. Lần trước là nước dân chủ Lan Phương đại tổng chế tồn tại 108 năm do La Phương Bá, người Quảng Đông lập ra năm 1777 ở Java, lúc bấy giờ là thuộc địa của Hà Lan. Lần sau là nước dân chủ chỉ sống được mấy tháng cũng do một người Quảng Đông có tiếng trong giới ngoại giao bấy giờ lập ra ở Đài Loan, sau chiến tranh Trung - Nhật năm Giáp Ngọ (1894), nghĩa là mãi tận cuối thế kỷ XIX. Cả hai không rõ có hấp thụ ít nhiều tư tưởng của Châu Âu hay không chứ tuyệt nhiên không chịu ảnh hưởng tí nào ở cái mà người ta gọi là học thuyết dân chủ do Khổng - Mạnh và các nhà chính luận Trung Quốc đề ra hết! Chủ nghĩa dân chủ xuất hiện ở Trung Quốc sớm nhất cũng chỉ có thể kể từ Tôn Trung Sơn, Chương Bích Lân... hồi đầu thế kỷ XX nhưng là chịu ảnh hưởng của Âu Mỹ. Vậy thì làm sao có thể kết luận Trung Quốc từ xưa đã có dân chủ được?

Vậy nên người Việt Nam chúng ta chẳng ai còn lạ gì, gần đây với dã tâm bành trướng, họ vẽ vời ra đủ thứ, nào đường chín đoạn rồi mười đoạn, từ bản đồ ngang chuyển qua bản đồ dọc, ngang nhiên đặt giàn khoan trong thềm lục địa nước ta; đuổi đánh tàu cá, đâm húc tàu kiểm ngư Việt Nam, làm như là ta đã xâm phạm lãnh hải của họ(?). Thì ra lịch sử một lần nữa đã được bọn họ lặp lại theo cái cách rất đáng hổ thẹn!

Các bạn của tôi, tuy chưa một lần được đọc di cảo của thầy tôi nhưng cũng đã gián tiếp thừa hưởng những kết quả nghiên cứu của ông qua những lần hội thảo chuyên môn hay cùng tôi trò chuyện, trao đổi về nghiệp vụ. Cũng nhờ đọc di cảo, đặc biệt là các bài Vụ xin xâu ở Quảng Nam, Duy Tân khởi nghĩa, Tự thuật tiểu sử sơ lược, Kiểm thảo sơ bộ Tự kiểm thảo mà tôi có điều kiện để hiểu thêm thầy tôi, lấp đầy những khoảng trống mà tôi chưa biết về ông, không chỉ ba năm ở tù tại nhà lao Hội An do bị tình nghi có liên quan tới vụ xin xâu năm 1908 mà cả thời gian ròng rã chín năm ông đi kháng chiến trên Việt Bắc.

Mẹ tôi vốn tính tỉ mỉ, cẩn thận, nhất là trong việc gìn giữ những kỷ vật của thầy tôi. Nhớ hồi kháng chiến chống Pháp, trong chiếc va ly chạy tản cư của mẹ tôi khắp các vùng tự do của tỉnh Quảng Nam, lúc nào cũng có ba cuốn Hồn bướm mơ tiên, Vàng và máu Mồ cô Phượng mà thầy tôi mua tặng lúc hai người mới quen nhau tại Hà Nội. Chiếc lược mau thầy tôi mua tặng bà từ chuyến đi Trung Quốc dự lễ tưởng niệm 20 năm ngày mất của Lỗ Tấn cũng được bà gìn giữ cẩn thận tới gần 50 năm sau mới hỏng. Lúc này, em trai tôi là Phan An Sa từ chiến trường miền Nam trở về cũng đang ở chung nhà với bà. Vậy là tôi hoàn toàn an tâm về số sách vở, di cảo của thầy tôi để lại. Chỉ thỉnh thoảng qua thư từ tôi mới hỏi thăm và lần nào cũng được bà trả lời là vẫn đang gìn giữ sách vở, di cảo của thầy tôi cẩn thận. Một hai lần ra Hà Nội thăm bà và cậu em, tôi vẫn hỏi han tới số sách vở, di cảo của thầy tôi luôn luôn nhưng vì bận về Lý Nhân, Giao Thủy, có lúc lên cả Thái Nguyên thăm anh chị em, bà con họ hàng ruột thịt nên chưa lần nào có điều kiện xem lại sách vở, di cảo của ông. Chỉ biết là sau một thời gian khá dài tiếp tục ở 96 Phố Huế, di cảo thầy tôi lại theo mẹ và em tôi chuyển về khu chung cư Đại La rồi Linh Đàm.

Thực hiện nguyện vọng của anh chị trong nhà, năm 2008 vợ chồng cậu em tôi là Phan An Sa và Lã Tâm Chính mới bắt tay vào công việc sắp xếp, phân loại rồi sao lục, chỉnh lý di cảo của thầy tôi, in và photocopy gửi các anh chị Phan Thị Miều ở Đà Nẵng, Phan Trản ở Sài Gòn, Phan Nam Sinh ở Biên Hòa để xin ý kiến, sửa lỗi và soạn các chú thích, mong một ngày không xa sẽ đến tay bạn đọc. Hy vọng việc làm này sẽ có ích cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tránh những hiểu lầm không đáng có về ông như thời gian trước đây; góp phần bảo tồn và phát huy di sản tinh thần của một nhà văn mà cả đời và trong bất cứ hoàn cảnh nào “cũng nhằm ở mục đích là đem lại khoa học và dân chủ cho dân tộc ta” và “khi nào cũng cố làm tròn trách nhiệm của mình là nhà văn và làm tròn trách nhiệm đối với độc giả, là viết cái gì có ích cho tri thức hay quyền lợi của người đọc mình” như trong Kiểm thảo sơ bộ Tự kiểm thảo ông viết hồi giữa năm 1953 tại Việt Bắc.

Công việc có bị gián đoạn một thời gian do máy tính bị virus, đến năm 2013 mới tiếp tục trở lại. Vậy mà cũng phải hơn một năm sau, đầu năm 2014 công việc mới tạm hoàn tất. Bản đánh máy vi tính và toàn bộ di cảo của thầy tôi, theo đường thư chuyển phát nhanh từ Hà Nội vào Biên Hòa, nơi tôi cùng gia đình đang sinh sống để rà soát lại lần cuối, cần thì thêm chú thích và cài chữ Hán trước khi gửi nhà xuất bản. Vậy là sau hơn 30 năm, di cảo của Thầy tôi lại trở về nơi tôi. Tôi vui mừng nhận ra, dù 55 năm đã trôi qua nhưng di cảo của Thầy tôi vẫn được mẹ tôi, rồi anh em tôi thay nhau gìn giữ được gần như trọn vẹn về số lượng so với hồi đầu lập thư mục tuy chất lượng có bị giảm đi chút ít. Nếu có thất lạc thì cũng chỉ duy nhất một bài ông viết chưa xong, hình như là bài Chữ Nôm với tiếng ta, tiếc là tôi nhớ không chắc lắm.

Trong khi chờ Phan Khôi - Di cảo, kết quả của những nỗ lực trong nhiều năm của vợ và các con ông sẽ ra mắt độc giả trong nay mai, tôi viết bài này để đáp lại phần nào lòng yêu mến Phan Khôi của bạn đọc và các nhà nghiên cứu gần xa.

P.N.S  
(SH317/07-15)






 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng