Góc Hoài niệm
Gặp gỡ Nguyên Ngọc
10:13 | 30/10/2015

Chiều 15-4-89, 14 giờ. Phòng họp của Hội VHNT Bình Trị Thiên đã chật hết chỗ, nhiều người ngồi lên bậc cửa sổ.

Gặp gỡ Nguyên Ngọc

Công chúng: ngoài các hội viên văn nghệ các ngành, còn có các cán bộ giảng dạy đại học và sinh viên, thầy cô giáo dạy văn và học sinh, các sĩ quan hưu trí của Câu lạc bộ Phú Xuân, các phóng viên đài và báo. Trong số công chúng đứng chen chúc ở vòng ngoài nhìn vào, có hai nhân vật đặc biệt: ông K, chủ xe nước mía, và cô Ng, bán sách báo vỉa hè ở gần Hội. Nói chung, dù nhiều người đến bất ngờ không giấy mời, nhưng tất cả công chúng toàn là "Người Tử Tế".

HOÀNG VŨ THUẬT (giới thiệu). Anh Nguyên Ngọc vừa đến Huế hai hôm, chúng tôi chỉ kịp gởi giấy mời cho một số bằng hữu, không ngờ chiều nay đông đảo như thế này: điều đó chứng tỏ độc giả của báo Văn Nghệ ở Huế rất nhạy cảm. Thay mặt Chi hội nhà văn Bình Trị Thiên, tôi xin trân trọng giới thiệu: nhà văn Nguyên Ngọc, Tổng biên tập đích thực của báo Văn Nghệ.

(Tiếng vỗ tay chen vào vài tiếng nói to: "Đích thực! Đích thực!")

TÔ NHUẬN VỸ (Tổng thư ký mới của Hội Văn Nghệ BTT):
Cuộc đấu tranh đổi mới của phong trào văn học Việt Nam những năm gần đây có công đóng góp của anh Nguyên Ngọc. Hình như anh Nguyên Ngọc tuổi Thân; số tử vi theo người Nhật nói rằng tuổi Thân là tuổi của những "tài năng ngoài qui cũ". Có lẽ những con người khao khát đi tìm cái mới, như Cristốp Côlông, như Galilê, đều có cái chất "Ngoài qui cũ" như vậy. Đây là cuộc trao đổi thân tình trước thềm Đại hội nhà văn, sẽ đóng góp một phần vào đại hội sắp tới. Tôi đề nghị chúng ta trao đổi thẳng thắn mọi điều, cả hỏi và trả lời.

NGUYÊN NGỌC: Đất nước, văn học ta đang ở thời kỳ chuyển động, phức tạp, khó khăn, xôn xao... Sáng nay chúng tôi có trao đổi với nhau: sẽ là cuộc gặp gỡ và đối thoại. Tôi đề nghị các anh chị nêu câu hỏi và tôi trả lời. Vừa qua tôi biết có những thông tin do trên báo, hoặc truyền miệng, nhiều cái không đúng sự thực. Chúng tôi may được ở trong điểm xoáy của các sự kiện, có gì tôi xin thông báo một cách trung thực.

LÝ HOÀI XUÂN: Tôi xin nêu 3 câu hỏi. 1. Vừa rồi anh thôi giữ chức Tổng biên tập; đó có phải là cách chức không? 2. Báo Văn Nghệ với anh, có sự đổi mới. Chúng tôi tiếc không được đọc những trang hay sau khi anh ra đi. Vậy anh có tiên đoán được tương lai của báo Văn Nghệ không? 3. Đổi mới quanh tờ báo đã gây ra mâu thuẫn. Trong từng cá nhân, dường như có động cơ riêng. Theo anh thì việc đó như thế nào?

TRƯỜNG KÝ: - Có một nhóm thích Đổi Mới, nhóm khác kìm hãm nhưng bề ngoài vẫn hô hào đổi mới. Đại hội tới sẽ như thế nào?

- Vừa rồi, với sự thay Tổng biên tập, người ta thấy rằng báo Văn Nghệ đang đi thụt lùi. Anh em Bình Trị Thiên rất mong báo khởi sắc trở lại như thời Nguyên Ngọc. Anh thấy có nên hy vọng không?

MỘT CÁN BỘ GIẢNG DẠY ĐẠI HỌC SƯ PHẠM: Có hai lực lượng của Hội nhà văn trong sự xung đột vừa qua, hay là có sự chỉ đạo nào của Trung ương? (Có tiếng cười ngắt lời: "Cái đó phải lên hỏi Trung ương").

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: Thời đó người ta chăm chú theo rõi từng bước Đổi Mới rất rõ của báo Văn Nghệ. Với tư cách Tổng biên tập, xin cho biết ý hướng đổi mới toàn cục của anh như thế nào? Tại cuộc họp BCH, anh Nguyễn Đình Thi kết luận rằng báo Văn Nghệ có những "lệch lạc nghiêm trọng". Anh Huy Cận có nhã ý bổ sung thêm một chữ rất, "rất nghiêm trọng". Vài người khác đòi đưa anh ra tòa. Rồi mọi việc xảy ra như đã thấy. Anh đã làm gì, để gây ra lắm thứ ân oán giang hồ ghê gớm đến thế?

NGUYÊN NGỌC: (sắp xếp lại nội dung các câu hỏi, đứng dậy. Vài ba chiếc cátxét mini được đẩy tới trước mặt diễn giả. NN cười, lắc đầu, nhưng không có phản ứng từ chối. Trả lời luôn một mạch).

- Trước hết tôi xin nói về hướng của tờ báo. Tôi nhận công tác từ tháng 6-87 đến 12-88, gần một năm rưỡi. Bấy giờ là tình hình sau Đại hội VI, báo chí trong thời kỳ chuyển động rõ rệt. Bên sân khấu. Đổi Mới sớm hơn. Ở miền Bắc các báo Tiền Phong, Lao Động, Phụ Nữ, Tuần Tin Tức đang Đổi Mới mạnh. Báo Văn Nghệ vào cuộc chậm so với đồng nghiệp, và có sự trách móc chung của bạn đọc đối với diễn đàn của Hội nhà văn. Khi nhận việc ở báo, tôi có ý thức rất rõ. Tôi có báo cáo với Ban thư ký (BTK) Hội nhà văn rằng phải chuyển hướng báo. Tại hội nghị BCH tháng 9-88, tôi chỉ trình bày ý cơ bản về định hướng.

Tôi nghĩ: cả đất nước, Đảng, chủ nghĩa xã hội ta đang đứng trước những vấn đề rất lớn. CNXH ta đã làm trong mấy chục năm qua nằm trong qui luật lịch sử này: một chế độ xã hội thay thế một chế độ xã hội trước là vì cái kia đã mất sức sống. CNXH ta bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám, ở Liên Xô thì đã bảy mươi năm. Nhưng CNXH như chúng ta làm (nhấn mạnh), vì lẽ nào đó, đang trở nên trì trệ. Nó không chứng minh được tính ưu việt đối với chế độ nó thay thế, và với lý tưởng chúng ta mơ ước. Đấy là vấn đề hết sức lớn.

Khi báo VN vào cuộc, thì báo chí ta đang trong cuộc đấu tranh giữa tích cực chống tiêu cực. Tôi nghĩ: tích cực là tạo nên những năng động mới, còn tiêu cực là kềm hãm tính năng động của CNXH so với chủ nghĩa tư bản. CNXH lý thuyết thì năng động. Nhưng CNXH trong hiện thực lại không năng động nổi. Nghị quyết Đảng, có hai lần dùng chữ "Sống Còn". Tôi nghĩ: Văn học phải nhận ra hiện thực của xã hội Việt Nam, tham gia đấu tranh khắc phục tính trì trệ, khôi phục tính năng động phải có của CNXH, và như thế với ý nghĩa "Sống Còn".

Tôi có nói với BTK; Báo VN là báo, báo là cái cấp bách hàng ngày. Nhưng nó lại là Văn nghệ. Vậy thì từ cái hàng ngày, nó phải vượt lên để đi tới những vấn đề xã hội ở đằng sau cái sự kiện đó. Hướng cơ bản là đưa báo VN vào cuộc đấu tranh, nhưng bằng văn học để đi tới những vấn đề Căn nguyên sâu xa hơn.

Tôi xác định lại vấn đề: Cuộc đấu tranh rất quyết liệt, nhưng phải đi vào cái căn nguyên sâu xa; do đó, sức đề kháng trở lại nhất định sẽ dữ dội hơn. Thực tế cho thấy các báo đều bị sức đề kháng khá mạnh, nhưng trên từng cái cụ thể, thí dụ vài tờ báo địa phương đã bị sự phản kháng của chính bí thư tỉnh ủy. Nhưng khi đi vào căn nguyên, thì báo VN sẽ phải chịu sự đề kháng không phải cụ thể, mà thuộc cả một cơ chế. Tôi nói với anh Nguyễn Khải (lúc đó là Phó tổng thư ký) rằng: chúng ta sẽ gặp nhiều gay go vì nó động tới nhiều cơ chế lớn. Anh Khải tâm đắc: "Thôi thì vẫn phải dấn thân vào cuộc đời".

Hướng thứ hai, là đấu tranh Đổi Mới chính văn học. Qua chống tiêu cực, cần cố gắng khôi phục lại thể loại phóng sự, và bút ký báo chí; những thể loại này lâu nay vẫn có nhưng không đạt tới sức mạnh văn học của nó. Tôi mời một số anh em làm thử khoảng sáu tháng.

MỘT CÂU HỎI: Anh cho biết một vài sự kiện cụ thể...

NGUYÊN NGỌC: Bài đầu tiên thăm dò nhằm vào một vấn đề tính là chưa gay gắt lắm, ấy là vấn đề sách và phát hành. Anh Lý, Tổng giám đốc Phát hành đã phản ứng quyết liệt, nói rằng phát hành sách là phải canh gác chuyên chính vô sản. Tôi nói: bài không đánh vào anh, nhưng cả anh và tôi đều phải đánh vào cơ chế bao cấp.

Vài cái khác, tiếp tục bị phản ứng, rồi tới "Ông vua lốp" của Trần Huy Quang. Tôi đề nghị tác giả đi sâu vào vấn đề cơ chế và con người, như thế này: Theo cái cũ thì anh giàu một cái là tôi cắt đầu, còn nghèo thì tha hồ. Tài năng ta (như ông Chẩn) không thiếu, chỉ hại vì cơ chế bình quân và bao cấp. Phản ứng lần nầy rất quyết liệt, chúng tôi phải đối thoại với Thành ủy Hà Nội nhiều lần. Sau này, Thành ủy chưa bao giờ nhận sai, nhưng đã trả lại tài sản, cho phép làm, chỉ cái nhà của ông Chẩn là chưa trả lại.

Tôi thử thêm một vấn đề nóng bỏng: nông thôn, ở đó có nông dân với quyền sở hữu, có Đảng và chính quyền ta ở đó. Anh Lê Lựu có nói: "Thử về một làng xã nào ở miền Bắc mà xem Đảng chúng ta ở đó là Đảng gì? là Đảng của dòng họ chứ không phải Đảng Cộng sản".

Số đầu năm 88, tôi in "Suy nghĩ trên đường làng", nhẹ nhẹ thôi và tiếp liền đó "Cái đêm hôm ấy đêm gì" của Phùng Gia Lộc. Lúc đó báo chí đang sôi động về vụ Hà Trọng Hòa, chưa phân thắng bại nhưng rất quyết liệt. Trên báo Văn Nghệ sẽ gây ra một tiếng chuông rúng động, nhưng tôi tính theo kiểu lính: Trận đánh chắc thắng 80-90% là đánh được. Tôi nói với anh Khải: "Đăng nhá" anh Khải ký. Sau "Cái đêm hôm ấy" tôi cho in "Người đàn bà quỳ". Về dân chủ ở nông thôn, - tôi cho rằng vài ba tiếng chuông báo động như thế là đủ.

Nhưng không thể dừng lại ở đó, ở đời sống cùng cực và sự mất dân chủ của số phận người nông dân. Cần làm gì để tháo gỡ hoàn cảnh: Vậy là phải đụng tới cơ chế. Hôm ấy, tôi và anh Khải đi thực tế ở Vĩnh Phú, cùng với anh Ngọ bí thư và anh Quán Chủ tịch huyện về làng Thổ Tang. Đây là làng của Nguyễn Thái Học, gặp luôn ông Vũ Hồng Khanh sống ở đó. Làng rất đặc biệt: nhà phố, lầu, ít đất, đi buôn rất giỏi. Giải phóng 30-4, theo sau binh đoàn xe tăng đã có con buôn Thổ Tang mang cờ ảnh cách mạng vào bán ở Sài Gòn rồi. Làng này đã xuất hiện một kiểu cơ chế mới. Có bốn loại thị trường: 1) thị trường lao động: sáng sớm cầm đèn soi mặt, anh có thể ra chợ Thổ Tang tìm thuê người đi cày, tát nước. 2) Vật tư hàng hóa: có chỗ đại tu và bán hàng trăm máy kéo. 3) Có 3 ngân hàng tư nhân, trong mười lăm phút có thể vay hàng chục triệu. 4) Thông tin kinh tế: ở một nhà có quyển sổ ghi ai cần mua gì, bán gì... Đi khảo sát, tôi gặp một bà rất giàu: nhà có máy kéo, máy nổ, máy xay xát, và mười tấn lúa. Thuê nông dân làm, đóng thuế đầy đủ cho nhà nước. Trần Huy Quang có viết về một bà nông dân làm thuê; được hỏi: "Bà không sợ bị bóc lột à? bà trả lời: "Bóc lột thế tôi được sống nhờ, nếu để tôi làm chủ thì tôi chết đói". Cả anh Ngọ và anh Quán đều giấu tịt cái làng này, giấu cả Thường vụ Tỉnh ủy. Tôi hỏi anh Quán: "Anh có dám kết nạp bà làm giàu đó vào Đảng không?" Anh Quán suy nghĩ trằn trọc suốt đêm, sáng sau trả lời tôi: "Bây giờ cần phải suy nghĩ lại về khái niệm bóc lột". Sau này, khi báo đăng bài, anh Quán viết thư cho tôi: "Không ngờ dấn thân cũng là sa trường". Từ vấn đề cơ chế đó, dẫn đến một vấn đề rất lớn là quyền sở hữu của nông dân trong CNXH. Bút ký "Tiếng Đất" của Hoàng Hữu Các xói vào vấn đề quyết liệt ấy. Anh Ngọ hỏi tôi: "Tại sao những con người đó lại say mê làm giàu đến như thế, bất chấp vô tù ra khám?" Tôi nói: "có lẽ ở họ còn là một khát vọng muốn thể hiện tài năng làm giàu như những người đi tìm vàng ở Mỹ". Trước khi chết anh Kim Ngọc, nguyên Bí thư Vĩnh Phú thời trước đã trối trăn với anh Ngọ rằng phải tìm cách thoát ra khỏi cái "CNXH kiểu trại lính" này. Anh Ngọ đi theo con đường ấy. Cả anh Ngọ và anh Quán đều đã mua sẵn một cái máy xay thuốc bắc, lỡ bị cách chức thì xay thuốc mà sống; các anh quyết liệt đến thế. May là không sao cả. Anh Ngọ hiện được điều về Thanh Hóa thay Hà Trọng Hòa.

(Nghỉ một lát, kết thúc vấn đề):

- CNXH chúng ta làm lâu nay, có nhiều cái giả lắm. Liên Xô: một ổ mì mấy xu đó, nhưng năm nào cũng đào vàng đi bán, bán khoáng sản chứ không phải bán máy. CNXH gì lạ thế? Đổi Mới là sắp xếp lại các giá trị, xưa A nay có thể xuống Z, và đảo lại. Trong văn học: các bài phóng sự, ký nói trên chỉ là báo, nó cày phá ra ngổn ngộn như vậy nhưng đâu dễ xem thường. Nó sẽ đọng lại một cái gì đó, đích thực là văn học.

MỘT Ý KIẾN: Có sự phủ nhận quá khứ không?

NGUYÊN NGỌC: Chúng tôi quan niệm: Chúng ta có một thời kỳ văn học, và đã làm xong. Bây giờ chúng ta làm một thời kỳ mới, không có gì phủ nhận lịch sử cả. Nguyễn Huy Thiệp nói rất gọn: "7 giờ là 7 giờ; 9 giờ là 9 giờ. Chả nhẽ 9 giờ lại phủ nhận 7 giờ à?"

MỘT Ý KIẾN: (Nhắc lại yêu cầu nhận định về các xu hướng trong Hội nhà văn trước cuộc Đổi Mới)

NGUYÊN NGỌC: Theo tôi có ba thái độ:

- Những người có tài năng, trăn trở, tích lũy từ trước; thì dũng cảm đi với cái mới. Điển hình là trường hợp Nguyễn Minh Châu, là người bắc cầu vào thời kỳ này.

- Những người biết cái Mới và ủng hộ.

- Loại người cay cú với Đổi Mới và chống lại. Số này khá đông, và đang thao túng hoạt trường văn học không mệt mỏi. Cuộc tiệc này theo tôi, còn gay go lắm.

Còn động cơ ở đằng sau à? Tôi có báo cáo với anh Đào Duy Tùng: "với tư cách đảng viên, tôi đề nghị anh báo cáo với Bộ chính trị rằng hiện nay có những kẻ báo động giả vì mưu đồ riêng của họ, như họ đã làm ở hội nghị BCH "coi chừng địch!", "làm loạn xã hội",v.v..."

MỘT Ý KIẾN: Quả thực, anh có bị cách chức không? Theo tôi biết, nếu bổ nhiệm hoặc cách chức Tổng biên tập thì phải có quyết định của Ban tuyên huấn Trung ương và của Bộ thông tin. Đồng chí Trần Hoàn đã ký quyết định cách chức anh chưa?

NGUYÊN NGỌC: (kể lại các lớp lang đã diễn ra từ thường trực Ban thư ký, và tóm tắt trong ba điểm):

- Các anh mời tôi về làm ở ban trù bị đại diện (mặc cả làm phó ban, rồi thường trực). BCH đã ủy nhiệm BTK làm ban trù bị đại hội, tôi không ở trong BTK nên không nhận.

- Anh Thi đưa giải pháp lập Hội đồng biên tập, không phải tư vấn mà là chỉ đạo. Theo qui chế báo chí thì Tổng biên tập, là người quyết định sau cùng, không thể có một hội đồng nào ở trên cả.

- Cuối cùng, anh Thi và anh Chính Hữu họp tòa soạn, tuyên bố quyết định của BTK buộc tôi thôi giữ chức Tổng biên tập (chỉ công bố miệng, còn giấy tờ thì vì lộn xộn, mãi đến nay vẫn chưa trao cho tôi). Tôi nói: "Tôi chấp hành quyết định của BTK, để các anh khỏi nghĩ rằng tôi muốn bám lấy cái ghế này. Nhưng các anh còn nợ tôi một cái: Quyết định hợp thức của Ban tuyên huấn TƯ và Bộ thông tin, và lý do tại sao đình chỉ công tác TBT đối với tôi.

Từ đó tới nay, họ vẫn im lặng.

TÔ NHUẬN VỸ: Vừa rồi, anh Thi có cho tôi biết về đề nghị lập hội đồng biên tập, anh Nguyên Ngọc không chấp nhận. Bây giờ tôi mới hiểu ra là một thứ Hội đồng Thái Thượng Hoàng như vậy. Tôi là TBT của Sông Hương, tôi biết: đó là một cái không thể chấp nhận được với bất cứ TBT nào, theo qui chế báo chí của cả nước.

XUÂN HOÀNG: Tôi được biết, hiện đang xẩy ra sự phân hóa trong tòa soạn báo VN, về thái độ với sự ra đi của anh Nguyên Ngọc. Tôi cho rằng sự phân hóa đó theo chiều hướng nào, sẽ là thước đo về đạo lý và nhân cách ở từng con người.

NGUYÊN NGỌC: (kết thúc, giọng trầm lắng, công chúng xúc động) Đọc Paxtecnac, tôi thấy bi kịch Jivagô vẫn là của một người đứng ngoài, đứng trên cả nước Nga mà đau. Còn bi kịch của tôi: một người trong cuộc, đảng viên, cầm súng, nhiệt thành xây dựng CNXH mấy mươi năm. Thế mà tại sao Tình yêu của chính mình lại bị giày đạp đến như vậy!

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG (ghi)
(SH37/05&06-89)



 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng