Góc Hoài niệm
Về sự kiện Thi hào Rabindranath Tagore thăm Sài gòn, Việt Nam
17:28 | 18/01/2016

VÕ SƠN TRUNG

Trong gần một thế kỷ qua, bạn đọc Việt Nam đã tiếp cận khá nhiều tác phẩm của đại thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, trong đó có hàng chục tập thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói, tiểu luận, và thậm chí cả hồi ký của thi hào…

Về sự kiện Thi hào Rabindranath Tagore thăm Sài gòn, Việt Nam
Rabindranath Tagore tiên sanh, đại văn hào nước Ấn Độ có ghé qua Saigon ngày 21 Juin mới rồi

Điều đặc biệt là thi hào đã từng ghé lại Sài Gòn, Việt Nam vào giữa cuối tháng 6/1929. Sự kiện đó đã được xem như một mốc son văn hóa, được nhiều thế hệ đến nay vẫn còn nhắc…

Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, báo chí Việt Nam đã bắt đầu giới thiệu về Rabindranath Tagore. Bài “Lòng ái quốc ở Tagore” của Nguyễn Tinh trên Báo “La Cloche fêlée” (Tiếng chuông rè) do Nguyễn An Ninh chủ trương, số 18 ra ngày 16/6/1924 được xem là bài đầu tiên giới thiệu Tagore ở Việt Nam. Tiếp đó, tạp chí Nam phong số 89 năm 1924 đã đăng bản dịch của Hoa Đường (bút danh của Phạm Quỳnh) bài luận thuyết của Rabindranath Tagore “Lời tuyên cáo của Đông Phương”, rồi bản dịch của Điệp Văn Kỳ dành cho tác phẩm của Tagore Thần ái tình được Nhất Đức Thư xã ấn hành năm 1929… Các tác phẩm kinh điển của Tagore đã khiến giới văn sĩ trí thức hết sức ngưỡng mộ.  

Giữa năm 1929, một sự kiện văn hóa quan trọng đã diễn ra tại Sài Gòn - thi hào Tagore ghé thăm.

Trước đó, nhiều báo chí Việt Nam đã liên tiếp thông báo về chuyến viếng thăm sắp tới của thi hào. Còn trong những ngày ông ở Sài Gòn, báo chí đã đưa tin đậm đặc, đăng ảnh, đăng lời phát biểu của Tagore và một số tác phẩm của ông. Những tờ báo có nhiều bài viết để lại ấn tượng sâu sắc nhất sự kiện này có thể kể đến Phụ nữ Tân văn Thần chung

Trong các buổi sinh hoạt văn nghệ và báo chí Việt Nam về sau, đã có nhiều người nhắc lại sự kiện thú vị này.

Năm 1961, hơn 30 năm sau khi diễn ra sự kiện, trong dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào, nhà thơ Xuân Diệu xúc động nhớ lại: “Trí nhớ tôi đưa tôi lại trước đây hơn ba mươi năm, khi tôi còn là một chú học trò trường Quy Nhơn, đó là hồi tháng sáu năm 1929, trên tuần báo Phụ nữ Tân văn, tôi bỗng đọc một bài về nhà thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore ghé thăm nước ta, tại Sài Gòn. Tôi còn nhớ đôi mắt to nhìn vừa xa, vừa sâu, chòm râu như rừng, che xuống đến chiếc áo dài rộng kiểu Á Đông, trên bức ảnh của Tagore in trên tờ báo thời ấy. Tôi còn nhớ cả cái xao xuyến của mình, tuy còn ít tuổi, vẫn cảm thấy trong thơ Tagore dịch đăng báo, trong cuộc đời ấy, trong ảnh người ấy, một cái gì cao rộng, dù chỉ là một ý thơ như: Lòng ta là một con chim của sa mạc đã tìm thấy trời trong mắt em… Những chú học trò biết mình mất nước thời ấy, cảm ở Tagore một cái gì thao thức không ngủ, kêu gọi phóng khoáng lớn lao, cảm một tâm trí như ngọn đèn chong cao sáng giữa đêm trường… Tôi nhớ báo lúc đó thuật lại rằng Tagore có nói chuyện ở Hội Khuyến học: Tôi tưởng tượng thành Sài Gòn của ta khi đó chứa đựng một của quý của trí tuệ con người”(1).

Một câu nói của Rabindranath Tagore phát biểu trong chuyến đi ấy “Tôi đứng ngoài cửa của các ngài mà kiếm một chỗ trong lòng các ngài” được nhà thơ Đoàn Phú Tứ nhắc đi nhắc lại với các biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn học.

Năm 2009, sau 80 năm diễn ra sự kiện đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã công bố một số tư liệu về chuyến ghé thăm Sài Gòn năm 1929 của Tagore, được đăng trên tờ báo Thần chung, số ra ngày 23 tháng 6 năm 1929, trên tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam.(2)

Báo Tuổi Trẻ ngày 8/7/2009, có bài viết tựa đề “80 năm trước, thi hào Tagore đã ghé Sài Gòn”. Báo cho biết, trí thức Việt Nam đã từng đón hụt thi hào khi năm 1924, có tin thi hào sẽ đến Việt Nam từ Trung Quốc, tuy nhiên dự định đó đã không thực hiện được. Bài báo viết tiếp: “Nhưng năm năm sau, Tagore đã ghé lại Việt Nam trên đường từ Nhật Bản đi Angers. Không thấy các báo thời đó nói rõ Tagore đã lưu lại Sài Gòn trong thời gian bao lâu, bốn hay năm hôm, nhưng khi tàu thủy vừa cập cảng ngày 21/6/1929 thì ngay trong ngày, báo Tribune Indochinoise đã tổ chức một cuộc mít tinh trọng thể để chào mừng Tagore.

Ký giả Lê Trung Nghĩa, phóng viên của báo, đồng thời là một họa sĩ có tài, đã đến phỏng vấn Tagore và vẽ chân dung của ông bằng chì than trên giấy trắng khổ 50x65cm. Bức ảnh tranh Tagore râu tóc bạc phơ, áo đen, ngồi cầm bút, đặt tay lên bàn, có chữ ký Tagore ở một bên góc hiện nay vẫn được gia đình nữ sĩ Ái Lan lưu giữ”…

*

Như đã nói, trong số các tờ báo hồi đó, báo Phụ nữ Tân văn đã tường thuật chi tiết nhất sự kiện này, bởi thi hào đã ghé thăm tòa soạn của báo Phụ nữ Tân văn trong những ngày lưu lại.

Chúng tôi đã tìm thấy nhiều trang tư liệu tờ báo Phụ nữ Tân văn nói về sự kiện này trong Thư viện Quốc gia Việt Nam và trong sách Phụ nữ Tân văn - phấn son tô điểm sơn hà (Thiện Mộc Lan, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, Công ty sách Thời Đại, 2010). Dưới đây là nội dung những bài viết ấy:

“Phụ nữ Tân văn tường thuật: “Dân thành phố” Saigon cả Tây lẫn ta và đông đảo người Ấn Độ nghinh tiếp tiên sinh rất là trọng thể. Khi tàu cập bến, có quan chánh văn phòng trên phủ Thống Đốc thay mặt chánh phủ và ông Béziat, Đốc Lý Saigon cùng nhiều quan chức nghinh đón, đều lên tàu chào mừng tiên sinh.

Người mình lâu nay ước mong được chiêm ngưỡng dung nhan một nhà đại thi hào, thì hôm nay dân Saigon đã toại nguyện.

Do đó, ngày 21/6/1929, tại bến tàu Saigon diễn ra quang cảnh thật đông đảo náo nhiệt.

Trong mấy ngày tiên sanh ghé Saigon, ông có đi thăm các nhà bảo tàng, nhiều ngôi chùa cổ cũng như những trường học nổi tiếng” (trang 127, sđd).

Viếng tòa soạn báo Phụ nữ Tân văn:

Sáng ngày 23/6/1929, tiên sinh có ghé viếng tòa soạn Phụ nữ Tân văn số 42 rue Catinat (nay là Đồng Khởi). Đây là trụ sở của báo này đồng thời là “thương cuộc” của ông bà Nguyễn Đức Nhuận chuyên kinh doanh hàng vải lụa cao cấp.

Về buổi tiếp kiến vị thượng khách, trên số 10 báo Phụ nữ Tân văn ngày 4/7/1929, bà Nguyễn Đức Nhuận viết:

“THY SĨ TAGORE GHÉ VIẾNG TÒA BÁO PHỤ NỮ TÂN VĂN

Sớm mai ngày chúa nhựt 23 Juin vừa rồi ông Rabindranath Tagore có ghé viếng bổn báo và bổn Thương cuộc.

Nhân dịp này, tôi mới được chiêm yết cái hình dung của nhà đại thi hào; thì ra những bức ảnh đã đăng trong các báo xưa rày còn kém xa cái nét tươi ở gương mặt, cái tinh thần ở đôi con mắt, dường như có hào quang sáng rực, của cái người có “tiên phong đạo cốt ấy”.

Trước tôi vẫn tưởng ông Ấn Độ này da đen như ông Gandhi, và phần nhiều người xứ ấy, bây giờ mới biết là mình lầm. Ông cao lớn người, tuổi gần 70 mà quắc thước lắm; nước da trắng mịn và ửng đỏ; mũi cao, trán rộng, rõ là trán của một nhà tư tưởng, bàn tay giống như bàn tay của các bà khuê các; ngón tròn mà trắng. Ông thuộc về một dòng vọng tộc; sinh trưởng ở chốn phong lưu; hằng ngày chỉ có một việc ngâm thơ, vịnh phú, bởi thế mới có mấy cái đặc sắc ấy. Viết tới đây, tôi còn nhớ lời ông Gandhi, trong một cuộc bút chiến với ông, - bút chiến mà dầm thắm lắm, có tật hô rằng: “Ông Tagore, ông cũng phải đi dệt vải như chúng tôi!”.

Dệt vải, chắc là nhà thi sĩ không được sành; chớ dệt nên những câu cẩm tú thì khéo lắm, khéo cho đến đỗi, ông đã là người Á Đông lần thứ nhất được phần thưởng Nobel.

Mới xem qua cái lối ăn mặc, thì ông Tagore mường tượng một bậc lão thành đạo mạo Annam. Trên đội một cái mũ nhung đen; dưới mặc cái áo trắng dài và rộng; kiếng kẹp mũi, râu trắng dài, ảnh của ông chụp ngồi chung với các nhà thân hào Annam thật là hợp cách lắm!

Tiếng ông nói như tiếng đờn; tiếc vì tôi không thể hầu chuyện được; vì ông không biết tiếng ta và tiếng Pháp; còn chúng tôi không biết Bengali và tiếng Anh. Tiếc lắm!

Chúng tôi có trình cho ông xem bài tiểu sử của ông mà chúng tôi sắp cho ra trong kỳ số 9, ông cho cái tiểu tượng in trong bài đó không được giống lắm.

Rồi ông xem tới việc buôn bán của chúng tôi, có hỏi thăm hàng hóa Bắc kỳ, chúng tôi trình cho ông xem, ông có mua một cái áo gấm bông bạc. Chúng tôi có hiến cho ông một cây lãnh của hãng dệt Lê Phát Vĩnh ở Cầu Kho để làm kỷ niệm.

Chúng tôi có trình quyển danh sách các nhà độc giả báo P.N.T.V. thời vị khách quí ấy có ký tên vào trang đầu, để cho chúng tôi được cái kỷ niệm quí hóa của một bậc đại tư tưởng ở Á Đông ta.

Chiều lại, ông còn sai người tới mua hai cái khăn đóng. Hỏi thăm mới biết là ông có đặt may một cái áo dài Annam, thợ làm suốt một ngày đã xong. Thì ra nhà thi hào Ấn Độ ưng ý cái lối quốc phục của mình, cho nên sắm một bộ y phục Annam để mặc và làm kỷ niệm.


Thực dân phá cuộc diễn thuyết của Tagore tại Saigon:

Trong những ngày có mặt tại Sài Gòn, ông Cao Hải Để và nhiều nhân vật tên tuổi của đảng Lao Động định mời đại thi hào Tagore đến dự một cuộc diễn thuyết tại rạp hát Thành Xương (ở đường Boresse, sát đình cầu Quan, rạp này nay không còn) theo sự sắp xếp của đảng Lao Động (ông Cao Triều Phát là Đảng trưởng). Nhưng bị nhà cầm quyền phá rối.

Tức mình, sang hôm 23 tháng 6, lúc tiên sinh Tagore xuống tàu về Ấn Độ thì ông Cao Hải Để và một số đông của đảng Lao Động định tổ chức cuộc biểu tình tại bến tàu để phản đối nhà cầm quyền.

Hình ảnh bài về thi hào Tagore trên báo Phụ nữ Tân văn số 9, ngày 27/6:

Bìa báo Phụ nữ Tân văn số 9, ngày 27/6/1929.


Hình ảnh bài về thi hào Tagore trên báo Phụ nữ Tân văn số 10, ngày 4/7:


Trang báo có in bài của Mme Nguyễn Đức Nhuận và bức chân dung do Khánh Ký thực hiện có chữ ký của thi hào in trên Phụ nữ Tân văn số 10, ngày 4/7/1929.

Bản tiếng Pháp và bản dịch tiếng Việt trên trang báo.


V.S.T
(SDB19/12-15)

-----------------
(1) Xuân Diệu, Tagor và thơ Tagor, trong sách Rơ-vin-dra-nat Tagor. Kỷ niệm 100 ngày sinh (Tập thơ dịch), Nxb. Văn học, 1961, trang II-III.
(2) Dẫn theo“Thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore ở Việt Nam” (Tạp chí Văn học nước ngoài). http://phanthanhvan.vnweblogs.com/







 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
“Đi chuồn” (16/11/2015)