Góc Hoài niệm
Nhớ về Thanh Nghị
15:21 | 03/03/2016

DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ
                       Hồi Ký

Ba mươi tháng tư. Tôi đang dùng bữa tối cùng gia đình thì chợt nghe tivi thông báo ông Thanh Nghị chết.

Nhớ về Thanh Nghị
Nhà gia phả học Dã Lan Nguyễn Đức Dụ - Ảnh: gactholoc.net

Tin Thanh Nghị chết làm tôi xúc động. Tuy mới chỉ quen biết Thanh Nghị ít năm sau ngày miền Nam giải phóng, nhưng tên tuổi tác giả thì tôi đã biết từ hơn ba chục năm trước đây, qua cuốn Việt Nam Tân Tự Điển in lần đầu (1952) mà tôi còn giữ tới ngày nay. Những trang sách đã vàng khè. Mấy chục năm trời tôi vẫn trân quý nó, coi là loại sách hiếm mà ít người còn giữ được. Tôi còn quý cuốn tự điển này bởi lẽ nó là bản đầu, không phải bản in về sau - dưới thời Ngô Đình Diệm - mà những trang nói về chủ nghĩa cộng sản đã bị bỏ bớt và cắt xén đi nhiều, còn khiến tác giả phải lâm vào vòng tù tội.

Bữa gặp Thanh Nghị tại nhà riêng ở đường Điện Biên Phủ, nét mặt đăm chiêu anh tâm sự với tôi:

- Chuyện đời sao trớ trêu: bỗng dưng vào tù vì tự điển! Trào Diệm Nhu, một hôm bọn cảnh sát rần rần kéo tới nhà tôi bao vây lục soát, rồi chúng hùng hục khuân sách của tôi liệng lên xe cây. Chúng lục lọi không sót chỗ nào, còn mở tủ lấy hết tiền bạc. Tôi bị chúng tịch thu bốn ngàn hai trăm cuốn tự điển với một triệu hai trăm ngàn đồng cất trong tủ. Chúng chở tự điển đem về nhà lao Gia Định đốt sạch. Còn tôi thì bị Diệm Nhu bắt giam ngồi tù mất hơn sáu tháng. Thân mình thì tù tội, tiền bạc thì bị chúng lấy, cửa nhà sạch bách...

Nói ra xin các bạn đừng cười. Dường như đời tôi sanh ra chỉ để đón nhận những chuyện ngẫu nhiên, tình cờ và bất hạnh hơn là sự may mắn. Chẳng hạn như việc Nhật bỏ tù tôi ở Biên Hòa, Pháp bắt giam tôi ở ngoài Bắc. Trong những chuyện tình cờ thì chuyện tôi gặp Thanh Nghị, Đào Duy Anh có điều khá lý thú là cả hai người tôi đều gặp vào cùng một tháng. Tôi gặp Đào Duy Anh trước đó hai năm, vào tháng 7-1980, trong một bữa cơm thân mật do Viện Khoa học Xã hội thành phố tổ chức tại khách sạn Độc lập nhân dịp Hội nghị Khoa học về Nguyễn Trãi.

Sáng 31-7-1982, tôi với Mai Lân, một nhà nặn tượng tên tuổi của thành phố cùng đến thư viện Khoa học Tổng hợp để gặp Thanh Nghị lúc đó đang làm giám đốc thư viện. Sau khi liếc nhanh mẩu giấy giới thiệu nhỏ thì vị giám đốc rất bình dân của thư viện niềm nở tiếp chúng tôi. Trước khi cáo lui, anh hẹn riêng với tôi sẽ gặp lại tôi tại nhà anh và hứa sẽ thỏa mãn những gì tôi đòi hỏi nơi anh.

Chiều 04-8-1982, tôi lững thững đạp xe đến nhà Thanh Nghị. Nhà tác giả rộng rãi khang trang, thuộc kiểu biệt thự, (chắc chủ cũ bỏ đi nước ngoài), nằm trên một khu đất rộng, chung quanh bóng cây mát rợp. Tôi bước vào phòng khách bài trí sơ sài giản dị, khác xa với lối trang trí sang trọng của một số nhà cán bộ thường thấy ở thành phố.

Thanh Nghị mời tôi ngồi trên chiếc bàn dài. Phòng khách hơi thiếu ánh sáng vì bóng cây xanh bên ngoài. Vài ba cháu nhỏ cỡ bảy tám tuổi chạy ra chạy vào. Điều làm tôi đặc biệt chú ý là ngoài sân, trước một căn nhà phụ, thấp thoáng bóng dáng một thiếu phụ trẻ đẹp tuổi khoảng chừng ngoài ba mươi. Tôi đoán chắc là vợ tác giả vì Mai Lân có cho hay Thanh Nghị mới lấy người vợ trẻ măng. Còn mấy cháu nhỏ chắc là con anh. Bất chợt tôi quay lại nhìn anh. Với vóc người xương xương, cao và gầy, tóc chớm muối tiêu, còn thêm khuôn mặt khó đăm đăm, song lại nhờ mái tóc được hớt cao, nên trông anh cũng bớt già đi một chút. Tôi thầm nghĩ: "Lấy cái thừa đắp điểm cho cái thiếu, đem cái trẻ trung tươi mát của người vợ hài hòa với cuộc sống khắc khổ của người chồng âu cũng là luật thừa trừ của Tạo hóa".

Trong lúc nói chuyện, Thanh Nghị có thói quen chốc chốc lại hất mái tóc hớt cao ra đằng trước, thỉnh thoảng cặp lông mày hơi nhíu lại. Nhưng có tiếp xúc với anh người ta mới thấy được sự thành thật cởi mở của anh. Chuyện trò một lát tôi quay qua hỏi anh những điều tôi muốn biết về thân thế giòng dõi cùng nơi phát tích của tổ tiên anh. Thấy anh trầm ngâm có vẻ ngập ngừng, tôi biết anh không quen với công việc "lục vấn" của tôi, tôi bèn lên tiếng:

- Xin anh cho biết các ông tổ đời trên của họ Hoàng có vị nào khoa bảng không?

Anh trầm ngâm rồi đáp:

- Tôi cũng không nhớ rõ nữa, vì rất ít có dịp về thăm quê, lại đi theo kháng chiến mãi. Hình như họ Hoàng của tôi có hai anh em ông Cố đậu Tiến sĩ, vào đời hậu Lê. Hai ông Cố đều ở Huế.

- Xin anh cho biết luôn tên tuổi, chức tước của hai vị.

- Tôi cũng không nhớ, song gia phả của họ tôi có ghi. Thôi xin khất với anh khi nào có dịp ra Trung tôi sẽ về quê mang cuốn gia phả của các cụ vào đây cho anh coi. Có đầy đủ cả...

Trong khi vui miệng anh kể luôn sự tích làng Nguyệt Biều quê anh:

- Tôi biết chính hai ông Cố ở Huế, nhưng gốc tích họ Hoàng thì ở làng Nguyệt Biều thuộc huyện Hương Thủy, Thừa Thiên, hiện tại đây còn nhà thờ họ, nhà thờ nhánh (tức nhà thờ phân chi). Đặc biệt vào đời Thành Thái có lập hổ quyền, trước kia thì có mấy làng người Chàm. Tôi được nghe kể lại lúc đó trên khoảnh đất có sự tranh chấp giữa hai sắc dân Chàm - Việt. Sau đưa ra việc thi đua, một bên Chàm, một bên là Việt, hiện còn dấu tích. Hai bên thi nhau một đêm xây bức thành ai xây lớn thì được đất đó. Người Chàm thật thà xây một bức tường cao ba bốn thước, dài năm sáu thước. Bên người Việt thì xây tường bằng cát nhưng vỏ bằng đá to và dài, nên thắng cuộc. Sau đó lập phường đúc chuông và đổ đồng ở đầu làng. Tại đó cũng có dựng một nhà thờ đạo lớn nên vùng này có nhiều dân Công giáo. Làng Nguyệt Biều còn có họ Thân Trọng to lắm, song lại là dân ngụ cư. Mẹ tôi ở họ này...

Bút tích của Thanh Nghị - Hoàng Trọng Quỵ - Ảnh: sachxua.net


Tôi hỏi về thân thế, anh chậm rãi kể.

Thanh Nghị tên thật là Hoàng Trọng Quy (bài của Chế Lan Viên và lời cảm tạ của gia đình đăng trên báo SGGP, đều viết là Quỵ). Thanh Nghị là bút hiệu anh thường dùng. Sanh năm Đinh Tỵ (1917), là con trai thứ ba cụ Hoàng Trọng Đàn (1884 - 1969), thân mẫu là Thân Thị Uynh (1885 - 1936) kém cụ Đàn một tuổi. Cụ Đàn chân Tây học, có ra làm việc tại Kinh đô Huế sau kình với Pháp, về hưu non. Tước Hồng lộ Tự khanh. Lên 6 tuổi Hoàng Trọng Quy bắt đầu đi học theo chương trình Pháp lúc bấy giờ. Vừa học thêm chữ Nho hàm thụ qua Chế Lan Viên. Nghe nói học chừng sáu tháng là Hoàng Trọng Quy đã bắt đầu tự đọc được Tam Quốc Chí và báo Tàu (1945). Suốt từ vỡ lòng đến thi đỗ tú tài phần thứ nhất Hoàng Trọng Quy đều học ở Huế. Sau khi đỗ tú tài phần I xong, Hoàng Trọng Quy ở nhà tự học thêm Anh văn và Pháp văn. Lúc bấy giờ là năm 1936 cũng là năm thân mẫu của anh mất. Năm 1937 anh vào Sài Gòn tìm việc làm. Năm 1938 dưới bút hiệu Thanh Nghị, anh làm chủ bút tờ "Trong Khuê Phòng" (Báo phụ nữ xuất bản hàng tuần) và làm trợ bút cho tờ "Asie Nouvelle". Năm 1939 cả hai tờ báo trên đều bị đóng cửa - cũng thời gian này Thanh Nghị lập gia đình riêng. Chiến tranh Pháp Nhật bùng nổ. Anh lánh vào Vũng Tàu mở một quán cà phê nhỏ trên một ngọn đồi cho vợ lo kiếm sống, còn bản thân mình thì suốt ngày đi lang thang, tắm biển, đọc sách, học thêm chữ Hán, nghiên cứu lịch sử văn minh Ấn Độ, sống ít giao du - gần như ẩn dật.

Tháng 6-1945 anh về Sài Gòn, lúc bấy giờ đang có cao trào Mặt trận Việt Minh. Người Việt Minh đầu tiên mà Thanh Nghị tiếp xúc là Trần Văn Giàu. Tháng 9 năm ấy anh đi theo kháng chiến, ra Liên khu Bốn. Cuối năm 1946 anh được phân công trở về Sài Gòn hoạt động. Tới cuối 1951 anh cùng với nhóm của anh bị mất liên lạc với tổ chức, và bị địch bắt gần hết. Sau hiệp định Genève 1954 anh ở lại miền Nam và nằm im mãi cho tới 1962 - 1963 anh bắt đầu tham gia đấu tranh trong phong trào Phật giáo. Năm 1965 anh được điều ra khu căn cứ địa cách mạng tập huấn, rồi trở về Sài Gòn phát động phong trào đòi hòa bình. Cuối 1967 anh tham gia Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình của Miền Nam Việt Nam và làm phó tổng thư ký cho tổ chức này. Sau chiến thắng Tổng tiến công Mậu Thân 1968 trên toàn Miền Nam - anh rút về hậu cứ, và tháng 4-1975 anh trở lại Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Một điều đặc biệt là trong khoảng thời gian bị mất liên lạc với tổ chức và "nằm im" "nằm chờ” là lúc Thanh Nghị dốc sức vào hai công trình đồ sộ của mình, đó là: Tự điển Pháp Việt (có minh họa) 1961; và trong hai năm 1962 - 1963 biên soạn xong tự điển Anh Việt.

Ngoài ra, trong lúc được phân công từ Liên khu Bốn trở về hoạt động hợp pháp Thanh Nghị cũng đã soạn "Việt Nam tân tự điển" (xuất bản tại Sài Gòn 1952).

Thanh Nghị cho biết anh rất say mê việc soạn tự điển và lúc bắt tay vào việc thì phải theo đúng giờ giấc mình vạch ra: sáng dậy 4g, làm việc đến 7g. Ngủ 1g, dậy ăn uống rồi lại làm tiếp. Phong cách làm việc hết sức khoa học, hết sức cẩn thận. Riêng cuốn Việt Nam tân tự điển Thanh Nghị đã làm liên tục trong ba năm ròng, mỗi ngày làm việc 6 tiếng, ngày nào cũng như ngày nào. Tự khép mình vào kỹ luật khuôn phép.

Lúc tôi kiếu từ, Thanh Nghị tiễn tôi ra tận cổng rồi nắm chặt tay tôi. Ai dè đâu lại là cái nắm tay lần cuối cùng, vì tôi lúc đó mắc nhiều công chuyện nên ít có dịp ghé anh. Bây giờ Thanh Nghị đã từ bỏ cõi đời. Anh Thanh Nghị! Anh ngã bệnh tôi không hay, anh mất tôi cũng không được tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng không được cầm hòn đất đặt lên nấm mồ mới đắp của anh. Đành chịu lỗi với anh vậy!

Tôi nhớ đến Thanh Nghị, trước hết vì mấy kỷ vật của anh tôi hiện có trong tay: cuốn tự điển giấy đã đổi màu vẫn còn nổi cộm những dòng chữ sắc nét đã một thời đưa Thanh Nghị vào tù; Tấm hình chụp Thanh Nghị ngồi làm việc ở ngoài bưng, với tấm thẻ thư viện anh cấp cho tôi năm nào.

Trong tấm hình, Thanh Nghị đang cắm cúi viết. Tội nghiệp cho anh, người thì cao mà bàn và ghế thì thấp lè tè, khiến anh phải cúi thấp người xuống, và phải ngồi xoạc hai cẳng theo kiểu "Nhu đạo"! Chiếc bàn thấp nhỏ, chân bàn là bốn cây củi cong queo.

Tôi nhớ bữa đến thư viện, khi hiểu rõ việc tôi làm, anh đã không chút do dự báo nhân viên làm ngay cho tôi tấm thẻ đọc sách loại đặc biệt, mặc dầu anh chỉ mới biết tôi qua sự giới thiệu.

Giờ đây tác giả Việt Nam Tân tự điển, đã nằm yên trong lòng đất. Rồi người ta cũng sẽ quên Thanh Nghị như đã từng quên bao người khác.

Riêng tôi, tôi vẫn nhớ Thanh Nghị. Song nhớ anh bao nhiêu lại oán anh bấy nhiêu! Thật ra, trách anh cũng không phải, mà không trách anh thì cũng không phải. Anh ra đi mang theo luôn cả lời anh hứa với tôi năm nào. Viết về tổ tiên Vũ Hồn, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi... chẳng khi nào tôi gặp trở ngại. Thậm chí đến như tông tích của Ngô Quyền, Nguyễn Huệ... tôi còn tìm ra. Vậy mà đụng đến họ Hoàng Nguyệt Biều của Thanh Nghị tôi đành bó tay! Bởi chưng gốc tổ tiên anh, hành trạng hai ông Cố Tiến sĩ triều Lê của anh, tất cả... đã chôn chặt trong mồ!

Mà thôi, nói làm chi nữa, chết là hết. Tất cả đều biến thành cát bụi. Nhưng dẫu sao anh vẫn còn hơn chán vạn người, chết vẫn còn tác phẩm để lại... Con người không là cái gì hết trên dòng biến chuyển của nhân duyên. Nhưng con người đi qua, tác phẩm còn lại. Và những hoa kỳ cỏ lạ lưu lại mãi mãi cho đời.

N.Đ.D.
(TCSH39/09&10-89)






 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng