Góc Hoài niệm
Kinh đô Huế, mùa hè 1943
09:14 | 29/04/2016

LGT: Hiện không nhiều tài liệu miêu tả miêu tả về đời sống, sinh hoạt văn hóa, xã hội của Huế vào thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước. Bản dịch dưới đây là trích đoạn từ cuốn nhật kí Adieu Saigon, Au revoir Hanoi (Chào Hà Nội, tạm biệt Sài Gòn - Nhật ký kì nghỉ năm 1943) của Claudie Beaucarnot.

Kinh đô Huế, mùa hè 1943
Ngọ Môn, Huế 1915 (Tác giả Martinien Salgé - là người đã đoạt Giải thưởng Đông Dương (Prix de l’Indochine) năm 1913 của “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” (Société Coloniale des Artistes français)

Chủ nhân cuốn nhật ký vốn là tiểu thư con của một công chức Pháp làm việc tại Đông Dương. Cô đã đến xứ sở nhiệt đới này trong kỳ nghỉ mùa hè của mình cùng gia đình năm 1943, thời điểm mà nơi đây khá hòa bình so với tình hình thế chiến lúc đó. Mặc dù, bấy giờ người Nhật đã vào Đông Dương, nhưng chính quyền cũ của người Pháp vẫn tương đối tự do và có những quyền hạn nhất định. Gia đình Beaucarnot đã đi bằng ô tô khởi hành từ Hà Nội và dọc đường thiên lý Bắc-Nam đến Sài Gòn, qua nhiều tỉnh thành và ghé nhiều địa điểm văn hóa, ghi chép lại dưới con mắt của một cô gái trẻ lần đầu đến Đông Dương.

Riêng kinh đô Huế, Claudie Beaucarnot dành nhiều trang viết, ghi chép tỉ mỉ những địa điểm mà gia đình cô ghé thăm từ Đại Nội đến các lăng tẩm và cuộc sống của cư dân Huế dưới chính quyền thuộc địa mạt kỳ. Sau này, Claudie Beaucarnot gửi một phiên mã đánh máy bản nhật ký của mình tới Yvonne Fontain - Biggi, một người bạn muốn thu thập các hồi ký được viết trong thời gian ở Đông Dương. Cuốn sách sau đó phát hành bằng hai thứ tiếng Anh và tiếng Pháp ở châu Âu. Đây là một tài liệu quý, góp phần nhìn nhận bức tranh Việt Nam những năm 40 trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lần đầu được Việt dịch. Tiêu đề do người dịch đặt. Xin gửi đến quý bạn đọc.



CLAUDIE BEAUCARNOT

Kinh đô Huế, mùa hè 1943  


Chúng tôi còn cách Huế không bao xa, chỉ chừng sáu cây số nữa thôi. Xe chạy cẩn thận. Một con thỏ dường như bị thôi miên bởi những ánh đèn pha rọi thẳng vào mắt khiến chú nằm bất động giữa đường. Cha bẻ tay lái để tránh tông phải nó. Tại một trong những điểm dừng của chúng tôi, Ma Ma mua một ít trái dứa1. Mẹ gọt vỏ, cắt bỏ đi những mắt dứa xù xì. Trái này nhanh chóng có những khía rãnh mắt sâu. Loại trái cây nhiệt đới này ăn rất ngon ngọt và làm dịu mát cổ họng đương khô khát của chúng tôi. Để nhúc nhắc chân cho đỡ mỏi, em gái Nicole và tôi chạy vòng quanh một chút. Em nhéo bên sườn của tôi. Tôi đuổi theo em, vừa chạy vừa la ơi ới để đầu óc thư giãn hơn.

Năm cây số trước khi đến Huế, những túp lều lam lũ xuất hiện ven đường. Và rồi, cuối cùng, chúng tôi cũng đến nơi. Kinh thành bên trái đường xe chạy và bên phải, bờ sông Hương xanh mát. Cuộc chiến tranh đã không làm cản trở mấy đời sống ở Huế, điện vẫn được thắp sáng. Điện đã có được một đoạn dài trên đường Huế, kể từ khi chúng tôi thấy đèn sáng và bóng tối biến mất. Chúng tôi thật hài lòng với điều đó. Gia đình tôi vào tới sảnh khách sạn Morin lúc chín giờ. Sau rất nhiều rắc rối, chúng tôi thuê được hai phòng. Tắm táp dễ chịu xong, chúng tôi đi xuống nhà hàng và là những người cuối cùng ở đây. Ở đó thậm chí không có đủ nước mát. Nước uống hơi nóng nhưng bữa ăn ngon. Chúng tôi có một đêm tuyệt vời bất chấp cái nóng nực ở xứ sở này.

- Thứ 4, ngày 30 tháng 6.

Mẹ đến đánh thức chúng tôi dậy. Đồng hồ báo 9 giờ 30 phút! Không thể tin được! Cha còn dậy sớm hơn nhiều để đến gara lấy xe. Chúng tôi đi xuống ăn nhẹ rồi đi tắm và tìm cha một lần nữa ở gara. Đèn trước đã sửa xong, chỉ còn việc thay dầu nữa. Nhưng chúng tôi không vội đi ngay mà đợi cho đến sáng ngày mai. Hai chị em lấy nhanh vé dạo chơi, thăm thú thành phố với Ma Ma bằng xe kéo2. Chúng tôi viếng thăm khu Cấm thành, một nơi rất rộng3. Xung quanh thành trì người ta thả đầy sen trong các hào nước. Các bảo tàng đang được sửa chữa lại. Chúng tôi đi vào bên trong. Tất cả những đồ vật được trưng bày nằm rải rác đó đây. Trời nóng quá, dù thế chúng tôi cũng muốn tham quan cung điện hoàng gia, nhưng nó đòi hỏi sự cho phép của cấp trên thường trú4. Trời đầy nắng, chúng tôi tìm kiếm vài cửa hàng tạp hóa có bán mũ rơm mà một phụ nữ ở Bắc Kỳ giới thiệu cho. Chúng tôi chỉ tìm thấy những loại mũ có kiểu dáng xấu xí được đan bằng cây bồ hoàng5. Đi dạo qua một khu chợ, ở đó chúng tôi mua được loại kẹo mềm dẻo phủ một lớp vừng6. Thứ kẹo ấy thật thơm ngon và cả nhà liền quay trở về khách sạn để ăn. Chiều nay, cha dự định sẽ viếng thăm lăng mộ của các vị vua nhà Nguyễn. Một người phụ nữ trẻ, đã sống ở thành phố này mười lăm năm sẽ đi cùng làm hướng dẫn viên. Tôi là người duy nhất trong nhà không biết cô, không bao giờ ghé thăm cô dù có vô số chuyến đi qua Huế. Chúng tôi lái xe dọc bờ sông Hương một lúc và sau đó rẽ trái. Chiếc xe đi qua một rừng thông. Miền thôn dã này trù phú, nằm xung quanh thành Huế. Các vị vua đã chọn lựa một địa thế tuyệt vời để được chôn cất sau khi băng hà. Nếu là tôi, tôi cũng sẽ thích sống ở nơi đó.

Chúng tôi đi qua mặt quảng trường rộng, nơi cúng tế đất trời. Cứ ba năm, ở đó có làm một lễ tế lớn, đây gọi là đàn Nam Giao. Rồi xe chạy một mạch thẳng đường để đến lăng vua Tự Đức7. Cổng vào gây ấn tượng oai nghiêm khôn cùng. Cả nhà đi bộ dọc theo một con đường lát gạch màu đỏ. Phía bên phải, ở đó có nhà thủy tạ. Nơi đây có một hòn đảo nhân tạo phủ đầy cây xanh. Mặt nước bây giờ toàn hoa sen. Chúng tôi đi lên bậc thang, đi vào sâu một sân bên trái, ở trên nền đất dựng một ngôi điện. Chúng tôi đi vào. Điện gồm những vật dụng thuộc sở hữu của vua. Những món quà nhà vua nhận được từ người Pháp của thời kỳ này. Trong cái bình thủy tinh, người ta thấy chậu hoa có chứa cây bằng vàng và những trái cây làm bằng đá quý. Hai người phụ nữ lớn tuổi, đầu cạo trọc có nhiệm vụ canh gác cho linh hồn nhà vua an nghỉ. Họ nhìn chúng tôi với vẻ không thoải mái. Chúng tôi đi xuống cầu thang, đi ngang qua con kênh chảy vào phòng tắm của Hoàng hậu8. Sau khi leo lên một vài bậc, và đi qua một cánh cổng khác, chúng tôi lại bước vào một sân khác. Mỗi bên có một hàng như hàng rào, gồm một con voi, một con ngựa và bốn vị quan lại đứng chầu. Không hiểu sao cha nghĩ con voi có một chân rất cứng, vững. Người hướng dẫn bảo chúng tôi thử nói một điều ước vào tai con voi. Điều ước sẽ viên thành!

Lên cao hơn nữa, trong một cái đình nhỏ có một tấm bia lớn có khắc chữ Hán. Ở đây có câu thơ do chính vua Tự Đức viết. Sinh thời, ông còn là một nhà thơ. Trên mỗi cạnh tấm bia, có một loại tháp được chạm trổ. Những ông vua có quyền lực được chạm vẽ hai lớp, hoàng hậu chỉ có một lớp. Đằng sau tấm bia và nhiều mét ở trên, có một vũng nước hình dáng như một trái xoài. Ở bên cạnh bể chứa khác, chúng tôi thấy những bức tường khác được ngăn vách, rào lại trông nhỏ hơn, hình dáng cửa được đúc khuôn bằng đồng đỏ, hay đúng hơn là tấm đồng. Có một cái lỗ nhỏ trên cửa, tôi nhìn trộm. Con mắt hăm hở của tôi chỉ có thể nhìn thấy một bức ngăn bằng gạch. Vị vua đã được chôn cất ở một nơi nào đó trong bức tường ngăn kia. Không một ai biết chính xác là ở đâu, vì những người làm công việc chôn cất đã bị chôn vùi cùng cơ thể cụt đầu. Cuộc viếng lăng mộ đã xong. Ở lối ra, có một bé con người nhỏ nhắn đi về phía chúng tôi mang theo một bó nhỏ hoa vàng và đỏ, màu thuần túy Annam. Mọi người nói rằng cậu bé nên kể một câu chuyện. Mẹ tôi cho cậu bé một ít tiền. Cậu ta nhảy lên như một con dê con.

Chúng tôi quay trở vào trong xe, sau đó khóa cửa xe vì có một nhóm đông trẻ con đang vây quanh ở đó. Chúng tôi tiếp tục lái xe đi giữa con đường thông, nơi đây tôi ngửi được mùi nhựa thông ngọt ngào. Ở đó cũng có những cây phượng nở rực rỡ9. Khi đến một ngôi làng nhỏ, tôi thấy tấm biển ghi: “Bến phà Minh Mạng”. Có cần thiết phải đi qua sông? Cha tôi là người biết rất nhiều, thích ở lại bên xe hơn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn leo lên một thuyền nhỏ. Tôi để cho một trong hai tay tôi kéo trên mặt nước: dòng nước mùa hè âm ấm. Sau mười lăm phút, chúng tôi đến ở phía bên kia. Chúng tôi đi bộ xuống một con đường mòn nhỏ qua hàng cây cổ thụ hàng trăm năm, như đi qua một đường hầm. Thông qua một bên cửa phụ, chúng tôi đi vào bên trong được bao bọc bằng rào ngăn nơi đó có mộ của vua Minh Mạng10.

Đặc điểm nổi bật khiến lăng Minh Mạng lôi cuốn hơn những lăng tẩm khác chính là nước. Lăng nhà vua được bao quanh toàn nước. Trong sân đầu tiên, mọi người có thể thấy các vị quan được bố trí giống như ở lăng Tự Đức. Nhưng điều gây sốc là ở đó có hai con sư tử đầu chim11 được mạ vàng, phần mạ vàng đó đã bị nứt, hình như ai đã để một cái chuông va phải chúng. Hai thứ kim loại này mà đụng nhau thì chát chúa phải biết. Ở trên cao hơn cũng có một tấm bia nhưng một mặt nhẵn thín, không được chạm trổ gì. Cuối cùng, ở phía sau còn có một ngôi điện, đó là nơi thờ phụng anh linh nhà vua. Nhưng cửa đã bị đóng. Chúng tôi không thể vào trong được. Nếu chuyến viếng thăm của chúng tôi phải dừng lại tại đây, tôi hẳn sẽ hơi thất vọng. Nhưng tôi nhận ra vẻ hấp dẫn của lăng tẩm vị vua này lại nằm chính đằng sau nó.

Tôi nhìn thấy một công trình nhỏ trên đường ở mỗi bên gần hồ nước. Một cây cầu riêng biệt giữa chúng, trong đó có các lối vào và lối ra được trang trí với một hàng hiên bằng đá rất tỉ mỉ. Cuối cùng, tất cả các con đường đều dẫn khách vòng trở lại, đó là khu vực cấm. Tôi cho phép mình bị mê hoặc vì vẻ đẹp trác tuyệt của lăng Minh Mạng.

Chúng tôi gặp cha đứng trước ba người thượng ăn vận dơ dáy12. Mọi người đã thực sự khát. Một nhân viên của khu vực bán hàng mời chúng tôi một vài cốc trà xanh. Chúng tôi đã không quen mùi vị đó và nhăn mặt, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng đó là một thức uống rất sảng khoái.

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm lăng Khải Định13. Chúng tôi đi qua một đoàn hướng đạo sinh đang vừa đi bộ vừa hát14. Họ đã đến ngôi mộ của vua Khải Định gần như cùng lúc với chúng tôi. Thất vọng làm sao!

Lăng tẩm vị vua này nằm trên sườn của một ngọn đồi, nhỏ hơn nhiều so với những ngôi mộ các vị vua khác. Nó hoàn toàn màu xám và có vẻ u buồn. Có rất nhiều bậc thang, trong đó nhắc nhở người tháp tùng của chúng tôi về nhà ga xe lửa St. Charles ở Marseilles15. Có những con rồng trên lan can. Những con mắt của chúng được làm từ các mảnh thủy tinh.

Căn nhà có lính gác là nơi ghé vào đầu tiên. Tiếp đó là hai hàng lính canh và quan lại. Cuối cùng là ngôi mộ. Các phòng đều rất lớn, với trần nhà cao. Các bức tường có màu đen và trắng. Sảnh nhà đầu tiên đầy những đồ làm bằng thủy tinh. Trên các bức tường, các đồ trang trí được làm từ những mảnh chai màu xanh đắt tiền của Trung Quốc đã bị nghiền nát để tạo nên những nhân vật và tranh khảm theo điển tích Trung Quốc. Mọi thứ lộn xộn và trông chẳng hấp dẫn chút nào. Người bảo vệ mở phòng khánh tiết cho chúng tôi. Có một bàn thờ bằng đá mà trên đó được đặt một bức tượng đồng của Hoàng đế. Cỗ quan tài được cho là nằm bên dưới bàn thờ. Ông là vị vua duy nhất được chôn theo kiểu này. Có một cầu thang đằng sau bức tượng của vua; chúng tôi leo lên đó và chúng tôi đến các thư phòng của nhà vua. Nó chứa tất cả vật dụng thông thường, khăn xếp, trang phục mà ông đã mặc tại một buổi lễ ở Hà Nội, trang phục đi dạo, giày, đồ trang trí, vũ khí, thậm chí cả nước hoa nữa. Nhà vua đã sử dụng [thương hiệu] “Thu hút phái đẹp”16. Không khí trong phòng này nặng nề và ẩm ướt. Chúng tôi thật sự thất vọng. Tôi ngẩng cổ lên và nhìn thấy chiếc chuông nhỏ trên mái nhà. Khi gió thổi, nó kêu leng keng để xua đuổi tà ma. Ở lối ra, người bảo vệ muốn chữ ký, lưu bút của chúng tôi trong cuốn sổ dành cho khách viếng. Tôi gợi ý để lại một nhận xét chua cay; Ma Ma đã vui vẻ viết chữ ký của riêng mình. Phía trước, trên ngọn đồi, có một ngôi mộ khiêm tốn hơn. Đó là mộ của thái hậu, mẹ của vua Bảo Đại17.

Chúng tôi đang chầm chậm trở về Huế trong mùi hương ngọt ngào của nhựa thông. Ở nơi địa lợi này, các tu sĩ có ý định xây dựng một tu viện. Bên phải là núi Bảy Sợi Tóc18. Nó được bao phủ muôn vàn cây xanh nhưng trên chóp núi cảnh có vẻ hoang tàn, chỉ còn bảy cây thông cao và thưa thớt. Ở phía sau, ngọn núi làm bức bình phong cho kinh thành. Đó là một ngọn núi có hình dáng túp lều, nóc của nó được bao phủ bởi một hàng cây thông. Và mỗi bên mà chúng tôi thấy đều có cùng một hình dạng tương tự.

Chúng tôi trở lại Huế, thật sự thích thú với cuộc du ngoạn.

Chúng tôi ăn cơm rồi đi ngủ. Phòng chiếu phim Morin cách hai bước từ phòng của chúng tôi. Họ đang chiếu phim “Trái tim quả cảm”, một bộ phim Mỹ mà chúng tôi đã xem ở Hà Nội19. Tôi cùng Nicole bình luận “Đợi đã, cô ấy (nữ anh hùng) đang làm điều này, cô ấy ở trên ban công và đang hát Siboney”. Sau đó, phân cảnh ở trong rừng. Cuối cùng, đó là một khúc “Serenade” của Schubert trong một khán phòng âm nhạc được trang trí buồn cười. Chúng tôi buồn ngủ với âm thanh của Marseillaise20 và bài thánh ca Việt kết thúc buổi chiếu.

Đặng Thị Kim Ly dịch
(TCSH326/04-2016)

-------------------
1. Trái dứa của Việt Nam nhỏ hơn và ngọt hơn so với loại dứa của Mỹ (chú thích của bản dịch tiếng Anh)

2. Một pousse-pousse, hoặc đôi khi chỉ viết đơn giản pousse, ở Việt Nam tương đương với một chiếc xe kéo. Thời bấy giờ xe kéo có một dây cáp, ở giữa hai thanh kéo song song, đặt một chiếc ghế gần trên hai bánh xe cao su. Cuối thời kỳ thuộc địa, cái xe đạp kiểu pousse đã đến Đông Dương, một khoản đầu tư tốn kém hơn nhưng dễ dàng hơn khi lái và hành khách cũng thích như vậy (chú thích của bản dịch tiếng Anh).

3. Hoàng đế Gia Long (1762-1820, 1802-1820) là hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn, đã có thành trì và cung điện sau 1802. Đã bị hư hại nặng nề trong suốt cuộc tấn công Tết 1968, bây giờ nó được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và được phục hồi dần dần (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).

4. Tức Thống sứ, chỉ đứng dưới người có quyền lực cao nhất trong thuộc địa thực dân là Toàn quyền. Ở Huế gọi là Khâm sứ. Dưới họ là những người dân đô thị của địa phương (Anh xem lại nhé, chỗ naỳ tiếng anh urban local Residents chức thấp hơn chức thống sứ là Resident-superior, cai quản các thủ phủ của tỉnh ấy, tên là gì anh tra cứu nhé) trong những thủ phủ của tỉnh. Nam kỳ khác với bốn vùng lãnh thổ khác của Đông Dương (Bắc kỳ, Annam, Lào và Campuchia), người đứng đầu là Thống đốc chứ không phải Thống sứ. Dưới tất cả những người này là có khoảng 6000 công chức cấp bậc khác nhau trong nhiều ban ngành (Hành chính, Giáo dục,..) Tất cả các ban ngành đều có cả công chức người Âu lẫn người Việt. Trong cơ cấu phân biệt chủng tộc của thế giới thuộc địa, không có người Việt Nam nào, bất kể cấp bậc của họ đến đâu, được quyền sai khiến một người Pháp và trung bình người Việt chỉ được nhận tiền lương bằng 9/13 tiền lương người Âu nhận. Tương tự như vậy, không có người Việt nào có thể vượt trên bậc trung sĩ trong quân đội thực dân (chú thích của bản dịch tiếng Anh).

5. Có thế đây là chiếc mũ làm bằng cây cỏ bàng (bàng sợi), thuộc họ cói, một loại cỏ đan lát được dùng nhiều ở Huế (Chú thích của người dịch).

6. Ở đây có thể là kẹo mè xửng, đặc sản của Huế (Chú thích của người dịch).  

7. Vua Tự Đức (1829-1883) trị vì 1847-1883 (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).  

8. Ở đây tác giả có thể nhầm lẫn, vì vua Tự Đức không lập hậu, có chăng là các bà phi theo vua đến ở lăng sau khi vua băng hà (Chú thích của người dịch).

9. Tên phổ biến thông dụng là Royal poinciana (Deloxix regia hay Poinciana regia tên khoa học), là một thực vật sặc sỡ có thể thấy ở các vùng nhiệt đới, những cành nhỏ có thể tạo ra nhiều nhánh to lớn cho hoa màu đỏ và màu da cam (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).

10. Minh Mạng (1792-1841) trị vì từ 1820 đến khi ông mất 1840 (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).  

11. Có thể đây là con kỳ lân (Chú thích của người dịch)  

12. Trong suốt thời kỳ thuộc địa, các dân tộc thiểu số vùng cao xuất hiện ở những vùng đồng bằng thường xuyên hơn nhiều so với bây giờ. Những người dân tộc thiểu số vùng cao có lẽ là người Bru, người sống ở vùng cao nguyên phía Tây của Huế (Chú thích của bản dịch tiếng Anh)

13. Khải Định (1885-1925) cai trị từ năm 1916 đến khi ông qua đời. Ông giỏi tiếng Pháp và rất lập dị (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).

14. Viên toàn quyền của Đông Dương trong thời chiến, Jean Decoux, thúc đẩy một loạt các cải cách nhằm tích hợp Tiếng Việt vào xã hội và điều hành đất nước. Đặc biệt nhất, ông đẩy mạnh các môn thể thao và tổ chức các cuộc thi thể thao. Mặc dù chúng đã tồn tại ở Pháp từ năm 1910 và ở Đông Dương sau chiến tranh, các hướng đạo sinh đã nhận được sự quan tâm lớn sau năm 1941 theo chương trình của Thống đốc Jean Decoux (Chú thích của bản dịch tiếng Anh)..

15. Các lối vào phía Nam của nhà ga xe lửa St. Charles ở Marseilles dài, cầu thang rộng hai bên, ở hai bên của bức tượng sư tử và hình dáng con người là biểu trưng cho Pháp sở hữu thuộc địa (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).

16. Tên một nhãn hiệu nước hoa bấy giờ.  

17. Bảo Đại (1909-1999) trị vì 1924-1953 (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).  

18. Chúng tôi tra cứu và không tìm được ngọn núi nào có tên như vậy cả. Phải chăng Beaucarnot đã gọi tên theo cách tưởng tượng của riêng mình. Đoạn đường được miêu tả ở trên là đoạn đi hướng Thiên An để về thành phố (Chú thích của người dịch)..

19. Tôi vẫn đang làm việc dựa trên những gì bộ phim này có thể làm được. Nó sẽ phải được công nhận trước 1942 (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).

20. The Marseillaise là quốc ca Pháp (Chú thích của bản dịch tiếng Anh).
  





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng