Góc Hoài niệm
Huế, địa đàng in dấu
09:02 | 23/01/2017

NGUYÊN HƯƠNG

Trong đời, người ta ai cũng nên phải lòng một vùng đất. Cảm giác đó thật đặc biệt, giống như khi ta một mình đi đêm về sáng, bỗng gặp đóa hoa cô đơn thức sớm nở ngoài thềm, thấy thương.

Huế, địa đàng in dấu
Minh họa: Nhím

Tôi không sinh ra ở Huế. Nơi tôi sinh ra và lớn lên là vùng đất mỏ Quảng Ninh quanh năm chứng kiến những ca xe than chạy dọc đường và bụi nhan nhản khắp mặt phố. Vùng mỏ ấy đã ghim vào trí nhớ của đứa trẻ là tôi hình ảnh một thế giới rộng rinh, tấp nập và không thiếu những cơn sóng biển ì oạp vỗ ven bờ Bạch Long Vĩ. Bố mẹ tôi đã rồng rắn chị em tôi đi hết huyện này đến huyện khác trong vùng mỏ ấy để tiện công việc của bố tôi, và thường thì, chúng tôi rất thích cảm giác mỗi lần lên tàu để đi đến vùng đất mới mà không hề biết suy nghĩ của người lớn lúc ấy thế nào. Cho đến khi tôi vào cấp một, nhà tôi chuyển về Khu tập thể công nhân vùng mỏ, nằm dưới vòm trời xinh nhỏ êm đềm của những tán phượng rợp bóng suốt mùa oi bức, tôi mới lờ mờ cảm nhận về không gian sống ổn định của gia đình mình.

Bảy tuổi, tôi vào học lớp một. Bố tôi đèo tôi đến trường khai giảng bằng chiếc xe đạp cà tàng mang về từ thời phục vụ trong quân đội. Để tôi đỡ kêu đường xa, bố tôi kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa ông đã đi học lớp một như thế nào, bà nội tôi dỗ mãi bố tôi mới chịu bỏ chăn trâu thả diều về nhà đi học. Tôi còn bé quá, chẳng hề có khái niệm gì về sự chán học ấy của bố, mãi sau này nghe mẹ tôi kể lại, vì lúc đó nhà ông bà tôi nghèo quá, bố tôi chỉ muốn nghỉ học ở nhà chăn trâu, đi cày giúp bố mẹ. Và trên quãng đường năm cây số từ nhà tới trường tiểu học của tôi hồi ấy, tôi nghe bố tôi kể về thời gian ông nội tôi ở Huế, viết thư về cho cả nhà làm bà tôi dấm dứt khóc hàng đêm không ngủ vì nhớ thương chồng.

Tôi có những ý nghĩ đầu tiên về Huế từ hồi ấy. Ở cái thế giới xanh suốt màu nước biển và óng ánh than kíp lê vừa ra lò, tôi không hề biết Huế quá cổ kính so với Quảng Ninh bụi bặm của tôi, bởi Huế luôn đầy rêu và sương mù bao phủ. Tôi chỉ biết nơi bố tôi hay kể ấy và gọi tên là Cố đô Huế, vì ông nội tôi đã từng ở đó.

Giữa thế giới vùng mỏ nhộn nhịp và những con đường rợp bóng phượng hồi ấy, Huế trong tưởng tượng thơ ấu của tôi chính là những đền đài, lăng tẩm ngả nghiêng nắng gió qua những tấm hình ông tôi chụp trong thời gian ở lại. Bà nội cho tôi đọc những lá thư ông gửi về, tôi đánh vần đọc những dòng chữ mực thước của ông và một mực đòi ông cho đi Huế. Từ vùng đất đen tuyền màu than và nắng bụi, từ nơi sông Bạch Đằng hung hãn chảy qua Hạ Long rồi vắt ngang thành phố này như một nét chấm phá giữa lòng thung tỉnh, từ những tấm hình đen trắng ố vàng ông tôi gửi về mà bà tôi luôn khóa kỹ trong đáy tủ, từ tất cả những suy nghĩ ngây dại và nhớ nhung, tôi mơ về Huế, như mơ về một miền đất xa ngái mà trước đó bố mẹ tôi đã bồng bế chúng tôi chuyển đến. Hóa ra, tôi đã bắt đầu nhớ thương xứ Huế tự bao giờ, vì thương nhớ ông nội đã đi vắng gần hết tuổi thơ của tôi.

Tôi mang theo những ấn tượng đẹp về vùng đất cố đô vào những bài học vỡ lòng và giấc mơ thiếu thời của mình. Bà nội tôi - một người nông dân không biết chữ đã ca cho chị em tôi nghe những câu hát đậm chất dân gian bằng chất giọng khê nồng mùi trầu cay và run run già cả “Chiều chiều trước bến Văn Lâu/ Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/ Ai thương ai cảm ai nhớ ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng bên sông/ Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”. Sau này tôi mới biết đó là những câu hò rặt Huế mà bất kỳ một người con Cố đô nào cũng từng nghe qua. Tôi cũng không hiểu vì sao, sau này khi đã niên thiếu, những câu hát mà tôi được nghe từ bà nội về Huế thường trở đi trở lại trong suy nghĩ của tôi, xen ghép với hình ảnh những quả đồi núi Nghè mà chúng tôi thường chơi trận giả thuở đầu trần chân đất, luôn luôn ắp đầy trong ký ức.

Và Huế, ở sau mỗi gam màu ố vàng đi ra từ bức ảnh kỷ niệm của ông nội tôi, luôn là một khu vườn địa đàng trong cổ tích. Khu vườn ấy - sau này sẽ trở thành một miền đất bình yên của riêng tôi, trong suy nghĩ của một mình tôi - để tôi thương nhớ đi về mỗi khi mệt mỏi.

18 tuổi, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Huế. Tôi ngỡ ngàng và run rẩy không tin nổi khi mình đang thực sự ở trong vòng tay của vùng đất cổ kính này. Huế của những suy nghĩ thiếu thời của tôi, của những tò mò ước vọng và cả những nỗi buồn khi ông nội tôi đã mất. Huế thực đẹp. Không phải vẻ đẹp rực rỡ huy hoàng mà bảng lảng một màu huyền sử, vừa khiêm nhường lại vừa kiêu hãnh với vẻ rêu phong của mình. Con mắt tuổi 18 mách bảo tôi rằng, thành phố này thật bình yên, và biết đâu nếu thiếp đi, ta sẽ được xứ ấy che chở bội phần.

Khoảnh khắc nhìn thấy sông Hương cũng là lúc lòng tôi rưng rưng sung sướng. Dẫu đã được nghe nhiều về dòng sông này qua băng đĩa ca nhạc, sách báo nhưng khi được tận mắt chứng kiến mới thấy nó thực nên thơ. Nói sông Hương nước chảy lơ thơ và cuốn phăng cuồn cuộn như là những đối cực và nghịch lý của nó, nhà nghiên cứu Bửu Ý đã thật có lý. Trong ráng chiều mùa thu hôm ấy, tôi thấy sông Hương như một cọng cỏ hiền hạnh mỏng manh được giấu trong túi vải thô của người Ô Lý.

Để như thế, khi dòng sông này vắt ngang thành phố, Huế như một dòng suối nhỏ mà thẳm sâu sóng lớn, ôm chứa những trầm tích của một thời quá khứ chưa xa.

Những năm về sau, tôi thường xuyên đến Huế. Khi thì do công việc, cũng có khi chẳng có việc gì. Đôi lúc thấy mình hiện lên ở Huế, tôi lại tự hỏi “Tại sao mình lại ở đây? Khi hoàn toàn không có việc gì và cũng không có ai chờ đợi?”. Thật khó trả lời, thôi thì cứ đổ tại mình ham chơi vậy.

Thời đôi mươi trẻ trung áo lụa, tôi thực sự có những cuộc lang thang cô đơn ở Huế. Khi ấy, Huế thật khác với Huế trong lời kể của ông tôi về chiến tranh, loạn lạc. Huế bây chừ bình yên. Một Huế trập trùng mái ngói liệt liêu xiêu trên phố Bạch Đằng, ánh đèn vàng cô độc hắt hiu đường Đoàn Thị Điểm, những tàng lá xanh xao nhỏ lệ trên phố Lê Lợi, hoa cúc võ vàng đầu chợ Đông Ba, trà sớm bên Kim Long thuở cũ... Bằng cách nào đó, con người và thời gian đã họa nên một Huế thật đẹp và buồn. Và nét buồn ấy thực sự rơi trúng vào “vùng chết” của nó khi tôi tình cờ nghe Khánh Ly hát Trịnh giữa Huế.

Hôm ấy thật chiều, tôi ghé Gác Trịnh trên đường Nguyễn Trường Tộ. Một không gian đậm Trịnh mở ra, sáng láng và xanh nguyên như lá, buộc người ta không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc im lặng ngắm nhìn và nghe và nghĩ. Tiếng hát Khánh Ly ở đấy, liêu trai và khê khàn một thuở, thừa sức thu phục và diễn tả tâm trạng xô dạt của người nghe. Cũng giống như những quan niệm bảo thủ khác, tôi hoàn toàn chỉ thấy nhạc Trịnh được ngời lên một cách vẹn tròn nhất qua giọng ca Khánh Ly, váng vất hương xưa sầu cũ để tránh xa những tạp niệm đời thường. Nghe Khánh Ly hát Diễm xưa ở Huế giống như được chính thức bước vào cõi riêng của Trịnh, vừa thảng thốt vừa rất mực yên tâm. Bởi Huế là nơi Trịnh Công Sơn đã từng và luôn luôn thuộc về, sau mọi cung bậc nghiệm sinh hỉ nộ ái ố ở đời.

Dấu ấn màu hoàng hoa sẽ còn phủ mãi trên từng mái chùa, ngôi nhà, góc phố ở Huế để những ai có dịp ghé qua sẽ được chứng kiến ít nhiều. Nhưng đó không phải là tất cả về xứ này. Sau những cuộc lênh đênh nhớ phố hay ngồi một mình thiêu đốt nỗi buồn, tôi nhận ra Huế ở trong những bố cục xộc xệch và cẩu thả mà bất kỳ một thành phố du lịch nào cũng gặp phải.

Huế, vì thế mà còn chứa đựng cả những điều không nhìn thấy như bóng dáng người xưa với thói quen khép mình vào nội giới của hiền nhân ở Đại Nội, tiếng hát sầu muộn của Tân Nhân, tâm tư sông Hương ngày rớt bão hay những hoài niệm ngõ, tâm tư vườn... như những hiện diện chói sáng cho sự ở lại của hồn Cố đô. Và hẳn nhiên, Huế hôm nay, trong muôn vàn khuôn diện cổ kính trầm mặc vốn có cũng hiện ra những ngõ tối của bế tắc và hoang ảnh lụi tàn.

Chính Huế như thế cho chúng ta thấy và thực thà thú nhận, con người ta sống nhiều với những mảng chìm hơn là mảng nổi của tảng băng trôi.

Thật khó để hình dung mối liên quan giữa Huế của thời ông nội tôi ở đó vào những năm 80 và Huế của đầu thế kỷ 21 tôi đến bây giờ. Nhưng chắc chắn một điều rằng, Huế đã không bị đánh mất hoặc đổi chác nguyên khí của chính mình. Nguyên khí ấy là nỗi buồn và cốt cách trầm lặng của Cố đô.

Mười năm thương nhớ đi về với Huế, tôi nhận ở đấy một cuộc tình, một chuyến rong chơi, một gương mặt buồn vui là mình ít ai biết thấy... Những ký ức từ ông nội tôi và sau này do chính tôi trải nghiệm ở Huế, tôi nhận ra rằng, mình đã thực sự bị chìm trong hương sắc của thành phố này, với tất cả những lay động gần xa, sớm tối, cạn kiệt và lấp đầy, hy vọng và nhớ nhung sau bao lần ghé đến. Huế ở trong con tim của tôi đâu chỉ là những hồi ức về phố trong nhạc họ Trịnh, tranh Đinh Cường hay văn Bửu Ý. Mà thực chất qua đó, Huế cất giữ những cuộc trở mình trong suy nghĩ của tôi về nỗi buồn, cái đẹp và sự cô đơn. Có những chiều bước thấp bước cao ở một thành phố khác quê hương mình, hỏi có buồn không? Buồn chứ! Nhưng đấy là nỗi buồn thật đẹp, và bản thân mình sẵn sàng nhận lấy mà không muốn chia cho bất kỳ ai.

Mong Huế cứ điềm nhiên là thế. Không cần tô vẽ hay trang điểm nhiều làm chi. Xin Huế hãy cứ là một khu vườn nhỏ xinh của mệ nội, xanh tươi cây trái bốn mùa và sương đọng trên cành lá khô. Xin Huế hãy cứ buồn buồn cũ cũ trong tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh của Duy Khánh, chầm chậm tiếng hát dòng sông xanh Hà Thanh, âu sầu, liêu trai của Thanh Thúy… Tôi muốn nhìn Huế bằng đôi mắt của người dưng như thế, để sau đây có dịp ghé về, dù có là người dưng đến mấy, tôi cũng thấy mình thật thân thuộc với đất này.

N.H  
(SHSDB23/12-2016)





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Gái Sịa (16/01/2017)