Góc Hoài niệm
Trăm năm và khoảnh khắc
08:15 | 08/02/2017

QUẾ HƯƠNG

Ngày 15/7/2017 tới đây, ngôi trường hồng diễm lệ nằm cạnh trường Quốc Học, từng mang tên vị vua yểu mệnh Đồng Khánh chạm ngưỡng trăm năm.

Trăm năm và khoảnh khắc
Cổng trường Đồng Khánh xưa

Trăm năm kể từ lúc trang trọng đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường nữ duy nhất dành cho nữ sinh 13 tỉnh miền Trung thời ấy với sự hiện diện của vua Khải Định, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut... Đó là một sự kiện mới mẻ và trọng đại khi mà nền giáo dục khoa bảng Việt Nam đầu thế kỷ XX còn quá ít quan tâm đến nữ giới. Trường học dành cho nam giới còn thế giới phụ nữ là sau cánh cửa... Thoạt đầu người Pháp lập trường với mục đích để phụ nữ An Nam tiếp xúc với văn hóa phương Tây, giỏi tiếng Pháp, phục vụ chính quyền bảo hộ nên từ thành lập đến 1945, hiệu trưởng vẫn là người Pháp. Họ quên rằng những luồng gió mới từ phương Tây đã góp phần mở toang những “khung cửa hẹp”, thổi vào đó khái niệm dân chủ, tự do, bình đẳng, lòng tự trọng dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh để phụ nữ Việt Nam có cái nhìn khác về thân phận nữ lưu và Tổ quốc mình...

Trăm năm khuê nữ bước qua ngưỡng cửa gia đình bước vào trường trau dồi học vấn, công dung ngôn hạnh. Trường dạy văn hóa lẫn nữ công gia chánh, từ cách rót nước mời khách đến nấu ăn, thêu thùa, nuôi con, cứu thương đến âm nhạc, hội họa... Từ ngôi trường hồng bước ra họ thành những phụ nữ có học thức, có phẩm hạnh làm tốt thiên chức gia đình và xã hội. Trong cánh cửa tròn vai nội tướng, ngoài cánh cửa biết sát cánh kề vai nam giới làm việc và cả biểu tình, đấu tranh... Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có những người trở thành tên tuổi sáng giá như bà Tùng Chi, điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, giáo sư, tiến sĩ Thái Kim Lan, nữ ca sĩ Hà Thanh, nhiếp ảnh gia Đào Hoa Nữ... hoặc chí ít cũng trở thành cô nữ sinh Đồng Khánh dễ thương đi vào thơ nhạc. (“Tà áo tím” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, “Cô nữ sinh Đồng Khánh” của nhạc sĩ Thu Hồ, “Đây thôn Vĩ Dạ” của thi sĩ Hàn Mặc Tử).

Trăm năm, mấy lần đổi tên, thay màu áo, nhưng dù mang tên Đồng Khánh hay Hai Bà Trưng, dù trường nữ hay vừa nam vừa nữ... ngôi trường ấy đã đào tạo cho đất nước bao thế hệ học trò làm rạng danh trường, là nơi lưu giữ hình bóng tuổi trẻ cho những ai đi tìm lại thời gian đã mất...

Trăm năm dâu bể, qua bao biến động, ngôi trường vẫn tồn tại như một chứng nhân lịch sử, chập chùng hình bóng, thầm thì quá khứ, sôi động hiện tại. Trăm năm, vẫn sắc hồng trẻ trung thanh nhã, vẫn dáng vẻ trầm tư duyên dáng bên dòng Hương.

Trăm năm dài lắm nhưng cũng chỉ là một “sát na” trong dòng thời gian vô thủy vô chung. Trong trăm năm ấy, người viết là tôi được một khoảnh khắc đáng nhớ, được làm nữ sinh Đồng Khánh từ 1962 - 1969.

Tôi bước chân vào đệ thất Đồng Khánh năm 12 tuổi. Mồ côi cha, tôi đi học muộn. Nếu anh sinh viên gần nhà không xúi mẹ cho thi băng, tôi vẫn còn học tiểu học. Từ lớp nhì tôi đã băng qua lớp nhất, đi thi tiểu học tự do với người lớn, lính tráng. Đỗ tiểu học, tôi thi tiếp vào đệ thất trường nữ Đồng Khánh. Hồi ấy Đồng Khánh là trường nữ công lập danh giá muốn vào phải qua thi tuyển.

Ngày khai trường, bé như cây kẹo, tôi bước vào ngôi trường nữ danh giá nhất Huế như lạc vào một giấc mơ. Phải mất cả tuần, tôi mới bình tâm lại để nhận ra rằng giấc mơ làm cô nữ sinh Đồng Khánh của tôi là có thực. Hồi ấy học sinh Huế mơ được vào học ở hai ngôi trường đẹp nhất, cổ kính nhất, danh giá nhất Huế - nữ Đồng Khánh, nam Quốc Học. Hai ngôi trường hồng nằm sóng đôi bên nhau, chỉ cách một con đường nhỏ mang tên Nguyễn Trường Tộ. Đường còn có tên khác do học trò hai trường tự đặt: Đường Anh - Đường Em bởi nằm giữa Trường Anh Trường Em. Những cái tên còn mãi trong cõi nhớ của nhiều đời người.

Bước qua cổng trường là bước vào một thế giới trang nghiêm mà thơ mộng. Trường đẹp như tranh với kết cấu cân xứng - hai dãy lầu hồng đối mặt ẩn hiện trong vòm phượng xanh. Dãy ngang với nhà chơi có mái và vài phòng học là gạch nối hai dãy hành lang thâm u... Áo trắng phấp phơ giữa những lối nhỏ viền cỏ, dưới những tán phượng mướt mát, trong sắc hồng trầm của tường vôi vây quanh.

Cô tiên đầu tiên của tôi là cô giáo hướng dẫn có cái tên đẹp như người - cô Thu Phong. Cô dạy Quốc văn, môn tôi thích nhất nhưng nhút nhát tôi cứ uống lời cô giảng mà không dám đưa tay, mắt cứ nhìn dáng dấp mảnh mai trong tà áo dài màu hồng phấn đi lại trên bục giảng...

Lá thư tình đầu tiên tôi chờ là từ hộc bàn, của một bạn ngồi đúng chỗ tôi học lớp chiều. Bạn làm quen với người ngồi cùng chỗ. Đến lớp việc đầu tiên là thò tay vào hộc bàn xem có thư không... Thư qua thư lại rồi hẹn gặp cho biết mặt. Tôi vẫn còn nhớ bạn ấy tên Kim Đính, có mái tóc ngắn xoăn tít. Tôi vẫn nhớ giọt nước mắt của những giờ học đại số đầu tiên, cớ làm sao không cộng dọc như hồi tiểu học mà cứ dàn ngang lạ lẫm... Rồi quen dần, hết sợ, hết bơ vơ. Rồi có bạn thân cùng họ tên Hiếu...

Giờ ra chơi, xiết bao hấp dẫn với chè bột lọc bọc dừa, khoai sắn nóng hổi ở nhà chị Châu cai trường... Giờ ra chơi say mê ngắm một miền kiều mị, mỗi cô một vẻ, mỗi chị một nét yêu kiều. Hơn nửa thế kỷ, nhiều khuôn mặt cũ đã nhòa trong mưa, những cái tên đã mịt mù trong trí nhớ, thầy cô tôi thời ấy vẫn thi thoảng dạo trong ký ức. Họ lướt qua trên hành lang, sân trường, đứng trên bục giảng với phong cách, dáng dấp chuẩn mực của vẻ đẹp người thầy. Sang trọng, đài các như cô Quế Hương, cô Phương Lan... Ôn nhu, hiền hòa như cô Mai Hương, Bạch Hạc, Diệu Tịnh... Nhỏ nhắn dễ thương như cô Ngọc Khuê, Ngọc Mai... Kiều diễm, tươi tắn như cô Bích Đào. Tôi không được học cô nhưng vẫn nhìn theo ngẩn ngơ khi cô đi qua với mái tóc cắt ngắn và nụ cười hoa đào chúm chím. Đóa hoa tươi thắm mong manh ấy là một trong những nữ hiệu trưởng bản lĩnh lèo lái ngôi trường hồng từ 73 - 75, trước khi Đồng Khánh đổi tên.

Tôi vẫn còn giữ cái ảnh chụp chung với cô giáo dạy Triết năm đệ nhất C1. Môn Triết lạ lẫm, hấp dẫn đánh động những ưu tư khắc khoải tuổi 18, tuổi nhiều biến động tâm lý. Giáo sư truyền dạy lại là cô giáo trẻ xinh đẹp có tên Phương Chi. Chúng tôi đi vào thế giới của Đam Mê, Đau Khổ, Khoái Lạc, Vô thức, Tiềm thức... những bí ẩn tâm hồn được giải mã theo những tên tuổi triết gia. Mê Triết, dân C hóa thành phi-lô-dốt(1) hồi nào đọc J. P. Sartre, A.Camus, Phạm Công Thiện, Heidegger... tâm hồn cứ lơ lửng nửa cõi trên, nửa cõi dưới. Viết ngang đây bỗng hiện lên những phi-lô-dốt đáng yêu của nhất C1 hồi ấy, đôi mắt nâu buồn ngơ ngác của Việt Phương, dáng đi lửng thửng của Diệu Thanh, cặp kính cận dày trên gương mặt phớt tỉnh của Hoàng Kim Mai... Cô giáo tôi cũng thật đặc biệt, có lần cô cho ra bãi cỏ học. Tên bài dạy nửa thế kỷ tôi không còn nhớ nhưng trời xanh, mây trắng trên đầu, cỏ mượt dưới chân sáng đó vẫn ở lại trong cõi nhớ của mình. Tôi còn nhớ có lần cô cho về nhà làm một đề triết, bộ môn Tâm lý. Tôi đã viết như trút nhiều trang giấy. Cô bảo với bạn tôi: “Thương trông hiền lành, lặng lẽ thế mà nó viết thật dữ dội...”. Cô thưởng con bé nhút nhát một vòng xe hơi... Ôi cảm giác được ngồi trên xe hơi do cô giáo mỹ miều của mình lái khó mà tả được. Cô không biết vì quá nhút nhát, lạc loài tôi chơi với sách. Tôi đọc cóp không biết bao sách ở những tiệm sách lớn của thành phố. Tôi nhịn ăn sáng dồn tiền mua đọc Hermann Hesse, Hemingway, Remarque... Nhưng có lẽ quyển sách mỏng mảnh có tên “Hoàng tử bé” của S. Exupéry, bản dịch của Bùi Giáng, vẽ hình chú bé cô đơn trên hành tinh của mình mới chạm tới niềm cô đơn vô hạn làm tôi xúc động mãnh liệt. Như đứa trẻ nhà nghèo được nếm miếng chocolat đầu tiên, vị ngọt đắng hảo hạng của ý tưởng và ngôn từ thấm ngay vào tâm thức khiến tôi rùng mình trước vẻ đẹp ẩn mật của văn chương. Tình yêu văn chương bắt nguồn từ sách và người thầy. Tôi yêu văn chương từ bé và càng yêu hơn khi được học với thầy Hà Thúc Hoan hai năm đệ tam C, đệ nhị C. Thầy hiền, trầm tính và còn trẻ nên đi dạy trong một trường nữ toàn “yêu bánh nậm” dễ thương thầy khá bối rối. Học trò nhìn thầy khi nghe thầy giảng còn thầy không nhìn ai cả, chỉ ngước nhìn trần nhà hoặc tường lớp... Thế mà những giọt tinh túy của văn chương Việt qua thầy thấm dần vào tâm hồn những đứa học sinh ban C để mọc lên những mầm mới tinh khôi, nhỏ bé.

Ban C môn học chính là Sinh ngữ nên nằm mơ vẫn thấy thầy sinh ngữ. Nằm mơ trễ học che cặp chạy văng guốc để vượt qua thầy Phạm Kiêm Âu đang đĩnh đạc bước trên hành lang. “Mấy cô cứ xô tui mà chạy. Hễ tui bước qua ngưỡng lớp là... absent!”. Học với thầy kỷ luật chặt như nhà binh từ chỗ ngồi đóng đinh trong bản đồ lớp đến cách trình bày bài làm, cách học thuộc lòng như cháo cả quyển luận Pháp văn dày cộm... Ôi sợ mà vui, nghiêm mà thương mà nhớ mãi. Nhớ dư âm tiếng đập cánh của đàn dơi ngủ quên trong cầu thang tối thức dậy bởi tiếng guốc gỗ rộn ràng. Gương mặt bừng sáng của thầy Lê Quân Thụy khi thầy ló vào lớp tam C1. Thầy bước vào hồng hào, sáng láng như câu thơ học trò gắn vào thầy: “Áng đào kiểm đâm bông não chúng”(2). Thầy không nhớ tôi hồi đi học vì tôi nhút nhát, ít hoạt động nhưng tôi vẫn nhớ mãi đôi mắt biết cười, nụ cười hiền của người thầy dạy Pháp văn mà học trò vẫn gọi là “papa”. Papa rời bục giảng, rời đất nước nhưng không quên một thời Đồng Khánh. Tuổi cao, sức yếu vẫn vượt nghìn dặm nhièu lần để về lại ngôi trường hồng bên bờ sông Hương gặp bạn bè cứ mõn dần và những đứa học trò bé dại ngày xưa giờ đã bạc tóc...

Nhớ tràng “qui sait?” vun vút của thầy Cảnh. Thấy cô nương nào nhìn ra của sổ thầy quất cho một roi “Vous” bất ngờ khiến hồn vía đang trên mây phải rớt xuống lớp chịu tội lơ đãng. Ngoài dạy học thầy còn dịch sách. Tôi vẫn còn giữ tập sách dịch mỏng mang tên “Bông hồng trắng đêm Giáng Sinh” của người thầy hiền lành, lặng lẽ.

Lên đệ tam chúng tôi còn được học sinh ngữ hai, Anh văn với cô Công Huyền Tôn Nữ Quế Hương. Gần nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn thấy cô đứng trước mặt mình với vẻ đẹp quí phái, dáng vóc khỏe mạnh cân đối trong chiếc áo dài cổ thuyền, mái tóc uốn ngửa ra bờ vai. Rời trường, xa đất nước, cô vẫn mang theo Đồng Khánh trong tim, thành người trưởng nhóm Phượng Vĩ ở Houston, làm cầu nối hàng trăm cựu học sinh, giáo sư Đồng Khánh hải ngoại hướng về trường cũ giúp đỡ cựu giáo viên, nhân viên, làm sống lại một thời Đồng Khánh, hàng năm có “mùa tựu trường”, có “lá thư Phượng Vĩ”, cõi hoài niệm của thầy trò Đồng Khánh xứ người.

Thầy cô Đồng Khánh thời ấy thật đặc biệt nên dù học nhiều giờ hay chỉ 1 giờ vẫn không thể quên. Về lại trường, đi qua nơi từng là căn bếp dạy nấu ăn, tôi vẫn nghe thoảng mùi vani của quá khứ. Cô Hoàng Thị Kim Cúc dạy thực hành gia chánh hiện ra trong màu áo khói hương, mặt nghiêm lạnh, tóc vấn trần. Tôi thường nhìn lén cô như để hình dung hồi cô là nàng thơ của Hàn Mặc Tử. Một chút rung động thoáng qua của nhà thơ tài hoa yểu mệnh đã để lại cho Huế bài thơ bất tử “Đây thôn Vĩ Dạ” dẫu nhà thơ, nàng thơ đã thành tro bụi. Thực hành môn gia chánh xong chia nhau thưởng thức những món bánh mứt, món ăn mình làm thật thú vị. Tôi đã học nấu món Huế từ quyển sách dạy những món ăn Huế của cô. Nàng thơ của Hàn Mặc Tử là một phụ nữ Huế mẫu mực, giỏi dang.

1 giờ cho cả 1 đời”, Kim Thoa bạn tôi, một nữ sinh Đồng Khánh tiêu biểu đã nói thế. Bạn giỏi đủ thứ từ 1 giờ ấy. Biết thẩm âm một bản nhạc từ 1 giờ học nhạc với thầy Khuê. Biết vẽ những bức tranh nho nhỏ treo trong nhà từ 1 giờ học vẽ với cô Quỳnh Chi. Biết tự cắt may cho mình chiếc áo vừa ý từ 1 giờ học thêu may với bà Bửu Tiếp. Biết làm bánh mứt từ căn bếp sực mùi vani với giờ thực hành gia chánh của cô Hoàng Thị Kim Cúc. Đúng là một giờ cho cả đời!

Trường Đồng Khánh có nhiều nơi để nhớ trong đó có Phòng Giám thị. Bị gọi vào đó là có chuyện - bảng tên xộc xệch, áo quá mỏng, thắt eo quá, tóc tai bù xù, nghỉ học, trễ học... Tôi còn run khi nhớ lại “tiếng gầm” của bà Tổng Giám thị tên Dần mà học trò thường gọi là bà Cọp. Hôm đó chiếc xe đò Đông Ba - Từ Đàm vừa dừng ngang trường thì trống vào học vang lên. Chạy thục mạng, cổng vẫn lạnh lùng đóng. Ba đứa bạo gan quẳng cặp vào trước rồi leo tường cổng bên. Đang chạy trên hành lang thì bị bà Tổng Giám thị thấy. Bà vừa rượt theo vừa hét đứng lại... Chui tọt vào lớp chưa lại hồn thì bà xuất hiện hỏi có thấy mấy đứa mới chạy vào không. “Dạ không”, lớp đồng thanh trả lời còn 3 con yêu bánh nậm đi trễ răng còn đánh cầm cập. Những “con yêu bánh nậm” Đồng Khánh nếu không có các bà giám thị ấy chắc thành yêu quái! Ra đường một mình thì ra dáng yểu điệu thục nữ mặt nghiêm lạnh, mắt nhìn thẳng, mấy cái đuôi theo có cậy răng cũng không mở miệng nhưng hợp thành bầy thì là nỗi sợ của các ông thầy trẻ. Tôi còn nhớ gương mặt đỏ ửng của thầy Hồ Duy Định. Thầy rất hiền, rất lẻ loi, từ một góc trong phòng thí nghiệm xách cặp đi bộ ra dạy. Thầy đi thong thả, mắt nhìn thẳng bởi nếu ngó xéo, ngó nghiêng là sẽ bắt gặp ánh mắt ranh ma của những con yêu bánh nậm tóc dài áo trắng dễ thương nhưng cực nghịch đặt cho thầy cái biệt danh khó nghe cứ thấy đi qua là gọi. Một lần thấy thầy ở nhà chơi chúng gạ: “Thầy ơi, nóng quá, khát quá, con Thương mặt xanh như tàu lá gần xỉu Thầy nì. Thầy cho hắn cây cà rem giải nhiệt thầy hí!” Không biết thầy có gật không mà tụi hắn đã bu vào như kiến, con Thương nạn nhân chẳng có cây kem nào chỉ có ông thầy hiền khốn khổ méo mặt trả tiền. Sau lần đó thầy chẳng dám đi qua nhà chơi... Thầy Tuyến dạy Lý Hóa trẻ măng, cao kều có màu da cà phê được mấy con yêu bánh nậm ghép với cô Ngọc Mai bé nhỏ có màu da trắng sữa. Từ đó thầy có biệt danh Thầy Cà phê - Sữa...

Nhớ trường, nhớ cả những địa điểm ăn theo như bến đò Thừa Phủ, Đường Anh - Đường Em, phố Bướm Lê Lợi.

Sông vẫn xanh một màu như ngọc. Thuở em về áo trắng nón nghiêng”(3), nhưng bến Thừa Phủ đã hoang liêu vì không còn đôi bờ trắng muốt. Thuyền rồng lòe loẹt đã thay con đò mộc mạc. Nước đã trôi không phải nước ngày xưa nhưng học trò già cứ tần ngần bởi biết đâu thềm đá còn giữ chút rong rêu ngày cũ!

Qua Đường Anh - Đường Em vọng tiếng í ới gọi nhau của Trường Anh Trường Em... Con đường nhỏ thơ mộng vạch ranh giới mong manh giữa 2 ngôi trường hồng lại là gạch nối những mối tình. Ước chi có ngày người ta nhận ra sự thi vị ấy để Trường Em lại sóng đôi bên Trường Anh cách nhau con đường nhỏ...

Và nhớ tiếng guốc gõ mặt đường trưa của các cô Đồng Khánh tan trường trên phố Bướm Lê Lợi.

Giấu nửa vầng trăng sau nón mỏng.
Khép tà áo lụa gió căng tình.
Guốc khua nhỏ nhẹ đường thao thức.
Trưa bỗng dịu dàng “nắng thủy tinh
!”(4)

Không chỉ “nắng thủy tinh” mà còn mưa dầm thúi đất. Huế là xứ Mưa. Dầm mưa đi học. Dầm mưa lội lụt. Dầm mưa thương nhau... Trong màn mưa mọi thứ lung linh hơn. Nỗi buồn tuổi trẻ thi vị hơn. Mưu sinh nhọc nhằn hơn. Nhưng không mưa còn chi Huế. Xâu chuỗi những cơn mưa dầm thành cuộc đời Huế, kết tụ thành tính cách - trầm tư, hướng nội, sống chậm, thương dai!

NHỚ... NHỚ… NHỚ... Nhớ là những gì còn lại của tình yêu. Thời gian mải miết trôi, kỷ niệm là rong rêu ở lại. Le souvenir est nul. Lorsque le temps l’efface. Le souvenir est tous. Lorsque le coeur le garde. Tôi không nhớ nổi tên nhà thơ Pháp ấy nhưng những câu thơ nói hộ lòng mình thì không quên.

Rồi đây trong ngày kỷ niệm 100 năm của mình, ngôi trường hồng sẽ cảm động ôm những đứa con nhiều thế hệ, nhiều phương vào lòng. Những đóa hồng phai cạnh nụ non tơ. Húi cua cạnh tóc dài. Người đã khuất trong lòng người có mặt... Thời gian, khoảng cách không thực có khi có một nơi chốn để từ đó ra đi và trở về, để thương và để nhớ. Về đây nhặt bụi thanh xuân. Về đây tìm lại thời gian đã mất. Về đây thấy tuổi trẻ mình đứng đó ngó mình:

Em hay là tôi,
Cô gái dịu dàng áo trắng
Tóc ngang vai thề hẹn với ai?
Tuổi trẻ tôi vướng trên ghế đá em ngồi
Trong những góc tường rêu phong chuyện cũ
Em tìm giúp tôi tiếng cười một thuở
Lẫn đâu quanh hàng phượng em ngồi
Trong có biếc rắc vàng cúc dại
Tim tím điểm màu hoa bâng khuâng...
(5)

Tôi tin ngôi trường hồng yêu quí không chỉ chạm ngưỡng 100 năm mà sẽ trường tồn cùng Huế thơ mộng, vĩnh cữu. Chỉ có khoảnh khắc được học ở trường là không bao giờ trở lại. Tôi hạnh phúc vì có mặt ở khoảnh khắc đó. Được đeo những bảng tên thay đổi màu chỉ theo cấp lớp. Được học với các thầy cô mà dung mạo lẫn phẩm chất, tri thức đúng chuẩn mực người thầy.

“Không ai tắm được hai lần trên một dòng sông, những đứa học trò nhất C1 ngày nào đã hứng câu ấy từ môi cô Phương Chi trong giờ Triết như hứng một giọt mưa long lanh. Ngọc tan thành nước nhưng khoảnh khắc mưa là ngọc thì vĩnh cữu. Chúng tôi không tìm lại được thời gian đã mất. Nhưng đi qua từng góc kỷ niệm, chúng tôi thấy tuổi trẻ mình đứng đó ngó mình. Mai này nhập vào dòng “Những người muôn năm cũ” hạnh phúc được gửi ở ngôi trường hồng một thời mang tên Đồng Khánh những năm tháng thanh xuân tươi đẹp.

Q.H  
(SHSDB23/12-2016)

--------------
(1) Đọc nhại từ “philosophe” (triết gia).
(2) Câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc.
(3), (4), (5) Thơ Hoàng Thị Thương




 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Tết Xưa (03/02/2017)
Gái Sịa (16/01/2017)