Góc Hoài niệm
Nhà thơ Tường Phong Nguyễn Đình Niên
09:43 | 14/02/2017

TRẦN PHƯƠNG TRÀ

Hồi những năm 1950, làng Trúc Lâm quê tôi thuộc vùng du kích ven thành phố Huế.

Nhà thơ Tường Phong Nguyễn Đình Niên
Nhà thơ Tường Phong

Khi vào học trường Trung học Khải Định (nay là Quốc học Huế), sáng sớm tôi phải đi bộ ven theo sông Bạch Yến từ chợ Thông qua An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, Kim Long Hậu thôn, về bến đò Ba Bến, qua cầu An Hòa rồi đi bộ theo quốc lộ I (nay là đường Lê Duẩn), về Phu Văn Lâu, qua cầu Trường Tiền đến trường Khải Định (trường Việt Anh cũ) ở đường Nguyễn Tri Phương.

Các bến đò trên sông Bạch Yến từ chợ Thông về An Hòa bị cấm chèo từ sáng sớm nên chúng tôi phải đi bộ hơn 10km. Thương con, ba mạ tôi cho tôi về ở Phú Mộng để đi học. Tôi ở nhà ông bà Trần Đệ - Nguyễn Thị Thỏa. Bà Thỏa gọi bên nội tôi là cô ruột. Nhà bà nằm trong một góc vườn nhà cô giáo Lương giáp với vườn của nhà anh Nguyễn Đình Niên.

Sáng sớm Nguyễn Đình Niên cùng chúng tôi đi bộ đến trường. Tôi thân Niên từ dạo đó. Sau này tôi chuyển về ở Kim Long và vẫn học B6, Niên học B5. Những năm học đệ ngũ, đệ tứ, Nguyễn Đình Niên và Nguyễn Đình Tùng đã làm nhiều thơ. Nguyễn Đình Niên ký bút hiệu Tường Phong, Nguyễn Đình Tùng ký bút hiệu Hoài Chi. Yêu thích văn học, chúng tôi tìm đọc nhiều tập truyện ngắn, tiểu thuyết và sưu tầm các tập thơ mới.

Năm 1954, sau khi thi đậu kỳ I trung học nhất cấp (trung học cơ sở ngày nay) vào ngày 28/5/1954, tôi nhận được một bản Chứng chỉ tạm thời do Giáo sư Phạm Đình Ái, Giám đốc Nha học chánh Trung Việt và là Chánh chủ khảo kỳ thi ký. Khi Hiệp định Genève 1954 có hiệu lực, tôi xin phép gia đình ra Bắc tiếp tục đi học và xa Nguyễn Đình Niên từ đó.

Sau này gặp lại nhau tôi vui mừng khi biết Tường Phong Nguyễn Đình Niên đã cho xuất bản tập thơ “Trăng phương Đông”, Nhà in Sao Mai ở Huế in cuối năm 1958. Tập thơ gồm những bài thơ Tường Phong viết từ năm 1953 đến năm 1958. Trong lời Bạt, nhà thơ Thanh Thuyền viết:

“… Người thơ đến với cuộc đời như một vì sao lạ. Lòng thi bỏng cháy ánh sáng của tinh cầu nhưng lại le lói cô đơn. Trên những bến nước ghé qua, bước chân vào cũng hăm hở, nhưng chẳng có khung trời nào giữ lại ánh sao băng. Giấc mộng nào cũng chỉ là cánh bướm huyền thoại, và hạnh lý chỉ còn là những hàng thơ trác tuyệt.

Người thơ nguyện đến với đời mà phải ở trọn trên biên thùy cô độc. Lòng con ốc nhỏ nghìn đời ủ ấp sức sống dạt dào của đại dương!

Người thơ đến với chúng ta như một vì sao lạ. Nhưng “Trăng phương Đông” còn để lại trong lòng ta một lối bước hoa đào”.

Nguyễn Đình Niên sinh ra trong một gia đình có truyền thống thi thư. Ông cố là Nguyễn Đình Giản đỗ Cử nhân năm 1882 dưới thời vua Tự Đức nhưng không ra làm quan. Ông nội là Nguyễn Đình Sách ẩn cư và dạy học. Ông ngoại của Nguyễn Đình Niên là anh ruột của Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng. Chú của Tường Phong là nhà thơ Nguyễn Đình Thư mà Hoài Thanh - Hoài Chân đã giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam”. Nguyễn Đình Thư vừa xuất bản tập thơ “Hương màu” thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ và tiếp đến là cuộc kháng chiến. Ông hăng hái tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và bị thực dân Pháp bắt giam, phơi nắng ở sân Tòa khâm sứ (nay là địa điểm trường Đại học Sư phạm Huế, và rồi bị Pháp thủ tiêu. Sau này, Nguyễn Đình Thư đã được truy tặng Liệt sĩ thời kháng chiến chống Pháp.

Trong đặc san kỷ niệm 100 năm Quốc Học và 80 năm Đồng Khánh xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1996, Giáo sư Võ Long Tê, đã từng dạy ở trường Trung học Khải Định có bài viết giới thiệu và trích tuyển thơ Tường Phong. Võ Long Tê viết:

“Xuất thân trường Trung học Khải Định, Đại học Huế và Đại học Sài Gòn, Tường Phong có học vị Cao học văn chương Việt Nam với tiểu luận xuất sắc đệ trình Đại học Văn khoa Sài Gòn: Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử.

Noi gương thân phụ, Tường Phong chọn nghề thầy, dạy văn chương bậc trung học tại Huế và Nha Trang. Cuối năm 1969, Tường Phong được thuyên chuyển về Huế, làm giáo sư văn chương trường Nữ trung học Đồng Khánh; đồng thời, Đại học Huế mời phụ trách môn Văn chương hiện đại tại các phân khoa Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa. Các thủ tục hành chính đang tiến hành nhằm thuyên chuyển Tường Phong vào giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn thì giải phóng 30 tháng 4 năm 1975”.

Giáo sư Võ Long Tê đã được đọc hơn 120 bài thơ của Tường Phong sau “Trăng phương Đông” và ông viết:

“Thú vị của khách yêu thơ là khám phá ý nghĩa của các biểu tượng. Đọc thơ Tường Phong, thiết tưởng hãy vượt quá ngôn từ, vượt quá các dấu hiệu tưởng chừng như tối nghĩa hay khó hiểu. Thơ của Tường Phong không phải là ẩn ngữ, nhưng chính là một thông điệp dành cho tâm hồn tri kỷ”.

Nguyễn Đình Niên đã nghiên cứu sâu về Hàn Mạc Tử và viết luận văn “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử”. Với những liệt kê cụ thể, anh cho rằng Hàn Mạc Tử không phải là Hàn Mặc Tử. Giáo sư Lê Văn, nguyên Khoa trưởng trường Đại học Sư phạm Huế trong Lời tựa cuốn sách nói trên xuất bản bởi Southeast Asian Culture and Education (SEACAEF) năm 2009 có kể lại: “Vào cuối thu năm 1965, Nguyễn Đình Niên được tái kiến ân sư Nguyễn Khắc Hoạch khi Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch vừa nhận chức Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn. Thầy, trò gặp nhau tại văn phòng khoa chưa tròn 5 phút. Thầy Hoạch đã khước từ “Tôi bận”; lần thứ hai cũng vào tiết thu 1966, cũng lại bị khước thứ “Tôi bận”; cho đến lần thứ ba cũng vào khoảng mùa khai giảng 1967, thầy vì khước từ “Tôi bận”, trong 5 phút diện kiến, thầy Hoạch bỗng hỏi ngang: “Ngày việc đi dạy, anh có làm nghề gì nữa không?” Nguyễn Đình Niên khiêm tốn đáp: “Dạ, thưa thầy, con có đăng thơ trên báo! Thưa thầy, hồi trước con có gởi tặng thầy tập “Trăng phương Đông” đó!” Đôi mắt xuất thần của thầy Nguyễn Khắc Hoạch như chiếu sáng vào Nguyễn Đình Niên, thầy liền vỗ bàn và nói lớn: “A! Tưởng ai chứ “Trăng phương Đông” thì ta đỡ đầu cho cậu!” Thế là Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch ký ngay Phiếu bảo trợ luận văn Cao học của Nguyễn Đình Niên tại Đại học Văn khoa Sài Gòn, với đề tài “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử” với lời ghi chú “Cho trình sớm hơn luật định vì đề tài đã được suy nghĩ lâu rồi!”

Nguồn mỹ cảm thi ca của Nguồn thơ bỗng như cung đàn ngân lên thành điệu hòa bình lấp lánh:

“A! Tưởng ai, chớ “Trăng phương Đông” thì ta đỡ đầu cho cậu!” như chính Trần Hồng Châu - bút hiệu của Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch - thoáng mơ về “kỷ niệm” với Tường Phong - bút hiệu của Nguyễn Đình Niên:

Trăng mơ suối cảm đầy vơi
Còn vương trang sách một lời hoa khô.
Tóc xanh đan mấy vần thơ
Còn dư một nắm mộng hờ nhân gian

            (Trần Hồng Châu - Tro tàn kỷ niệm).

Trải qua nhiều biến cố trong chiến tranh, mãi đến ngày 31/7/1973, Hội đồng giám khảo gồm có Giáo sư Linh mục Thanh Lãng, Giáo sư Phạm Việt Tuyền, Giáo sư Trần Đức Rật mới được khai diễn để Nguyễn Đình Niên trình bày tiểu luận Cao học: “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử”. Hội đồng đã tuyên bố kết quả: Nguyễn Đình Niên được cấp bằng Cao học Văn chương Việt Nam tại Đại hội đồng Văn khoa Sài Gòn với hạng “Ưu”. Trong phần Kết luận, Nguyễn Đình Niên viết:

“… Tóm lại, thơ Hàn Mạc Tử trước tiên là chứng tích trung thực nhất những trạng huống đau thương của kiếp người. Khổ đau về thể xác với sự dày vò của con bệnh nan y, dìm thi sĩ vào những biến chứng quần quật bi thiết. Khổ đau về tinh thần trong những dày vò nội tâm, vùng vẫy tìm cách vượt thoát ra khỏi những cảnh huống bất trắc thê thảm. Thi sĩ cuồng nộ phản kháng bằng tất cả hiện hữu của mình để làm rõ ra cái ý thức muốn được sống, trước bao nhiêu đau thương phi lý mà thi sĩ đã chịu đựng.

Ngoài ra, thơ Hàn Mạc Tử còn là dấu ấn mãi mãi giữ vẹn nét son của một người suốt đời đã sống cho thơ, chết vì thơ…”.

Tháng 8 năm 1954, sau Hiệp định Genève, Nguyễn Đình Tùng và tôi ra Bắc. Sau này chúng tôi đã tìm thăm lại bạn cũ trong đó có Nguyễn Đình Niên.

Khi đi dạy học, Tường Phong hết lòng chăm sóc mẹ già và em gái bị bệnh. Sức khỏe của anh bị giảm sút. Anh không lập gia đình, sống cô đơn.

Nghe tin Huế bị lụt, tôi nghĩ đến căn nhà của anh nằm trong vùng trũng của Thành nội, tôi nhiều lần gọi điện cho anh. Trong một lá thư, Tường Phong viết:

“Độ này Niên bị khổ vì cái bệnh loát bao tử hành hạ. Độ này ngày ở Huế mưa bão thì buồn và sợ lắm. Già yếu - bệnh tật. Trời đất trở trời luôn hành con người cùng “chuyển động” theo, chẳng có gì vui”.

Khi cơn bão số 8 đổ vào miền Trung, nghĩ đến Tường Phong, tôi rất thương bạn, giành tình cảm viết tặng bạn bài thơ “Một kiếp phiêu bồng”.

Với niềm xúc động, tôi đọc qua điện thoại cho Tường Phong nghe:

MỘT KIẾP PHIÊU BỒNG

Tuổi hai mươi anh mơ theo trăng:
Trăng xanh, trăng ngà, trăng ước thệ
Trăng rất vàng son… sao đẹp thế!
Tơ trăng, rằm trăng… mỏng trăng huyền…
“Lưu ly buồn nghiêng mây sơn xuyên”
(*)
“Trăng phương Đông” bát ngát hồn thi sĩ
Tiếng thơ ngân giọng buồn thủ thỉ
Thi phẩm chào đời thuở hăm hai…
Bảy mươi năm… ngoảnh quãng đường dài
Miên man muôn thuở còn si đắm
Lòng trót gửi sông hồ, núi thẳm:
“Gian truân là nghiệp nhà thơ
Bay qua tường đỏ tương tư lá hồng”…
(*)
Chớp mắt tròn một kiếp phiêu bồng
Thấm nỗi cô đơn nơi Thành nội
Gian nhà chật không sao chứa nổi
Giấc nồng say trở lại ngọn nguồn…

                        Hà Nội, 4/11/2005

Năm 2007, những người học trò cũ thân thương của Tường Phong đã nhiệt tình giúp đỡ thầy giáo cũ in tập thơ “Thơ của người cô độc” ở Nhà xuất bản Thuận Hóa. Lê Văn Lân, trong lời Tựa của tập thơ nhấn mạnh:

“… Thật ngạc nhiên, một cuộc đời cô độc vẫn có thể là bệ phóng của rất nhiều cảm xúc thăng hoa về tình yêu và cuộc sống. Tập thơ này, vì thế có thể xem như món quà quý mà ông đã chắt lọc từ những năm tháng truân chuyên của đời mình để dành tặng cuộc đời.

Trong sự hiến tặng đó, Tường Phong không còn cô độc nữa”.

Lê Văn Lân đã nói hộ chúng ta điều đó.

Hà Nội, tháng 5 năm 2016
T.P.T  
(SHSDB23/12-2016)


 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Tết Xưa (03/02/2017)
Gái Sịa (16/01/2017)