Góc Hoài niệm
Vùng ký ức
08:03 | 28/03/2017

HỒ QUỐC HÙNG
(Thân mến tặng các bạn lớp Văn K9 - Đại học Tổng hợp Huế)

Ai cũng có kho ký ức riêng cho chính mình như một thứ tài sản vô hình. Ký ức lại có những vùng tối, vùng sáng và lúc nào đó bất chợt hiện lên, kết nối quá khứ với hiện tại, làm cho cuộc sống thêm ý vị.

Vùng ký ức
Các sinh viên Văn K9 (từ sau ra trước: Nguyễn Tài Ba, Nguyễn Thành, Nguyễn Tiến Đạt, Đào Tâm Thanh, Lê Xuân Lãm) trên đường đi thực tế ở xã Hồng Bắc (A Lưới) năm 1987.

Càng hoạt động nhiều, càng lắm kỷ niệm, rồi tất cả cũng “để gió cuốn đi”. Càng có tuổi, càng hay hoài niệm. Những lúc đó chỉ còn biết gửi gió chút tri âm đến phương trời xa, dõi theo dấu chân của các bạn đến muôn nơi. Tôi hy vọng khi bài này đến tay các bạn là vừa tròn 30 năm, đánh thức một chút ký ức đẹp. Hôm tôi gửi mấy tấm hình chụp đợt đi điền dã ở A Lưới thời ấy cho Hồ Đăng Thanh Ngọc(1), Ngọc ồ lên sung sướng. Vậy là vùng ký ức của bạn bừng sáng. Mong rằng cảm xúc đó đến với tất cả các bạn khi đọc lại những dòng kỉ niệm này.

Ngày ấy, tôi mới ngoài 30, các bạn bước vào tuổi đôi mươi, ở cái tuổi ấy, bây giờ người ta phương phi lắm, còn chúng ta lúc ấy, dẫu có nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng nhìn kỹ đều gầy ốm do thiếu dinh dưỡng. Được cái là tất cả còn trẻ và hăng. Ở cái xứ sở ngoài học đường chẳng biết làm gì, đôi khi gặm nhấm chút cô đơn, mơ mộng để gầy dựng hoài bão, nuôi chí khí, có lẽ chất Huế là vậy. Hằng năm, Khoa vẫn tổ chức cho sinh viên đi điền dã, chủ yếu sưu tầm Văn học dân gian các địa phương. Điểm lại, hầu như các địa bàn thuận lợi, các khóa trước đã đi hết rồi. Lần này, tôi tính phải đi xa hơn, khó hơn, đầy thử thách hơn. Vì thế địa bàn nhắm đến là miền núi nơi cư trú cộng đồng các dân tộc Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Koh. Ý tưởng này thôi thúc tôi từ sau những hội thảo Khoa học về vấn đề bảo tồn, bảo tàng văn hóa của các địa phương từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Người gây men là GS Nguyễn Quốc Lộc, bấy giờ là Hiệu phó Trường Đại học Tổng hợp Huế, cùng Khoa Sử đào xới khá nhiều miền núi vùng Trung trung Bộ, dĩ nhiên theo mục tiêu của dân tộc học. Thêm nữa, từ năm 1978, khi có dịp được xưởng phim truyện Việt Nam mời tham gia đóng phim(2) ở vùng này, tôi đã để ý và nuôi mộng một ngày nào đó sẽ quay lại tìm hiểu. Chuyện dài lắm. Chỉ biết lần ấy ngồi suốt 10 ngày thực hiện các phân cảnh ở Tà Rụt, sau đó mới đến phân cảnh của tôi tham gia quay ở Khe Sanh. Chờ mãi không được vì mưa đành về lại Huế để còn lên lớp. Cũng nhờ vậy tôi có dịp khảo sát không gian đầy bí hiểm của núi rừng A Lưới. Đi điền dã đồng bằng đến với người Kinh thì quen thuộc quá, ở rừng thời chiến tranh tôi không lạ, nhưng thâm nhập vào tộc ít người quả là mới mẻ, một thách đố cho cả thầy và trò lần này. Khao khát ấy thôi thúc tôi mãnh liệt. Tuổi trẻ đều có máu như vậy.

Thế là kế hoạch hình thành, tôi trình lên Ban Chủ nhiệm Khoa, thầy Nguyễn Văn Hòa và thầy Nguyễn Đình Thảng chấp nhận ngay. Tôi khăn gói lên đường tiền trạm. Đây là khâu quan trọng cho một trận ra quân. Sau khi gặp đồng chí Vinh - Bí thư Huyện ủy, tôi thấy ông vừa ủng hộ, nhưng lại tỏ ra hoài nghi, ái ngại. Điều đó hiểu được vì anh vốn nhà giáo quê ở Phú Lộc, lên công tác trên này, hiểu cặn kẻ những khó khăn của người dân, sợ các cô cậu sinh viên chân yếu, tay mềm không kham được cuộc sống ở núi rừng A Lưới. Sau đó lại còn nghe thêm đồng chí Thường vụ Huyện ủy người Vân Kiều phụ trách Văn hóa - Xã hội nói hết khó khăn của nhân dân trong vùng, thì lui tới là thiếu ăn, thiếu mặc, đâu chả nói như vậy. Cho nên tôi quyết định thâm nhập trước để nắm tình hình. Hôm sau, tôi bám xe con một đồng chí trong huyện ủy về xã Hồng Hạ thám sát. Anh ta người Vân Kiều khá vui tính, trên xe, anh kể đủ chuyện về nếp sinh hoạt, cách bày tỏ tình yêu đôi lứa của con trai, con gái Vân Kiều… Trưa ghé nhà dân và được ăn bữa cơm với dân bản. Đấy là bữa cơm thử thách đầu tiên đối với tôi. Thức ăn chỉ độc món canh cà nấu với mắm pò hóc. Nghe đã lâu giờ mới thực sự đối đầu với món ăn này. Vì thiếu muối khi làm mắm nên xác cá, nhái phân hủy, mùi nặng gắt khó chịu vô cùng. Khi sử dụng, người ta đánh trong nước như ruốc. Đúng là sợ, đành phải giả vờ mệt, ăn vài lát cà chứ đâu dám chan canh vào cơm. Không hiểu, liệu sinh viên có thích nghi nổi không. Sau đó, tôi đi tiếp vài điểm nữa, cuối cùng chọn 4 xã: Hồng Thủy, Hồng Bắc, Hồng Quảng, Hồng Hạ làm địa bàn khảo sát cho sinh viên K9. Những điểm này gần lộ, tiện cho sinh viên trong sinh hoạt. Duy nhóm Hồng Thủy hơi sâu, cách đường cái vài km. Tất cả được tôi mô tả, ghi chép đầy đủ cộng một chút trải nghiệm để về có cái báo cáo, đúng hơn là lên dây cót cho sinh viên. Lớp K9 chỉ hơn 20 sinh viên, thời ấy các lớp Văn - ĐH Tổng hợp Huế chỉ trên dưới con số 20 một chút. Được cái sau khi nghe báo cáo, các bạn đều náo nức lên đường nên cũng yên tâm dù phía trước đầy giẫy thách thức chờ đón.

Hai chuyến xe đò lặc lè leo dốc tiến vào thị trấn A Lưới vào buổi xế trưa sau khi vượt qua khoảng 200km, theo lộ trình từ Huế ra Đông Hà, lên đường 9 Nam Lào rẽ sang cầu Đakrông thêm ngót trăm cây, lên đèo, xuống dốc thật vất vả. Vì tôi đã đi trước đó chờ đón đoàn nên mọi việc triển khai khá suôn sẻ. Tôi mượn được chiếc xe con của huyện chở các nhóm về các địa điểm đã chọn. Cả lớp chia ra, tổng cộng khoảng 5 nhóm, rải trên địa bàn thung lũng A Lưới kéo dài trên 10km. Tất cả hối hả, bỡ ngỡ nhất là các cô gái dù mệt cũng đã bắt tay vào công việc ngay. Tôi bám theo nhóm Hồng Thủy do Hồ Văn Hải lớp trưởng(3) làm thủ lĩnh cắt rừng đi sâu vào khoảng gần 5km thì đến bản nhỏ chừng năm hay sáu nhà sàn. Tất cả lặng lẽ trong thâm u núi rừng. Bà con nhìn thầy trò không vồn vã như ở dưới xuôi, đầy bí hiểm, khiến nhiều bạn e dè. Mãi đến trưa vẫn không thấy động tĩnh gì. Cái đói bắt đầu lên tiếng. Tôi và Hải bèn rủ nhau thị sát xung quanh và phát hiện chòi chứa bắp bèn nảy ý hỏi mua để nấu dằn bụng cho mọi người. Rất may, ngoài vẻ lạnh lùng ấy, bà con vẫn lặng lẽ nấu cho bữa cơm đạm bạc. Vậy là nhóm vượt qua thử thách thứ nhất. Chiều đến, mấy bạn trai ra suối thám sát rừng núi, quay về mặt mày hí hửng vác mấy dò phong lan rừng đẽo trên thân cây với ý định mang về thành phố làm quà. Không rõ về sau có mang được không hay trả về lại với rừng núi. Tối hôm đó thử thách lần hai cứ y như trong truyện cổ tích. Thoạt tiên, Hải cho biết Già Làng mời thầy ra uống rượu. Hồi ấy tôi mới ra viện chưa thực sự hồi phục nên thường né tránh những tiệc nhậu bèn bảo Hải tự nhận với các già là đoàn trưởng luôn đi. Lúc sau, Hải vào bảo thầy phải ra vì các Già Làng nói trưởng đoàn phải là ông kia (chỉ tôi, lúc ấy đang ở trong nhà cùng các bạn). Vậy là không qua mặt được các cụ. Tôi ngờ chắc bà con bị ảnh hưởng người Kinh chứ thường họ rất dễ tin, người miền núi nói sao nghe vậy. Cũng có thể họ có thói quen cho rằng ai lớn tuổi mới là thủ lĩnh. Rồi cũng qua. Nhưng chưa hết, đêm đó thầy trò bị biến thành bữa tiệc cho lũ rệp, vết nào vết nấy đỏ bầm bằng đồng xu. Vốn từng ở rừng núi, để tránh côn trùng, tôi tự chế kiểu nằm kỳ quặc, lưng nằm trên cái hòm, đầu gối lên một ba lô, chân gác lên một ba lô nghĩa là nằm trên ba điểm tựa. Và dĩ nhiên trằn trọc suốt đêm. Các bạn trẻ lăn ra ngủ, có người hăng lên, còn cởi trần cho mát. Sáng ra, Toán chìa tấm lưng với hàng chục vết cắn của rệp. Ai từng bị rệp cắn mới hiểu được vừa ngứa, vừa nhức thật khó chịu. Điên tiết, thầy trò làm một cuộc tảo thanh, lần mãi đến khi dỡ mép sàn bằng tre sát vách thì kinh hoàng thấy rệp bò lổm ngổm thành đoàn như kiến. Thế là phải tìm cách sống chung với lũ chứ biết làm sao được. Đến chiều hôm sau, tôi phải quay ra để còn đến các nhóm khác xem triển khai công việc thế nào cho kịp điều chỉnh. Trời chập choạng tối, chưa biết đi thế nào thì thấy ba người đàn ông vốn ở Hồng Nam sang chơi từ hôm trước quay về, tôi xin bám theo. Cả ba còn nồng nặc mùi rượu lầm lũi đi, người đi trước cầm ná cắm sẵn mũi tên, người sau cùng vác trên vai bó mây, thay vì cuốn lại cho gọn, anh ta thả và kéo đi nghe rào rào cũng vui tai. Cách hơn 2km, trời sập tối, chúng tôi xuống khe lội sang bên kia bờ. Vừa chạm nước, một cảm giác ớn lạnh không phải do nước mà mùi khét nồng xông lên. Tôi biết ngay là cọp luẩn quẩn đâu đây trong những bụi chuối dày đặc ven suối. Chợt nhớ hôm đi tiền trạm, có nghe tài xế kể lần gặp cọp trên dốc khi xe rồ máy chạy lên, nó đứng nhìn và rút lui vào rừng. Không hiểu hư thực thế nào nhưng càng khiến cho da gà nổi lên, miệng cứng không dám kêu, chỉ đẩy người đi trước vượt qua khe, nhanh lên dốc. Lên bờ bên kia, thấy ánh sao, tôi vừa thở dốc do hồi hộp vừa bảo: “cọp”. Người đàn ông đi đầu bình thản nói: “Hắn đó, thỉnh thoảng ra đấy uống nước”. Hú vía, biết đâu nó nhè vào thằng thơm thịt như mình tóm cổ giống như đám rệp kia làm bữa tiệc trên lưng thầy trò tối qua là mệt. Sau mới biết anh thanh niên đi sau nhóm kéo bó mây soàn soạt là cách đánh động cho thú rừng biết có người để tránh. Đúng là “đi chặng đường học sàng khôn”. Sau đó còn vài lần tôi phải đi trong cảnh sập tối băng qua những trảng vắng đến các nhóm cho kịp tiến độ mà vẫn nổi da gà mỗi khi nghe tiếng động trong các lùm, bụi phát ra.

Những ngày tiếp theo là cuộc rong ruổi từ nhóm này sang nhóm khác. Tính ra cuốc bộ ngày trên dưới 10km dưới cái nắng oi ả của núi rừng. Đến mỗi nhóm, việc đầu tiên là nghe cách báo cáo các bạn làm và xem tình hình ghi chép tài liệu thu thập, đánh dấu những chỗ đáng lưu ý. Qua quan sát thấy các bạn thông minh, nhạy bén, kỹ năng quan sát, ghi nhận tốt. Tôi vui vì công việc đi đúng ý đồ chỉ đạo và cũng vì được học ở các bạn nhiều điều. Nói thêm cho vui, dịp đi ấy, tôi mượn được khẩu súng thể thao bắn đạn nổ (không phải súng hơi) lại còn xoay được hai hộp đạn, loại đạn này chỉ có Sở Thể dục Thể thao dùng để huấn luyện cho vận động viên bắn súng. Nhất cử lưỡng tiện. Đi một mình lầm lũi đường rừng, thấy có chim là bụp vài con, khi đến các nhóm đều có chút cải thiện. Xứ rừng núi này lắm chim cu. Hôm đến một nhóm ở Hồng Bắc, băng qua trảng để vào làng thấy gần đấy có cây to và cu đậu nhiều cách khoảng 30m. Tôi quan sát kỹ và giương súng ngắm vào một con ở chỗ khuất chạc ba (nhánh ba), vì không có điểm tựa nên nâng súng kiểu cao bồi Mỹ mà không dám tin là trúng. Súng nổ, bầy chim bay vọt lên đến trên đầu tôi thì đột nhiên một chú chim xòe cánh chao qua, chao lại, vặn mình, ngoẹo cổ và rơi bịch trước mặt. Sau đó thầy trò còn rủ các bạn mò ra bìa làng bắn thêm mấy con nữa, vậy là có chút cải thiện. Nhóm này toàn bọn con trai, đúng là ngũ quỷ. Xem lại tấm hình có Thành, Đạt, Thanh, Lãm, Ba, một bạn ôm con bê rất ngộ nghĩnh. Cũng chuyện cải thiện này, hôm đến nhóm Lương Bích Ngọc(4), sau khi làm việc xong, Ngọc mật báo cho biết trong làng vừa săn được heo rừng. Tôi bảo Ngọc ra đàm phán mua một ít về cải thiện. Lúc sau trở về, trên tay Ngọc có một cục thịt bé bằng nắm tay, bảo người ta không bán mà chỉ cắt cho miếng ngần này. Chắc người ta nghĩ có mỗi mình Ngọc nên chỉ cho có vậy. Đành nấu cháo mấy thầy trò xì xụp.

Nói chuyện tác nghiệp, hôm đến nhóm của Đức Nam(5) ở xã Hồng Hạ, thấy các bạn hào hứng nhưng căng thẳng vì chưa thu thập được bao nhiêu. Hóa ra các cô, cậu sáng kiến mượn phòng học gần đấy, mời bà con ra phỏng vấn như đi hỏi cung. Nhiều người mặt “xanh như đít nhái” chẳng biết mô tê gì cả nên chẳng thể nói được điều gì. Mọi việc được chấn chỉnh ngay. Sau đó, đêm đêm các bạn về từng nhà, cùng sinh hoạt với dân mới sưu tầm được. Trong những ngày đó, một điều luôn canh cánh trong lòng, vấn đề không chỉ là phương pháp ghi chép mà phải giúp các bạn truy tìm thông tin có giá trị khoa học. Còn nhớ hôm ở nhóm Hồng Bắc, tình cờ nghe Đạt và các bạn mô tả cách sinh hoạt cũng như để ý thái độ cảm xúc của người dân khi đọc, kể cho sinh viên ghi chép, tôi chú ý đến tình tiết một người đàn ông người Pa Koh nào đó trong trạng thái bức xúc đã buột miệng: “Nhiều khi miềng (mình) bực lắm, muốn về quê ở dưới xuôi thôi.” Thoạt tiên nghĩ họ là người Kinh lên vùng kinh tế mới nhưng rõ ràng là người Pa Koh hẳn hoi với gương mặt điển hình của người Indonesien. Một ý nghĩ lóe lên, phải chăng có điều gì ẩn náu đằng sau cách thổ lộ này. Đấy có phải là biểu hiện của tâm lý tộc người mà nhiều nhà dân tộc học phương Tây trước đây từng khảo sát ở Tây Nguyên đầu thế kỉ XX đã đề cập đến. Mấy hôm sau, qua ánh lửa bập bùng, tôi quan sát vẻ mặt khác lạ của người đàn bà trạc 50 tuổi người Pa Koh, ánh nhìn của đôi mắt khá sâu, ẩn chứa nhiều bí ẩn. Nghe đâu loáng thoáng, người đàn bà này gốc Kinh. Những dữ liệu trên có liên quan gì đến người Bahy vốn được cộng đồng các tộc người ở khu vực này vẫn xem là người Kinh. Tất cả thắc mắc này, tôi đưa ra trao đổi với nhóm, nhất là sau khi xem kỹ tư liệu còn phát hiện một số huyền thoại về cuộc ly loạn của người Pa Koh... Dần dần các mắt xích kết nối rõ hơn. Các huyền thoại đều kể về một nhóm người Kinh ở dưới xuôi vì lý do nào đó đã phiêu bạt từ Phong Điền (có địa danh tên Xóm Mít - được người dân nhắc tới) chạy ngược lên Trường Sơn theo sông Bồ hoặc sông Đakrông sang tận Tu vang axeng (nay thuộc tỉnh Xavanakhet của Lào) rồi quay về tụ tại thung lũng A Lưới. Sau đợt điền dã, tôi khẩn trương bắt tay nghiên cứu và cố giải mã những nghi vấn trên. Vì sao Pa Koh không phải là tộc danh theo cách đặt truyền thống của cộng đồng bản địa ở đây mà chỉ có nghĩa là người phía núi. Căn cứ vào các thư tịch từ thế kỉ XV và XVIII(6), có thể hình dung ra, người Pa koh vốn là một bộ phận người Kinh sống ở xuôi, phiêu dạt lên dãy Trường Sơn và trở thành một tộc người mới cùng chung sống với dân bản địa. Về sau, qua GS. Từ Chi, tôi mới hiểu số phận trầm luân của một số tộc người Tây Nguyên hiện nay đều có lịch sử ly loạn như vậy. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Từ những ý tưởng này, tôi đã viết thành bài “Từ những truyền thuyết Pa Koh” đăng trên Tạp chí Sông Hương số 37. Về sau nghĩ tiếp, có thể nhóm người này dạt lên Trường Sơn, một bộ phận bị đồng hóa bởi người bản địa (Vân Kiều, Tà Ôi) được gọi là người Pa Koh. Trong tiến trình ấy, có nhóm khác tách ra, giữ được gốc Kinh ít nhiều về sau được gọi người Bahy. Ý tưởng này tiếc là chưa được đưa vào bài viết, vả lại cần có khảo sát sâu hơn trên nhiều phương diện khác. Đấy là thành quả có ý nghĩa về khoa học của tôi và các bạn Văn K9 trong đợt thực tế này. Bài này trước khi gửi Tạp chí Sông Hương, được tôi trình bày như là bài học tác nghiệp sinh động cho lớp Văn K10 năm sau đó trước khi chúng tôi ra quân đi điền dã ở Triệu Hải (Triệu Phong - Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị). Có thể nói đấy là những trải nghiệm quý giá cho sinh viên mà theo tôi với K9 thực sự đã đi vào chiều sâu, bổ ích cho việc khởi nghiệp về sau của các bạn.

Quay trở lại đoạn cuối chuyến thực tế. Sau hơn nửa tháng điền dã, các nhóm lục tục kéo về Huyện ủy A Lưới để chuẩn bị rút quân về xuôi. Tất cả hồ hởi với những thành quả thu được. (Tiếc là chúng tôi không có kinh phí để soạn thành sách, in). Nắng khét của núi rừng Trường Sơn xua đi nét ẻo lã, thư sinh của nhiều bạn. Chỉ cần một chuyến xe chạy sau 5 đến 6 giờ là tất cả trở về trường. Nhưng thật oái oăm, tiền sinh hoạt, kể cả dự trữ đều cạn sạch, không còn nhóm nào đủ tiền lấy vé xe cả. Cái khó ló cái khôn, tôi bàn với lãnh đạo lớp phương án khá táo bạo, về sau ngẫm lại thấy hóa ra thầy trò đều có tư duy cơ chế thị trường ra phết. Nói đúng hơn đấy là sự phá rào. Về sau cũng có ý kiến chưa hẳn đồng tình. Nhưng biết làm sao được trong tình thế này. Ấy là việc tổ chức chiếu video lấy tiền mua vé xe. Bấy giờ dịch vụ chiếu video nở rộ ở dưới xuôi, nhiều cơ sở ăn nên làm ra. Tôi vội vã ra đón xe về Đông Hà hơn 100km. Sau khi thỏa thuận với một đơn vị dịch vụ video ở đấy theo phương thức ăn chia 6/4. Một chuyến xe jep cấp tốc quay lại A Lưới với loa, máy, đầu video và TV ngay hôm đó. Việc mượn hội trường Huyện ủy cho dịch vụ video chóng vánh được văn phòng Huyện ủy chấp nhận. Hôm sau, các bạn hối hả phân công nhau làm vé và quảng cáo xem phim. Ở phố Núi hẻo lánh, mấy ai tổ chức việc này, cho nên đây là sự kiện lạ đối với vùng A Lưới. Bà con náo nức rủ nhau đi xem khá rôm rả. Sau hai ngày chiếu liên tục, đoàn tức khắc giải quyết khâu vé xe, lại còn đủ tiền tổ chức một bữa ăn tươi rất xôm. Đấy là một trải nghiệm thú vị. Còn nhớ hôm đó, sau khi đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách Văn hóa - Xã hội đến chia tay đoàn xong thì quay về, từ chối dự liên hoan. Tôi hiểu tâm trạng này, huyện nghèo lấy đâu ra kinh phí chiêu đãi đoàn… Tuy vậy, tôi vẫn cố tìm đến nhà anh một lần nữa mời cho yên tâm. Đứng ngoài cửa ngôi nhà xập xệ, nhìn vào thấy người đàn ông gầy còm, áo rách hở tấm lưng đen sạm đang lúi cúi giã sắn luộc với muối ớt cho bữa trưa. Chạnh lòng, tôi cởi tấm áo đang mặc, khoác vào cho anh (áo bay của Liên Xô hồi ấy rất mốt). Quay trở về hội trường mặc áo may ô (áo lót 3 lỗ) vào dự tiệc cùng mọi người mà không kể cho ai hay về việc này. Lòng bâng khuâng khó tả trước lúc từ giã chốn núi rừng với bà con còn quá nghèo, quá đỗi đôn hậu.

Chuyến điền dã đầy phiêu lưu, hứng thú kết thúc. Nhiều năm sau với tôi vẫn còn để lại dư vị ngọt ngào. Về sau khi vào Nam có dịp được mời dạy cho Đại học Tây Nguyên, tôi tìm đến các buôn làng người Êde, Bana, thấy hiện lên hình ảnh người anh em núi rừng Trường Sơn phía Bắc Vân Kiều, Pa Koh đều cùng cốt cách, cùng gương mặt ấy. Hôm tiễn tôi về Sài Gòn, lớp tặng tấm áo người Êde mặc làm kiểng, lại chạnh nhớ tới tấm áo ngày trước đã tặng cho đồng chí cán bộ A Lưới. Áo nào cũng thấm đượm ân tình với đồng bào Tây Nguyên và dọc dãy Trường Sơn của đất nước.

Mấy năm qua có dịp gặp các bạn ở Huế trong những lần thỉnh giảng cho Đại học Huế, thỉnh thoảng những mẫu kí ức lóe lên, chắp nối lại, đẹp lắm. Hơn hai mươi năm trước, lần dẫn đoàn sinh viên Khoa Văn Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh ra miền Trung thực tế, tôi đánh bạo đưa cả đoàn 3 xe ca lên đường 9, dừng ở cầu Đakrông chụp hình rồi dông tuốt Lao Bảo. Lòng nao nao nhớ lại cung đường năm nào rong ruổi cùng với Văn K9. Một điều thú vị là sau khi về lại Sài Gòn, báo Tuổi Trẻ có đăng bài của Lê Đức Dục(7) K10 viết về đoàn thực tế sinh viên Khoa Văn Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Bài viết có nhắc đến một tình tiết làm tôi xúc động. Số là hồi đưa sinh viên K9 đến A Lưới, qua tài liệu ghi chép của các bạn, tôi nhặt ra một câu dân ca Vân Kiều, đại ý nói tâm trạng lưu luyến chia lìa đôi lứa đã dùng hình ảnh sừng bò làm biểu tượng “Ôi hai ta như đôi sừng bò (trâu) luôn hướng vào nhau nhưng không thể cùng nương, cùng rẫy”. Bài viết nhắc lại lời bình của tôi với lớp Văn K10 trong chuyến đi năm sau đó rằng: “Trình độ Văn Khoa như cô cậu ví sự chia ly trai gái mà vẫn lưu luyến giỏi lắm như đường rày xe lửa. Người dân tộc ví như cặp sừng bò tức là xa nhau nhưng hai đầu sừng cong hướng vào nhau. Không thể hay hơn.” Quả tình các bạn nhớ hộ. Đấy là món quà của ký ức mà các bạn trao tôi. Sau này, tìm hiểu người Êde, Bana, M’nông, tôi mới hiểu thêm hóa ra trai gái Tây Nguyên dọc Trường Sơn họ yêu dữ dội hơn ta tưởng, tình tứ, mãnh liệt không có giới hạn. Hèn gì mà ca từ, giai điệu của nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Nguyễn Cường viết về tình yêu trai gái Tây Nguyên rạo rực, bốc lửa như vậy. Quả thực, những giọt mồ hôi ngày ấy của tôi và các bạn kết lại thành một thứ tri thức kì lạ, đầy gợi mở để những năm sau đó vẫn còn tiếp tục đào xới, không bỏ phí một tí nào. Nhân đây kể thêm cũng trong chuyến đi hồi ấy. Hôm các bạn nhóm nào, không nhớ đưa tôi vào một gia đình người Vân Kiều. Lúc ấy đã chiều, chủ nhà là một người đàn ông trạc 40, trong nhà còn có một người phụ nữ ngoài 30 và thêm một người đàn bà ngót 50 mà tôi đinh ninh là mẹ vợ người đàn ông kia. Hóa ra không phải, người phụ nữ cao niên là chị dâu người đàn ông. Chồng bà chẳng may qua đời, người em chồng tức chủ nhà bèn đưa chị dâu về làm vợ theo tục nối dây (chuê nuê). Cho đến khi dạy Sử thi, tôi mới thực sự hiểu thêm tục này ở một số tộc người Tây Nguyên thì thấy ý nghĩa nhân văn sâu xa chứ không đơn giản như trong sách vở nói lâu nay. Nói chung nhiều luật tục của người miền núi còn nhiều điều khiến chúng ta phải suy ngẫm trong cách làm luật và vận dụng luật. Tuy đơn giản, mộc mạc nhưng thấm đẫm tinh thần nhân văn. Cho đến nay, nhờ những trải nghiệm thời ấy và những chuyến đi tương tự, tôi vẫn kiên trì đi theo một hướng nghiên cứu và giảng dạy cũng như hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh bằng cách dấn thân vào đời sống đích thực của nhân dân, sống và nghĩ như người dân, mới khám phá nhiều điều bổ ích cho khoa học. Có lẽ vì vậy mà tôi vẫn trụ được và ít nhiều thành công. Xin nói thêm với các bạn đã trót theo nghiệp văn chương, ký ức rất quan trọng, nó làm nên nội lực đáng kể cho cây viết.

Những ký ức trên đậm nhạt trong từng người khác nhau, ngay cả tôi có thể không nhớ hết tên các bạn cũng như một số tình tiết trong chuyến đi nhưng sắp xếp lại sẽ hiện lên một vùng ký ức, mang văn hiệu Khoa Văn Đại học Tổng Hợp Huế ngày ấy. Nó theo ta đến cuối đời. Nhân đây, tôi muốn gửi vùng ký ức này cho Nguyễn Tiến Đạt - người đã vội vã rời chúng ta ra đi quá sớm. Biết đâu những dòng ký ức này thắp một chút tình bạn, tình thầy trò sưởi ấm linh hồn cô quạnh của Đạt ở cõi bên kia.

Tôi nói vậy chắc các bạn đồng tình với tôi.

H.Q.H
(SHSDB24/03-2017)

..............................................
(1) Hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương.
(2) “Từ một cánh rừng” do đạo diễn Đức Hoàn là nhân vật Mỵ trong phim “Vợ chồng A Phủ” thực hiện.
(3) Nay là Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
(4) Nay là Tổng Biên tập báo VNnet.
(5) Báo công an Đà Nẵng.
(6) Ô Châu Cận Lục - Dương Văn An.
(7) Phủ Biên Tạp Lục - Lê Quý Đôn.
(8) Nay là phóng viên của báo Tuổi Trẻ.







 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Tết Xưa (03/02/2017)
Gái Sịa (16/01/2017)