Góc Hoài niệm
Tôi đi gặp ông Nghè cuối cùng của triều Nguyễn
14:47 | 09/06/2017

DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ

Thú thật với độc giả, một trong những điều vui thú nhất của tôi - cho tới nay tôi vẫn say mê - là sưu tầm khảo cứu về Phổ trạng (tức là lai lịch, nguồn gốc...) của các nhân vật lịch sử như Ngô Quyền, Nguyễn Xý, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phạm Ngũ Lão, Phạm Sư Mạnh...

Tôi đi gặp ông Nghè cuối cùng của triều Nguyễn
Cụ Nghè Nguyễn Sỹ Giác - Ảnh: thivien.net

Hay các văn - thi - sử gia tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Khắc Hiếu thảng hoặc gần đây hơn là Á Nam, Đông Hồ, Nhất Linh, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Triệu Luật. v.v...

Có ai cười tôi là hiếu sự, ưa chuyện bao đồng, phí công làm cái việc "ăn cơm nhà vác ngà voi" thì tôi cũng cam chịu, vì đó là cái thú đối với riêng tôi.

Trường hợp thú vị nhất, gây hào hứng cho tôi nhất mà tôi sắp kể dưới đây là lần tôi tiếp xúc nhà thơ lão thành Nguyễn Sỹ Giác, một bậc khoa bảng kỳ cựu và cũng là ông Nghè cuối cùng còn sót lại của triều Nguyễn, và mỗi lúc nhớ lại - tuy đã gần hai chục năm - tôi vẫn tưởng chừng như chuyện mới đây...

***

Sài Gòn, vào năm đó, với những buổi chiều mưa như chiều nay thì phải nói rằng đi thăm viếng ai là cả một sự cố gắng. Nhưng cuộc viếng thăm ấy lại rất cần thiết đối với tôi: Đi sưu tầm Phổ trạng một ông Nghè "có khoa bảng song lại không có khoa hoạn", một người chống Pháp kịch liệt đến nỗi phải vô tù.

Đúng 5 giờ chiều, tôi đã hẹn với một người cháu của cụ Nghè, kiến trúc sư mới ở bên Pháp về, mang xe tới đón tôi đi. Hai chúng tôi ngồi trên chiếc xe La Đalat xinh xắn trực chỉ Khánh Hội. Ông cháu cụ Nghè cho biết từ khi người con trai lớn của cụ Nghè là ông Nguyễn Duy Liên, nguyên Đại sứ ở Bonn (Tây Đức) ở lại bên Pháp với gia đình thì người cháu trưởng trong họ mời cụ sang đó để con cháu tiện việc săn sóc. Hàng tháng người con trai của cụ vẫn gởi tiền về đều đều.

Những cuộn mây xám xịt và nặng như chì hồi nãy đã biến mất dần ở đằng xa. Trời quang đãng trở lại. Tôi có cảm tưởng như vừa ở trong một cái hầm lớn chui thoát ra ngoài... Chiếc xe chở hai chúng tôi len lỏi giữa một rừng xe cộ - biểu tượng xa hoa giàu có của Sài thành - vun vút chạy qua các đường phố trải nhựa phẳng lỳ và bóng loáng từ từ tiến lên cầu xi-măng băng qua Khánh Hội.

Người cháu cụ Nghè Giác là một kiến trúc sư hành nghề bên Pháp đã lâu, mới về nước. Ông khá hoạt bát nhanh nhẹn, dáng dấp cao lớn. Mặc dầu tuổi đã ngoại tứ tuần song nom ông vẫn còn trẻ măng. Vừa thận trọng lách vượt qua các xe khác một cách rất tài tình, ông vừa vui vẻ tâm sự với tôi: "Tôi ở bên Pháp hơn hai chục năm, từ lúc mới 20 tuổi, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ Việt Nam, nhớ không sao chịu được ông ạ. Thú thật với ông, tuy ở bên đó cuộc sống dễ chịu và thoải mái đầy đủ tiện nghi hơn ở Việt Nam nhiều, và tôi cũng biết về đây thì đời sống sẽ gay go chật vật, nhưng khốn nỗi lòng nhớ quê hương xứ sở khiến tôi chẳng cảm thấy có gì là sung sướng cả. Nhiều lúc đang lái xe đi giữa thành phố Ba-lê hoa lệ mà tôi vẫn thấy lòng mình trống rỗng cô đơn lạ lùng".

Qua khỏi vài ngã tư ông hãm bớt tốc độ, cho xe chạy chậm chậm rồi đột nhiên ngừng lại trước một căn phố trệt. Trước nhà là một khoảng sân con có bầy ít chậu cây cảnh. Một cây mãng cầu sai oằn những trái như muốn đè lên mấy cây nhỏ xung quanh. Chúng tôi thong thả bước vào. Người cháu cụ Nghè chạy vội vào nhà trong rồi trở ra mời tôi vào. Tôi phải định thần một lát mới nhận rõ mọi vật, vì căn buồng không có sân hậu lại tụt sâu vào mé trong nên không được sáng như căn nhà ngoài. Trên tường quét vôi xanh nhạt trang trí một vài bức họa khung gỗ sơ sài, trong nhà kê hai chiếc đi-văng, một lớn một nhỏ với một chiếc tủ kính.

Cụ Nghè Nguyễn Sỹ Giác đang ngồi trên chiếc đi-văng nhỏ, lưng dựa vào tường và hơi khòm xuống. Mắt cụ đã lòa không trông rõ, nom cụ có vẻ mệt mỏi, hình như cụ vừa mới thức dậy qua một giấc ngủ dài. Tôi cất tiếng chào. Cụ Nghè ngước mắt lên nhìn tôi, cặp mắt lòng trắng nhiều hơn lòng đen, tuy vậy trông cụ vẫn chưa mất hết vẻ nho phong sĩ khí của một vị khoa bảng thời xa xưa. Cụ giơ tay nói nhỏ nhẹ ra hiệu cho tôi ngồi xuống chiếc đi-văng đối diện. Sau khi trình bày lý do cuộc thăm viếng, tôi xin phép cụ đi vào đề.

- Thưa cụ, xin cụ vui lòng cho biết ngày giờ và năm sinh của cụ.

- Tôi nhớ mang máng là sinh khoảng năm Mậu Tý, năm nay 87 tuổi, còn ngày và giờ sinh thì tôi quên mất rồi.

- Thưa cụ, cụ đậu tiến sĩ vào năm nào?

- Tôi đậu tiến sĩ vào năm 21 tuổi, tính ra đến nay được đúng 65 năm.

- Xin cụ cho biết đường công danh của cụ sau khi cờ quạt về làng.

- Tôi chả làm gì cả!

Câu trả lời đột ngột của cụ Nghè làm tôi sửng sốt. Tôi nghĩ bụng chắc bên trong phải có một nguyên nhân nào đây. Vì thời xưa, nhất là thời trọng khoa bảng mà bất cứ một ông Nghè, ông Thám nào cũng phải lấy khoa hoạn làm con đường tiến thân thì có vị khoa bảng nào đậu rồi lại chịu nằm nhà mai danh ẩn tích đâu. Như đoán biết ý tôi, cụ Nghè trầm ngâm một lát rồi nhỏ nhẹ nói:

- Vì tôi ở trong đảng Văn Thân hoạt động chống Pháp. Tôi cùng hoạt động với các ông Huấn Quyền, Vũ Hoành - tục gọi Bẩy Quang - quê ông ấy ở Thanh Liệt thường gọi làng Quang.

- Xin cụ cho biết ngoài những vị vừa kể, còn ai là người chủ chốt?

- Không nhớ ai cả. À, hình như có cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Ngô Đức Kế.

- Chắc Pháp biết các cụ làm cách mạng chống Pháp nên họ không muốn để cụ xuất chính, sợ có ảnh hưởng bất lợi cho chính sách cai trị của họ.

Cụ Nghè ngồi yên một lúc lâu như để nhớ lại sự việc đã qua rồi nói:

- Tôi bị Pháp bắt ở Hà Nội, vào thời Thống sứ Simoy. Lúc ấy tôi bị Pháp đưa ra Hội đồng Đề hình cùng với nhiều người khác.

Viên Chánh Hội đồng Đề hình lúc đó là Saint Chaffroy. Nó tuyên án bỏ tù tôi 2 năm.

- Thưa cụ, lúc cụ bị Pháp bắt nó có tra tấn cụ không?

Cụ Nghè đang nói chuyện với tôi việc bị bắt giam như thế nào, bỗng cụ đột ngột hỏi tôi:

- "Bà" năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

Các con cháu đứng quanh đấy nghe cụ hỏi, đều mỉm cười trả lời tôi:

- Ấy, cụ chúng tôi thỉnh thoảng vẫn vậy. Đôi khi đang hỏi việc này cụ bắt sang chuyện khác làm cho con cháu không biết đâu mà lần.

Tôi biết vào tuổi cụ thường hay lẫn như vậy nên đáp:

- Thưa cụ, cháu là đàn ông, không phải đàn bà đâu cụ à. Cháu là cháu cụ Hàn Đàm tục gọi là Hàn Tư là em ruột cụ Thương Đản ở Thượng Cốc đó. Cụ còn nhớ cụ Hàn Tư không?

- Ừ, nhớ rồi. Cụ Tư Đàm ở Cốc, dạo xưa đi hát với nhau mãi. Hồi này cụ Hàn có được mạnh không, tôi lâu ngày cũng không được gặp cụ.

- Thưa cụ, cụ Hàn Tư mất lâu rồi.

Tôi đợi người cháu đưa ly nước trà cho cụ dùng xong lại hỏi tiếp:

- Thưa cụ...

- À, chuyện Pháp nó bắt tôi. Nó chỉ hỏi cung thôi, không đánh đập gì cả. Tôi bị Pháp giam giữ hơn một năm, vào khoảng 1913. Nó giam tôi chừng 13, 14 tháng gì đó, lâu ngày tôi cũng không nhớ rõ.

- Sau khi được tha cụ có tiếp tục hoạt động cách mạng nữa không?

- Không. Sau đó thì tôi về sống ở làng. Làng tôi chỉ cách Hà Nội có bốn cây số.

- Xin cụ vui lòng cho biết sở thích sở hiếu thường ngày...

- Chẳng thích gì cả. À, có, thỉnh thoảng bạn bè quen rủ đi hát ả đào, rỗi rãi thì ngâm vịnh.

- Nghe nói cụ làm nhiều bài thơ hay lắm. Xin cụ cho nghe một vài bài mà cụ ưng ý nhất.

- Tôi làm được khoảng ngót một trăm bài. Nhưng bây giờ thì quên hết cả rồi, chả còn nhớ bài nào cả.

- Thưa cụ, những văn thơ cụ làm có gởi đăng vào báo nào không?

- Thường ngày tôi rất thích làm thơ vì tôi góa vợ sớm ở có một mình, lại gặp buổi loạn ly không muốn làm gì nữa, chỉ nay đây mai đó lấy việc ngâm vịnh để giải sầu. Thời ông Nguyễn Văn Vĩnh làm báo, có cả ông Hoàng Tăng Bí nữa. Ông Bí đỗ Phó bảng, cũng ở trong đảng Văn Thân chống Pháp và cũng không ra làm quan thì tôi có hợp tác với Annam tạp chí, trụ sở đặt ở phố Hàng Lọng Hà Nội. Lúc đó tôi ngoài bốn mươi. Ngoài ra, tôi cũng cộng tác với Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu trong mục thơ văn thường xuyên.

- Thưa cụ, lúc vào Nam, ngoài trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn thì cụ có dạy trường nào nữa không?

- Năm 1954 tôi vào Nam. Được ít lâu thì tôi được mời vào dạy Hán văn ở trường Luật khoa và Văn khoa Sài Gòn. Tôi dạy cho tới năm ngoài bẩy mươi thấy người suy yếu, tôi nghỉ không dạy nữa và ở nhà cho tới bây giờ.

Thấy cụ Nghè Giác đã có vẻ mỏi mệt, tôi đứng dậy xin cáo lui theo người cháu trưởng họ ra nhà ngoài. Tôi ngồi nán lại trò chuyện một lúc nữa để hỏi thêm một vài chi tiết liên quan đến dòng họ của cụ.

Cụ Nghè chính tên là Nguyễn Sỹ Giác, hiệu Tấn Thần, song ở trong nhà mọi người thường gọi "Nghè Rễ" là tên tục của cụ. Nơi lập nghiệp đầu tiên của dòng họ Nguyễn Trọng (tức họ của cụ Nghè Rễ) là làng Kim Lũ. Cụ Nghè là ngành thứ, còn thân phụ người cháu đứng ngành trưởng, và dưới cụ Nghè còn mấy ngành nữa.

Cụ Nguyễn Sỹ Giác là con trai thứ hai của Nguyễn Duy Nhiếp và kể từ ông thủy tổ xuống đến cụ Nhiếp là 11 đời. Cụ Nhiếp đậu cử nhân khoa Tân Mão triều Nguyễn, khi xưa ngồi án sát xứ Sơn Tây. Cụ Nhiếp có hai vợ: bà chánh thất được 2 người con trai, cụ Nguyễn Sỹ Giác là em. Còn bà kế thất họ Cao cũng được 2 người con trai.

Dòng họ Nguyễn Trọng là một dòng họ lớn vào bậc nhất nhì ở làng Kim Lũ, trong họ có nhiều người đỗ đạt làm to, như ông tổ bốn đời về đời Lê được tặng tước Lễ bộ Tả Thị Lang đình hầu, thụ Quốc thượng giai, ông tổ năm đời được phong tước Đề thọ hầu, đến tổ sáu đời là Trung Mẫn Công đậu tiến sĩ triều Lê làm Tham tụng, 5 lần giữ ngôi Tể tướng được tặng Thái tử Thái phó Kiều Quận Công. v.v...

Làng Kim Lũ thuộc huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông. Chính Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cũng là người của họ này. Thi sĩ là con cháu một ông tổ thuộc ngành thứ của họ Nguyễn Trọng, húy Hoằng Đạo Công, chức Tả lang Bộ Lại Đồng Bình Chương Sử, tước phong Tổ Thái Hầu. Thời Tây Sơn, Hoằng Đạo Công chạy theo vua Lê Chiêu Thống đến Bất Bạt thuộc tỉnh Sơn Tây thì bị lạc, ông bèn ở lại vùng này sinh con đẻ cháu rồi sau lập nghiệp hẳn ở đấy.

Người cháu trưởng còn cho biết thêm là cụ Nguyễn Sỹ Giác tuổi càng cao cụ càng đâm ra lú lẫn. Hàng ngày, ngoài hai bữa ăn, cụ chỉ ngủ vùi giống y như trẻ thơ. Tính cụ thảng thốt, chợt nhớ chợt quên, tâm trí cũng kém minh mẫn, không còn sáng suốt như mươi mười lăm năm trước đây.

Thấy ngồi cũng đã khá lâu làm mất nhiều thời giờ của người trưởng họ Nguyễn Trọng, tôi đứng dậy cáo từ. Mặt trời đã xuống thấp khỏi những dãy nhà lầu cao vút. Ánh nắng yếu ớt xuyên qua cành lá hắt xuống mặt đường nhựa vài tia nắng vàng vọt như người bịnh. Cảnh vật lặng lẽ xóa nhòa dần dưới nắng chiều thoi thóp. Gió từ hai bên bờ sông lúc nhúc ghe thuyền đưa lên mát rượi, nhưng tôi vẫn cảm thấy tâm trí mệt mỏi. Trước mặt tôi, con đường nhựa ngoằn ngoèo trải dài, trải dài, xa hút...

5-90
N.Đ.D.
(TCSH43/06-1990)





 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Vùng ký ức (28/03/2017)