Góc Hoài niệm
Sông Hương tục bản và cuộc đấu tranh nghị trường
14:41 | 20/06/2017

NGUYỄN KỲ

Cuộc vận động tranh cử và “đấu tranh nghị trường” trong thời kỳ 1936 - 1939 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo là một bộ phận đặc biệt trong cuộc đấu tranh vì quyền dân sinh dân chủ ở Việt Nam.

Sông Hương tục bản và cuộc đấu tranh nghị trường
Tờ “Sông Hương tục bản” số 1 do Nguyễn Cửu Thạnh làm chủ nhiệm

Tuy diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng đây là lần duy nhất trong lịch sử Việt Nam, “đấu tranh nghị trường” trở thành bộ phận của phong trào yêu nước và cách mạng. Cùng với phong trào này, Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng duy nhất đã phát động được một cuộc đấu tranh giàu tính sáng tạo và có kết quả.

Ở cả nước lúc đó, từ sau Thế chiến I, thực dân Pháp đã cải tổ các cơ quan tư vấn và lập ra một số cơ quan “dân cử”, như Viện Dân Biểu Bắc Kỳ, Viện Dân biểu Trung Kỳ và Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Thực tế thì các cơ quan “dân cử”, “dân biểu” đó chỉ là các thiết chế bù nhìn, không có vai trò đáng kể gì trong cơ cấu quyền lực ở cả ba Kỳ. Các vị “dân biểu” và các “ông hội đồng” phần lớn là do người Pháp chọn ra từ trong tầng lớp người thượng lưu bản xứ, có thái độ thân chính quyền thực dân. Một số thành viên của các viện và hội đồng đó được chọn lựa thông qua bầu cử, nhưng quyền bầu cử và ứng cử cũng chỉ dành riêng cho tầng lớp thượng lưu bản xứ, quần chúng nhân dân, hay ngôn ngữ thời đó còn gọi là “phe bình dân”, hoàn toàn bị gạt ra ngoài.

Cuộc vận động bầu cử đầu tiên mà Đảng Cộng sản Đông Dương phát động và lãnh đạo quần chúng tham gia dưới danh nghĩa “Mặt trận Bình dân” là cuộc bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ tổ chức vào tháng 8 năm 1937.

Trước đó, ngày 20 tháng 3 năm 1937, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã chỉ thị cho các cơ sở Đảng trên phạm vi toàn quốc: “Vô luận là cuộc tuyển cử gì, đảng ta có thể tham gia được là nên tham gia. Chúng ta cần lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng vào các cơ quan gọi là lập hiến mà bênh vực quyền lợi cho quần chúng lao động và các lớp dân chúng bị áp bức. Các cấp bộ đảng tương đương phải dự bị những người ra ứng cử trong các viện dân biểu, các hội đồng thành phố... thảo ra những chương trình hành động tối thiểu có thể thích hợp chung cho các lớp dân chúng để cho dễ kéo họ đi theo mình”.

Chỉ đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh nghị trường là rất rõ ràng. Xứ ủy Trung Kỳ đã chỉ đạo đảng cơ sở chuẩn bị tích cực cho cuộc vận động tranh cử. Mục đích chính là nhân dịp này tố cáo mạnh mẽ, hạ uy tín chính trị của bọn tay sai, đồng thời thông qua đó thức tỉnh, lôi kéo được đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, biến cuộc tranh cử thành một phong trào phản kháng mạnh mẽ của quần chúng. Giống như trong các cuộc vận động Đông Dương đại hội và “đón rước” Godart trước đây, hàng trăm cán bộ, đảng viên đã về các làng xã, nhà máy, khu phố... của hầu hết các tỉnh Trung Kỳ, nhất là ở Huế - trung tâm điểm của cuộc “đấu tranh nghị trường” toàn xứ.

Để phục vụ cho công tác vận động quần chúng và hướng dẫn phong trào, Xứ ủy Trung Kỳ chủ trương đẩy mạnh hoạt động trên báo chí công khai. Trong phong trào vận động dân chủ 1936 - 1939 ở Huế, báo chí là một công cụ đắc lực. Báo chí cách mạng xuất bản công khai đã ra sức tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ trương đường lối, phương hướng hoạt động của Đảng. Trong những năm 1927 - 1938, ở Huế có khoảng 20 tờ báo lần lượt ra đời, trong số đó tờ Nhành lúa, Sông Hương tục bản, Dân Tiếng Dân là đóng vai trò quan trọng trong cuộc vận động dân chủ ở đây.

Lúc này tờ Nhành lúa do Xứ uỷ chủ trương, trong thời gian hoạt động từ ngày 15/1/ 1937 đến ngày 19/3/ 1937 ra được 9 số, đã bị cấm. Nhân lúc tờ báo Sông Hương của Phan Khôi do khó khăn về tài chính phải tạm đình bản, nhóm Nguyễn Cửu Thạnh đã chủ động mua lại tờ báo này và cho tái bản dưới tên gọi Sông Hương tục bản từ ngày 19 tháng 6 năm 1937. Trên thực tế, tờ báo này vừa là cơ quan tuyên truyền, vừa là trung tâm chỉ huy toàn bộ cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo trong cuộc vận động tranh cử ở Trung Kỳ.

Hỗ trợ một cách đắc lực cho cuộc đấu tranh nghị trường không thể không nói tới vai trò của tờ Sông Hương tục bản, đúng như nhận định trong cuốn Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010): “Sông Hương tục bản tuy chỉ tồn tại gần 4 tháng, nhưng đã ghi lại những chiến công bất hủ trong một thời kỳ lịch sử đấu tranh ở Trung kỳ”.

Tờ “Sông Hương tục bản” số 2 đưa tin về cuộc Tổng tuyển cử dân viện Trung Kỳ
Tờ “Sông Hương tục bản” đăng bài kêu gọi cử tri tỉnh táo trong bầu cử và đăng thơ đả kích các vị “nghị gật”
Kết quả bầu cử Trung kỳ trên Sông Hương, số 7, 19 tháng Tám 1937


Báo Sông Hương tục bản ban đầu vẫn để tên người sáng lập là Phan Khôi nhằm giữ thế hợp pháp về hình thức, song chủ nhiệm là Nguyễn Cửu Thạnh - một nhân sĩ dân chủ gần với Đảng, có liên hệ mật thiết với đồng chí Nguyễn Khoa Văn trước đó chủ biên tờ Nhành Lúa. Trụ sở của tòa soạn được đặt tại số 68, phố Jules Ferry, Huế. Những bài vở chính được Phan Đăng Lưu và Tôn Quang Phiệt trực tiếp chỉ đạo, viết ở Huế rồi gửi ra Vinh cho Ngô Đức Mậu sắp xếp, trình bày, viết thêm tin cho đầy trang, sửa bản in thử do Nhà in Vương Đình Châu ở Vinh in và phát hành ngay tại đó.

Trong số 5 (ra ngày 14/7/1937), Sông Hương tục bản đã đăng bản “Chương trình của chúng tôi”, nêu các mục tiêu cải cách nhằm bảo đảm các quyền dân sinh, dân chủ, thiết thực và tối thiểu cho các tầng lớp dân chúng như: “Mở rộng quyền hạn Viện Dân biểu”, “Đi đến phổ thông đầu phiếu”, “Sửa đổi chế độ thuế thân”; “Giảm thuế điền thổ và bỏ hẳn bách phân phụ hạp, bỏ tu tích”; “Bỏ các độc quyền về rượu và thuốc phiện”… “Chương trình của chúng tôi” đáp ứng đúng nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân nên được đông đảo dân chúng Trung kỳ hoan nghênh.

Trong khi đó các nghị sĩ thuộc phe thân chính quyền thực dân lại tiến hành mua chuộc cử tri bằng nhiều hình thức. Trước thực trạng này, Sông Hương tục bản (số 3) đã nghiêm khắc lên án: “Vì sẵn có một bọn người khốn nạn lợi dụng cái chỗ làm qua chuyện của các bạn đó để lọt vào nghị trường kiếm một chân nghị viên để mưu đồ lợi ích riêng, để chạy cửa này, chui cửa nọ, kiếm miếng này miếng khác, mặc kệ dân miễn mình có đồ lãnh thầu, có thuốc phiện hút, có tiền đánh bạc, có lương thường trực để chơi gái Sông Hương”... Và kêu gọi: “Các bạn chớ vì một chén rượu, một số tiền, một tiếng hứa suông, một lời dọa dẫm mà làm sai mất cái phận sự của một người dân đi bầu cử trong giờ nghiêm trọng này”.

Bên cạnh các bài xã luận, bình luận, nhiều mẩu chuyện văn học đã khiến cho Sông Hương tục bản có những nét sắc sảo, đậm đà, đầy sinh khí. Đặc biệt là những tiểu phẩm đả kích những vị tai to mặt lớn, nhiều năm làm quan nghị, “đắc cử nhiều khóa, ra vào quan Thượng, quan Khâm như đi chợ”… Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, báo chí Việt Nam đả kích đích danh các ông “nghị gật”. Sau đây là một bài vè được đăng trên báo Sông Hương tục bản số 4:

“Các cử tri ơi: ở đời nhiều thứ nghị viên:
Nghị thì giết heo đãi khách, nghị thì xuất tiền mua thăm.
Làm ông nghị trên thì đua đai vật cầm,
Làm ông nghị, dưới thì phải tốn kém đến bạc trăm, bạc nghìn.”


Đây là bài hát nói “Có vài ông nghị” trên Sông Hương tục bản số 3:

“Trong thiên hạ có vài ông nghị
Chỉ ăn no ngủ kỹ ở trên lầu
Nào việc dân việc nước đâu đâu
Mượn tiếng nghị mà làm giàu cho dễ
Thuế nặng sưu cao thôi mặc kệ
Lương nhiều ngôi quý ấy là tiên
Cứ mỗi năm đi hội nghị một phen
Về lộ phí đã có tiền phụ cấp
Rượu cứ uống tiệc cứ ăn
Thuốc nha phiến cứ tiêm
Trống cô đầu cứ đập
Chớ nói gì mà dính dấp đến dân quyền
Sợ rằng trái ý quan trên”.


Các bài viết như: “Chương trình dự thảo của dân biểu Trung Kỳ” (số 13), “Bức thư công khai kính gửi các ông dân biểu Trung Kỳ” “Chương trình hành động của ông nghị Huỳnh Văn Trần, Bình Định” đã nêu phương hướng, nhiệm vụ hành động mà quần chúng nhân dân và cử tri đòi hỏi “các nghị viên”, đồng thời là chỗ dựa về mặt chính trị - xã hội cho các nghị viên dân chủ đấu tranh với các thế lực phản động trong và ngoài Viện.

Sông Hương tục bản cũng vừa chân thành, vừa nghiêm khắc tuyên bố rõ nguyên tắc tham gia cuộc vận động bầu cử của “phe Bình dân”: “Không kể thanh niên hay lão đại, tân học hay cựu học, hễ thành tâm vì dân vì nước mà mưu việc công ích thì chúng tôi hết sức ủng hộ”.

Kết quả là “phe Bình dân” đã giành thắng lợi áp đảo trong bầu cử: toàn bộ 18 ứng cử viên do “phe Bình dân” ủng hộ, trong đó có ba chiến sĩ cộng sản, đều đắc cử, trở thành nghị viên của Viện Dân biểu Trung Kỳ.

Thừa Thiên Huế là địa bàn quan trọng của hoạt động đấu tranh nghị trường, Đảng bộ Tỉnh đã mở cuộc vận động nhân dân bỏ phiếu cho các ứng cử viên được Mặt trân Dân chủ giới thiệu, kết quả các chức vụ chủ chốt của Viện Dân biểu như: Viện trưởng, viện phó, chánh thư ký, uỷ viên thường trực đều là người của Mặt trận dân chủ.

Những vị dân biểu do Đảng giới thiệu và nhân dân bầu ra đã làm rất tốt chức trách của mình. Đơn cử, Đảng Cộng sản Đông Dương đã vận động cụ Hoàng Đức Trạch ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và cụ đã trúng cử với số phiếu cao nhất. Cụ đã mang chủ trương của Đảng để đấu tranh cho lợi ích nhân dân của toàn xứ Trung Kỳ. Cụ cùng các nghị viên tiến bộ trong Viện Dân biểu Trung Kỳ sử dụng diễn đàn công khai, lên án sự bất công của dự án tăng thuế của chính quyền thực dân, bênh vực lợi ích của nhân dân. Về sau, cụ đã trở thành vị Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh, tham gia chính quyền trong những năm 1946 - 1952 đầy chông gai, thử thách.

Sau 4 tháng hoạt động, từ 19/6/1937 đến 16/10/1937, Sông Hương tục bản bị Pháp đình bản. Tuy nhiên, lúc này nó gần như đã hoàn thành sứ mệnh.

N.K  
(SHSDB25/06-2017)


 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Vùng ký ức (28/03/2017)