Góc Hoài niệm
Hồi ức về mùa xuân 68
08:54 | 30/01/2018

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG  
   (Viết từ lời kể của cựu chiến binh Đặng Hà)

Tôi tình cờ đọc được thông tin Hải quân Mỹ lấy thành phố Huế để đặt tên cho một tuần dương hạm mang tên USS Hue City (CG-66). Tuần dương hạm này thuộc lớp Ticonderoga, trang bị tên lửa, gắn với trận đánh Trung đoàn 1, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tham chiến Huế vào dịp Tết Mậu Thân.

Hồi ức về mùa xuân 68
Ảnh: internet

Trận đánh để lại nhiều dấu ấn cho các bên, phản ánh các đợt giao tranh ở Huế với hỏa lực khủng khiếp của Mỹ trong trận chiến, được coi là “tàn khốc nhất trong cuộc chiến Việt Nam” và kinh nghiệm “thất bại về chiến lược” của Mỹ. Những hồi ức về mùa xuân năm đó chảy tràn trong tôi, bao kỷ niệm, chiến công hào hùng, bao đau thương mất mát, gian lao ùa về khắc khoải.

Tôi sinh năm 1947, ở Ba Lăng - Quảng Xuyên, hai làng sát nhau, làng cha Quảng Xuyên, làng mẹ Ba Lăng, gọi mãi thành quen hai làng như một. Trước mặt là đầm phá mênh mông, cá cua sinh sôi không kể xiết, ghe thuyền tấp nập đi về. Đất Ba Lăng - Quảng Xuyên trồng được cả ruộng lúa, dưa và đặc biệt là cải không đâu tốt bằng. Thời ấy, tôi cùng gia đình làm ruộng tối ngày, nhà nghèo không có tiền ăn học tới nơi tới chốn. May mắn thay, gia đình có được một chú trâu đực lực lưỡng, cày khỏe nhất vùng, nhờ đó ruộng lúa nhà tôi luôn xanh tốt, chưa kể còn bỏ công cày thuê cho nhà khác. Rồi cuộc chiến tràn về làng, đồn bót lập nên, ấp chiến lược, những trận càn. Con trâu yêu quý của gia đình tôi cuối cùng cũng thành tấm bia trên đồng ruộng. Thanh niên trong làng nhiều người đi theo tiếng gọi cách mạng. Mười lăm tuổi tôi thoát ly gia đình, lên chiến khu. Bấy giờ, sau quá trình huấn luyện chiến đấu, tôi được bố trí trong lực lượng An ninh Vũ trang huyện Phú Vang quê nhà, một địa bàn ác liệt, là một căn cứ lõm vùng sâu, phía Đông Nam thành phố Huế. Anh em chiến sĩ đơn vị luôn trong tinh thần kiên trì gan góc với cuộc sống, lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà, giá rét lấy sương sưởi ấm, đói lòng lấy nước thay cơm.

Cựu chiến binh Đặng Hà 



Tôi còn nhớ như in hình ảnh anh Võ Trác (1930 - 1965), Bí thư huyện Phú Vang, một người anh trung kiên, hồn hậu. Anh cao to, da ngăm đen và rất thông minh, trong công tác không ngại khó ngại khổ. Anh Võ Trác quê quán làng Thần Phù, Thủy Châu, Hương Thủy. Tham gia cách mạng tháng 8/1945 đến tháng 4/1961, tại Hội nghị Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế ở làng Ta-Pát được bầu vào Tỉnh ủy, được phân công làm Bí thư Huyện ủy Hương Thủy, sau đó làm Bí thư huyện Phú Vang. Năm 1965, anh ở cùng hầm với tôi, biết anh là lãnh đạo gần gũi, anh em tâm sự nhiều chuyện đất nước, gia đình, cuộc chiến bao giờ mới kết thúc. Hồi ấy tôi mới tròn 18 tuổi, mọi thứ còn nhiều bỡ ngỡ, nhất là trong cuộc kháng chiến trường kỳ đầy khó khăn thử thách. Anh Võ Trác đã có gia đình, vợ con, nhiều kinh nghiệm cuộc sống, chiến đấu. Anh động viên tôi rất nhiều. Năm đó, Mỹ đã vào Nam Việt Nam, chiến sự có phần gay gắt. Tôi nói anh ở lại Phú Xuân thêm vài hôm nữa, nhưng anh không chịu, cứ một mực đi sớm cho bằng được để qua Phú Hồ. Vài ngày sau, tôi nghe tin hầm anh bị điểm, anh hy sinh tại làng Sư Lỗ thượng, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang. Giá như anh đừng về Phú Hồ thì chuyện ấy đã không xảy ra. Tôi thầm tiếc nhưng biết thế nào được, chiến tranh. Bây giờ, tên anh được đặt cho con đường tỉnh lộ 10 đoạn ngang qua hai phường Thủy Châu, Thủy Lương (Hương Thủy).

Trước 1968, về mặt tổ chức, chúng tôi thuộc Đoàn 5, gồm thành phố Huế và 3 huyện (Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 thuộc Ban Chỉ huy mặt trận Nam sông Hương, làm nhiệm vụ phối thuộc, chi viện cho chiến trường thành phố Huế. Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công, An ninh Vũ trang huyện Phú Vang đã có sự chuẩn bị trong thời gian dài về con người, phương tiện chiến đấu, phục vụ chiến đấu, nắm vững các hoạt động quân sự của địch cũng như dự trù các phương án tiến công. Trước khi cuộc tiến công nổ ra, chúng tôi đã nằm vùng khá lâu trên địa bàn. Một số đơn vị được ăn tết trước, riêng An ninh Vũ trang chúng tôi gần như không có Tết.

Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa ở mặt trận Huế và các mặt trận trên toàn bộ chiến trường Trị - Thiên - Huế nổ ra lúc 2 giờ 33 phút ngày 31/1/1968. Sáng 31/1/1968, lực lượng cách mạng đánh chiếm hầu hết các mục tiêu chủ yếu bên trong và vòng ngoài thành phố, làm chủ phần lớn thành phố Huế. Tinh thần chiến đấu hồi ấy lên cao, ở Phú Vang, chúng tôi nghĩ đã giải phóng đến nơi sau khi nghe các tin chiến thắng từ Huế bay về. Mặt trận Phú Vang được tăng cường các đơn vị K4, K10 hoạt động ráo riết. Đầu tháng 1, chúng tôi liên tục đánh đồn Phú Xuân, phục kích tiêu diệt sinh lực địch. Một đêm giá rét, tổ chúng tôi gồm 3 người bố trí đội hình chữ V để đánh phục kích lính đồn Phú Xuân. Đêm tối, chúng tôi khai hỏa. Trận đánh bất ngờ, thu được thắng lợi, được cấp trên khen ngợi. Tuy nhiên, sau thắng lợi buổi đầu, địch thay đổi chiến thuật. Giai đoạn này, đồn Phú Xuân có sự tham gia của quân chiêu hồi, gồm 4 người, một tên trong số đó giữ chức đồn trưởng, am hiểu các kiểu đánh của chúng tôi nên tình hình khá căng thẳng. Xe tăng từ trạng cát Ba Lăng nổ máy, cày xới từng gốc cây, ngọn cỏ. Máy xúc máy ủi cũng được huy động về để “làm sạch” rừng. Một đơn vị lính biệt kích dù của Việt Nam Cộng Hòa đóng tại đồn Ba Lăng để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, chưa có sự hỗ trợ của quân Mỹ chúng chỉ đánh càn cho có. Hồi ấy, lực lượng quân ta khá mạnh, gần như bọc địch trong lòng, bí mật, thoắt ẩn thoắt hiện rất linh hoạt. Quân biệt kích dù không dám đánh thọc sâu vào các khu vực cách mạng kiểm soát. Chúng biết rằng diệt Việt Cộng thì chúng cũng không sống lâu được. Trong tình hình lúc ấy, chúng tôi cũng kiềm chế tiến công vì chưa nắm chắc được tình hình của toàn cuộc Tổng tiến công trên các mặt trận.

Trong Mậu Thân, một diễn biến bất ngờ đã xảy ra, sau này cũng là một kỷ niệm đẹp. Chúng tôi nhận lệnh đánh đồn Diên Đại (Phú Vang). Trận đánh diễn ra nhanh chóng dù hỏa lực địch khá mạnh. Khi vào đồn, tôi đối diện với một sĩ quan Mỹ tay đang nắm Carbine M2. Thấy tôi, gã quơ súng lên, bắn loạn xạ nhưng toàn bắn lên trời. Hết đạn, tôi lao vào bắt sống rồi áp giải về căn cứ ở hầm. Tên Mỹ tỏ ra ngoan ngoãn, chỉ đi đâu đi đó, không hề có ý trốn chạy. Bản thân tôi không nói được tiếng Anh nhưng ra hiệu thì gã hiểu cả. Lệnh trên bảo hãy canh giữ cẩn thận. Tên Mỹ tỏ ra an phận, như một sự giải thoát khỏi súng đạn hơn là một tù binh. Suốt ba tuần, tôi giữ gã trong hầm tối, tránh các trận càn lớn. Hầm thời ấy phải nói là được chuẩn bị rất tốt. Hầm chúng tôi trú ngụ ở cơ sở giai đoạn ấy khác vững chắc. Ở Quảng Xuyên chúng tôi xây được hầm tự động, tự đậy tức là chỉ một mình mình, không cần hỗ trợ của người khác. Thời ác liệt, mỗi hầm mỗi người nên mọi việc rất bí mật. Hầm được đào có tới ba tầng, nhiều ngóc ngách. Chúng tôi phải đào, vồng tre, bọc nilon. Có hôm lính Bình Lưu đi càn qua, không hiểu sao chúng thấy hầm tôi cứ nghĩ là hầm cũ. Lúc ấy, tôi đang ngủ thì bị xăm hầm, 2 trái lựu đạn ném xuống nhưng chẳng hề hấn gì. Khi cơ sở ở làng bị lộ, rừng bị đào phá, chúng tôi lại làm hầm ngoài ruộng. Đây là loại làm bằng phao, có ống tido, nhờ dân mua về để lắp ráp. Nhiều đêm tôi nằm ngoài ruộng như vậy, chịu đựng đủ thứ mưa gió, giá rét.

Về phần gã Mỹ, hằng ngày, tôi ăn gì gã ăn đó. Hồi ấy, nguồn lương dồi dào, đủ cả cơm, cá, thịt, cũng lẽ vì đóng trên đất nhà nên mọi thứ thông thuộc, chưa kể nguồn tiếp tế lúc nào cũng sẵn có từ mẹ tôi. Gã chỉ việc ăn và ngủ, không tơ hào, không bày mưu tính kế gì. Thỉnh thoảng gã nhìn tôi, cười hiền. Rồi một ngày, cấp trên cho cán bộ xuống áp giải tên Mỹ, tôi nghe là cho ra Bắc giam giữ tù binh, đợi ngày trao đổi. Trước khi đi, gã vẫy tay tạm biệt tôi như thầm cảm ơn điều gì. Tôi có cảm giác một hòa bình ngắn ngủi, len lỏi vào trong cuộc chiến đang ác liệt. Sau giải phóng chừng 10 năm, gã Mỹ về lại Phú Xuân, tìm gặp nhưng không gặp tôi, chỉ gặp mẹ tôi. Việc một người Mỹ về tận làng để gặp những người đã tha mạng mình trong cuộc chiến khiến không ít người dị nghị. Lúc đó, Việt Nam và Mỹ vẫn chưa bình thường hóa quan hệ. Mẹ tôi là Phan Thị Thơm, là cơ sở Việt cộng lớn nhất thời đó, đang làm hồ sơ phong mẹ Việt Nam anh hùng nhưng không được vì sự cố đó. Mặt khác, thời gian trôi qua, những người làm chứng cũng không còn sống. Trường hợp như ông Đặng Triệu (Bảy Triệu), đội trưởng đội du kích biết rõ những hoạt động mẹ tôi trong kháng chiến cũng đã hy sinh. Mẹ tôi nói mình làm được gì thì làm, cho làng cho xóm, miễn răng không thẹn lòng là được rồi. Biết bao chiến sĩ vô danh, cơ sở cách mạng hy sinh nào ai có biết, tất cả lặng lẽ, góp công nhỏ làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc.

Một trong những trận chiến ác liệt nhất hồi Mậu Thân là trận chống càn diễn ra vào tháng 5/1968 trong đợt 2 tại Vinh Thái. Trận này chiến đấu hiệp đồng cùng đặc công, các tiểu đoàn K10. Chúng tôi trinh sát thấy xe tăng Mỹ, Việt Nam Cộng hòa kéo vào doi Múi Hàng, nhiều lính trang bị hỏa lực mạnh, bố trí dày đặc, từ đó đem quân đi càn quét các xã vùng Phú Vang. Quận Phú Thứ cũng phái mấy tiểu đoàn bao vây. Suốt mấy ngày đêm chiến đấu ác liệt, hầu như không lúc nào ngớt tiếng súng. Trận này ta bị thiệt hại khá nặng nề. Một số đơn vị K10 hy sinh, có đơn vị không còn đại đội trưởng, đại đội phó. K10 phải mở đường máu đưa 500 cán bộ, chiến sĩ thoát vòng vây lên căn cứ. Bộ đội thiếu ăn, đau yếu, sức khỏe giảm sút nhưng các lực lượng vũ trang trên chiến trường Thừa Thiên - Huế đã chấp hành nghiêm túc kế hoạch tiến công đợt 2, phối hợp với nhiều mặt trận khác. Vùng Phú Vang chúng tôi và các huyện phối thuộc được đánh giá là “Quả đấm mạnh của vùng”, góp phần giải phóng Huế, làm chủ Cố đô 26 ngày đêm. Phú Vang cùng các huyện ngoại thành (Hương Trà, Hương Thủy,) và các hướng khác, quân và dân cũng đã phối hợp có hiệu quả với Mặt trận Huế. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy oanh liệt ở thành phố Huế và các huyện là thắng lợi lớn, toàn diện về quân sự và chính trị, có ý nghĩa chiến lược. Các cấp ủy Đảng và quân dân Thừa Thiên - Huế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương và Khu ủy giao, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Sau thất bại nặng nề trong Tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ điều động nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh ra Thừa Thiên Huế, liên tục mở các cuộc hành quân phản kích để đẩy chủ lực của quân giải phóng ra khỏi đồng bằng và đánh phá ác liệt vùng giải phóng. Mỹ tập trung phản kích chiếm lại thành phố, thị trấn, đồng bằng, vùng giáp ranh, tiến sâu lên rừng núi, đánh phá kho tàng, đẩy lực lượng chủ lực của quân giải phóng ra xa, ngăn chặn đường hành lang chiến lược. Căn cứ miền núi - hậu phương kháng chiến bị uy hiếp, thế liên hoàn ba vùng chiến lược gặp khó khăn. Mỹ coi Thừa Thiên Huế là một trong những chiến trường quan trọng, trọng điểm để thực hiện ba loại hình chiến tranh “giành dân”, “bóp nghẹt” và “hủy diệt”; tăng cường các đội quân gồm các phần tử chống cộng “phượng hoàng”, “thiên nga”; tập trung lực lượng lớn quân Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa liên tục mở các chiến dịch “bình định cấp tốc”, “bình định đặc biệt”, ngăn chặn lực lượng của quân Giải phóng, đánh phá miền núi và hành lang chiến lược Bắc - Nam. Quân Giải phóng bị tổn thất, gặp nhiều khó khăn: cơ sở cách mạng ở các huyện đồng bằng và nội thành Huế bị phá vỡ; lực lượng vũ trang bị đẩy khỏi vùng giáp ranh, nhiều đơn vị phải rút lên miền Tây, thậm chí bật sang phía Tây Trường Sơn, có đơn vị phải ra miền Bắc.

Cuối năm 1968, tình hình Phú Vang rất khó khăn, các trận càn diễn ra thường xuyên hơn. Mỹ điều về một số lượng lớn máy ủi san phẳng các khu rừng ở Ba Lăng - Quảng Xuyên. Bom Napan cũng dội xuống trong một số trận càn. Mỹ còn thả bom phosphor dính trên lá cây, anh em nhiều đêm chui từ hầm lên vô tình dính phải, nhiều người bị bỏng. Vào tháng 10/1968, địch càn, xăm hầm bắt được một cán bộ bí thư phụ nữ. Người này bị chiêu hồi và quay trở lại chỉ điểm các hầm cán bộ cũng như nơi giấu vũ khí. Hầm tôi trú ẩn cũng bị điểm, bị lính lôi lên ra tập trung một chỗ. Trận càn ấy bắt nhiều người. Chúng đánh đập rất dữ. Anh Dân bạn tôi bị chúng đánh thừa sống thiếu chết. Tôi nghĩ số mình hết rồi nên đành cam chịu. Cưng, tay Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 54, cấp bậc thiếu tá là bà con bên họ ngoại tôi thấy tôi bị trói liền tới hỏi:

- Eng Hà à!

Tôi trả lời: “Ừ!” Chỉ có vậy thôi mà không có tên lính nào tới đánh đập tôi. Còn phần anh Dân bị đánh đến điên, sau anh được phong là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Chúng giam tôi ít ngày rồi giao tôi cho Mỹ và đồn Phú Bài. Từ đó, tôi trải qua các lao Thừa Phủ, rồi giải vào tận Biên Hòa, Chí Hòa rồi ra tận Côn Đảo với đủ thứ tra tấn, khổ nhục. Tháng 1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, tôi nằm trong diện được trao trả tù binh, lại bị giải về đồn Chí Hòa đợi ngày trao trả. Nhớ cái cảm giác nằm vật vì đuối sức trên sân bay Lộc Ninh trong ngày trao trả, mặt trời chiếu dọi bên trên, tự do đã thấy. Tôi hít thở cái không khí trong làng giữa cuộc chiến, dâng lên một niềm vui sướng bé nhỏ.

Hôm nay, trong tiết trời xuân mới ùa về, những hồi ức của 50 năm trước sống dậy. Bao đắng cay, mất mát cũng chìm vào thời gian. Những anh em, bạn bè đồng chí tôi, những con người đã sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho cuộc sống thanh bình hôm nay, có người mãi mãi nằm xuống, có người như tôi đang sống cùng tuổi già với những hồi tưởng của nước mắt, của những giấc mơ viên thành.

LVTG  
(TCSH347/01-2018)




 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng