Góc Hoài niệm
Nước mắm
14:22 | 14/02/2020

ĐỖ QUÝ DÂN   

Có lẽ tất cả những ai lớn lên ở Việt Nam đều biết đến nước mắm. Và đây chỉ là một câu chuyện. Một câu chuyện có chút liên quan đến nước mắm. Câu chuyện này cũng liên quan đến một người đàn bà được hoặc bị người ta gán cho cái tên Nước Mắm, hoặc Mắm, nếu người ta lười, chỉ muốn dùng một chữ để cho tiện gọi tên.

Nước mắm
Minh họa: Ngô Lan Hương

Và tôi, người đang kể chuyện cho bạn nghe, có chút liên quan đến người đàn bà này.

Tôi xin được tự giới thiệu. Tôi là một luật sư đang hành nghề tại tiểu bang California, một trong những tiểu bang giàu nhất nước Mỹ. Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, đến năm 1975 thì sang định cư ở Mỹ. Mặc dù tôi là luật sư ở Mỹ, tôi vẫn thường tự hào là hiểu biết khá nhiều về Việt Nam, về ngôn ngữ Việt cũng như về văn hóa Việt. Có điều tôi đã sống quá lâu ở Mỹ, nên lối suy nghĩ của tôi, cách diễn đạt lối suy nghĩ đó, có thể khác với lối suy nghĩ và diễn đạt của người Việt chưa một lần rời quê hương. Mong bạn mở lòng ra cũng như tôi gắng hết sức để chia sẻ câu chuyện này với bạn.

Đa số thân chủ của tôi là người Việt. Nói đúng hơn, họ là người gốc Việt, hiện sống ở Mỹ và đã có quốc tịch Mỹ. Mỗi người họ có một câu chuyện riêng, mỗi câu chuyện là một niềm ẩn ức, dù kết cục của câu chuyện đó là niềm vui đến từ sự thành công ở nước người, hoặc một nỗi buồn đọng lại từ những thất bại, đau đớn họ đã phải trải qua.

Mắm (hoặc Nước Mắm) là một thân chủ của tôi. Tôi có nhiều cảm tình với nàng, nên những nhận xét của tôi về nàng có thể là những nhận xét hết sức chủ quan về một người mà tôi cảm mến. Tôi kể lại chuyện của nàng cho bạn nghe để mong bạn cho tôi một cái nhìn khách quan hơn về nàng.
  



1.

Dạo ấy, tôi chỉ vừa hành nghề luật sư được vài năm. Tôi nhớ hôm ấy là thứ hai, ngày đầu tuần, tôi đang nhấm nháp ly cà phê buổi sáng thì điện thoại reo. Giọng đàn bà qua điện thoại nghe rất nhỏ nhẹ. Hình như là giọng của người miền Nam.

Văn phòng luật sư có nhận làm ly dị không? Dạ, em đã ở Ca Li hơn mười năm rồi. Dạ không, em không muốn tranh cãi gì cả, chỉ muốn nhờ luật sư lo về thủ tục giấy tờ thôi. Xin luật sư cứ cho biết lệ phí là bao nhiêu, em sẽ đem tới đầy đủ. Tiền bạc đối với em không thành vấn đề. Luật sư cho em xin cái hẹn. Tên em là Jasmine Nguyen.

Người đàn bà có giọng nói miền Nam nhỏ nhẹ đã đến văn phòng tôi ngay chiều hôm ấy.

Giọng nói không bội phản dáng người. Nàng là  một người đàn bà đẹp, pha lẫn nét lịch sự và quý  phái.  Nàng  làm  tôi  bắt  buộc  phải  nghiêm  trang,  chững chạc hơn thường ngày.  

Nhưng  tôi  suýt  để  mất  vẻ  nghiêm  trang  của  mình khi nàng bảo tôi gọi nàng là Nước Mắm, hoặc  Mắm nếu tôi muốn. Luật sư đừng ngại, những người  thân của em đều gọi em như vậy.  

Mắm là tên thật của người đàn bà xinh đẹp, lịch  sự kia ư? Nàng không có vẻ gì là muốn đùa giỡn với  tôi cả. Tôi phải gọi nàng là cô Mắm, bà Mắm, hay cô  Nước Mắm, bà Nước Mắm?  

Không,  tên  thật  của  nàng  không  phải  là  Nước  Mắm  hoặc  Mắm.  Nàng  tên  thật  là  Lài.  Nguyễn  Thị  Lài. Nàng đã cho tôi biết qua điện thoại tên Mỹ của  nàng:  Jasmine  Nguyen.  Nước  Mắm  chắc  chỉ  là  cái  tên tục bố mẹ nàng đặt ra để gọi nàng lúc còn bé,  giống  như  những  người  nhà  quê  ngày  xưa  thường  hay gọi con mình là thằng Cu, cái Hĩm. Nhưng thế  thì  tại  sao  nàng  lại  không  dẹp cái tên kỳ quặc kia đi?  

Không,  không  phải  thế  đâu  luật  sư.  Mắm  không  phải là tên tục của em. Cái  tên Mắm của em là một kỷ  niệm,  một  kỷ  niệm  không  bao  giờ  em  quên  được.  Em  bắt đầu có tên đó vào năm  em mười sáu tuổi.  

Mắm  có  lối  nói  chuyện  giản  dị,  khiêm  tốn  so  với  dáng  điệu  quý  phái  của  nàng.  Bằng  lối  nói  chuyện  đó, nàng thuật cho tôi nghe  câu chuyện của Nước Mắm.  

2.  

NguyễnThị  Lài  sinh  trưởng  ở  vùng  biển.  Lài  là  đứa con gái thứ ba trong gia  đình. Bố Lài không thích con  gái, chỉ thèm được một đứa  con  trai.  Ông  vẫn  thường  đay nghiến vợ về chuyện bà  không có con trai và dọa là  nếu bà đẻ thêm con gái, ông  sẽ đem đứa bé đi cho đôi vợ  chồng  già  ở  cuối  xóm  nhận  làm  con  nuôi,  và  sẽ  lấy  vợ  hai để kiếm con trai. Khi Lài  ra  đời,  bố  nàng  đã  giữ  lời.  Lài  trở  thành  con  nuôi  của  ông  bà  Chín  cuối  xóm,  bố  nàng  lấy  thêm  vợ  hai  và  từ  đó  về  sau  tuyệt  đối  không  ăn  nằm  với  mẹ  nàng.  Bất  quá  tam,  ông  nói  thế.  Ông  không  thể  để  cho  bà  có  cơ  hội có đứa con gái thứ tư. Từ  đó, bà sống như một chiếc bóng trong nhà. Còn bà  vợ hai thì sinh ra cho ông hai đứa con trai nên ông  cưng chiều hết mực.  

Lài sống bình yên với bố mẹ nuôi được khoảng  mười  năm  thì  ông  Chín  mất.  Một  năm  sau  đó,  bà  Chín  cũng  từ  giã  cõi  đời.  Bố  mẹ  ruột  của  Lài  bắt  buộc phải nhận lại Lài về để nuôi trong gia đình.  

Từ ngày Lài trở về sống với bố mẹ ruột, nàng bị  mẹ đánh đòn thường xuyên. Má em đánh em giống  như  em  là  người  thù  vậy.  Em  làm  gì  hơi  trật  một  chút là bị ăn đòn, mấy thằng em trai cùng cha khác  mẹ với em thì thích lắm, mỗi lần em bị đòn là tụi nó  cười miết thôi. Ba em thì không thèm nhìn tới em.  Đối với ổng, em như một đứa người làm vậy.  

Tuy bị ngược đãi, Lài vẫn được tiếp tục học thêm  vài  năm.  Vì  kinh  tế  khó  khăn,  mẹ  nàng  phải  tìm  cách kiếm thêm tiền cho gia đình. Bà dựng một cái  sạp  nhỏ  trên  lề  đường  ở  trung  tâm  thành  phố  để  bán những món hàng vặt như thuốc lá, nước ngọt,  bánh kẹo cho khách bộ hành. Lài học chưa hết lớp mười thì phải cắt ngang để ra giúp mẹ bán hàng, vì sức khỏe của mẹ nàng đột nhiên sa sút, không rõ nguyên do. Hai cô chị lớn thì đã lấy chồng, dọn qua tỉnh khác, chẳng giúp gì được cho gia đình. Hai đứa em trai cùng cha khác mẹ thì còn nhỏ, chúng lại được nuông chiều, không ai dám đụng đến. Chỉ còn có Lài. Năm đó nàng mười lăm tuổi.

Lài không buồn vì phải nghỉ học. Trái lại, nàng cảm thấy thoải mái hơn vì bớt bị ăn đòn. Vì cần Lài phụ việc, mẹ nàng đối xử với nàng tốt hơn trước. Bà bớt chửi mắng nàng. Tuy nhiên, bà cũng chỉ nói chuyện với Lài khi có việc cần sai bảo. Hình như bà tránh nói chuyện với đứa con gái của mình.

Cơ thể của Lài phát triển sớm hơn cơ thể của những bạn gái đồng tuổi. Tính tình, cách cư xử của nàng cũng già dặn hơn. Trông nàng như một cô gái 18, 19 tuổi. Khách đi đường, đàn ông cũng như đàn bà, nếu đã để mắt đến sạp hàng của nàng, đều không khỏi thầm khen cô bán hàng xinh đẹp, khả ái. Nhờ thế, Lài bán hàng chạy gấp đôi mẹ. Dần dà, bà giao hẳn sạp hàng cho nàng trông coi để ở nhà dưỡng bệnh.

3.

Tạo hóa đố hồng nhan.

Hắn là một sĩ quan không quân đã từng đi học thêm khóa huấn luyện ở Mỹ. Hắn có cái nét hào hoa lọc lõi của Tây phương mà Lài không thấy ở đám con trai trong xóm. Hắn mua thuốc lá của nàng rồi mời nàng đi uống nước. Hắn mời nhiều lần, và rút cuộc nàng chấp thuận đi chơi với hắn. Hắn trở thành người tình đầu tiên của nàng. Nàng yêu hắn và không đủ can đảm khước từ đòi hỏi của hắn. Một đêm bố nàng đi đánh cá ngoài khơi, mẹ nàng than mệt đi ngủ sớm, còn bà hai của bố thì về quê thăm gia đình. Nàng không ngờ đã có thai với hắn vào cái đêm định mệnh đó. Và đó cũng là lần cuối mà nàng gặp hắn. Hắn bị thuyên chuyển qua đơn vị khác và rời thành phố miền biển vài ngày sau đó. Hắn đi không nói với nàng một câu giã từ, để lại cho nàng một vết thương lòng và một cái thai trong bụng.

Nàng không giấu được những trận nôn mửa vì thai nghén.

Nàng cũng không ngờ bị thằng em cùng cha khác mẹ bắt gặp nàng đi chơi với hắn. Nàng không ngờ nó nói cho mẹ nó nghe. Nàng không ngờ mẹ nó lại đem chuyện đó ra nói cho mẹ nàng nghe, bằng một giọng điệu mỉa mai chế nhạo.

Bị mẹ chất vấn, nàng đành nói thật cho mẹ biết. Ngượng với bà hai của chồng, mẹ nàng cho đứa con gái của mình một trận đòn nên thân. Rồi đến lượt bố nàng. Lần đầu tiên nàng được nếm cái khắc nghiệt của người cha. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.

Trước sự chứng kiến của đám người tò mò trong xóm, người đàn ông lôi đứa con gái đã mấy tháng mang thai ra giữa đường, tát cho nàng sưng cả mặt rồi kéo căng tóc nàng ra để cắt. Chưa hết, người đàn ông kia còn lấy một hũ nước mắm đổ lên người đứa con gái rồi đuổi nàng ra khỏi nhà. Trước mặt mọi người, ông tuyên bố từ con.

Đám đông rồi cũng tan, khi tấn tuồng chấm dứt. Người con gái đáng thương đứng chơ vơ một mình giữa đường, mặt sưng vù, tóc ngắn chĩa lởm chởm, người ướt sũng nước mắm. Lúc đó, nàng chỉ muốn tan biến vào không khí, để không còn phải nhìn thấy ai nữa. Thì vừa vặn lúc Hoa xuất hiện. Lúc hai bàn tay của Hoa đặt lên vai nàng, dìu nàng đến giếng nước công cộng gần đấy, lúc Hoa múc nước gội đầu cho nàng, xối nước cho chất nước mắm bám trên người nàng trôi đi, lúc Hoa ân cần cởi chiếc áo ngoài của mình ra phủ lên người nàng, để cơ thể nàng khỏi bị lộ liễu dưới bộ y phục ướt sũng nước lẫn nước mắm, nàng chợt cảm thấy như người sắp chết đuối vừa vớ được tấm ván. Để nàng có một chút hy vọng. Cho ngày mai.

Cứ thế mà nàng lẽo đẽo theo chân của gã con trai kia về nhà.

4.

Hoa là con trai út của một gia đình thương gia có cửa tiệm lớn ở mặt đường cái. Thế giới của Hoa cách biệt hẳn thế giới của nàng. Gia đình Hoa giàu có, kẻ ăn người làm đầy rẫy, ai ai cũng chiều cậu Út. Mặc dù bố mẹ Hoa chẳng ưa gì Lài, vì chiều con, họ để cho nàng ở lại trong nhà, sống chung với đám người làm công cho gia đình.

Biết chuyện của nàng, họ đặt cho nàng một tên mới: con Nước Mắm, hay con Mắm, tùy theo hứng mà gọi. Nàng không phản đối. Hoa đối với nàng có cái ân. Nàng mang cái ân đó. Dù Hoa hay gia đình anh có gọi nàng bằng những chữ bẩn thỉu gì đi nữa, nàng cũng không màng. Nàng chấp nhận cái tên Nước Mắm. Nàng trân trọng nó và không muốn nhớ đến cái tên Lài ngày trước. Nguyễn Thị Lài đã chết. Giờ đây chỉ còn Nước Mắm. Chỉ còn Mắm.

5.

Vì vậy mà em muốn luật sư gọi em là Nước Mắm. Chắc luật sư đã hiểu tại sao.

Trong cuộc đời làm việc của tôi, tôi đã phỏng vấn nhiều thân chủ và biết cách lèo lái câu chuyện. Lần đó thì khác. Tôi chợt cảm thấy người đàn bà trước mặt mình mong manh như một màn sương, chỉ một câu nói sai của tôi cũng có thể làm cho nàng tan đi. Tôi cố chú tâm vào công việc để khỏi phải hình dung người con gái trong câu chuyện tôi vừa được nghe Mắm kể.

Chị với chồng chị lấy nhau vào ngày nào, tháng nào, năm nào? Hai ông bà đã sống riêng chưa? Nếu chưa, chị cứ coi như hôm nay là ngày hai vợ chồng chính thức ly thân. Chị có mấy con? Hai đứa tên gì? Chị cho tôi xin ngày sinh và số an sinh xã hội của tụi nó. Ông bà định chia giờ giấc giữ con như thế nào? Tài sản của hai ông bà gồm những gì? Xin chị liệt kê vào mẫu đơn này hộ tôi…

À, nãy giờ có chuyện quan trọng nhất mà tôi lại quên không hỏi. Xin chị cho biết chồng chị tên gì?

Tên chồng em là Hoa. Vương Kim Hoa. Tên Mỹ của ảnh là Harold Wong.

Hoa? Có phải cái anh Hoa đã đem chị về nhà không? Thế ra anh ấy là chồng của chị?

6.

Cũng như bao gã con trai khác, Hoa say mê sắc đẹp của Mắm. Hoa tận tình chăm sóc Mắm. Vì cảm cái ân của Hoa, Mắm để anh ăn nằm với nàng mặc dù nàng đang mang thai. Gia đình Hoa không ai biết, hoặc có biết mà cứ làm ngơ. Họ có tiền, có uy quyền, nên dù đứa con trai út trong nhà có làm gì sai trái, họ cũng có cách để giải quyết.

Nhưng họ không chấp nhận Mắm làm dâu trong gia đình.

Đứa con hoang, con đầu lòng của Mắm ra đời được năm tháng thì tình hình chiến sự trong nước biến đổi nghiêm trọng. Gia đình Hoa dọn về Sài Gòn. Hoa phải tranh đấu dữ dội để mang theo được hai mẹ con của Mắm. Hoa có tranh đấu đến đâu đi nữa cũng không có cách nào xin cho mẹ con Mắm được đi theo. Mắm ngậm ngùi nhìn Hoa đi mà thấy mình như lại chết đi một lần nữa.

Lúc đó, Mắm vẫn chưa chính thức là vợ Hoa. Qua đến Mỹ được mấy năm, rồi sau đó gặp lại nhau được mấy năm nữa, Mắm mới trở thành vợ chính thức của Hoa.

7.

Căn nhà của chị hiện giờ trị giá bao nhiêu? Dạ, khoảng 800 ngàn. Chị còn thiếu nợ bao nhiêu? Dạ, khoảng 200 ngàn. Vậy là chị có khoảng 600 ngàn “equity” trong căn nhà đó. Vợ chồng chị mua căn nhà này vào lúc nào? Dạ em mua được một năm trước khi lập hôn thú. Ủa, vậy nhà đó do chị bỏ tiền ra mua hay sao? Dạ đúng. Tiền của riêng chị bỏ ra mua? Dạ. Nếu vậy nhà đó là tài sản riêng, “separate property” của chị, phần của anh Hoa trong căn nhà đó rất ít, tùy thuộc vào số tiền trả góp hàng tháng từ ngày hai vợ chồng lấy nhau…

Nhưng luật sư cứ giao nhà đó cho anh Hoa giữ. Luật sư cứ coi nhà đó như là nhà của ảnh.

Tôi đã hết sức ngăn cản Mắm về việc giao trọn căn nhà (của nàng) cho Hoa, nhưng nàng không nghe. Thấy tôi cứ mãi băn khoăn về chuyện này, nàng nói:

- Thưa luật sư, luật sư có nhớ em kể chuyện anh Hoa đưa em ra giếng nước gội rửa cho em, và khoác cho em chiếc áo ngoài không? Với em, cái áo đó có giá trị hơn bất cứ căn nhà nào. Nhờ cái áo đó em vẫn còn là người cho đến hôm nay. Anh Hoa rất thích căn nhà em mua, vậy thì căn nhà đó đúng là căn nhà của ảnh.

Lần đầu tiên tôi gọi nàng bằng tên Mắm là khi nàng chia tay với tôi chiều hôm ấy.

- Thôi cô Mắm về đi. Hẹn gặp lại cô Mắm tuần tới.

Hình như mắt nàng thoáng long lanh khi nghe tôi nói chữ “Mắm” đó.  

8.

Tôi trở thành bạn của Mắm sau khi giúp nàng hoàn tất hồ sơ ly dị. Lúc quen nhau thân hơn, nàng kể tiếp cho tôi nghe về đời nàng sau khi gia đình Hoa rời Việt Nam, bỏ mình nàng ở lại với đứa con chưa đầy một tuổi.

Mắm đã mấy lần nảy ý định tự tử, nhưng khi nhìn lại con mình, nàng biết nàng không thể chết được. Nàng xoay sở đủ cách để nuôi con sống qua ngày.

Anh biết không, quen anh lâu giờ em mới dám kể. Em đã phải làm đủ mọi thứ chuyện, kể cả bán thân để kiếm tiền. Tủi nhục lắm anh ơi. Cũng may là về sau anh Hoa liên lạc được với em rồi gửi tiền về cho em tìm cách ra nước ngoài. Em đã tưởng mẹ con em chết ngoài biển rồi, gặp lại Hoa. Hoa nhất định bắt nàng phải đổi tên. Hoa dịch tên Lài của nàng thành Jasmine và bắt nàng sử dụng tên mới. Hoa không dám đưa nàng về sống chung vì anh vẫn còn ở với bố mẹ. Mắm cũng không muốn về sống chung với bố mẹ Hoa. Nàng muốn tự lập để nuôi con.

Anh Hoa cứ muốn em quên đi cái tên Nước Mắm. Gia đình ảnh đặt cho em tên này, nhờ nó mà em quên được đời sống cũ. Lúc anh Hoa đưa em ra giếng nước để gội rửa, em đã hết sức cẩn thận để nước mắm trên người em đừng dính vào người ảnh. Em đã nghĩ sai. Đáng lẽ em phải để nước mắm thấm vào ảnh như đã thấm vào em. Em nhờ cái chất nước mắm đã thấm vào em mà sống được đến ngày hôm nay. Em đã là nước mắm. Vậy mà ảnh cứ bắt em quên nó đi.

Anh Hoa, ảnh chỉ muốn xa cái tên Nước Mắm.

Về phần tôi, Mắm bảo, còn anh, lần đầu anh gọi em bằng Mắm, anh đã kéo em tới gần anh hơn.

Tôi không hiểu rõ những điều Mắm nói. Lúc đó tôi đang bận tâm về vấn đề khác. Chẳng lẽ tình bạn giữa tôi và nàng chỉ có thể phát xuất và tồn tại nhờ Nước Mắm?

9.

Qua Mỹ một thời gian, Mắm bắt đầu làm nghề “xe lunch” (xe bán thức ăn trưa) để kiếm sống. Nàng phải mướn xe từ một công ty chuyên về dịch vụ này. Nàng cũng mua các thức ăn uống từ công ty này để bán lại cho khách hàng. Để có thêm lời, nàng phải tự nấu thêm một số các món ăn khác để bán. Xe lunch nào cũng có thiết bị bếp nấu. Công nhân ở Mỹ ít thì giờ ăn trưa nên thích mua thức ăn từ những xe lunch vì tiện lợi và rẻ hơn đi ăn tiệm.

Thức ăn do Mắm nấu bán rất chạy. Nàng luôn luôn có đông khách hàng. Nguyên do rất đơn giản: Mắm bỏ nước mắm vào những món ăn Mỹ do nàng nấu. Mỗi ly cà phê nàng bán cũng điểm một đầu que tăm đã ngâm trong nước mắm. Cà phê nàng ngon nổi tiếng, công nhân mọi nơi cứ đợi xe nàng đến là đổ ra mua.

Cuộc đời của Mắm vẫn luôn luôn dính liền với nước mắm.

10.

Mỗi sáng Mắm chở con đi học rồi ghé qua công ty lấy xe lunch, chất các món nàng đã mua hoặc chuẩn bị sẵn để đi bán tại một số công sở và hãng xưởng nằm trên lộ trình đã được công ty giao cho. Khoảng ba giờ chiều Mắm trở về công ty, thay quần áo rồi lấy xe mình đi đón con tan học. Nàng làm thế năm ngày mỗi tuần.

Một hôm Mắm bị kẹt xe đến hơn một tiếng vì có tai nạn lưu thông trên xa lộ. Mắm không đủ thì giờ để về công ty thay quần áo và lấy xe riêng nên lái thẳng xe lunch đến trường để đón con. Mắm đến vào lúc vừa tan trường. Đợi mãi không thấy con đâu, nàng chạy vào văn phòng hành chánh của trường để hỏi thăm xem con đã ra về chưa. Nàng được thư ký văn phòng cho biết là con nàng đã về cùng xe với một đứa bạn. Nàng trở về công ty, giao xe lunch lại cho chủ, rối lấy xe riêng về nhà.

Vừa gặp con, nàng đã bị nó mắng xối xả vào mặt:

- Tại sao bà lại lái cái xe mắc dịch đó tới trường tui cho bạn bè tui nó cười. Bà còn mặc cái bộ đồ dơ dáy đầy dầu mỡ nữa chớ! Lại còn đầy mùi nước mắm. Bộ bà muốn làm nhục tui hả?

Bấy lâu vì bận bịu công việc nàng không mấy để ý đến con, không ngờ nó lại có những tư tưởng chống đối và coi thường nàng như vậy. Cũng như Hoa, nó chán ghét cái mùi nước mắm của nàng. Mắm đã hy sinh cuộc đời vì con nên câu nói của nó làm nàng vô cùng đau đớn.

Ngày hôm sau, Mắm bỏ nghề xe lunch.

11.

Mắm bị ốm mất mấy ngày. Nàng đâm ra chán nản, không còn tha thiết với cuộc sống. Hoa ghé thăm, đem theo một tô cháo gà cho nàng ăn. Hoa cũng kèm thêm một chén nước mắm nhỏ vì thấy nàng thường rưới thêm nước mắm vào các món ăn.

Mùi nước mắm trong cháo làm sống dậy trong Mắm những hình ảnh cũ. Những trận đòn của mẹ. Trận đòn khắc nghiệt của bố nàng. Cái giếng nước nơi Hoa đã dìu nàng đến, nơi anh gội rửa cho nàng. Cái áo choàng anh khoác lên cơ thể ướt sũng của nàng. Những ngày tháng lê lết ở Sài Gòn. Mắm đã vượt qua được tất cả. Nàng không cần trốn chạy nữa. Nàng sẽ để mọi người thấy rõ sự hiện diện của nàng. Nàng sẽ lan tỏa khắp nơi. Vì nàng là Nước Mắm. Là Mắm.

Một lần nữa Mắm cảm thấy như sống dậy từ cõi chết.

Một người quen của Mắm giới thiệu cho nàng một nghề mới: thêu huy hiệu lên đồng phục, mũ áo của các hãng xưởng. Người quen của nàng phải theo chồng dọn đi tiểu bang khác, bán lại cho nàng hai cái máy thêu cũ. Cùng lúc đó ngành điện tử phát triển mạnh ở California. Các hãng xưởng mọc lên tới tấp, hãng nào cũng muốn nhân viên mặc áo mũ có huy hiệu của mình, coi như đó là một hình thức tiếp thị. Mắm bỗng nhiên nhận được vô số hợp đồng để thêu huy hiệu cho các hãng. Nàng mua thêm máy, mướn nhân viên giúp việc, rồi lập công ty. Nàng nghiễm nhiên trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất trong vùng.

12.

Hoa ngỏ lời chính thức lập hôn thú với Mắm sau khi mẹ anh qua đời. Dĩ nhiên là Mắm bằng lòng. Cuộc hôn nhân chính thức của nàng kéo dài được hơn ba năm.

Hoa làm việc cho một công ty lớn ở Bắc California. Anh có bằng kỹ sư ở đây. Anh làm việc chuyên cần, được cất nhắc lên chức điều hành của một bộ phận quan trọng trong hãng. Anh quen tiếp xúc với các đồng nghiệp sinh trưởng ở Mỹ nên từ từ lánh xa cộng đồng người Việt. Anh hay một mình đi dự các buổi tiếp tân của công ty chứ không đi cùng với Mắm. Cô thư ký tóc vàng trong công ty đem lòng ái mộ anh. Dần dần người ta bắt gặp anh và cô ta xuất hiện chung ở các buổi tiếp tân, các buổi tiệc ở công ty. Mắm cũng biết rõ chuyện ấy.

Khi Mắm về chung sống với Hoa, anh nhận ra nàng có một thế giới riêng mà anh không xâm nhập nổi. Mắm không dùng nước hoa, nàng trang điểm rất sơ sài và chỉ dùng những thứ mỹ phẩm rất nhẹ mùi. Hoa mấy lần tặng Mắm nước hoa mà không thấy nàng dùng. Nàng bảo anh nàng không muốn có mùi gì át đi mùi nước mắm. Anh không hiểu nàng nói đùa hay nói thật.

Rồi một hôm, Hoa nói với Mắm anh muốn ly dị nàng. Anh cần một cuộc sống mới. Mắm im lặng nhận lời rồi bắt đầu lo liệu thủ tục cần thiết cho cả hai vợ chồng.

13.

Tôi gặp lại Mắm ở một dạ hội tất niên. Nàng có vẻ buồn và uống rất nhiều rượu đêm ấy. Tôi hỏi thăm thì được nàng cho biết là mẹ nàng vừa mất. Nàng đã bảo lãnh cho mẹ nàng sang Mỹ được mấy năm. Nàng cũng bảo lãnh cho cả bố nàng nhưng ông chưa nhận được giấy chấp thuận thì đã qua đời. Nhớ tới chuyện nàng bị bố mẹ ngược đãi và đã từ không nhận nàng là con, tôi thắc mắc nhưng không dám hỏi. Như đọc được ý nghĩ của tôi, nàng nói:

- Dù gì thì ba má cũng là ba má em, em đâu làm ngơ được.

Thấy tôi chẳng nói gì, nàng tiếp:

- Cả đời em, em chưa bao giờ được nghe má em nói má em thương em, nên em muốn bảo lãnh má em qua Mỹ để hỏi coi bả có thương em không?

Tôi hỏi thế má em có nói gì với em không, vừa hỏi vừa hy vọng Mắm tìm được tình thương của mẹ. Chỉ nghe nàng trả lời:

- Bà già chỉ thú nhận với em là lúc nhận lại em về nuôi, ngày nào bả cũng phải đánh đòn em. Ngày nào không đánh đòn em là ngày đó bả ăn cơm không ngon. Tại em làm cho bả nhớ lý do ba em bỏ rơi bả, tại em là con gái, bả muốn em là con trai mà em lại là con gái…

- Má em chết rồi mà em vẫn chưa được nghe bả nói thương em… Em không buồn đâu, số mạng hết anh ơi! Số em là số con Nước Mắm. Số em là số con Mắm…

14.

Đêm ấy Mắm nằm bên tôi. Nàng úp mặt vào ngực tôi rất lâu mà chẳng nói gì. Tôi cũng không dám lên tiếng mặc dù rất muốn an ủi nàng vài câu.

Mắm bỗng chợt đứng dậy rồi bỏ ra bếp. Khoảng một phút sau nàng trở lại bên tôi, tay cầm một cái chén. Nàng cởi áo ra rồi nằm xuống bên tôi:

- Đêm nay em sẽ cho anh biết Nước Mắm của anh như thế nào.

Nàng nằm ngửa, nghiêng cái chén cho một dòng nước chảy xuống ngực. Tôi ngửi được mùi nước mắm đậm quánh. Nàng nói:

- Em là Nước Mắm anh ơi ! Nước Mắm đã thấm ướt cả đời em rồi. Em đã chết đi vì nó, và cũng đã sống lại vì nó. Em có thành công bao nhiêu đi nữa, em cũng vẫn là Nước Mắm. Người ta có cần em bao nhiêu đi nữa, người ta cũng không muốn em dính vào người ta. Vì em là Nước Mắm.

Tiếng Mắm vang đều bên tai tôi. Tôi bỗng dưng cảm thấy như mình bị chơi vơi trong khoảng trống. Cố lắm tôi mới xoay được người về phía nàng. Tôi nằm lên người nàng, để ngực mình áp chặt vào ngực nàng, để chất nước mắm thấm qua áo tôi. Tôi có cảm tưởng như nước mắm đã thấm qua làn da và đi thẳng vào buồng phổi tôi. Trong thoáng giây, tôi chợt thấy mình cũng đã hòa tan vào nước mắm.

Chỉ thấy giọt nước mắt của Mắm sáng long lanh trong bóng tối.

*

Có những vết thương không bao giờ lành. Có những mùi hương không bao giờ phai. Có những nỗi ám ảnh không bao giờ xóa được.

Tôi có cảm tưởng như tôi chưa kể được hết câu chuyện cho bạn nghe. Tôi muốn kể tiếp và muốn kết thúc câu chuyện bằng những niềm vui, những tiếng cười hạnh phúc. Nhưng câu chuyện tôi lại không được toàn vẹn như thế. Tôi mong bạn thông cảm cho tôi.

Tôi không gặp lại Mắm. Nàng bỏ về sáng sớm hôm sau khi tôi còn ngủ. Nàng đem theo chiếc áo tôi mặc đêm hôm trước. Chiếc áo đã thấm nước mắm từ ngực nàng.

Có lẽ nàng không muốn người tôi còn phải dính mùi nước mắm. Nàng muốn đem nước mắm đi thật xa.

Nhưng nàng không biết mùi nước mắm vẫn còn quấn bên tôi.

Mùi nước mắm không bao giờ tan biến được.


Đ.Q.D  
(SHSDB35/12-2019)




 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Bông huệ trắng (07/02/2020)
Ngất ngưởng (22/01/2020)