Góc Hoài niệm
Hội Văn nghệ kháng chiến Thừa Thiên
09:36 | 26/10/2020

Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (18/9/1945 - 18/9/2020)

DƯƠNG PHƯỚC THU

Hội Văn nghệ kháng chiến Thừa Thiên
Tạp chí văn chương Quốc Kêu xuất bản tháng 5 năm 1948 ở Thừa Thiên

Sau ngày Huế vỡ mặt trận, đầu tháng 3 năm 1947, tất cả các cơ quan đoàn thể cách mạng của tỉnh Thừa Thiên được lệnh phải rút dần lên vùng rừng núi xây dựng căn cứ, lập chiến khu kháng chiến. Trước sức tấn công dữ dội, càn quét khốc liệt của thực dân Pháp, để bảo toàn lực lượng, trong quá trình rút lui, nhiều tổ chức đoàn thể, cơ quan hành chính cách mạng buộc phải chia nhỏ hoặc tạm thời giải thể. Trong bối cảnh ấy, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên (tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế ngày nay) được thành lập từ ngày 18/9/1945 và chỉ mới hoạt động được hơn một năm cũng đành phải giải thể, chuyển một số bộ phận cần thiết sang Ty Thông tin. Trước tình thế chiến tranh ác liệt ngày càng lan rộng, nhiều văn nghệ sĩ vẫn ở lại Thừa Thiên gác tạm bút để làm giao liên hoặc trực tiếp cầm súng chống Pháp, và cũng có nhiều văn nghệ sĩ được lệnh sơ tán ra vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Chỉ một thời gian, số văn nghệ sĩ ở vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh nhanh chóng tập hợp lại để thành lập một tổ chức mới: Hội Văn nghệ kháng chiến khu IV.

Do yêu cầu của cách mạng, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 3 năm 1948, Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ kháng chiến khu IV do các nhà văn Đặng Thai Mai, Nguyễn Xuân Sanh, Lưu Quý Kỳ, Nguyễn Đức Quýnh cùng phụ trách đã tiến hành tổ chức Hội nghị lần thứ I - do tính chất và nội dung quan trọng của Hội nghị này được xem như Đại hội. Ngoài số đại biểu chính thức, Hội nghị được đón các vị đại diện cho các cơ quan chính quyền và đoàn thể như: cụ Hồ Tùng Mậu, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính khu IV; cụ Nguyễn Đình Ngân, Giám đốc Viện Văn hóa Trung Bộ; cụ Tôn Quang Phiệt, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội; cụ Võ Liêm Sơn, Chủ tịch Hội Liên Việt khu IV; cụ Trần Đình Đàn, Giám đốc Sở Bình dân học vụ Trung Bộ; ông Trung đoàn trưởng Hùng Sơn thay mặt bộ đội, v.v1

Hội nghị đã bầu một Ban Giám đốc, ra bản Tuyên ngôn, thành lập Đoàn Văn nghệ kháng chiến khu IV. Ban Giám đốc (tương tự như Ban chấp hành ngày nay) gồm: Bí thư đoàn có 3 vị: Đặng Thai Mai, Nguyễn Xuân Sanh, Trương Tửu và 4 Ủy viên: Đào Duy Anh phụ trách sưu tập tài liệu; Lưu Quý Kỳ, phụ trách xuất bản ấn loát; Nguyễn Lương Ngọc, phụ trách tài chính, phát hành; Nguyễn Đức Quýnh phụ trách kiểm tra, tuyên truyền.

Hội nghị thống nhất mời một Ban Cố vấn gồm: Về hội họa - Nguyễn Văn Tý; về âm nhạc - Lê Yến; về kịch nghệ - Nguyễn Tuân.

Đại diện Đoàn Văn nghệ khu IV ở các tỉnh: Nghệ An - Nguyễn Đức Thuyết; Hà Tĩnh - Bùi Hiển; Quảng Bình - Dương Tử Giang; Quảng Trị - Vĩnh Mai; Thừa Thiên - Lưu Trọng Lư.

Đoàn Văn nghệ kháng chiến khu IV bắt đầu hoạt động từ ngày 20 tháng 3 năm 1948. Chi nhánh của Đoàn ở các tỉnh có nhiệm vụ tổ chức những “cuộc gặp bạn”, thành lập đội nhóm ở cơ sở, động viên văn nghệ sĩ, báo chí đẩy mạnh sáng tác nhiều tác phẩm mới, tuyên truyền phục vụ kháng chiến.

Tháng 5 năm 1948, Hội Văn nghệ khu IV xuất bản tạp chí Sáng Tạo, số 1 cũng là số đặc biệt in toàn bộ nội dung về Hội nghị Văn nghệ kháng chiến lần thứ I, do Đào Duy Anh phụ trách, Nguyễn Xuân Sanh làm Thư ký tòa soạn.

Tại Thừa Thiên, suốt gần hai năm, từ tháng 3 năm 1947 đến tháng 8 năm 1948, trên danh nghĩa Hội Văn nghệ không tồn tại. Lực lượng văn nghệ sĩ các ngành: thơ ca, nhạc họa, nhiếp ảnh, vũ kịch, tuyên truyền… được bố trí sang hoạt động dưới sự quản lý “lỏng lẻo” của Ty Thông tin Tuyên truyền.

Bước qua năm 1949, tình hình chiến trường Thừa Thiên có nhiều thay đổi, các lực lượng vũ trang cách mạng không ngừng lớn mạnh, đánh thắng nhiều trận lớn gây tổn thất cho địch, buộc chúng phải co cụm, đồn trú chủ yếu quanh thị xã Thuận Hóa. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy Thừa Thiên thông qua Đề án Dân vận2, các tổ chức đoàn thể cách mạng cấp tỉnh và huyện ở Thừa Thiên dần dần được thành lập trở lại.

Phong trào văn hóa, bình dân học vụ ở vùng chiến khu từng bước phát triển. Phong trào văn nghệ gây dựng sôi nổi bằng những hình thức ra báo tường, báo tay, hò hát, ca dao, diễn kịch, các buổi nói chuyện văn thơ, cử cán bộ đi về đồng bằng, xâm nhập vào vùng nông thôn làm cho đời sống tinh thần của nhân dân vùng địch tạm chiếm tin tưởng vào kháng chiến, hướng về cách mạng. Trước nhu cầu khẩn thiết phải tổ chức, tập hợp giới văn nghệ sĩ thành một lực lượng mạnh của cách mạng, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thừa Thiên quyết định phải thành lập Hội Văn nghệ.

Trong nhiều văn bản của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thừa Thiên gửi Ủy ban kháng chiến Liên khu IV, báo cáo tình hình tỉnh Thừa Thiên từ ngày 1/1 đến 31/10/1949, cho biết vào tháng 8 năm 1949, “Hội Văn nghệ kháng chiến Thừa Thiên cũng mới thành lập ở tỉnh và các huyện đều có Ban trị sự, đã tổ chức được nhiều cuộc nói chuyện và ra bích báo như ở Quảng Điền, Phú Lộc3.

Hội Văn nghệ kháng chiến tỉnh Thừa Thiên được thành lập tháng 8 năm 1949 tại chiến khu Khe Rệ, Hương Trà, kế tục vai trò của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc trước đó do tình hình chiến tranh phải giải thể. Vì tính chất hoạt động văn nghệ kháng chiến, Hội Văn nghệ cấp tỉnh cũng tổ chức thành Đoàn Văn nghệ kháng chiến. Dưới Hội cấp tỉnh, cả sáu huyện (trừ thị xã Thuận Hóa) đều có Ban Trị sự4 hoạt động theo mô hình Đoàn Văn nghệ kháng chiến khu IV.

Kể từ tháng 3 năm 1948 đến hết năm 1950, ở Thừa Thiên có hai tổ chức văn nghệ cùng hoạt động: Chi nhánh Đoàn Văn nghệ kháng chiến khu IV do Lưu Trọng Lư phụ trách một thời gian và Đoàn Văn nghệ kháng chiến tỉnh Thừa Thiên.

Để có tài liệu tuyên truyền ở nội thành và chuẩn bị cho Hội Văn nghệ kháng chiến thành lập, từ tháng 5 năm 1948, những người hoạt động văn nghệ bí mật đã cho xuất bản tạp chí văn chương Quốc Kêu, mỗi tháng ra một kỳ do nhà thơ Kim Quân làm Chủ bút, ông Hà Văn Tự làm Chủ nhiệm. Tên tạp chí ẩn dụ tiếng kêu của loài chim quốc thay cho tiếng kêu của người dân mất nước, mất tự do trong vùng địch tạm chiếm. Về sau Quốc Kêu chuyển lên chiến khu ra được trên 10 số, phát hành về đồng bằng, chuyển vào nội thành thị xã. Nội dung kêu gọi nhân dân một lòng hướng về kháng chiến, về cách mạng giải phóng dân tộc.

Đối với cấp huyện, Hội Văn nghệ kháng chiến Quảng Điền ra báo tay Hồn Quê; Hội Văn nghệ kháng chiến Phú Lộc ra báo tay có tên Mầm Non5, in thơ văn, hò vè đưa vào phục vụ nhân dân vùng tạm chiếm.

Hội Văn nghệ kháng chiến, thông qua lực lượng văn nghệ sĩ đã đóng góp vai trò quan trọng của mình bằng hình thức sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân kháng chiến kiến quốc.

Đánh giá về phần văn nghệ giai đoạn này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, họp tháng

5 năm 1950 đã khẳng định: “Nhân dân đã ham thích văn nghệ. Nền văn nghệ tuyên truyền cũng đã có đà, đang lên cao nhưng tổ chức hướng dẫn còn thiếu, chưa làm cho nó phát triển mạnh mẽ kết quả hơn”…

Kể từ đây, Hội Văn nghệ hay Đoàn Văn nghệ kháng chiến Thừa Thiên bước sang một giai đoạn mới, sáng tác phục vụ kháng chiến kiến quốc theo chủ trương mới: “Tích cực chuyển mạnh sang tổng phản công”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng thực dân Pháp”…


D.P.T
(SHSDB38/09-2020)

--------------
1. Tạp chí Sáng Tạo, số 1 ra tháng 5/1948.
2. Xem thêm Đề án Dân vận Hội nghị Tỉnh Đảng bộ Thừa Thiên tháng 4/1949.
3. Phong tài liệu tỉnh Thừa Thiên trước 1954, tại kho Trung tâm lữu trữ VP Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
4. Báo cáo của Ủy ban KCHC tỉnh Thừa Thiên, TL đã dẫn, tr. 21.
5. Báo cáo của Ủy ban KCHC tỉnh Thừa Thiên, TL đã dẫn, tr. 47.

 

 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng