Góc Hoài niệm
Phiêu bạt giữa xứ kinh kỳ
09:46 | 05/08/2022

TRẦN BĂNG KHUÊ

          Bút ký dự thi

Phiêu bạt giữa xứ kinh kỳ
Điện Thái Hòa - Đại Nội Kinh thành Huế - Ảnh: wiki

1.

Hồi tưởng những chuyến đi, những khúc đoạn ký ức, tìm kiếm chiều dài chiều rộng của đất trời và kể cả chiều sâu trong thế giới riêng, hay quan sát, chiêm ngắm những mảng màu sắc của thiên nhiên, của cả những người bạn có gốc có tình, có sự gắn kết như duyên phận với Huế. Tôi vẫn khao khát vậy. Nhưng thật chẳng dễ dàng gì để tôi hình dung được những cuộc rong ruổi lang thang phiêu bạt của con người ở xứ sở miên man giữa dòng thời gian như nước sông Hương lững lờ hai mùa mưa nắng sẽ như thế nào.

Guy Debord, người khởi xướng triết lý sự trôi dạt trong Theory about the Dérive (Luận thuyết về sự trôi dạt) đã giải nghĩa chữ “dérive” (tiếng Pháp), hoặc drift (tiếng Anh) là sự trôi dạt, tình trạng bị lôi cuốn đi. Lẽ dĩ nhiên tôi không thể nào không “cậy nhờ” đến lý thuyết trôi dạt của ngài Guy Debord để thử soi tỏ tâm can mình. Guy Debord luận rằng: “Trôi dạt không đơn thuần chỉ là những chuyến đi thông thường, nó là sự cộng gộp giữa hành động hoàn toàn có chủ ý và sự nhận thức về những tác động mà không gian địa lý gây ra cho tâm lí của con người”. Ngay giữa lòng thành phố nho nhỏ có con sông đằm thắm chia đôi bờ thương nhớ, nhiều khi lòng tôi dấy lên một sự hồ nghi liệu mình đã ôm trọn xứ sở hay chưa hoặc lại “bị” lọt thỏm trong bóng dáng của những nỗi niềm dấu vết xưa cũ. Với tôi, trôi dạt đơn giản là hãy cứ như một con thoi quăng qua quăng lại mà không sao nắm bắt hết được những thẳm sâu của đất trời và nhân sinh.

2.

Hoàng thành u tịch màu thời gian là nơi mà tôi, tuổi mười tám đôi mươi lần đầu tiên được bước chân vào Đại nội. Nơi mà lịch sử là dấu vết của thành quách đền đài lăng miếu. Nơi mà bóng dáng kẻ sĩ xưa, bây giờ là hóa thân của những áng mây trôi dạt lặng lẽ thay màu đổi sắc trên bầu trời xứ kinh kỳ. Người có gốc tích từ Huế như tôi cũng đã chừng gần hai mươi năm mới quay trở lại cánh cổng lớn để vào nội thành, thả chân trên những ô gạch màu rêu trong khoảng không gian cổ kính của nơi chốn cung cấm xưa kia. Mỗi khi bước qua cửa Ngọ Môn, tôi đồ rằng mình đang không chỉ bước qua một không gian khác mà còn là một ký ức thời gian khác. Xa xưa lắm.


Tôi hồi tưởng sự sắp đặt nhiều chiều thăm thẳm trong đáy mắt vẫn còn nhiều đồng vọng, hệt như một giấc mộng khi tự đưa mình chìm sâu vào khoảng lặng của hiện tại, ngay lúc này. Vào một chiều tháng năm mưa giăng mắc mờ xám, tôi dự sẽ rời khỏi đám đông (một đoàn khách từ xứ Bắc ghé thăm đất kinh kỳ), nhưng lại nghe loáng thoáng, cậu bé đứng bên cạnh tôi nói nhỏ, “con chưa hiểu điều cô thuyết minh viên nói”. Tôi nhanh chóng giải thích rằng, “cô ấy đang kể câu chuyện về chín chúa mười ba vua triều Nguyễn, bằng chất giọng của người Huế”.

Tôi chủ ý quay trở lại với tâm thức về hình ảnh cây ngô đồng đã trổ hoa từng chùm từng nhánh như điểm sáng cho hoàng thành cổ kính trong buổi chiều xám. Tôi bị vẻ đẹp lạ lùng như một hoang cảnh sầu tư, cô đơn của cây ngô đồng thu hút đến độ chẳng còn nghe thấy bất cứ âm thanh nào của đám đông xung quanh nữa, ngoài một sự vắng lặng tịch mịch đẹp tuyệt vời này. Hẳn là chỉ có người dính dấp đến Huế như tôi mới có thể tách biệt cùng cảm thức trôi dạt ám ảnh để lang thang theo sắc màu của bầu trời, của mấy nhánh hoa trổ hồng phớt dịu dàng ngay trước mặt mình.

Tôi bất chợt nghĩ đến anh bạn người Huế từ thời trẻ tuổi, giờ đã là một nhà nghiên cứu Hán Nôm, chăm chắm theo đuổi đam mê từ những tháng năm đại học đến tận bây giờ. Bạn chọn việc trở về quá khứ, trôi dạt cùng cảm thức lịch sử trong những con chữ tượng hình trên các loại văn bia, đền đài, miếu mạo, lăng tẩm ở ngay chính mảnh đất kinh kỳ, nơi bạn sinh ra và trưởng thành. Nhắc cây ngô đồng, chỉ vì tôi là kẻ lãng du ham muốn tìm kiếm đến tận chân tơ kẽ tóc xứ Huế, nơi mà tôi đang hiện diện như kẻ ngụ cư, bạn say sưa nói với tôi rằng, trong tập Thừa Thiên phủ thuộc bộ Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có đoạn ghi chép về cây ngô đồng: “Đời Minh Mạng đưa từ Quảng Đông (Trung Hoa) về trồng hai bên điện Cần Chánh. Sau, vua sai biền binh đem lá lên rừng núi kiếm tìm để mang cây về trồng thêm ở các góc điện.” Anh bạn bất chợt trầm ngâm khi kéo tôi về với những không gian xa lắc thuở xưa cùng Nguyễn Trãi và Nguyễn Du. Thật tình tôi cũng không còn biết nơi nào mà “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”. Nhưng ở đây, ngay giữa hoàng thành này, cây ngô đồng như một chứng tích của thời gian mưa nắng mà tôi chợt thấy sự gắn kết sâu xa của hiện tại và quá khứ.

Tôi là kẻ mê mẩn thứ chủ nghĩa xê dịch, lang thang phiêu bạt núi sông, nhưng lại luôn bị lầm lẫn về hướng đi, vị trí của một không gian kiến trúc địa lý nào đó. Đôi khi, tôi còn bị lạc đường, lạc luôn cả “trí nhớ suy tàn” của mình. Bởi vậy, đứng trước cây ngô đồng chiều tháng năm mưa xám ấy, tôi chẳng thể nào định vị được đó là cây ngô đồng ở Tả vu hay Hữu vu?

Giờ đây, ký ức lịch sử của một thời thế là tâm thức, câu chữ, và hình ảnh được hiển thị trên các công trình kiến trúc. Hẳn nhiên, đối với tôi, cây ngô đồng là một trong những minh chứng rõ rệt, đặc biệt, khi được khắc lên Nhân đỉnh của cửu đỉnh đặt trước Hiển Lâm các trong Đại Nội - Huế. Tôi biết, chính sự hiện hữu của cảnh vật, của bóng dáng Hoàng thành dưới các lớp gạch phủ màu rêu cổ kính kia vẫn còn tồn tại một đời sống khác. Đó là những hồi ức, những lưu dấu về một thời - thế trong tầng tâm thức miên viễn mà đời sau phải giữ gìn.

Nhớ ra, tôi cũng khá nhiều lần chạy quanh thành phố, từ bờ nam sang bờ bắc cũng vào mùa cây ngô đồng trổ bông lên màu, mong ngắm sắc hoa nổi bật quyến rũ giữa rừng cây xanh ở công viên Thương Bạc và Tứ Tượng hoặc bóng của một cây ngô đồng đơn độc ở phía Phu Vân Lâu, mà tôi chỉ ngắm nhìn từ xa. Chợt nghe câu thơ của Bích Khê thuở học trò vẫn mang mác buồn đến tận bây giờ, “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi: thu mênh mông”.

3.

Nếu chỉ để chơi trò thực hành lý thuyết trôi dạt như một cảm thức ham muốn khám phá, hay trải nghiệm, tôi còn khát khao đi nhiều hơn nữa. Huế, không những là nơi tôi đang nương náu, nơi tôi khám phá một phần sự tồn tại của tôi, có khi, một buổi chiều tháng năm mưa xám nào đó, vừa đủ cho tôi giấu giếm hình bóng của những cây ngô đồng quyền quý đơn độc, rạng rỡ kia. Và cũng có thể, cho tôi hứng thú tìm kiếm thêm một vài dấu vết lặng lẽ khác từ ngọn đồi xanh mướt trầm mặc giữa ánh sáng hay bóng tối của những hàng thông họ lá kim.

Một ngày nắng ngời sắc bung tỏa, tôi rỉ rả rủ rê những người bạn thân thiết chạy về phía đồi Vọng Cảnh. Cậu bạn trẻ làm báo người Huế, tôi quen biết đã lâu, từng gợi ý, “hãy lên ngọn đồi đó, và nhìn xuống dòng nước miên man chảy dưới con sông Hương thơ mộng, chị sẽ thấy một cảm giác thanh lọc lắng dịu mênh mông”. Cậu ấy khiến cho kẻ vốn dĩ đã mê mẩn những chuyến đi, khát thèm rời chân xê dịch, tiếp tục tìm kiếm những câu chuyện của mình. Nhưng, cậu không biết, tôi vẫn ngu ngơ hệt một kẻ mộng du xa lạ trước những hoang cảnh còn vẹn nguyên màu sắc của cây cối và khí trời đậm đà chất Huế.

Dưới bóng chiều, con đường tản bộ lót lớp gỗ mộc vừa mới hoàn thiện, tôi đã được chiêm ngắm và quan sát cả không gian rộng u tịch lặng lẽ chỉ có cây và lá, chỉ có nắng trải xuống trên mỗi bước đi của tôi. Bất thần xuất hiện một sinh vật nho nhỏ làm tôi e ngại, nhưng không thể ngăn cản việc tôi đi hết con đường bộ, đủ một vòng tròn trên ngọn đồi này.

Tôi chợt nhớ, có lần cậu bạn trẻ làm báo ưu tư nhắc đến câu chuyện của đồi Vọng Cảnh bằng cách vẽ nên một bức tranh đầy đủ bố cục địa lý, vừa đẹp lung linh vừa gợi trí tò mò: “Đồi Vọng Cảnh cao 43m, phía chân đồi tiếp giáp sông Hương, nằm giữa vùng lăng tẩm của các vua chúa nhà Nguyễn. Cách đồi Vọng Cảnh không xa là lăng vua Đồng Khánh, Tự Đức, Thiệu Trị, lăng Hoàng hậu Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng), lăng Xương Thọ (vợ vua Thiệu Trị), lăng Thánh Cung (vợ vua Đồng Khánh), lăng Từ Cung (vợ vua Khải Định)... lăng Hoàng tử Cảnh. Đứng ở đây dễ có được cái nhìn bao quát với nhiều di tích cổ kính và cảnh đẹp ở một không gian thiên nhiên rộng lớn, đặc biệt nhất là vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Hương”. Cậu bạn trẻ cũng đã từng nhắc với tôi một cái tên mà người Pháp đặt cho Vọng Cảnh là Belvédère (tiếng Pháp): chòi, vọng lâu. Tôi nghĩ, vị trí của đồi Vọng Cảnh hệt như một sự tổng hòa trong việc tạo nên quần thể sinh thái nhỏ gắn kết với sông Hương từ vị trí địa lý đến đời sống tinh thần của người dân xứ Huế.

4.

“Ngoài không gian và thời gian, triết lý trôi dạt còn đề cập đến khái niệm về cuộc hẹn/điểm hẹn khả dĩ. Trôi dạt là dòng chảy không ngừng, ở đó chủ thể dấn thân vào một chuyến đi Siêu thực, một chuyến đi mơ màng, lãng du trên đôi chân mình”. Tôi lại cậy nhờ triết lý trôi dạt của Guy Debord để phiêu bạt với những không gian cổ kính như Hoàng thành, Đại Nội của xứ kinh kỳ, hoặc đồi Vọng Cảnh, nghe thông reo thương nhớ. Ưu tư dưới bầu trời tháng năm, điểm thắm tô son cho quá khứ và hiện tại dưới bóng dáng của cây ngô đồng chiều mưa trái mùa. Hẳn là chưa đủ, nếu tôi không cho phép mình kết nối với con người xứ Huế qua không gian tâm hồn, chẳng hạn như âm nhạc, chẳng hạn như cái thú chìm lắng thả hồn vào những giai điệu riêng biệt trong câu hát.

Giữ chút gì rất Huế đi em…”.

Tháng năm xưa, khi chưa đến Huế, mỗi lần nghe những giai điệu, những ca từ ngọt ngào này, tôi thật sự khá tò mò hình ảnh cô gái Huế, (dù rằng tôi cũng có gốc tích từ một làng quê biển xanh cát trắng thuộc xứ sở kinh kỳ), nhưng tôi không đủ thời gian để thẩm thấu chất Huế như cô gái được sinh ra và trưởng thành trong lòng linh thổ từ các thế hệ cha ông.

Tôi đang nói tới Nhi.

Chưa biết phải bắt đầu từ đâu với cô gái này. Nếu chỉ là vài nét phác họa giản đơn về một con người bình thường ở Huế, thì cũng như bao nhiêu kẻ khác nhanh chóng lướt qua mặt, qua đường, rồi dừng lại bộn bề bên đời thường nhật nhọc nhằn cơm áo nắng mưa. Nhưng, Nhi không hẳn thế, rất khó để định hình bằng ngôn từ trong một tâm thế giữa tôi và Nhi. Bởi vì khi bắt nhịp kết nối này, tôi không chuẩn bị gì, cả Nhi cũng vậy, hệt như một cái duyên. Tôi chạm vào Nhi và Nhi chạm vào tôi bằng những sợi dây, bằng sự đồng cảm rất kỳ lạ về tính cách và tâm hồn người Huế. Một chút kiêu sa, một chút đa sầu đa cảm, một chút phá cách tài tử. Nhưng, đôi khi tôi nhận ra, cả tôi và Nhi còn có thể dễ dàng hòa hợp bằng việc cảm nhận về cá tính nổi loạn nào đó như ngọn lửa trong mắt.

Nhi xuất thân trong một gia đình truyền thống của Huế. Mẹ Nhi là nghệ sĩ ca Huế. Có lẽ vì thế, mà Nhi bị ảnh hưởng từ mẹ. Nhi nhìn rất ngông nghênh nhưng lại là cô gái có tâm hồn Huế rất đậm đà. Nhi cũng theo mẹ, hát ca Huế, ngâm nga theo từng nhịp phách gõ trong mê say. Tôi hạn hữu lắm mới nghe ca Huế thường xuyên, nhưng chẳng biết từ bao giờ, mỗi lần Nhi lưu diễn, hát ca Huế ghi hình ghi tiếng lại, tôi không có mặt cũng muốn mở loa nghe Nhi hát.

Không gian trôi dạt của Huế, đôi khi còn gắn kết bởi âm thanh, bởi các loại hình thái nghệ thuật tái hiện lại phần hồn, phần tinh túy của con người xứ này qua mọi giai đoạn thăng trầm. Thời gian có lặng lẽ vụt qua như thế nào đi chăng nữa, Huế vẫn là Huế. Cô gái Huế như Nhi vẫn mê hát ca Huế và mặc áo dài ngũ thân, xách giỏ mây, giỏ lát ra chợ, chu đáo trong vai trò của một người phụ nữ Huế vẹn toàn trước sau trong nhà ngoài ngõ. Các o, các mệ xứ Huế coi trọng tiêu chuẩn giáo dục con gái về nữ công gia chánh lắm, nên cô gái Huế là Nhi, hoặc một ai đó khác mang dòng máu Huế cũng thường tự hiểu mà hoàn thiện kỹ năng bếp núc hệt như là điều tất yếu.

5.

Tôi đang phiêu bạt ở Huế, trên chính quê hương của mình. Nhưng, lắm lúc tôi đã từng đăm chiêu nhận ra đôi chân tôi đi mãi vẫn không hết xứ Huế, qua các không gian địa lý, không gian tinh thần của một cá thể. Tôi chỉ muốn điền vào chỗ trống trong tâm hồn tôi những thiếu khuyết như một cách để lấp đầy dần sự trôi dạt có tỉnh thức giữa hai dòng máu tôi mang, Huế và miền sơn dã cao nguyên. Tôi về với Huế, tôi lang thang qua tháng năm tuổi trẻ. Tôi chọn việc xuyên qua ký ức, qua lớp tường rêu bên hoàng thành cổ kính. Tôi chọn lãng du bước từng bước chân lên ngọn đồi Vọng Cảnh. Tôi chọn ngồi xuống vệ cỏ bên bờ sông Hương để thu hết non nước quê hương mình vào tầm mắt, rồi im lặng ưu tư trong nỗi nhớ khi xa cách khi lỡ nghe tiếng hát câu hò giọng Huế. Một lần tôi thấy hình ảnh của Nhi, cô bạn người Huế đa tài, đa cảm phá cách mặc áo dài ngồi xếp bằng giữa chiếu hoa cùng hợp xướng khúc điệu Nam ai Nam bình giữa trời xứ Huế, mà lòng lâng lâng cảm giác của kẻ lãng du, ham muốn tiếp tục chơi trò chơi phiêu bạt giữa cảnh và tình đủ đầy.

Có khi, tôi mộng về với xứ kinh kỳ, chỉ đơn giản là được ngọt nhạt chia đi bớt lại những muộn sầu vài khoảnh khắc của tuổi trẻ. Đôi lúc tự lẩm nhẩm khúc ca nặng tình của những người con xứ Huế lang thang từ Vân Khánh, Hương Mơ, Quang Lê cho đến giọng ca kỳ cựu Bảo Yến. Thứ giai điệu với ca từ, âm ngữ địa phương này thấm đẫm ký ức những ngày ấu thơ của tôi. Thậm chí, quen thuộc đến nỗi mỗi lần ngồi lại trên manh chiếu cói cũ kỹ trước hiên nhà, những người Huế xa quê chỉ mong kết nối một tình yêu chung với xứ sở miền Trung hiền hòa chất phác.

Âm nhạc của Huế cũng là một thứ không gian phiêu lưu mải miết khiến người xa quê bao nhiêu thế hệ lặng đi trong một nỗi nhớ vô hình. Dù biết, chẳng phải chỉ riêng người Huế mới thường mộng, thường nhớ về xứ sở ấy. Nghe tiếng hát trầm buồn man mác như con đò trôi trên sông Hương, dù chỉ là khách tha phương hữu duyên dừng chân ghé lại cũng đủ để thương mặn thương mà mảnh đất kinh kỳ đầy dấu tích với những thành quách đền đài, lăng tẩm xưa cũ còn in bóng, với sông Hương núi Ngự dài thăm thẳm suy tư mong mỏi được quay trở lại với Huế đến khôn cùng.

Cơn mưa đêm qua vẫn còn ướt át rả rích bên ngoài cửa sổ, tôi bất giác ngước mặt liếc nhìn qua lớp kính mờ mờ hơi nước, tôi nhớ, vài năm trước, tôi cũng đã rơi vào tâm trạng rấm rứt ở xứ người khi cố tìm lại chút riêng tư, tìm lại một đôi mắt Huế xưa tiễn biệt mùa đông, lạnh cả sân ga một thời trẻ dại ấy.

Một buổi chiều cuối tháng năm, nắng vẫn còn loang đều trên mọi ngóc ngách phố phường, nắng chiếu xuyên qua ô cửa sổ mời gọi. Tôi muốn rời chân nhấc gót, để có thể lang thang qua những không gian cổ kính trong Đại nội, ngắm mái ngói ngả màu rêu của ký ức, ngắm cây ngô đồng hồng phớt dịu dàng e ấp đẹp như một giấc mộng liêu trai. Và thật ra, tôi còn muốn cùng với chàng trai tình nhân thuở hai mươi chạy về phía đồi Vọng Cảnh, nhìn xuống dòng chảy ưu tư của dòng sông Hương trầm mặc. Hay chỉ đơn giản đi dọc theo con đường Lê Lợi, rũ những cánh hoa màu tím bằng lăng, sắc vàng hoa điệp đang vào độ mùa hè. Hoặc tôi có thể tiếp tục lang thang chiêm ngắm dấu tích của những công trình kiến trúc Pháp xưa diễm lệ. Những không gian ấn tượng này tạo cho tôi tâm thức mơ mộng về những phố phường nào khác của Paris ngay tại Huế, đó cũng là nơi đã sinh ra nhà tư tưởng với triết thuyết về sự trôi dạt, Guy Debord.

T.B.K
(TCSH400/06-2022)

 

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng
Ký ức mùa thi (08/07/2022)
Tiếng chim tu hú (27/05/2022)