Góc Hoài niệm
Tôi chảy vào Tạp chí Sông Hương
09:48 | 15/11/2022

THANH THẢO

Thì cũng là chuyện lang thang cơ nhỡ thôi, nhưng đây là lang thang vào một tạp chí văn học, và cơ nhỡ “gửi” một ít bài thơ của mình.

Tôi chảy vào Tạp chí Sông Hương
Nhà thơ Thanh Thảo (phải) và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Ảnh: Trần Đăng (TNO)

Đầu xuân năm 1983, tôi và vợ con ra Huế ăn Tết với ông ngoại mấy cháu. Với tôi, đó là cơ hội để… uống rượu với bạn bè văn nghệ xứ Huế. Tôi có khá nhiều bạn văn ở Cố đô cổ kính và đầy những phép tắc này. Tôi lại vốn là người ít quan tâm tới phép tắc và lễ nhạc. Hơn nữa, dạo đó tôi còn trẻ, tính tình tự do thiếu kỷ luật, lại hay bốc đồng, nên cũng khó đòi hỏi tôi phải “nhất bộ nhất bái”. Nhân nói về “nhất bộ nhất bái”, lại nhớ mấy năm trước có cụ sư (hay cộng tác viên của chùa - tôi không nhớ rõ) đã phát nguyện sẽ đi bộ từ Sài Gòn ra Bắc, xuống tận Yên Tử, và đi theo quy trình “nhất bộ nhất bái”. Tôi cho đó là một sự kiện hiếm hoi gây được sự tò mò quan tâm hâm mộ của dân tình cả nước. Tôi đã gặp vị Bồ tát này trên quốc lộ 1, khi tôi vừa ra khỏi thành phố Quảng Ngãi đi Đà Nẵng. Cả một đám đông làm nghẽn mạch quốc lộ 1, chỉ thiếu xe còi hụ, nhưng có CSGT, và rất nhiều các “cộng tác viên” vác… gậy, mặt mày khá bậm trợn, hộ tống một người đang “nhất bộ nhất bái” ngay trên quốc lộ. Nếu tôi có được 1/10 công lực của vị Bồ tát ấy, thì khi ra Huế, tôi đã “nhất bộ nhất bái” suốt ngày. Vì luôn gặp được những người rất đáng kính trọng, như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Mỹ Dạ, nhà thơ Trần Vàng Sao, nhà thơ Nguyễn Hữu Ngô, nhà thơ Thái Ngọc San, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, và vô vàn các văn nhân thi sĩ khác của đất Thần kinh. Gặp họ, tôi chỉ muốn… bái. Mà khi tôi bái một người, thì chắc phải bái hết mọi người. Vì, như người ta nói, Huế là đất thi ca, nếu không phải là cái nôi thi ca thì cũng là xe… xích lô thi ca. Thì đúng như vậy. Sau đó mấy năm, khi ra Huế chơi, tôi đã hân hạnh gặp thi sĩ Phương Xích lô - một nhà thơ hồn nhiên bậc nhất, và cũng đói nghèo có hạng ở xứ Cố đô. Thơ Phương rất hay, hay nhất là bài “Xích lô hành” mà nghe Phương đọc lần nào tôi cũng muốn chảy nước mắt. Khi gặp Phương, tôi có viết tặng anh một bài thơ thật ngắn, bắt chước thơ haiku:

Xích solid/ Ba bánh cô đơn/ Thùng xe bụng rỗng/ Chạy quanh nỗi buồn/ Dzô!”. Nhưng đó là chuyện mấy năm sau. Còn mùa xuân năm 1983 đó, sau khi thăm gia đình bên vợ, ăn nhậu đã đời với bạn bè, tôi chợt nổi hứng bèn tới thăm… Tạp chí Sông Hương. Đơn giản, vì nghe tin tạp chí mới có giấy phép hoạt động, và sắp ra số đầu tiên. Dạo đó, Sông Hương còn đóng ở 26 Lê Lợi - Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Tôi đã gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tổng Biên tập Sông Hương - ở đó. Sau vài ba câu thăm hỏi, anh Điềm nói tôi có thơ mới gửi tạp chí in chơi, vì tạp chí cũng vừa “chào bàn”, còn mới đủ thứ. Tôi mừng quá, lục trong túi xách của mình, và lấy ra một… trường ca. Đó là trường ca “Đêm trên cát” viết về nhà thơ Cao Bá Quát, tôi mới hoàn thành hồi cuối năm 1982 ở Quy Nhơn. Anh Điềm cầm tập bản thảo đánh máy (tôi tự đánh máy chữ - so với hồi đó cũng là “hiện đại nhưng không hại điện” lắm rồi, vì máy chữ của tôi là máy chữ cơ, không phải máy chữ điện), thấy anh Tổng Biên tập có vẻ rất vui, tôi yên tâm hẳn. Anh Điềm hứa sẽ đọc ngay, và sẽ giao cho Mỹ Dạ làm biên tập, in ngay trong Sông Hương số 1. Tôi nghe mà mừng hết lớn, mừng hơn cả khi được bạn mời uống rượu. Hồi đó, in được một bài thơ đã khó, huống chi đây là một trường ca, và thuộc loại không dễ in. Tạm biệt anh Nguyễn Khoa Điềm, tôi lại đi… uống rượu với bạn bè, và chờ đợi. Hóa ra, lời hứa của anh Điềm là thật, khi tôi về Quy Nhơn ít lâu thì biết tin Tạp chí Sông Hương số 1 đã ra mắt, và trích in tới 1/3 trường ca “Đêm trên cát” của tôi. Đó là lần đầu tiên trường ca này xuất hiện trên báo in, dù trước đó nó cũng đã nhiều lần được xuất bản…miệng. Khỏi nói, tôi mừng thế nào. Thực ra thì trước đó tôi cũng đã được in thơ khá nhiều rồi, nhưng với trường ca “Đêm trên cát” tôi có một tình cảm rất đặc biệt, nên khi được Sông Hương in, tôi nghĩ tạp chí văn nghệ này có thể là nơi tôi cho “thoát” được một số sáng tác của mình, nhất là những tác phẩm “hơi bị khó… in”.

Huế khép kín, nhưng đa dạng (chứ không phải “huê dạng” như có người nhận xét). Người ta nói Huế bảo thủ, nhưng tôi không cho là như vậy. Người ta nói ông Nguyễn Khoa Điềm khó tính, khó gần, nhưng tôi lại nghĩ khác: tôi cho anh Điềm là người rất dễ gần gũi, miễn là ta chơi với anh ấy như một người bạn chân thành và vô tư. Càng hiểu sâu về Huế, tôi càng yêu xứ này hơn, nhất là khi mình đã cao tuổi, tâm đã lặng, không còn ưa quậy phá như xưa nữa, thì Huế xứng đáng là nơi tìm về, dù chỉ để ngồi… cà phê Phương Nam bên cạnh bờ sông Hương cùng mấy người bạn kiệm lời. Tôi không thuộc loại ưa chém gió, nhưng mỗi khi về Huế, tôi là một trong vài ba người nói nhiều nhất trong các cuộc nhậu, đơn giản, vì những người bạn còn lại đều thuộc loại ít nói. Như nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch thì thuộc dạng “đá trông… đá” - nghĩa là anh thường lặng im như đá mồ côi. Nhiều khi tưởng anh không… nói được luôn. Dĩ nhiên, không phải vậy. Có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hay nói nhưng đã rời Huế từ nhiều năm trước, còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, là người bạn bè Huế đặt là “chuyên nhậu với món… nói”, thì từ nhiều năm nay, sau lần xuất huyết não kinh hoàng, anh Tường đã không còn nói được. Trần Vàng Sao cũng là thi sĩ hay nói, nhưng phải “nạp” cho anh mấy chai bia hoặc nửa xị đế thì anh mới… phát hỏa. Thiếu đi những tay văn nghệ hay nói, Huế có vẻ trầm mặc hơn nhiều. Tạp chí Sông Hương từ khi mới ra số 1 tới nay cũng đã tròn… 40 năm (1983 - 2023). Một khoảng thời gian dài tới như vậy mà cứ tưởng mới ngày hôm qua. Hóa ra, chúng tôi đã về già, còn Tạp chí Sông Hương thì có vẻ đang… trẻ lại. Nhớ hồi năm 1986 gì đó, tôi có bài thơ khá dài “Hà Nội nhìn từ phía tôi” lần đầu xuất bản được in ở Tạp chí Sông Hương. Lần này thì anh Tô Nhuận Vỹ làm Tổng Biên tập. Bài thơ ấy, khi in trên Sông Hương, thì do lỗi morasse, cái đầu đề tự nhiên đổi thành “Hà Nội nhìn về phía tôi”. Khi đó đã có điện thoại, tôi từ Quy Nhơn có gọi điện ra tạp chí, thanh minh: “Hà Nội không việc gì phải nhìn về phía tôi cả, vì tôi có trộm cắp gì đâu! Xin sửa giùm cái đề bài, không thì người ta nghĩ tôi tự… sùng bái cá nhân (?)”. Ngay số kế tiếp, Tạp chí Sông Hương đã gửi lời xin lỗi tác giả và đính chính lại đầu đề bài thơ. Không biết có phải vì lỡ in nhầm cái đầu đề bài thơ, mà cuối năm ấy Sông Hương trao cho tôi cái giải “Bài thơ hay của năm in trên Sông Hương”. Tôi mừng quá, chắc mẫm sắp có tiền thưởng khá đây. Không ngờ, tiền thưởng khá… hẻo, và tôi “cầm lòng vậy…” vì biết Sông Hương đâu có dư giả gì. Mình ước mong vậy thôi, chứ thưởng bao nhiêu cũng vui lắm (!?). Từ bấy tới nay, thỉnh thoảng tôi vẫn in thơ hay bài viết trên Tạp chí Sông Hương, và quên hẳn chuyện nhuận bút nhiều hay ít, vì tôi biết, cùng là dân làm tạp chí với nhau, tiền đâu mà trả cho nhiều. Nhưng Sông Hương tạp chí, giống như Sông Hương sông, cứ lặng chảy qua đời tôi. Nhớ cách đây nhiều năm, lúc còn tại thế, nhà nghiên cứu Tuồng Vũ Ngọc Liễn đã từng viết cho tôi: “Mong Tạp chí Sông Trà chảy theo… dòng Tạp chí Sông Hương.” Thì sông nào không chảy về biển, cụ ơi! Nay tôi không còn làm Tạp chí Sông Trà, nhưng nhớ lời cố nhà văn hóa Vũ Ngọc Liễn, tôi vẫn mong Tạp chí Sông Hương tiếp tục chảy về… biển. Cho Tạp chí Sông Trà chảy theo với, anh ơi!

T.T
(TCSH404/10-2022)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Các bài đã đăng