Góc Hoài niệm
Khói thơm - chái bếp - nếp nhà
16:49 | 18/01/2023

LỆ HẰNG
      Bút ký dự thi

"Bánh lọc em ơi! Bánh mới hấp xong, nóng hổi luôn nì, lấy giùm chị ít chục hí?”

Khói thơm - chái bếp - nếp nhà
Ảnh: internet

Tôi ngớ người. Cái giọng ngọt chi mà ngọt lạ, bao lâu rồi tôi mới lại nghe ai đó nói như rót từng chữ vào tai mình, nhất là cái cách chị kéo dài tiếng “nì” và nhấn vào tiếng “hí”. Thôi rồi, tôi lại ngã vào lòng quê hương.

“Hai chục thôi chị. Tụi em vừa gọi quá trời đồ ăn…”.

Chị mở xô lấy ra hai gói, hai chục cái bánh lọc nóng hôi hổi trên tay tôi. Chị vừa đi thì chủ quán mang ra cơ man thức ăn chúng tôi vừa gọi. Tôi nhìn mặt bàn nghi ngút khói đánh mắt sang người bạn đồng hành của mình, mỉm cười.

“Ăn cạn Huế luôn hè. Chẳng uổng công nhịn đói từ sáng đến giờ.”

Lúc ấy đã hơn năm giờ chiều và chúng tôi ghé vào Phú Lộc, một góc đường quen của anh. Suốt cả chặng đường, kể từ khi đổ đèo Hải Vân, cứ qua mỗi khúc cua, mỗi cây cầu là anh lại bảo tôi: “Sắp rồi, tí nữa thôi là được ăn rồi.” Vậy mà phải đến chục cái “sắp rồi” như thế xe mới dừng lại. Tôi kiên trì ôm chiếc bụng đói, quyết giữ cho nó được sạch trước khi nạp thứ gì đó thật Huế, rất Huế, trằm trịa Huế vào. Tôi thấy nỗ lực của mình thật xứng đáng khi bóc tấm lá chuối vừa hấp màu còn ai ải xanh, một làn khói mỏng bay lên và chiếc bánh quyến rũ từ từ lộ diện. Lớp bột trong suốt và rất mỏng, quả thật hơi ngoa nếu dùng từ “mỏng tan” nhưng tôi chẳng tìm được từ nào khác tốt hơn để miêu tả độ khéo léo của người làm bánh. Một lát thịt ba phần nạc bảy phần mỡ cũng mỏng như thể lưỡi dao chỉ liếc qua nó khi người ta thái thịt. Và hai con tôm bé bằng đầu đũa râu được cắt gọn gàng, rim kỹ càng, lớt phớt chút tiêu, chút hành. Đúng rồi, đúng bánh lọc Huế rồi. Tôi tưởng như mình có thể nhảy cẫng lên giữa góc quán xôn xao ấy.

Đã hơn một lần tôi nói say sưa về bánh lọc, vậy mà bất cứ khi nào chúng xuất hiện như một lời thách thức quyến rũ trước mặt, tôi lại ngấu nghiến những câu chuyện đã xưa mà không bao giờ cũ về chúng y như cách tôi ngấu nghiến chúng trong khao khát quê hương. Trong hình dung của tôi, bánh lọc hay bất kỳ loại bánh bình dân nào mà phải dày công trong chế biến, tinh tế trong nêm nếm có lẽ đều được khai sinh trong những ngày nông nhàn, các o các mệ xưa có lẽ khám phá ra cái ngon từ trong tỉ mẩn, tỉ mẩn chọn lựa, tỉ mẩn chế biến, tỉ mẩn nêm nếm từng chút từng chút từ những nguyên liệu đơn sơ như con tôm con tép, chút thịt mỡ, chút hành ngò, chút mắm muối… Ngày trước, gia đình tôi thường xay sắn rồi làm bột lọc. Tôi vẫn còn nhớ mùi chua bột sống trong chiếc thau đặt cạnh lu nước nơi góc nhỏ bên chái bếp nhà nội. Không phải mùa nào cũng có sẵn bột lọc trong nhà. Trong ký ức tôi, trời thường bắt đầu trở lạnh vào những buổi sáng gia đình tôi quấy bột lọc trong cái xoong nhỏ rồi mỗi người một đôi đũa xoay xở cuốn từng miếng bột lên chấm vào chén nước mắm sền sệt ớt bột và đường, loại ớt bột gia đình tự làm sau mỗi mùa ớt cay xè khiến ai nấy hít hà. Ngon. Ít ra thì bây giờ tôi có lý khi kết luận nó ngon vì tôi vẫn phải nuốt nước bọt khi nghĩ đến món bột lọc quấy chấm nước mắm ớt này. Trời cũng thường lạnh vào những đêm các o tôi làm bánh ép và cũng lạnh vào những ngày cả gia đình quây quần làm bánh lọc. Cả ba món trên món nào cũng từ bột sắn mà ra nhưng làm bánh lọc là việc tôi mong chờ nhiều nhất hồi ấy. Bột lọc quấy chấm nước mắm thì dễ làm, lúc nào sẵn bột cũng làm được nhưng ăn nhiều nặng bụng. Bánh ép ngon hết sảy nhưng không dễ gì mượn được khuôn để ép, nhà lại đông, đứa được vài tấm ăn chẳng thấm tháp vào đâu, chỉ có bánh lọc là hấp dẫn nhất, vừa có tí tôm thịt, vừa được chấm nước mắm, vừa không phải ngồi xếp hàng chầu rìa chờ từng tấm bánh ra khỏi khuôn. Tôi thích làm bánh lọc, thích từ khâu chuẩn bị cho đến khâu thưởng thức. Cứ mỗi người một tay, gói gói ghém ghém hoặc xoa xoa nặn nặn từng cục bột nhỏ, bánh chín mỗi người lại có thể yên tâm ấm bụng với một dĩa to. Hồi tôi còn nhỏ, những buổi quây quần rôm rả như thế dưới mái từ đường diễn ra thường xuyên. Mùa mưa thường làm bánh lọc, mùa gặt thường nấu bánh canh, mùa đậu vừa độ già là những nồi đậu hấp. Năm nào cũng có dăm vồng đậu xanh, đậu đỏ trên nương và năm nào nội cũng hái khi đậu vừa ăn, nội bó từng bó nhỏ cho vào nồi, lát sau miệng ai cũng bỏm bẻm nhai…

Tôi lớn dần lên, những mùa đậu dần thưa. Các o tôi lấy chồng và đùm đề con cái không còn thời gian cho những bó đậu hay bánh canh, bánh lọc nữa. Dẫu vậy, chái bếp của nội mỗi năm vẫn vài bận rôm rả tiếng chuyện trò, những mái đầu đang dần bạc vẫn chụm vào nhau để chờ đợi một món ăn khoái khẩu nào đấy ngoài những ngày kỵ giỗ nghiêm trang. Vài lần, tôi về thăm nhà và hên như trúng số độc đắc khi về đúng lúc mọi người đang chụm đầu bên bếp. Đứa cháu nào từ xa về cũng được cả nhà đặc biệt săn sóc và phần cho dĩa bánh ngon nhất hoặc tô cháo “rủng rỉnh” nhất, thỉnh thoảng còn được yêu sách như thêm đường vào nước mắm hay tô cháo nhiều ngò tây… Trong lòng tôi, chái bếp nơi ba tôi, chú tôi, các o tôi đã chụm đầu vào nhau từ bé đến lớn là chái bếp “cả”, tôi còn một chái bếp bé hơn nơi chị em tôi chụm đầu vào nhau nướng một củ khoai, vài hột mít, dăm lát thịt… chái bếp “con” của gia đình nhỏ chúng tôi. Hồi ấy, tôi tuyệt nhiên không biết đến hàng quán là gì vì tất cả mọi thứ tôi ăn từ bữa sáng cho đến bữa tối, từ cơm cá cho đến chè cháo bánh mứt đều từ những chái bếp này mà ra. Chái bếp nào cũng ngập tràn kỷ niệm: nước mắt, nụ cười, yêu thương, hờn giận, tha thứ… Tôi thường cảm giác được rõ ràng không khí trong nhà mỗi khi từ trường về. Năm tôi học mẫu giáo, trong căn nhà một gian hai chái với những bức vách được ba tôi bện từ đất sét và cứt trâu xa tuốt trên nương, tôi thường giận ba rất lâu mỗi khi ba đọc câu: “Học trò đi học đã về -Cơm canh chưa chín nở trề môi ra.” Ba cố tình chọc tôi khi thấy tôi vừa về liền sà ngay xuống bếp. Thế mà, nhiều hôm tôi chẳng dám lén nhìn ba, tôi phải rón rén trong bếp nhà mình dù lòng chẳng mảy may ý nghĩ xấu xí nào kiểu như ăn vụng. Nhưng dù “cơm không lành, canh không ngọt” đến đâu chái bếp nhỏ của tôi cũng chưa bao giờ lạnh lẽo. Ba tôi chưa một lần bỏ ra ngoài ăn vì giận ai đó trong nhà. Mạ tôi chưa bao giờ quên nấu cơm chỉ vì bực dọc. Bếp nhà vẫn ấm dù là có chuyện gì xảy ra. Và chuyện gì xảy ra đi nữa thì cũng từ gian bếp ấy mà hàn gắn, chữa lành. Bữa cơm gia đình với tôi trở nên quan trọng và thành nếp sống khi tôi trưởng thành. Bây giờ, dù đang sống giữa bạt ngàn quán xá nhưng ngoài những dịp đặc biệt như hôm nay tôi dường như chẳng nghĩ đến việc ra ngoài ăn bao giờ.

Chiếc bánh lọc nóng hổi cuối cùng đã biến mất khỏi mặt bàn, lẩn vào trong kỷ niệm. Chợt, lòng tôi chững lại. Chái bếp “con” của tôi thì chắc chắn vẫn ấm nồng như mọi thuở nhưng còn chái bếp “cả”, liệu có còn ấm khi ôn đã rời cõi tạm và mệ ngày một yếu đi? Mấy năm rồi tôi chưa về thăm lại…

*
Tôi mở mắt khi tiếng loa phóng thanh văng vẳng bên tai. Bác trưởng thôn đang đọc thông báo gì đấy của hợp tác xã về lúa má, bây giờ đã sắp vào mùa gặt. Một tia nắng sớm đã xuyên được qua ô thông gió chiếu vào cạnh chỗ tôi nằm in lên tường một vệt vàng trong trẻo. Có tiếng tục tục của gà mẹ, chiếp chiếp của gà con và tiếng gáy the thé của tên trống choai nào đó. Một ngày mới trên quê hương bắt đầu. Tôi nhỏm dậy, lòng rưng rưng khi đôi tai, trong rộn ràng của hợp âm buổi sớm, khẽ rung lên vì tiếng củi nổ lép bép sau chái bếp. Tôi thử đoán xem là tiếng củi tre hay tiếng củi bạch đàn đang phát ra. Củi tre thường xốp, dễ bắt lửa, đã cháy là đượm nhưng lửa nhanh tắt và tro chóng tàn. Bạch đàn thớ chắc, khó bắt lửa hơn nhưng cháy bền và bếp ấm lâu. Bạch đàn lại thơm, một mùi hương vừa trầm vừa ấm, ngày đông chí, nhóm bếp củi bạch đàn rồi ngồi bên bếp xoa tay, thật chẳng còn cái ấm nào hơn! Bạch đàn có tinh dầu khi cháy thường nổ ra những tiếng tách tách vui tai. Tôi là một “con nghiện” bạch đàn. Mỗi gốc bạch đàn trên nương là một thế giới thần tiên nhỏ của tôi ngày ấy và cả bây giờ, tôi vẫn thường chu du qua vùng đất của ký ức để về lại gốc bạch đàn năm ấy. Ngày tôi còn lúc thúc dưới chân ba, ba thường lật những lớp vỏ bạch đàn bắt con Bửa Củi cho tôi chơi, những con Bửa Củi đen bóng bé bằng ngón tay hình như suốt đời chỉ làm duy nhất một việc, đó là bửa củi. Chúng cứ gõ đầu vào thân cây, từng nhịp từng nhịp như người ta bửa củi. Tôi chưa từng gặp con nào hiền lành hơn những con Bửa Củi của tôi. Tôi chọc phá chúng, chúng nằm im như chết. Tôi ấn nhẹ tay vào lưng, chúng liền tỉnh dậy… bửa củi liên hồi. Những con Bửa Củi sống trên thân cây bạch đàn, tôi đã chơi với chúng từ lúc chập chững đi cho đến khi tôi lớn có thể tự mình bắt chúng. Tôi thường đi dưới hàng bạch đàn, lật từng miếng vỏ và đánh dấu vào từng gốc để biết mình đã bắt được mấy con từ cây ấy… Nhiều cây, vỏ không kịp khô cho tôi lột. Và tôi cũng không vô cớ mà lột hết vỏ của những thân cây xinh đẹp ấy, tôi lột vỏ về cho mạ nhóm bếp. Vỏ bạch đàn nhóm bếp rất nhạy.

Trước khi tôi vào cấp ba, đỗ vào Trường Quốc Học rồi lên thành phố trọ học, năm nào tôi cũng dành trọn mùa hè cho những khoảng nương xanh bạc bạch đàn. Tôi đi nhặt củi chuẩn bị cho một mùa mưa dài ở Huế, những mùa mưa có khi cả tháng chẳng được thấy mặt trời. Tôi là đứa “mót” củi say sưa và hiệu quả nhất xóm, nhiều năm chỉ sau một, hai tháng hè, những bó củi đã chất cao tận nóc chái bếp của mạ và dựng đầy lối đi trong chuồng heo. Bây giờ, khoảng trời ấy của tôi, khoảng trời thơm tho mùi nắng quyện với hương gỗ bạch đàn chỉ còn đâu đó trong hoài niệm. Nhưng mùa nắng mạ vẫn mua củi trữ để chụm dần qua tết. Có khi là bạch đàn, có khi là tràm, chổi… Củi tre thường là ba tự kiếm quanh nhà.

Tôi xuống bếp, mạ chỉ cho tôi cái nồi lẩu và vỉ nướng mới sắm, cả hai đều dùng điện, mạ nói “để tụi con về ưa nấu kiểu chi thì nấu.” Cũng như hết thảy mọi gian bếp trong vùng, nhà tôi cũng đã chuyển sang dùng bếp ga, bếp điện. Một góc bếp nhỏ tiện nghi, hiện đại nằm ngay bên chái bếp đầy bồ hóng và ấm nước đen sì muội than đặt trên ông kiềng. Việc đầu tiên mạ làm sau khi ngủ dậy là nhóm bếp và bắc một ấm nước sôi. Phía trên ông kiềng là một bát nhang để thắp cho Ông Bếp (Táo Quân). Chái bếp này với mạ là một vũ trụ tâm linh thu nhỏ. Tôi đã từng có những suy nghĩ rất hời hợt trước đây khi thuyết phục mạ dùng bếp gas thay cho bếp củi. Mãi sau này tôi mới hiểu ra con người ta ai cũng thích sự tiện nghi dễ dãi nhưng đôi khi có những sự nhiêu khê, rườm rà lại mang đến cảm giác bình an mà không tiện nghi nào đổi được, như hành động nhóm bếp của mạ chẳng hạn. Và, cũng có thể ba mạ tôi đã quen uống thứ nước ám mùi khói bếp nấu từ chiếc ấm cũ này. Đến cả tôi mà cũng lắm dạo bồi hồi nhớ mùi khói bếp nữa là...

Năm ngoái, giữa lúc đại dịch căng thẳng nhất, tôi được nhận thùng quà từ quê gửi vào. Hoàn cảnh khi ấy khiến đứa con xa quê nào lòng cũng chùng xuống, mênh mang. Tôi mở gói bánh lọc ra, biết là tự tay ba mạ làm lấy, trên lớp lá còn dính ít muội than và mùi khói bếp râm ran cơn nhớ. Sau phút nghẹn ngào, chúng tôi cười phá lên trước những chiếc bánh lọc khổng lồ. Ngày trước, nhân bánh chỉ là lát thịt mỡ mỏng như không còn có thể mỏng thêm được nữa và con tôm con tép bé tẻo tèo teo; bây giờ, nhân bánh là con tôm to ú ụ và lát thịt dày ba phần mỡ bảy phần nạc. Mạ nói “để bây ăn cho đã”. Tôi hiểu những ám ảnh của một thời thiếu ăn kham khổ phần nào đó vẫn còn trong cuộc sống hôm nay nếu không muốn nói là đã hằn sâu trong tâm trí mạ. Lòng chợt thương mạ hơn. Không chỉ mạ tôi, mạ chồng tôi mà tất cả những người mạ Huế khác nữa. Những người mạ đã qua một phần đời dài trong thiếu thốn và hi sinh luôn có những hành động và nếp nghĩ vừa khiến tôi bật cười vừa khiến tôi chảy nước mắt. Có những câu chuyện kể ra sẽ thành chuyện không của riêng… đứa con nào. Ví dụ như câu nói cửa miệng của mạ khi đến bữa ăn: “Mấy đứa ăn đi, mạ chưa đói.” “Mạ ăn chi cũng được.” “Mạ không ăn thịt, không ăn cá mô…”. Thật phiền hà, đến bữa dọn cơm lên xong là tay chân mạ lúc nào cũng bận rộn, chúng tôi ăn hơn nửa bữa mạ mới ngồi vào mâm, cầm chén chưa nóng tay thì sửa soạn vét nồi. Tôi đã tưởng chỉ mạ mình là phiền hà như thế hóa ra không phải, mạ của nhiều người khác cũng phiền hà y chang. Và, cả sở thích ăn đầu cá, mút xương cá cũng y chang. Kỳ chưa, mạ nói cá tanh lắm, mạ không thích ăn cá nhưng mạ có thể kho cho chúng tôi nồi cá ngon bá cháy và sau đó là thích ăn đầu cá hoặc mút xương. Tôi đã lớn lên hồn nhiên trong sự tinh tế của mạ, mãi cho đến khi tôi biết rằng cái sự phiền hà và sở thích quái đản ấy là sở thích chung của nhiều người và mãi cho đến khi tôi cũng trở thành một người mẹ tôi mới khám phá ra phần chìm của tảng băng trôi. Một câu chuyện hay là câu chuyện mà những gì được kể ít hơn rất nhiều so với những gì không được kể ra. Chái bếp này là nơi cất giấu bao nhiêu câu chuyện thâm trầm như thế. Ngoài kia, thế giới bao la và người ta không ngừng hùng biện về cuộc đời, về hạnh phúc. Trong chái bếp nhỏ này, không ai hùng biện cũng không ai kể lể, chỉ có một cuộc đời đơn sơ, bình lặng. Nhiều lúc, tôi nghĩ để sống một đời như thế trong tâm tình viên mãn hạnh phúc thật không dễ dàng.

*
Tôi về từ đường. Rưng rưng sà vào ôm mệ. Mấy năm rồi tôi không gặp mệ, không ngờ mệ trở nên nhỏ nhắn trong vòng ôm của tôi đến thế này. Càng không ngờ mệ đẹp thế này, như một thiên thần ở tuổi ngoài chín mươi. Tôi chưa từng được ngắm một người cao tuổi nào có gương mặt hồn nhiên và đôi mắt trong trẻo tươi vui như mệ. Tôi áp mặt vào má mệ nhiều lần, da ấm và thơm. Tôi hít hà hai mắt vỡ oà, hạnh phúc và nức nở. Từ khi ôn rời cõi tạm, mệ không còn biết gì ở thế giới vô thường này nữa ngoài những yêu thương. Yêu thương ấy chính là ba tôi, chú tôi, các o tôi và thỉnh thoảng mệ cũng gọi tên chúng tôi - những đứa cháu ở gần, những đứa cháu ở xa. Trong khoảnh khắc, mệ nhìn tôi âu yếm nhắc lại một chuyện lúc nhỏ của tôi, một kỷ niệm vui khiến tôi bật cười dụi đầu vào vai mệ. Tôi thầm nguyện cho tất cả những khoảnh khắc còn lại của mệ ở thế giới hư mất này sẽ luôn là những khoảnh khắc lóe lên vui vẻ như ánh mắt mệ lúc này. Càng nhìn mệ tôi càng nghĩ rằng kiếp sống như một vòng tròn mà con người càng đi trọn vẹn bao nhiêu càng trở nên trong trẻo đơn sơ như khi bắt đầu bấy nhiêu.

Mệ đã nằm nghỉ, o Hè bận ru đứa cháu nhỏ, tôi một mình rón rén đi vòng quanh nhà. Rón rén, rón rén thôi vì sợ nhỡ tay chạm vào đâu cũng sẽ là đánh thức một bầu trời kỷ niệm rưng rưng. Tôi lạc vào chái bếp của nội. Bát nhang Ông Bếp vẫn nằm kia, y như hồi tôi còn ở nhà. Và chiếc kiềng ba chân, muội than, bồ hóng… Và gác-măng-rê, lu nước, vại sành… Thời gian loãng tan hay cô đặc nơi đây? Dù rón rén đến đâu thì một khoảng trời ấm rực lách tách rộn ràng cũng đã sống lại dưới chái bếp xưa khi các o tôi lăn bột vào nồi bánh canh, đổ bánh xèo, hấp bánh lọc… Hay khi mệ lui cui trong bếp ủ dưa chua trong một cái vại sành để trong góc tối cạnh gác-măng-rê. Dưa chua của mệ thức vị thay đổi theo mùa, có khi là quả bầu hơi già vừa cắt xuống từ giàn bầu cạnh giếng, có khi là mụt măng hái bên hồ, có khi là bụi môn ngọt ngoài đám ruộng gần, gần tết thường có thêm củ kiệu… Dưa chua nấu canh, dưa chua xào, dưa chua bóp chấm ruốc… thể nào cũng dễ đưa cơm. Bây giờ, trong nhà tôi dường như lúc nào cũng có sẵn hũ dưa chua, và lúc nào cũng có sẵn củ ném. Mỗi tuần tôi ủ dưa chua một lần bởi tôi thường thèm đến quay quắt hương vị nồi canh chua lá ném. Có một dạo, bất chợt tôi nghe ra mùi canh chua lá ném từ nhà ai đó trong xóm bay đến, tôi tần ngần ra ngoài sân đứng cảm giác như mình có thể lần theo hương thơm ấy mà tìm đến chủ nhân căn nhà nọ và xin họ cho tôi một chén. Thực, tôi không xin một chén canh, tôi xin cho mình đong đầy chén kỷ niệm.

Ngoài dưa chua ra, chái bếp của nội còn có thêm một đặc sản nữa: ớt dầm. Tôi không đủ độ “lỳ” để thưởng thức món này nhưng tôi vẫn khoái mùi thơm khi mở hũ ớt dầm nào đó, men ớt cay xộc lên nhưng không hắc như ớt khô. Khu vườn của nội rất có duyên với ớt, hầu như năm nào cũng bội thu. Thường là ớt Cu-ba, loại ớt cay nhất mà cũng thơm quyến rũ nhất trong các giống ớt mà tôi biết. Vào độ thu hoạch, mệ thường phơi những quả già và chín ngoài sân, phơi cho giòn hẳn rồi đem giã, xay làm ớt bột. Những quả vừa phải, hạt chưa quá cứng thì mệ làm ớt dầm. Ruốc hấp, ớt dầm và cơm, vậy thôi là gọn gàng cho bữa sáng dù có khi cay thấy mấy ông trời trước mặt.

Bây giờ, ôn đã về bên kia thế giới, mệ an yên giữa hai bờ quên - nhớ của mình, tóc của ba, của chú, của các o đã bạc, ngả trắng màu thời gian, chỉ có khu vườn là vẫn xanh và những mùa ớt, mùa bầu mùa bí vẫn xoay vòng theo xuân hạ thu đông. Tôi cũng đã bước sang một mùa mới của cuộc đời mình. Sau này, từ đường chắc chắn sẽ còn vắng hơn. Tôi và những đứa cháu khác của nội có thể sẽ đặt chân lên nhiều vùng đất mới nơi chẳng còn mùi khói bếp thơm tho cũng chẳng còn mùa ớt cay nồng nào chờ đón mỗi năm, tôi đã từng lo liệu mình có đánh mất cội rễ của mình? Nhưng càng suy nghĩ sâu tôi càng nhận ra có những thứ không tồn tại trong một hình thức vật chất nào, ví như tôi có thể rời xa những chái bếp của mình hay chúng không còn ấm nữa nhưng không gì có thể thay được góc nhỏ mà trái tim tôi dành cho chúng, để trở về, để yêu thương, để tái hiện nhiều lần trong tâm tưởng. Cũng không gì thay được cái tâm hồn rặt Huế của tôi. Càng xa quê, càng đón nhận những điều mới mẻ bao nhiêu sẽ càng khiến tôi nhận ra giá trị và dấu ấn của quê hương trên cuộc đời mình bấy nhiêu như tôi đã viết “quê hương chẳng là gì khi tim ta quạnh vắng ngay trên mảnh đất ta đã sinh ra - nhưng sẽ là tất cả khi tim ta đầy ắp dù ở nơi đất người xa lạ”.

*
Xe chuyển bánh, những chái bếp nhỏ của tôi lùi dần sau lưng. Hành trang của tôi bây giờ nặng hơn lúc về một chút bởi hũ ớt dầm và gói bánh lọc mạ dúi theo.

Có món ăn chỉ là món ăn, lại có món ăn dài hơn một câu chuyện.

L.H
(TCSH407/01-2023)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Anh hùng ca (30/12/2022)
Ngọn nến (07/12/2022)