Góc Hoài niệm
Các trận đánh “ôm hè”
15:39 | 27/07/2023

TRẦN SỬ kể
HOÀNG NHÂN ghi

Chiến tranh du kích ở huyện Hương Thủy trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra với nhiều hình thức chiến đấu đầy tính chất sáng tạo của toàn dân.

Các trận đánh “ôm hè”
"O du kích nhỏ" - Ảnh: wiki

Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ, những người nông dân bình thường với tấm lòng yêu nước nồng nàn đã có nhiều sáng kiến sử dụng sức lực và vũ khí thô sơ để giết giặc cứu nước. Năm 1950, xuất hiện chiến thuật đánh "ôm hè", dùng tay không cướp súng địch, diệt địch. Những người nông dân can đảm phục địch đợi địch đến gần, bất ngờ xông ra "ôm" vật địch và đồng thanh hô vang "ôm hè... hè..." để tăng sức mạnh tập thể chiến đấu và làm địch hoảng loạn tinh thần. Từ đó có tên gọi một loại trận đánh chớp nhoáng theo kiểu như vậy là trận đánh "ôm hè" thể hiện tính chất phác và khí phách của nông dân ta.

Người có sáng kiến đầu tiên đưa ra áp dụng chiến thuật đánh “ôm hè” là xã đội trưởng xã Mỹ Thủy, đồng chí Mai Bạch Vân. Anh đã cùng hoạt động với đồng chí Văn Nông, bí thư chi bộ xã, người đã từng chỉ dùng một cái rựa chặt tre để chiến đấu cho đến ngày hy sinh. Từ chiến công giản dị của người bạn chiến đấu mà anh Vân suy nghĩ thêm về chiến thuật đánh du kích cho một tập thể. Thấy quân địch có súng đạn tối tân anh cũng nhận ra một điều quan trọng là cần có súng để đánh địch và thắng địch. Anh Vân đến trực tiếp gặp thường vụ huyện ủy xin được cấp súng để đánh giặc. Đồng chí bí thư huyện ủy đã bàn bạc với anh là hiện nay ta đang còn thiếu nhiều súng đạn, trong lúc địch đóng quân ở huyện ta lại có nhiều kho súng đạn. Địch đóng nhiều đồn bốt rải rác ở các xã thôn. Chúng ta hãy suy nghĩ xem có cách nào biến các kho súng ấy thành của ta để đánh địch?

Trở về xã, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Vân chọn năm du kích có đủ sức khỏe và dũng khí, cử anh Nguyễn Văn Hiếu làm đội trưởng chỉ huy. Anh huấn luyện cho đội các động tác, cách cải trang, cách tiếp xúc với địch, cách đóng vai giả bộ người đi làm ruộng sớm. Anh theo dõi các cuộc hành quân nhỏ của quân địch ở bốt đóng đầu làng để nắm qui luật địch thường đi tuần tra, đi lùng sục vào các xóm thôn vào những buổi nào, giờ nào. Sau một tháng chuẩn bị, anh ra lệnh cho đội du kích năm người đi phục kích một toán tuần tiễu địch hỗn hợp lính Pháp và Bảo an binh. Một sáng chủ nhật toán lính địch ở bót Mỹ Thủy lò dò đi vào làng. Chúng trở về hí hửng đứa thì tay xách gà vịt, đứa thì tay xách buồng chuối, trái thơm vừa cướp được của đồng bào ta. Đợi chúng ra khỏi xóm, đội du kích phát lệnh "ôm hè", từ các bụi cây, ruộng lúa xông ra vật ngã bọn lính và cướp súng. Địch bắn loạn xạ và ba chân bốn cẳng chạy về đồn. Trận đánh thắng lợi giòn giã, ta đoạt được hai súng trường của địch.

Ông Võ Trọng Môn - một trong những người tham gia diệt địch bằng “ôm hè” ở Thủy Châu - Ảnh: huongthuy.thuathienhue.gov.vn


Học tập kinh nghiệm đội du kích năm người, đồng chí Nguyễn Đình Cận, xã đội trưởng xã Hồng Thủy (nay là xã Thủy Dương) dùng chiến thuật “ôm hè” đã cướp được súng của lính gác cầu An Cựu, tên lính hoảng sợ bỏ chạy về đồn đóng gần Ngoẹo Dàn xay. Chiến tranh du kích ngày càng lan rộng. Địch sử dụng tù binh để xây dựng các chiến lũy bảo vệ cho chúng quanh thành phố Huế. Đồn Sầm là điểm cao nằm cạnh đường xe lửa và quốc lộ 1A cách Huế chừng hai cây số về phía Nam, trên con đường chiến lược nối liền Huế - Đà Nẵng. Một tiểu đội địch đóng chốt ở Đồn Sầm. Ngày 16 tháng 6 năm 1951, địch sử dụng tù binh giam ở nhà lao Thừa Thiên để xây dựng chiến lũy kiên cố Đồn Sầm. Một trung đội lê dương do sĩ quan Pháp chỉ huy, canh gác tù binh, điều khiển xây dựng chiến lũy Đồn Sầm. Chi bộ nhà lao chủ trương vận dụng chiến thuật "ôm hè", đánh để giải thoát tù binh. Chi bộ cử một bộ phận nghiên cứu địa hình khi lao động khổ sai ở hiện trường, quan sát cách phân chia giao việc cho tù và lính gác ở các điểm, giờ giặc làm và nghỉ, những lúc sơ hở của địch. Sau một thời gian chuẩn bị, một cuộc họp tuyệt mật trong nhà lao để phân công, giao trách nhiệm tác chiến. Chi bộ đã chọn 51 bộ đội thuộc trung đoàn 45 và trung đoàn 101, và bộ đội địa phương chia thành 5 tổ tác chiến.

Chi bộ quyết định đánh lúc 13 giờ ngày 16-6-1951 với nhiệm vụ: "cướp súng địch, đánh địch bằng chiến thuật "ôm hè", hai đánh một, đánh bất ngờ, tấn công cùng loạt, thật nhanh sau khi nghe và nhìn thấy mật lệnh". Chỉ huy trận đánh là đồng chí Hà Văn Chấp, lúc bấy giờ là tù binh bộ đội, bí thư Chi bộ nhà lao (hiện nay là đại tá không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, đã về hưu). Trước diễn biến trận đánh mấy ngày một số cán bộ phụ nữ huyện Hương Thủy đã liên lạc bí mật trao thuốc men và đặc biệt một cái nón Huế mới cho đội quân "ôm hè" sắp ra trận. 9 giờ sáng hôm ấy, tù binh đang đào công sự dưới nắng gắt. Lính lê dương không chịu nổi nắng hè oi bức tháng sáu và ngọn gió Lào khô cháy đổ xuống từ các triền núi Trường Sơn. Mồ hôi nhễ nhại, chúng lê bước vật vờ canh gác, lơ đãng nhìn xa xa... Bỗng tiếng gào phát lệnh của đồng chí Chấp vang lên: “Cực da diết lắm anh em ơi!” Cùng lúc tay anh giơ cao chiếc nón Huế vẫy mạnh. Và đáp lại đồng loạt "Ôm hè... Ôm hè...", các tù binh chiến sĩ xông vào, hai đánh một, bất ngờ vật ngã những tên lê dương nằm sóng soài trong bụi mờ công sự. Tiếng súng nổ loạn xạ, thật hãi hùng, ghê sợ và quyết liệt... Cướp được súng, chiến sĩ ta quay ngay mũi súng diệt địch, đuổi theo những tên tháo chạy không xa hiện trường lắm. 40 phút qua nhanh. Ta hoàn toàn thắng lợi. Ta diệt 26 tên trong đó có 2 sĩ quan, bắt 8 tên. Ta thu được 22 súng trong đó có 3 trung liên, 24 tiểu liên, 4 két lựu đạn. Bên ta có 2 chiến sĩ hy sinh là đồng chí Báu, bộ đội trung đoàn chủ lực và đồng chí Doi d 231 địa phương quân. Một giờ sau, bộ binh địch ở Giạ Lê, xe bọc thép địch từ căn cứ Nam Giao chặn đường xốc đến ứng cứu, máy bay địch "bà già" từ sân bay Phú Bài đến chao liệng rà quan sát hiện trường... Nhưng đoàn quân "Ôm hè" chiến thắng đã khẩn trương mang theo đồng đội hy sinh và những chiến lợi phẩm quí giá rút lui an toàn từ lâu. Đoàn quân nhanh chóng vượt qua cánh đồng lúa Thanh Thủy thượng, lội qua sông Lợi Nông (khúc sông phía dưới của sông An Cựu) để về căn cứ du kích...

T.S. - H.N.
(TCSH54/03&4-1993)

 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Xóm Cồn Mồ (09/06/2023)