Góc Hoài niệm
Huế trong ngày vui độc lập
09:38 | 11/09/2023

LÊ QUANG MINH

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đập tan ách thống trị thực dân, chế độ nửa thuộc địa nửa phong kiến, đưa nước ta trở thành một nước độc lập là thắng lợi lịch sử vĩ đại.

Huế trong ngày vui độc lập
Hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các Đội Cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế mừng Cách mạng Tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu. Nguồn: VOV.VN)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận  miền  Trung,  một  phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Kạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Riêng tại Thừa Thiên Huế, từ đầu tháng 4/1945, Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên đã có những chủ trương cương quyết và cách làm mới góp phần làm cho phong trào Việt Minh phát triển mạnh.

Sáng 23/8/1945, cả thành phố Huế rực rỡ cờ đỏ sao vàng, 15 vạn nhân dân Huế cùng nhân dân các phủ, huyện theo kế hoạch tiến vào thành phố đã tràn ngập các khu phố, chật ních trên các ngả đường. Dưới sự lãnh đạo của Ủy ban khởi nghĩa, quần chúng nhân dân tiến công chiếm nốt các cơ sở còn lại của chính quyền bù nhìn, rồi kéo về dự cuộc mít tinh khổng lồ tại sân vận động thành phố, mừng cách mạng thành công. Đúng 15 giờ, hàng chục vạn quần chúng đội ngũ đã chỉnh tề trong sân vận động Huế. Lúc bấy giờ, các lực lượng vũ trang khởi nghĩa đã chiếm đóng và niêm phong tất cả các công sở khiến lực lượng quân đội Pháp, Nhật còn lại không dám phản kháng gì. Đúng 15 giờ 30 phút, Đoàn Chủ tịch cuộc mít tinh do nhà thơ Tố Hữu dẫn đầu ra mắt đồng bào Thừa Thiên. Tiếng vỗ tay, tiếng hô khẩu hiệu vang lên như sấm dậy. Sau bài diễn văn ngắn gọn súc tích, nhà thơ Tố Hữu giới thiệu Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời gồm: ông Tôn Quang Phiệt - Chủ tịch, ông Hoàng Anh - Phó Chủ tịch. Thêm một tràng vỗ tay và hô khẩu hiệu: “Ủng hộ Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời”, “Ủng hộ! Ủng hộ!”1. Trong cuộc mit tinh đó, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Thừa Thiên ra đời. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế thắng lợi nhanh chóng. Chính quyền lâm thời được nhân dân vô cùng tin tưởng, ủng hộ, đó chính là thắng lợi bước đầu, thắng lợi trong lòng nhân dân.

Trong hồi ký của mình, bà Trần Thị Như Mân, phu nhân học giả Đào Duy Anh viết: “Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau cuộc mit-tinh lớn ở Sân vận động thành phố ngày 23 tháng 8, chính quyền do Nhật dựng lên ở Huế bị sụp đổ. Gia đình chúng tôi phấn khởi đón chào thắng lợi của cách mạng. Ngoài cô Đính là người đã tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế, khi đó tôi mới biết có một số anh là học sinh trường Thuận Hóa ở trong nhà tôi cũng đã tham gia Việt Minh từ trước”2. Những dòng này cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của lực lượng cách mạng, xây dựng thế trận, chuẩn bị, bố trí lực lượng ứng phó trước những diễn biến cấp thiết, cấp tốc mà nhiệm vụ của cuộc cách mạng đặt ra.

Chiều 28/8/1945, nhân dân Huế đón Phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời do ông Trần Huy Liệu làm Trưởng đoàn vào Huế để chứng kiến vua Bảo Đại thoái vị và trao ấn kiếm. Đến 16 giờ ngày 30/8/1945, hàng vạn nhân dân Huế tụ họp tại Ngọ Môn chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại: Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị “nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ cộng hòa” và tuyên bố “lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”; rồi trao ấn kiếm cho đại diện của Chính phủ lâm thời. Trong không khí nghiêm trang, cờ quẻ ly hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên, đại diện Chính phủ lâm thời nước Việt Nam tuyên bố xóa bỏ chính thể quân chủ ở Huế cũng như trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, công bố chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông Nguyễn Hữu Hường (tức Hường Thọ), nguyên thành viên Ban liên lạc Việt Minh Nguyễn Tri Phương trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám kể về giây phút lịch sử ấy. Vào chiều ngày 30/8/1945, đại biểu nhân dân 6 huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên, cùng với đại biểu các tầng lớp nhân dân thành phố Huế đã tập hợp đông đủ, hàng ngũ chỉnh tề trên quãng sân rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân cột cờ. 18 hàng nữ sinh mặc quần trắng, áo dài trắng đứng trước. Tiếp đó là các đoàn phụ nữ mặc áo dài tím. Đoàn quân nhạc gồm 130 người đứng bên phải. Lực lượng vũ trang súng trường cắm lê sáng loáng đứng bên trái. Các đoàn thanh niên học sinh áo sơ mi trắng, quần xanh đứng sau cùng. Phía chính giữa là đại diện nhân dân tay mang cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rực rỡ xếp thành ô vuông lớn - hình ảnh khối đoàn kết chặt chẽ và vững bền. Không khí thật trang nghiêm khi vua Bảo Đại từ điện Kiến Trung (Hoàng thành Huế) tiến về cửa Ngọ Môn để làm lễ thoái vị và trao ấn, kiếm cho đại diện Chính phủ lâm thời Trung ương. Theo nguyện vọng nhà vua, lá cờ quẻ ly của triều đình được kéo lên Kỳ Đài trước mặt Ngọ Môn lần cuối cùng, sau khi nhà vua đọc xong chiếu thoái vị cũng là lúc quốc kỳ của vương triều này được gỡ xuống để cờ đỏ sao vàng năm cánh rực rỡ được kéo lên Kỳ Đài trong tiếng vỗ tay hoan hô như sấm, cắt ngang bởi 21 phát súng mừng vang lên, đánh dấu sự cáo chung của triều đình nhà Nguyễn và cả chế độ phong kiến Việt Nam. Vua Bảo Đại trao ấn, kiếm cho ông Trần Huy Liệu, đại diện Chính phủ lâm thời Trung ương.

Khoảnh khắc đáng nhớ này khắc sâu vào tâm khảm nhiều cán bộ, nhân dân ngày ấy. Ông Hoàng Anh (1912 - 2016), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời ở Huế thời điểm Cách mạng Tháng Tám đã bồi hồi nhớ lại: “Giữa tiếng vỗ tay nhiệt liệt của quần chúng nhân dân, tôi thấy lòng trào dâng niềm tự hào khó tả. Rồi đây, tôi sẽ còn được chứng kiến nhiều sự kiện khác của đất nước, nhưng chắc chắn ngày lịch sử, ngày thoát khỏi kiếp nô lệ này sẽ luôn là hồi ức đẹp nhất trong cuộc đời cách mạng của mình”3. Cùng một cảm xúc tương tự, Trung tướng Lê Tự Đồng, ủy viên Ủy ban khởi nghĩa đã thốt lên trong hân hoan: “Thật là tuyệt! Cách mạng chỉ trong một ngày mà thu gọn cả một quãng thời gian gần một thế kỷ. Từ ngày kinh đô Huế thất thủ, bọn thực dân Pháp đã tác oai tác quái trên mảnh đất quê hương hiền dịu này cũng như trên tất cả đất nước Việt Nam thân yêu”4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thật tài tình khi viết trong Tuyên ngôn độc lập đã tổng kết cả một chặng đường cách mạng: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”. Đồng bào, chiến sĩ ở Huế mừng vui nô nức, từ nay được làm người tự do.

Sự kiện Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền thắng lợi ở Kinh đô Huế vào ngày 23/8/1945, đánh dấu sự cáo chung của chế độ quân chủ nhà Nguyễn sau 143 năm tồn tại. Chúng tôi xin dẫn luận thêm một chi tiết về việc vua Bảo Đại chính thức thoái vị vào ngày 30/8/1945 tại Ngọ Môn có công lao rất lớn của ông Phạm Khắc Hòe (1901 - 1995). Ông từng là Đổng lý Ngự tiền Văn phòng, hàm quan Thượng thư, dưới triều Bảo Đại. Phạm Khắc Hòe là một người có tư tưởng yêu nước và tiến bộ, lại thân cận và được tín nhiệm đã thuyết phục vua Bảo Đại cộng tác với chính quyền cách mạng.

Trong cuốn hồi ký Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc do chính Phạm Khắc Hòe chấp bút, ông có ghi lại những sự việc liên quan đến triều đình nhà Nguyễn những ngày cuối cùng như sau:

“Những ngày cuối cùng đó, ông được một cung nữ và một thái giám tha thiết xin gặp mặt. Người cung nữ trình bày về quá trình mình vào cung phục vụ, những nỗi chán chường, buồn tẻ chốn cung đình. Người thái giám thẫn thờ trước những biến cố trước mắt. Giờ nghe tin triều đình chuẩn bị giải tán, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp quản tất cả, bà cung nữ thở dài và hỏi:

- Không biết số phận cung nữ, thái giám chúng tôi từ nay sẽ ra răng? Xin cụ cho biết để chúng tôi còn lo liệu.

Ông Phạm Khắc Hòe mỉm cười nói:

- Từ nay số phận các bà là do các bà tự định đoạt lấy! Không ai có quyền nắm cả.

Bà cung nữ chưa tin lại hỏi:

- Tui muốn trở về gia đình có được không?

Ông Phạm Khắc Hòe đáp:

- Nhất định được.

Thấy bà cung nữ đã được mở đường như thế, vị thái giám cũng hồ hởi hỏi:

- Tui muốn lên chùa đi tu luôn có được không?

- Nhất định được. - Ông Phạm Khắc Hòe lặp lại câu trả lời.

Cả cung nữ và thái giám lộ vẻ vui mừng nói:

- Xin cảm ơn cụ và chúc cụ thượng lộ bình an”5.

Những cung nữ, thái giám bấy lâu phục dịch trong cung cấm giờ thở phào nhẹ nhõm. Họ đã được giải phóng. Họ đã là người tự do.

Sau những sự biến này mới có câu chuyện trên đây đầy tâm tư của những người cung nữ, thái giám một thời phục vụ vua chúa với bao thiệt thòi, chịu đựng và đi vào bế tắc. Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra cuộc sống mới đầy tươi sáng và tự do cho họ. Người cung nữ được về lại gia đình sau mấy chục năm xa cách. Người thái giám được tự do chọn lựa ý nguyện xuất gia nơi cửa Phật. Thời đại mới của một nước Việt Nam mới đã được mở ra trong biết bao hy vọng, đón chào. Đó là ý nghĩa và giá trị rất cụ thể của Cách mạng Tháng Tám đối với nhân dân cần lao đã cảm nhận và hưởng thụ được sau thắng lợi vĩ đại.

Cũng trong bầu nhiệt tâm sôi nổi đó, biết bao người tình nguyện lên đường phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Ngay cả gia đình trí thức Đào Duy Anh cũng không kém phần khí thế: “Trong không khí sôi nổi của những ngày cách mạng, con trai đầu của tôi tuy còn nhỏ vẫn không muốn đi học, mà cứ đòi theo chú Dếnh vô đội Tuyên truyền xung phong”. Và “mỗi lần cháu đi công tác về tôi phải đem áo quần ra luộc”6 vì “chấy rận” lây từ quân đội Tàu Tưởng đem mầm bệnh sang nước ta.

Cách mạng đi đến thắng lợi cao nhất, xác lập dấu mốc lịch sử huy hoàng, chói rỡ nhất là sự kiện ngày Quốc khánh 2/9/1945. Tại cuộc mít tinh ở Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thế giới Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tuyên ngôn độc lập xác quyết rằng: “…chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” Từ đây, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước Việt Nam hân hoan bước vào kỷ nguyên mới, viết nên lịch sử mới. Thừa Thiên Huế hòa chung vận hội đất nước, từ đây quê hương độc lập, người dân cố đô làm chủ cuộc sống mới.

L.Q.M
(TCSH415/09-2023)

---------------------------------

1 Lê Tự Đồng (1993), Tình dân biển cả, Nxb. Thuận Hóa, trang 57.
2 Trần Thị Như Mân (2007), Sống với tình thương, Nxb. Thanh niên, trang 50.
3 Tuấn Tú (2022), “Tháng Tám ở Huế”, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội Nhân dân, 15/08/2022.
4 Lê Tự Đồng (1993), sđd, trang 59.
5 Nguồn: Phạm Khắc Hòe (1996), Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb. Trẻ, trang 113 - 115.
6 Trần Thị Như Mân (2007), sđd, trang 51.

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Xóm Cồn Mồ (09/06/2023)