Góc Hoài niệm
Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Hà về thể ký
08:30 | 20/11/2024

LÊ XUÂN VIỆT

Sau ngày miền Nam giải phóng (Xuân 1975) tôi chuyển công tác từ Đại học tổng hợp Hà Nội vào Huế. Ở thành phố đẹp và thơ, đầy mơ mộng này rất hợp ngành văn mà tôi say mê và theo đuổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quang Hà về thể ký
Ảnh: tư liệu

Tôi biết và quen thân với khá nhiều văn nghệ sĩ ở Huế - những người đi từ trong rừng ra và những anh chị tham gia trong phong trào tranh đấu ở đô thị trước đây... Trong số ấy, tôi quen và có phần nào hiểu về Nguyễn Quang Hà ngay lúc anh từ chiến khu về thành phố đến nay.

Con đường của Nguyễn Quang Hà đến với văn chương cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác. Lứa tuổi các anh chị đã trực tiếp trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Họ trở thành người lính, phải cầm súng, phải tự kiếm sống giữa núi rừng trùng điệp đầy rẫy bom đạn của kẻ thù trước khi cầm bút. Ký ức chiến tranh luôn luôn thường trực, ám ảnh cuộc sống của họ. Vào thời điểm 1967, Nguyễn Quang Hà tự nguyện để lại bố mẹ già, vợ và ba con nhỏ, tự nguyện gác lại những ngày lên lớp cho các em học sinh trên bục giảng để trở thành người lính trinh sát vào chiến trường nóng bỏng Trị Thiên - Huế. Suốt những năm tháng chiến tranh, anh phải làm nhiệm vụ người lính và những lúc có điều kiện thuận lợi đã tập làm báo, viết văn. "Tiếng gà trên đỉnh chốt" là tập thơ đầu tay của anh ra mắt giữa lúc đất nước hoàn toàn giải phóng.

Hai mươi năm trôi qua, kể từ tập thơ đầu tay ấy, Nguyễn Quang Hà đã thử bút qua nhiều thể loại khác nhau và anh có gặt hái được những thành quả nhất định. Anh làm thơ, viết ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện phim và ở thể loại nào cũng có một vài tác phẩm có thể nhớ được. So với một vài tác giả khác anh chưa được cái may mắn "trời phú" cho sự tài hoa bẩm sinh nên phải tự mình cày xới trên mảnh đất mà mình đã sống, đã nghiền ngẫm mấy chục năm nay. Với 27 năm sống, chiến đấu, lao động sáng tạo văn chương trên mảnh đất Bình Trị Thiên mà chủ yếu là Thừa Thiên - Huế, Nguyễn Quang Hà đã tích lũy được một vốn sống phong phú đầy biến động và nóng hổi của cuộc đời. Vì thế, theo tôi nghĩ, thể loại mà anh thành công hơn cả chính là những tác phẩm ký giàu sức sống lay động lòng người. Anh đi nhiều, tiếp xúc nhiều, bạn bè nhiều và thực sự rung cảm với con tim bạn đọc ở mọi nơi: Vùng biển phá Tam Giang, vùng heo hút cồn mây Khe Sanh, A Lưới, ở đỉnh Kà Xèng chon von, Bạch Mã đêm ngày mây phủ hay vùng chiến trường khói lửa năm xưa... Ký của anh thường xuất hiện trên Văn nghệ Bình Trị Thiên (trước 1983), tạp chí Sông Hương, tạp chí Văn nghệ Quân đội, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam... Anh được trao giải thưởng nhất, nhì vài ba lần của Đài, Tạp chí và báo Văn Nghệ tổ chức, nhưng có lẽ niềm vui đích thực của anh là tấm lòng của bạn đọc. Khó quên được tình cảm của bà con nông dân Phong Sơn đến với tòa soạn Sông Hương để cám ơn Tạp chí, cám ơn Quang Hà khi anh viết bài "Luận chứng của một tâm hồn đa cảm". "Sông Hương" lúc ấy thật là sang giá và sáng giá vì những sáng tác hợp với lòng dân và được dân tin yêu. Tất nhiên, làm nên giá trị của một tạp chí đâu phải chỉ do những bài ký hay, nhưng bạn đọc đều cho rằng ký là những bài được đọc đầu tiên khi cầm một cuốn tạp chí ra số mới.

Nghĩ về nhà văn Nguyễn Quang Hà, tôi biết anh còn đang phải cố tự vượt mình, rất nhiều trong sáng tạo văn chương và ngay cả trong cuộc sống đời thường. Anh đang trong quá trình tự hoàn thiện mình để trọn vẹn là nhà văn chiến sĩ, nhà báo của nhân dân trong hoàn cảnh cuộc sống hiện nay. Vì vậy tôi không ngần ngại trao đổi với anh những điều mà tôi muốn hiểu hơn về anh cụ thể trong những tác phẩm, ký mà anh đã viết trong thời gian qua và gần đây. Tôi gặp Nguyễn Quang Hà và có "phỏng vấn chớp nhoáng" trước vài hôm anh đi học lớp đại học báo chí. Nghĩ cuộc đời cũng kỳ lạ và có phần trớ trêu, một nhà báo hơn 22 năm viết hàng trăm bài báo, một nhà văn hơn 20 năm cầm bút, hơn mười tác phẩm văn học đủ các thể loại để lại ngồi nghiêm chỉnh học đại học làm báo, viết văn. Nhưng thôi, chuyện đó là thường ở đất nước mình, thật dễ hiểu đối với những người đã ngoại tứ tuần như tuổi tôi và anh. Còn bây giờ là chuyện của tôi và nhà văn Nguyễn Quang Hà bàn về ký vậy. Chúng tôi ghi lại bằng hình thức hỏi, đáp để bạn đọc dễ hiểu hơn.

 

Thầy giáo Lê Xuân Việt - Ảnh tư liệu gia đình

- LÊ XUÂN VIỆT: Từ những bài ký thành công được bạn đọc yêu mến, anh có kinh nghiệm gì trong việc lấy tư liệu và sử dụng tư liệu ấy trong tác phẩm?

- NGUYỄN QUANG HÀ: Kể ra, số lượng bài ký tôi viết cũng đã khá nhiều, phần lớn đã in trong tập “Lang thang với Huế”. Có một số bài tôi viết bằng chính tâm huyết của mình như: "Kà Xèng chon von", "Luận chứng của một tâm hồn đa cảm", "Vùng tâm bão đi qua", "Mối tình bên dòng sông Như ý và ngôi mộ trên núi Dạ Lê", "Những tiếng gõ cửa cuộc đời", "Hoa ở Huế”, "Cái chai, con gà và hạt bắp". Và gần đây nhất là "Thủy Thanh của tôi". Trong số đó có ba bài trúng giải nhất, giải nhì trong ba cuộc thi ký do báo Văn nghệ và Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức.

Qua những bài ký thành công, tôi thấy rất rõ cái hồn làm nên màu sắc, máu thịt bài ký chính là cái tình của mình. Cái tôi trong các bài ký là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài từ đầu chí cuối. Các chi tiết bị gắn, bị buộc vào sợi chỉ đỏ ấy. Nhờ cái tình của cái tôi, các chi tiết bỗng như thân xác được nhập hồn, trở nên sinh động, lấp lánh.

Không xúc động, không tâm huyết, không nghiền ngẫm, không nung nấu thì không thể nào có được bài ký hay. Những tư liệu của ký đầy rẫy trong cuộc đời, nhưng nó lại được rút ra cho mỗi bài ký ngay từ chính cái tình của mình. Như tôi đã nói ở trên, các chi tiết được nhập hồn là như vậy. Sự sáng tạo các chi tiết ký là vậy.

L.X.V: Khi trao đổi kinh nghiệm viết ký với sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Huế, anh có nói vai trò rất quan trọng của chi tiết trong tác phẩm ký. Anh nói rõ hơn ý này bằng thực tế sáng tác của mình.

N.Q.H: Nếu được định nghĩa về chi tiết của ký, thì tôi xin nói rằng: chi tiết là những viên gạch, là mỗi khúc gỗ của mỗi cung điện, đền đài. Những chi tiết thường gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Ví dụ khi viết bài "Mối tình bên sông Như Ý và ngôi mộ trên núi Dạ Lê", cặp tình yêu ấy, buổi chiều đi đưa thiếp mời xong, ngay trong đêm bị bão, nhà đổ, hai người chết trong đống gạch. Thương quá, gia đình hai nhà vẫn tổ chức đám cưới cho họ. Nhà trai đi đón dâu, chú rể chỉ là cái bình hương. Hai cái bình hương đi bên cạnh nhau. Cưới xong mới đưa quan tài xuống thuyền đi chôn. Dân hai bên bờ sông Như ý đứng chật suốt ba cây số tiễn đưa cặp tình nhân ấy. Một con thuyền đặt hai quan tài song song trôi giữa dòng.

Khi viết "Vùng tâm bão đi qua" tôi nhắc tới chi tiết trận bão khủng khiếp năm Thìn trước đó, gió mạnh đến nỗi trận gió lướt qua, tre bị đẩy nằm rạp cả xuống mặt đất. Có người đàn bà tóc dài đi qua bị gió quấn tóc vào cành tre, khi cơn gió đi qua, tre đứng dậy, kéo theo cả người đàn bà lên cao. Trận bão tàn bạo năm 1985 ở Huế tơi tả cảnh tôn bay trên trời như giấy. Có người đi trên Đập Đá, đường Thuận An, bị một tấm tôn bay tới phang đứt cổ, đầu rơi xuống đường; có người mẹ mới sinh, để tránh bão giật đổ nhà, bà chạy từ nhà này qua nhà kia chưa đầy một trăm mét vậy mà vừa đi tới đích bà mở khăn ủ con, đứa con bị mưa gió đã chết từ lúc nào... Cứ từng chi tiết như vậy, nối nhau giúp người đọc ở xa mấy cũng hình dung ra được trận bão một cách rõ ràng.

Viết "Kà Xèng chon von", tôi đã tả cái dốc Cà Dọc đúng như thực tế. Dốc không thể trèo bằng chân tay. Người này phải nối gỗ làm thang. Người trèo sau ngửa mặt nhìn lên chỉ thấy cái háng của người trèo trước. Khi lên hết dốc chỉ còn việc nằm vật người ra mà thở. Đường đi như thế nên chỉ một chuyến đi từ Kà Xèng về Qui Đạt lại lên Kà Xèng, đôi giép nhựa Tiền Phong rách đứt không thể dùng thêm được.

Để khắc họa các gian khổ của người lính biên phòng tôi đưa ra chi tiết họ lủi rừng, gai cào, lội suối áo ướt, áo quần mục nát nhưng cấp phát không đủ, đồn trưởng phải tập trung số áo quần lành lại, ai đi công tác được mặc, ai ở nhà ở trần: Nhìn những tấm lưng trần, mốc đen của họ không khỏi mủi lòng.

Các chi tiết truyện không thể thay thế chi tiết ký. Muốn có các chi tiết ấy, phải có ý thức thường trực tích lũy. Thấy chi tiết nào làm rung động chính mình, chắc chắn sẽ làm rung động người đọc.

L.X.V: Bài ký "Xin bắt đầu từ khách sạn Mùa Thu" của anh gây cho bạn đọc nhiều ý kiến - đánh giá rất khác nhau. Tất nhiên bài ấy cũng làm cho anh nhiều phiền phức, không vui. Thậm chí có bạn bè, đồng nghiệp còn đặt vấn đề khó hiểu mục đích, động cơ tác giả viết bài này. Chuyện qua lâu rồi, anh có thể nói rõ hơn, cụ thể anh viết bài ký đó ra sao? Kinh nghiệm anh tự rút ra cho bản thân với tư cách của một nhà văn viết ký?

N.Q.H: Quả thật tôi không vui mà rất buồn phiền về bài ký "Xin bắt đầu từ khách sạn Mùa Thu" này. Theo tôi, đây không phải là bài ký hay mà tôi đổ nhiều tâm huyết như khi viết "Luận chứng của một tâm hồn đa cảm”, "Kà Xèng chon von" hay "Thủy Thanh của tôi". Như anh biết đấy, một trong những đặc trưng của thể ký là sự nhanh nhạy, nóng hổi tính thời sự của thời đại, đất nước. Là nhà văn quan tâm đến sự biến đổi của cái mới trong tỉnh, không ai chỉ thị yêu cầu, đặt hàng cho tôi phải viết về công ty ôtô số 3 của Đinh Hồng Phước. Lúc bấy giờ tỉnh đang coi anh ta như một điển hình tiên tiến, công ty ôtô 3 như một cơ sở biết làm ăn mới, biết xé rào để đổi mới. Với một đối tượng mới như vậy, tôi cũng không thể nào hiểu được và lường hết được sự diễn biến phức tạp mà sau này công ty ôtô số 3 này sẽ đi đến. Bài ký ấy ra đời lúc ấy có thể hiểu được khi đặt vào hoàn cảnh cụ thể mà xem xét.

Đúng như anh đã nói bài ký này gây khá nhiều phiền phức và sự hiểu lầm của một số bạn bè đối với tôi. Thậm chí có đồng nghiệp còn hoài nghi, suy diễn này nọ. Sự thật ra sao? bây giờ anh đã rõ. Tôi rất phiền lòng, vì điều này. Nhưng thôi, chuyện đã qua lâu rồi, đúng như anh nói. Bạn bè giúp tôi chữ "nhẫn" để bình tâm. Được tâm sự với anh, nhân anh hỏi, cũng là dịp để chúng ta hiểu thêm về nhau và hiểu thêm về đời. Tôi vẫn nghĩ, đã là nhà văn, nhất là nhà văn đi viết ký, phải biết chấp nhận những đắng cay của cuộc đời, tất nhiên đắng cay ấy đâu phải tự ý mình gây ra, như thế mới tiếp tục sống và viết được anh ạ.

L.X.V: Xin hỏi anh câu cuối, là tác giả có một số tác phẩm ký thành công, theo anh đội ngũ những người viết ký ở Thừa Thiên Huế nói chung và Tạp chí Sông Hương nói riêng ra sao? Hy vọng ở đội ngũ viết ký như thế nào trong thời gian tới?

N.Q.H: Với một tờ Tạp chí như Sông Hương không thể thiếu ký. Truyện và phê bình nghiên cứu văn học, văn hóa là "tâm thất" thì ký là "tâm nhĩ" của trái tim ấy. Ký đã góp phần làm cho Sông Hương nổi đình đám một thời.

Các cây viết ký cho Sông Hương xưa còn đó: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Thị Mây, Tấn Hoài, Vĩnh Nguyên, Nguyễn Khắc Phê... lực lượng mới có Nguyễn Việt, Chiến Hữu, Dương Phước Thu... Lực lượng hầu như còn nguyên. Nhưng vấn đề là tổ chức sao đây? Viết một bài ký hay cho ra hồn thật là vất vả. Tôi viết bài "Ai lên Bạch Mã mà xem" phải trèo lên Bạch Mã ba lần cộng thêm vốn sống cũ. Như có lần tôi viết trên báo Văn Nghệ khi tôi được trao giải thưởng của báo bài "Thủy Thanh của tôi". Không có hơn 20 năm hiểu về Thủy Thanh ngay từ ngày chiến tranh thì làm sao tôi viết nổi bài ký ấy. Để viết bài "Người không cô đơn", anh Minh Chuyên phải bỏ công sức và tâm huyết ra hơn ba năm trời theo đuổi một bài ký. Vì thế tôi nghĩ, phải có tâm huyết, có vốn sống phong phú và đúng là phải có cái tình của một nhà văn đầy trách nhiệm với nhân dân mới có thể có ký hay. Anh có đồng ý với tôi như vậy không? Ở Thừa Thiên Huế, đội ngũ những người viết ký đang hy vọng Ban Biên Tập Sông Hương tổ chức tác giả và tác phẩm, đầu tư cho ký như thế nào đấy. Dù bận nhiều việc tôi cũng xin góp một tay.

L.X.V: Xin cám ơn anh!

(TCSH59/01-1994)

 

 

Các bài đã đăng
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)