Góc Hoài niệm
Chuyện cấm váy
10:22 | 31/03/2025


TRẦN HUYỀN ÂN

Chuyện cấm váy
Ảnh: tư liệu

Bây giờ, hội hè lễ lạc, các bà các cô lại đua nhau mặc váy. Nhớ lại câu ca dao:

Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần đứng nấp đầu làng trông quan.

Hồi đi học có lần tôi được nghe giảng rằng đây là tiếng nói của quần chúng chống lại triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã cưỡng bách nhân dân bỏ váy mặc quần.

Đọc những bài thơ trước 1945, nhất là của Anh Thơ. Chiếc váy thường xuất hiện bên cạnh chiếc yếm thắm, để tả nét duyên dáng của người con gái nông thôn miền Bắc, như:

... Các cô gái đội vàng hương, ôm váy.
Miệng tươi cười mừng tuổi những người qua...

Hoặc:

... Mẹ rồi con xắn váy, cúi khom, và
Người vớt bèo, người khấu rau hái vội...

vân vân...

Mãi đến năm 1954, nhiều đồng bào miền Bắc vào Nam vẫn còn mặc những chiếc váy vải nâu, tuy không được đẹp như nhà thơ đã tả.

Chiếc váy đã gắn bó với phụ nữ miền Bắc như thế thì việc cấm váy bị phản đối là điều dĩ nhiên.

Xét cho cùng thì, váy có cái đẹp của nó, nhưng khi đi đứng làm lụng còn nhiều bất tiện. Vậy, việc dùng quân thay váy là một bước tiến về mặt khoa học cũng như thẩm mỹ y phục. Hơn nữa, Chúa Nguyễn từ khi muốn biệt lập một phương hẳn phải quyết làm sao cho tất cả Nam Hà có một bộ mặt khác hẳn Bắc Hà. Việc cấm váy, có thể nói là có ''một ý nghĩa chính trị" trong hệ thống ý đồ qua từng thời điểm từ các chúa đến các vua nhà Nguyễn.

Đại Nam Thực lục từ tiền biên đến chính biên, tuần tự chép:

- Năm Giáp Tý 1744, tháng tư, chúa Nguyễn Phúc Khoát chính thức lên ngôi vương sau 6 năm cầm quyền, châm chước chế độ các đời - đổi y phục, thay phong tục, dựng tôn miếu, phong quận công, định triều phục, chia đặt cả cõi làm 12 dinh...

- Năm Nhâm Tuất 1802, vua Gia Long cùng thầy tôi bàn về phong tục. Vua nói: Dân Bắc Hà thì kiểu quần áo cũng không đẹp. Phải nên một phen sớm định mới có thể đồng nhất phong tục. Nhưng sửa đổi phong tục cũng phải dần dần.

- Năm Mậu Tý 1828, vua Minh Mạng cho đổi lối quần áo tự sông Gianh ra Bắc. Trước đây Thanh Nghệ và Bắc Thành tâu: Sĩ dân các hạt đều muốn đổi quần áo theo cách thức như người từ sông Gianh về Nam. Triều đình bèn nhắc lại ý của vua Gia Long (như trên), vua khiến dụ khắp hẹn đến đầu mùa xuân sang năm phải thay đổi một loạt.

Như vậy, việc thay đổi y phục đã bắt đầu từ đời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, vua Gia Long khi mới lên ngôi cho tiếp tục thực hiện dần dần và đến năm Minh Mạng thứ 9 (1828) mới có quyết định dứt khoát.

Chiến Quốc sách cũng có chép một chuyện thay đổi y phục, tận bên Tàu, ngày xưa... Vũ Linh vương nước Triệu muốn thôn tính Hồ, Địch, đã quyết định dùng y phục của người Hồ cho tiện lợi hơn. Bị triều thần phản đối, ông nói: Ta có ý bận Hồ phục không phải là để dúng tục cầu vui, lý do là muốn làm nên sự nghiệp, việc nên công thành rồi thì sau mới thấy được cái đức của ta... Y phục cốt sao tiện cho việc sử dụng, lễ pháp cốt sao tiện cho việc thi hành... Theo lời trong sách mà đánh xe thì là không hiểu thấu tình ý của ngựa, theo thời xưa mà chế định thời nay thì là không rõ sự biến đổi của thế tình...

Vua Minh Mạng cũng đã kiên quyết như Vũ Linh vương để rồi có người làm ca dao bêu riếu ông.

Phải chăng câu ca dao này là sáng tác của những người cứ khư khư muốn giữ lấy chiếc váy cũ, rồi người đời sau, với quan điểm cố chấp, cho mọi việc của triều đình nhà Nguyễn đều là sai trái hết; bèn gán cho nó tư tưởng chống phong kiến của quần chúng.

Nếu suy nghĩ này có phần đúng thì tưởng nên dành cho vua Minh Mạng một điểm khuyên son: khi cần đổi mới ông đã không ngần ngại gạt qua một bên búa rìu của những người - có thể là sĩ phu bất thức thời - bảo thủ mong hướng dẫn dư luận dưới chiêu bài văn chương phản kháng!

T.H.A
(TCSH59/01-1994)

 

Các bài đã đăng
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)