Góc Hoài niệm
Huế
08:46 | 01/06/2010

MAI KIM NGỌC

Tôi về thăm Huế sau hơn ba thập niên xa cách.Thật vậy, tôi xa Huế không những từ 75, mà từ còn trước nữa. Tốt nghiệp trung học, tôi vào Sài Gòn học tiếp đại học và không trở về, cho đến năm nay.

Huế
Chùa Thiên Mụ - Ảnh: Internet
Tôi đã ngần ngại nhiều. Văn chương cũng như chuyện thực ngoài đời đều như căn dặn đừng bao giờ trở lại những cảnh cũ mà mình quý mến. Từ truyện “Quê cũ” nổi danh của Lỗ Tấn cho tới câu chuyện tầm phào với một du khách Do Thái gặp giữa hai chuyến bay tại một phi trường Đông Âu mấy năm trước, tất cả đều nhắc nhở điều ấy.

Tôi vẫn không quên được người du khách Do Thái ấy, và giờ đây khi tầu sắp tới ga Huế, hình ảnh ông ta lại trở về trong trí tôi. Ông lưu lạc sang Mỹ từ thủa nhỏ vì nạn Đức quốc xã, trở về Ba Lan công tác cho một ngân hàng lớn của New York, luôn tiện ghé thăm sanh quán. Có chút gì đanh thép nơi ông, có lẽ tại nghề nghiệp ông thường ngày đòi hỏi cứng rắn lạnh lùng. Vậy mà khi nhắc đến ghetto cũ, ông bất thần thay đổi sắc điện. Buông thả cho những xúc động dồn nén sau chuyến thăm quê, ông bộc lộ nỗi lòng với bạn đường mới quen. Ông kể nhà cũ của ông, một tòa biệt thự khang trang cha ông xây hồi gia đình làm ăn trù phú, bây giờ đã bị ngăn thành nhiều hộ nhỏ chia cho cán bộ ở... Phòng ốc suy sụp tồi tệ không ai buồn sửa chữa. Cây táo chính tay ông trồng đã không còn dấu tích, chắc đã cỗi hay đã bị chặt làm củi sưởi mùa đông. Hàng xóm láng giềng lạnh nhạt khi ông trở về. Họ còn có vẻ sẵn sàng gây hấn vì sợ ông đòi lại nhà... Thật ra người cũ chẳng còn ai ngoại trừ một ông già độc nhất ngày xưa tuổi trẻ đã “dấn thân”, bây giờ dấm dẳn như người bất đắc chí... Bà vợ tuy có ấm áp hơn ông chồng, nhưng niềm nở săn đón chẳng qua là để nhập đề cho việc rủ ông mang tiền về đầu tư... Họ cũng cho ông hay là cô bạn gái hàng xóm của ông đã bị Đức bắt đi cùng với bố mẹ, và cả gia đình ấy đã chết thiêu trong trại tập trung... Mắt đỏ hoe, ông tâm sự: “Tôi đoán anh là người Việt lưu vong... Đúng phải không? Vậy thì nghe tôi đi, đừng bao giờ trở lại cố quốc nhé. Buồn lắm...”

Đó là câu chuyện ngoài đời. Còn chuyện văn chương thì tôi đã bị ám ảnh từ lâu bởi hình ảnh Lỗ Tấn không quản hai ngàn dặm hành trình để về làng cũ mà không tìm lại được quê cũ, để gặp lại Nhuận Thổ, mà không tìm lại được người bạn thân thủa thiếu thời.

Tầu đến Huế vào buổi trưa. Tôi nhìn qua cửa sổ chỉ thấy sân ga tầm thường, xoàng xĩnh. Tất nhiên là nó không to lớn ngăn nắp và tiện nghi như ga của những thủ đô ngoại quốc như Paris hay Washington, mà cũng không duyên dáng như những ga nhỏ trên một triền núi tuyết phủ, hay một vùng thôn dã mộc mạc...

Tệ hơn nữa, nó không giống gì cái ga Huế trong trí nhớ của tôi, cái ga Huế của rạo rực sắp được về với gia đình vào dịp Tết hay hè, hay của nôn nóng gặp bạn cũ những mùa nhập học. Cảnh cũ đã vậy, chuyện người cũng không khả quan gì hơn. Tôi nghe lại được giọng Huế ngày xưa các bạn vẫn nói, nhận diện lại được những gói kẹo mè xửng, những chùm nem, những chai xa-xị Huế, trong mấy quầy hàng giải khát. Thậm chí những bao thuốc lá Huế với nhãn hiệu “Cố Đô”, chưa sản xuất hồi tôi rời Huế, cũng không làm tôi xa lạ...

Nhưng rõ ràng là những người Huế ở sân ga này không nhận tôi là cố nhân. Những cái nhìn tò mò của họ- lộ liễu hay kín đáo- nhắc tôi là Việt kiều, là những gì xa lạ... Tôi đoán phần nào được suy nghĩ của họ, và thái độ họ tất đã bị chi phối, bởi những thành kiến cũ hay với những Việt kiều không tốt trở về trước tôi...

Vậy mà tôi có cả một kho tàng những chuyện cố nhân cố sự cần chia sẻ, những câu chuyện tôi sẵn sàng ôn lại trong dịp thăm viếng cố đô này... Biết bao kỷ niệm của cả một thời trung học... Nào ngày xưa vào mùa mưa, đi học phải lội nước qua Đập Đá... Nào những thứ bẩy chủ nhật lấy ca-nô đi từ Vĩ Dạ sang bến Đông Ba để uống một tách cà phê Phấn hay xem một xuất xi-nê Tân Tân... Nào cảnh đêm trên sông Hương hay chuyện bắt ve trên mấy gốc sung Vĩ Dạ... Nào chuyện đạp xe lên Kim Long thăm bạn, không phải vì mối tình học trò, mà vì nhà bạn có vườn thơm và thế nào bà mẹ bạn cũng bẻ thơm gọt cho ăn... Nào chuyện kèm trẻ tại gia... Chuyện này chuyện nọ nôn nức trong lòng, ai biết, mà biết kể với ai giữa cái ga Huế này...

Trước khi đi, một người bạn ở Cali đã lo giới thiệu chu đáo với người nhà ở Huế để hướng dẫn trong chuyến thăm cố đô. Nhưng vì sơ xuất của chính bản thân cũng như của bưu điện, tôi lạc lõng giữa ga Huế, ngơ ngác và mệt mỏi trong cái nóng nung người của cố đô tháng sáu. Chẳng mấy chốc, tôi trở thành đối tượng cho giới phe phẩy bắt đầu xấn tới đề nghị những dịch vụ, từ chính thức cho đến bán chính thức, lương thiện hay xem xém lươn khươn. Tất nhiên những phiền toái như vậy rất thông thường cho mọi bến ga bến tầu trên thế giới, nhưng dưới nhiệt độ gay gắt của trưa hè nhiệt đới, đối chiếu với sự chờ mong ít nhiều lãng mạn của người trở về, sự việc có khả năng tạo ra bực dọc đáng kể...

Sau cùng, người hướng dẫn tới, giải thoát cho tôi khỏi những khó khăn nhất thời của chuyến thăm quê. Từ đó trở đi mọi chuyện thuận lợi. Trong chốc lát, tôi có phòng trọ chu đáo, có xe đi, có tài xế, và có một chương trình tham quan đầy ý nghĩa, phản ánh kiến thức thâm sâu cũng như lòng hiếu khách tế nhị của bạn.

Trên đường về khách sạn, tôi nhắc đến những chuyện chung chung về Huế, về những món ăn Huế như chè, như bánh bèo Tây Thượng, như bánh canh Nam Phổ, hay những lăng tẩm cung điện cùng những địa danh còn nhớ lõm bõm qua một vài câu hò phổ thông của Huế... Tôi không ngờ anh bạn hướng dẫn đã kín đáo ghi nhận những chi tiết ấy để bổ sung chương trình. Và rất tế nhị, những địa danh và những món ăn tôi vô tình kể ra lần lượt xuất hiện trong mấy ngày thăm Huế của tôi. Tôi rất cảm động, chỉ mong bao giờ anh bạn có dịp sang Mỹ, tôi sẽ hết lòng đáp lễ bằng một chương trình tham quan chu đáo như vậy.

Về lăng tẩm, tôi thích nhất là lăng Tự Đức, ông vua cuối cùng của một nước Việt Nam chưa mất chủ quyền, một ông vua siêng năng hiếu học có thiện chí nhưng sinh chẳng gặp thời, một mình gánh chịu những khó khăn dồn lại từ những đời trước, về ngoại giao cũng như đối nội...

Có người mong ước giá mà vua Tự Đức khôn ngoan như người Việt bây giờ về chính trị thế giới, về cách đối xử với giáo dân hay người Pháp, hay giá vua đã làm những chuyện canh tân như Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật đã làm, thì vận mệnh đất nước đã đi theo một chiều hướng khác.

Nhưng đấy là những chuyện "nếu thế này" hay "nếu thế nọ" của lịch sử. Tôi chỉ thấy cái đẹp thanh tú nho nhã của nhà vua, và cái chất thơ thoát ta từ những chi tiết nhỏ riêng biệt cũng như cái không khí chung bao quát của Khiêm Lăng.



So sánh với đền đài của những văn minh khác như Hy Lạp hay La Mã, Khiêm Lăng rõ ràng đã khai triển cái đẹp theo một đường hướng khác. Ở đây cột kèo mảnh dẻ trang nhã như thap bút, mấy con rồng uốn khúc trên mái nhà mềm mại như sương khói đang phủ mặt hồ sen. Không, đây không phải là Athènes hay Rome với những mái nhà nặng nề vuông vức, những cây cột cẩm thạch vĩ đại sừng sững dựng đứng lên nền trời, thách thức thiên nhiên với những đường nét cứng rắn một cách không khoan nhượng như những định luật kỷ hà học...

Ngắm cảnh ở Khiêm Lăng, tôi cảm thấy những chai sạn của đời sống thực tiễn hàng ngày như biến mất, để nhường chỗ cho những gì thâm sâu êm đềm thanh thoát nhất. Nhưng nếu ai hỏi những cái thanh thoát ấy ở đâu mà có, thì tôi không minh định được. Phải chăng đó là mùi hoa đại trồng dọc những lối đi, hay hương sen đang nở trong những ao hồ nhan nhản trong khuôn viên lăng... Hay là cái mềm mại nhung gấm của rêu xanh mọc viền theo những phiến đá vuông vức lát sân lăng hay bám trên những bức tường cổ kính... Hay là nắng chiều phản chiếu trên men ngói những mái nhà uốn cong mềm mại...

Tôi trân trọng nghe anh bạn đọc trên bia đá những lời thành khẩn và nhún nhường của chính nhà vua khi bình về triều đại mình. Không mảy may suy tôn mình, những lời nhà vua tự kiểm thảo quả thật xứng danh với tên Khiêm Lăng ngài đã chọn cho nơi an nghỉ cuối cùng...

Anh bạn nhắc lại bài thơ tuyệt tác nhà vua đã làm để khóc Bằng phi. Từ thủa đi học tôi đã mê bài thơ ấy, nhất là hai câu năm và sáu:

            Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
            Xếp tàn y lại để dành hơi


Tôi thấy gần gũi với nét tình tứ lãng mạn rất người, bài thơ đem lại cho một niềm tiếc thương cao sang vương giả. Mặt khác, tôi nghĩ nó cũng đem lại nét vương giả cao sang cho nỗi tiếc thương của mọi thiên tình sử trong văn học chung của tất cả mọi người. Mỗi tấm gương tróc thủy còn sót lại Khiêm Lăng bỗng như có thần, tựa hồ như một ma lực huyền ảo bắt ta nhìn vào, mơ hồ hy vọng thấy được dung nhan liêu trai của một trang quốc sắc thiên hương yểu mệnh. Và tôi nghĩ đến tất cả những chiếc gương của tất cả những tình lang bất hạnh trên thế giới.

Tôi ít có cảm tình với lăng Khải Định. Khuyết điểm của lăng, như nhiều người đã nhận xét, nằm trong sự Tây hóa kỳ dị và vụng về của nhà vua. Nghe nói lăng Đồng Khánh xây cất dưới triều Khải Định cũng bị ảnh hưởng đáng tiếc bởi khiếu thẩm mỹ kỳ quặc này...

Tuy nhiên, lăng Khải Định cũng có một sự việc làm tôi ghi nhớ, là căn nhà gỗ sau lăng, nơi trú ngụ của một bà phi già. Tôi được gặp bà phi, một bà cụ lưng đã còng, nhưng dung nhan còn phảng phất những nét đều đặn của một thời đã qua. Lúc tôi gặp, phi đang ngồi xổm, chân đất, lúi húi giặt quần áo trên phiến đá xanh kê gần vại nước.

Phi được trả lương, nghe nói với nhiệm vụ chăm lo hương đèn cho vua. Mỗi buổi sáng, phi pha trà mới và têm trầu tươi dâng lên bàn thờ quân vương, đều đặn như vậy đã hơn nửa thế kỷ. Trong cảnh kinh tế co hẹp của đất nước, sinh hoạt của phi cũng túng thiếu lắm, và chút quà du khách tặng cũng kể như một cải thiện quan trọng cho ngân sách khiêm nhượng của phi.

Lại nghe nói đức vua suy nhược nam tính từ nhỏ, và cuộc sống của phi khi vua còn cũng như sau khi vua băng hà, kể như chay tịnh như cuộc sống của một nữ tu. Nhìn phi, tôi nghĩ đến một kiếp người thiệt thòi, một cuộc đời lãng phí, một mất mát đáng thương cho cuộc sống, dù cuộc sống riêng của một người đàn bà ít may mắn. Tôi thoáng thắc mắc phi là tiểu thư con vị quan nào, ngày bé quen ai biết ai trước khi được - hay bị - mang vào cung cấm... Tôi ngắm phi, cố gắng hình dung một trang quốc sắc, đã có hồi trẻ trung vui tươi, đã có hồi mơ ước một đời sống lứa đôi bình thường hạnh phúc... Nhưng vô hiệu... Trước mặt tôi chỉ là sự nghiệt ngã của một số phận bất hạnh và tấm lòng chung thủy mà tôi sẽ không bao giờ hiểu nổi...

Sau lăng tẩm là hoàng thành với các đền đài dinh thự đang hay sắp được trùng tu, có sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc. Tôi leo lên kỳ đài, ngắm nhìn cột cờ cao, bất giác nghĩ tới những người lính trẻ đã chết, đêm kinh thành thất thủ ngày xưa hay trận đánh Mậu Thân gần đây, và những lá cờ khác nhau đã bay ở đấy, kể cả lá cờ tam tài của Pháp...

Tôi biết sẽ không nhớ hết tên hay sự tích của mỗi dinh thự anh bạn kể cho nghe, trừ con đường Trung lộ lát đá phiến xanh trồng hoa dại, với những hồ sen hai bên đang trổ bông thơm ngát.

Rồi tôi thăm Cấm Thành, với những khu khác nhau, ngày xưa dành cho những nhân vật khác nhau của hoàng gia. Tôi ngạc nhiên ghi nhận mức sống không lấy gì làm xa hoa của hoàng gia nước ta thủa ấy. So với cung điện của Pháp tại Paris, của Trung Hoa tại Bắc Kinh, thậm chí của những nước nhỏ hơn như Áo hay Hung bên Âu châu, các vua chúa Việt xem ra sống thanh đạm lắm.

Cảm giác mạnh nhất nơi tôi khi thăm cung điện Huế là sự cô đơn của hoàng gia ngày xưa trong Cấm Thành. Tôi tưởng tượng cuộc sống thiếu sinh khí của những công chúa, những hoàng tử sau những tường cao hào sâu hay những cánh cửa lim nặng nề. Lại còn những phi tần tháng ngày chôn vùi tuổi xuân, có khi một đời chưa thấy mặt rồng. Nơi vườn thượng uyển hình như chim ít hót và ánh mặt trời cũng ít sáng. Và tôi nghĩ tới những nhân vật của Cung Oán, hay những vì vua bị bức tử không phải hiếm hoi trong lịch sử triều Nguyễn... Số kiếp của những người sinh ra trong hoàng tộc không hẳn là không nặng nề.

Cuộc thăm viếng kết thúc bằng chùa Linh Mụ. Nơi đây, tôi đã bắt được linh hồn của cố đố mà tôi đã không tìm lại được nguyên vẹn trong những đền đài cung điện vừa thăm viếng xong.

Trong lầu chuông với chiếc chuông vĩ đại mà hồi học trò ở Bến Ngự mỗi khi thức giấc thật sớm để học bài tôi vẫn được nghe, hay cả trong những tượng Phật bầy nơi chính điện...

Tôi ra khỏi chùa ngồi nghỉ tại tam cấp trước cửa tam quan. Trước mặt tôi là sông Hương. Lúc ấy chiều đã xuống, và những rặng tre bên kia cánh đồng Nguyệt Biều đã bắt đầu lẫn vào bóng hoàng hôn. Những ngọn đồi gần đã xậm lại thành màu quan san, còn mấy rặng núi xa đã mất đường nét và nhuộm màu tím than như sẵn sàng đón chờ đêm tới.

Trên trời lác đác vài vì sao mọc sớm, và đôi ba chiếc thuyền trên sông đã lên đèn. Tôi lẩn thẩn nghĩ không biết họ về đâu, chở gì, như ngày xưa vẫn lẩn thẩn khi mỗi khi có dịp ngắm những con đò qua lại trên sông Hương.

Một chiếc thuyền nhỏ bơi qua gần bờ làm tôi chú ý. Trên thuyền, một cô gái còn trẻ lắm, chắc độ mười sáu mười bẩy, đang chèo. Cô chèo đứng, bằng một mái chèo, lối chèo đặc biệt của Huế, bán diện hiện ra rõ ràng trong chút nắng cuối cùng của ngày. Cô vươn mình theo mái chèo, chiếc áo cánh ngắn kéo căng ôm lấy người, tấm thân con gái Huế mới lớn kín đáo khiêm nhường mà đầy nữ tính... Và cô cất tiếng hò:

Thuyền về Đại Lược
Duyên ngược Kim Luông,
Nơi đây chỗ rẽ cõi lòng...
Gặp nhau còn biết trên sông bến nào...


Quá khứ như hiện về, tôi tưởng lại xứ Huế ngày xửa ngày xưa, hơn ba thập niên trước, giữa những hôm học thi, có lần tôi đã được nghe một người con gái Huế hò như vậy... Và trong huyền ảo của giây phút, tôi khám phá ra người con gái ấy cũng là cô gái bây giờ...

Cô là ý, là hồn của Huế, của chất Huế hiện thân thành người... Cô vĩnh viễn mười sáu mười bảy tuổi, và cô hò hôm nay cũng như cô vẫn hò ba mươi năm trước hay ba trăm năm trước...

Cô tiếp tục hò, tiếp tục chèo... Tấm thân bé bỏng như con chim nhỏ, cô đè lên mái chèo mà như thể mái chèo tự nó kéo cô theo, mềm mại duyên dáng như dòng sông Hương. Tôi vẫn biết Hương Giang bao giờ cũng êm ả, nhưng tối nay không gian như không còn định hướng, và tôi không biết sông chẩy từ Đại Lược về Kim Luông hay từ Kim Luông về Đại Lược...

Thuyền cô xa dần, nhỏ dần, phút chốc chỉ còn mấy nét chấm phá trên mặt sông phẳng lặng,và trong bóng đêm vừa đổ xuống, ngọn đèn mũi thuyền cô lấp lánh như một vì sao...

Bỗng chốc tôi khám phá ra câu trả lời cho mối thắc mắc mơ hồ bấy lâu... Nhờ cô, tôi đã biết những con đò trên sông Hương chở gì... Dễ lắm... Chúng chở những vì sao mượn từ trời sao xứ Huế, và quan trọng hơn nữa chúng chở câu hò của người con gái Huế...

Mười năm nữa, năm mươi năm nữa, một trăm năm nữa, hay mãi mãi, khi bà phi già trên lăng Khải Định đã chết từ lâu, khi thành quách cung điện Huế chỉ còn là những cổ vật không công dụng thực tiễn, khi ga Huế trở thành một nhà ga hiện đại với những chuyến tầu siêu vận tốc , khi những sôi động kinh tế hay chính trị hiện tại chỉ còn là những trang sử...

Mười năm nữa, năm mươi năm nữa, một trăm năm nữa, hay mãi mãi về sau, giá dù người Huế có quên ăn nem Huế, quên kẹo mè xửng, quên bánh canh Nam Phổ... và những lưu dân nhớ Huế phải về sưu tập tất cả những tấm gương cổ để đập ra mà tìm lại những ảo ảnh ấy, thì tôi vẫn đoan chắc rằng linh hồn của Huế vẫn còn trong hình bóng một cô gái nhỏ trên sông Hương, tối tối chở một vì sao mượn từ trời sao xứ Huế, và chở tiếng hò của cô...

Về đâu ư? Đại Lược hay Kim Luông? Hay về một bến tiềm thức sâu xa của những người đã sống ở Huế, hay đúng hơn những người vì một duyên nợ kiếp nào đã nhiễm chất Huế vào hồn...


Hè 1993
M.K.N
(141/11-00)


 

 

Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Cảm nhận Huế (02/03/2010)