Góc Hoài niệm
Huế - một lần trở lại
14:26 | 24/12/2010

TỪ SƠN… Huế đã nuôi trọn thời ấu thơ và một phần tuổi niên thiếu của tôi. Từ nơi đây , cách mạng đã đưa tôi đi khắp mọi miền của đất nước. Hà Nội, chiến khu Việt Bắc, dọc Trường Sơn rồi chiến trường Nam Bộ. Năm tháng qua đi.. Huế bao giờ cũng là bình minh, là kỷ niệm trong sáng của đời tôi.

Huế - một lần trở lại
Sông Hương - Ảnh: vanhocnghethuat-tthue.org.vn
Vậy đã ngót bốn mươi năm rồi tôi mới trở lại đôi ngày thăm Huế.

Như thế đó: sự thật là giản dị nhưng những bước đi trên đường đời nhiều khi thật là rắc rối. Trên một ý nghĩ nhất định, đời sống của con người là chuỗi dài nợ nần phải trả. Những vùng đất ta đã sống, đã yêu, đã thiết tha gắn bó đang đòi nợ ta. Chỉ riêng món nợ này thôi, ai dám nói rằng mình đã trả hết?

Còn nhớ, mỗi buổi trưa mùa đông 1963 trên đường mòn mang tên Bác, Nguyễn Khoa Điềm chia tay với tôi. Anh rẽ theo đường dẫn tới chiến trường Thừa Thiên. Tôi tiếp tục hành quân vào chiến trường Nam Bộ. Từ trạm giao liên đóng bên bờ suối chảy ngang rừng thông ấy, tôi gửi nhớ thương về Huế của mình. Và mơ màng nghĩ tới ngày vui thống nhất.

Vài tháng sau đại thắng mùa xuân 1975, trên đường vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi có dừng lại ở Huế một ngày. Bấy giờ nhiều điều đang giục giã phía trước nên tôi không thể dừng lại Huế lâu hơn. Bữa đó Huế mưa tầm tả suốt ngày khiến tôi không đi đâu được. Thành thử trở lại Huế rồi mà cũng như chưa.

Thế rồi công việc và những bức bách của đời sống cứ cuốn theo từng chuỗi thời gian. Chín năm nữa lại trôi qua. Bao lần khác tôi chỉ được nhìn Huế giây lát dưới cánh bay hoặc qua cửa sổ toa tàu…

Tôi được về thăm Huế lần này trong sự tình cờ may mắn: Bạn tôi, một nhà nghiên cứu kinh tế, được cấp ủy và chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên mời vào nghiên cứu giúp một số vấn đề xây dựng và phát triển kinh tế của địa phương. Tiện có xe ra Hà Nội công tác, đồng chí Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch Bình Trị Thiên rủ bạn tôi cùng về Huế với anh. Nhờ vậy, tôi đã được quá giang.

Tôi tự giới hạn mục đích của chuyến về thăm Huế lần này như một cuộc “hành trình vào chính mình” thả hồn trôi về với những kỷ niệm. Nhưng rồi thực tế của chuyến đi lại cuốn hồn tôi trở về với thực tại. Tôi mừng thầm là đã được sống trọn vẹn lòng mình với Huế hơn.

Xe về đến Bến Hải cả mấy anh em chúng tôi đều reo lên vì cánh đồng hai bên bờ Hiền Lương xanh mượt đang được tắm mưa. Trời tạnh dần khi xe đến Hương Điền. Chúng tôi lại reo vui và say sưa ngắm nhìn đồng lúa đang ngả sang màu vàng mơ. Bụi lúa nào cũng sây hạt. Một vụ thu hoạch chắc đang ở trong tầm tay. Anh Lương cho biết các đồng chí ở huyện Hương Điền đã hứa với tỉnh sẽ hoàn thành nhanh nghĩa vụ lương thực trong vụ lúa này. Dám hứa như vậy vì cấp ủy tin chắc người dân ở đây đang ngày càng tin yêu gắn bó với Đảng và Nhà nước. Trận bão lụt năm ngoái từng gia đình người dân Hương Điền đã được chế độ mới và cả nước đùm bọc. Đồng bào Hương Điền thường nói với các đồng chí lãnh đạo huyện, tỉnh rằng: nếu không có chính quyền cách mạng thì với những thiệt hại nặng nề của thiên tai năm ngoái đồng bào chỉ còn con đường tha phương cầu thực hoặc chết đói.

Nhân chúng tôi trao đổi với nhau về những sự tổn thất, hy sinh của đồng bào Bình Trị Thiên trong hai cuộc kháng chiến, đồng chí Lương kể cho chúng tôi nghe một kỷ niệm trong thời kỳ chống Mỹ. Lần ấy, một tiểu đoàn của ta tấn công vào một vị trí của địch ở vùng Quảng Trị. Do chọn vị trí tấn công không đúng, một phần ba quân số ở tiểu đoàn bị thương vong… Nỗi đau ấy còn day dứt mãi trong lòng đồng chí đến hôm nay!

Nghe xong câu chuyện, bạn tôi nói: “Tổn thất trên dưới một trăm con người. Đó là một nỗi đau lớn, một sự mất mát lớn. Dù sao sự mất mát ấy cũng còn trông thấy được. Còn bây giờ, tôi nghĩ, trong cương vị Chủ tịch một tỉnh, giá như anh có một chủ trương, một quyết định không đúng về vấn đề kinh tế xã hội, sự tổn thất sẽ không dễ gì thấy ngay hết được. Bởi vì những quyết định đó có tác động đến bát cơm, manh áo, hạnh phúc của hàng triệu con người không phải trong một lúc mà có khi cả một quãng thời gian dài… có phải thế không anh?”

Đồng chí Lương đồng tình ngay với ý kiến của bạn tôi rồi im lặng suy nghĩ.

Qua hai ngày cùng đi với đồng chí Chủ tịch, qua các cuộc tôi được tiếp xúc tiếp theo với đồng chí và với đồng chí Vũ Thắng. Bí thư tỉnh - tôi thêm hiểu những nỗi lo toan nóng bỏng của các đồng chí, của cấp ủy tỉnh nhằm giải quyết những bài toán kinh tế - xã hội, đề ra, những chủ trương và biện pháp đúng đắn, sáng tạo. Những ngày ở thăm Huế tôi càng tin Huế của tôi và tỉnh Bình Trị Thiên sẽ có những bước tiến mới, sẽ thêm đẹp, thêm giàu.

Trở lại thăm Huế lần này tôi được thêm những kỷ niệm mới trong lành. Đêm đầu nghĩ giữa lòng thành phố tôi bừng thức dậy trong tiếng chim hót lánh lót và tiếng ve đầu hạ râm ran. Bầu trời ấm áp chứa đầy kỷ niệm tuổi thơ cùng thức dậy trong tôi. Nhưng rồi hiện tại lại lôi cuốn tôi: chiều hôm đó tôi vui mừng nhận lời đi với Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây cùng các anh ở Sở Văn hoá ra Đông Hà và Bến Hải dự các hoạt động văn hoá kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4-1975.

Tôi lại được ngắm nhìn đồng lúa Hương Điền vàng tươi dưới nắng. Những vùng đất quen thuộc trong chiến tranh lại hiện ra trước mắt. Điềm cùng tôi ôn lại những năm tháng ở chiến trường, tâm sự với nhau về mối quan hệ giữa văn học với đời sống hôm nay, về trách nhiệm của người cầm bút, về sự cần thiết phải xông vào những vấn đề nóng bỏng nhất của hiện thực cách mạng hiện nay và góp phần tìm ra cách giải quyết đúng đắn nhất… Chúng tôi bàn với nhau những vùng đất, những con người mà nhà văn không thể không đến cùng sống lâu dài để chia sẻ trách nhiệm, để mình đừng trở thành người khách lạ trong cuộc sống của dân tộc hôm nay…

Khuya, chúng tôi mới rời Bến Hải về Huế. Dọc đường về, tôi cứ suy nghĩ miên man… Từ sau ngày cờ đỏ sao vàng rợp trời cố đô Huế tôi đã ra đi để được tắm mình trong cuộc sống lớn của dân tộc, của đất nước. Đối với tôi, đó là một hạnh phúc cực kỳ to lớn. Tôi lại nghĩ: giá như bác Hải Triều và cha tôi còn sống và cùng đi ra Bến Hải với Điềm và tôi hôm nay. Hai cụ sẽ nghĩ gì khi thấy và nghe các con của mình tâm đắc với nhau quanh vấn đề “Văn sĩ và xã hội”? (1) Nghĩ như vậy, tôi bỗng như nhìn thấy bề dày của hạnh phúc mà mình cảm nhận được. Cuộc sống hôm nay đúng là còn nhiều vất vả, còn những nỗi dằn vặt nhưng những gì Đảng và nhân dân đã đem lại cho mình thật là vô giá.

Tôi bỗng thấy tâm hồn mình trẻ lại trong chuyến về thăm Huế lần này. Không phải vì tôi được thả hồn mình về với tuổi thơ mà vì cuộc sống hôm nay đã cuốn tâm hồn tôi bay lên phía trước.


Huế, ngày 4-5-1984
T.S.
(9/10-84)




--------
(1) Văn sĩ và xã hội - tác phẩm của Hải Triều.



 
Các bài mới
Bắp miệt Cồn (11/03/2024)
Ký ức gò đồi (19/12/2023)
Các bài đã đăng
Huế (01/06/2010)
Cảm nhận Huế (02/03/2010)