CAO HUY THUẦN
Cách đây hơn một năm, tình cờ tôi gặp chị H. ở sân bay, đang cân hành lý để đi Mỹ. Chị bảo: Tôi qua Pháp nhân ngày giỗ đầu ông cụ tôi. Cả gia đình tụ họp đông đủ. Ông anh cả của tôi ở Pháp, tôi ở Mỹ qua, một cô em gái ở Đức, một cô em nữa ở tận Đan Mạch. Chúng tôi định lấy ngày kỵ ba tôi để mỗi năm một lần anh em gặp nhau.
Ba cháu nhỏ, con chị, ôm lấy chân mẹ. Chị xoa đầu đứa lớn nhất, chép miệng, giọng buồn buồn: Anh em gặp nhau vui quá, nhưng nhìn mười đứa nhỏ chơi với nhau, đứa thì tiếng Mỹ, đứa tiếng Pháp, đứa tiếng Đức, đứa líu nhíu tiếng Đan Mạch, chẳng đứa nào nói được tiếng Việt với đứa nào, tôi tự hỏi không biết hương hồn của ông nội ông ngoại chúng nó có buồn không. Tứ chiếng giang hồ, đúng là gia đình chúng tôi giang hồ tứ chiếng! Ngày trước tôi cứ nghe nói người Do Thái lang thang. Lang thang cái nỗi gì. Họ muốn về nước lúc nào lại chẳng được! Còn chúng tôi...
Nhưng chị lại cười ngay, với nụ cười muôn thuở dễ thương của chị: Nói gì thì nói, nhưng ví thử tôi chết đi, xuống địa ngục, Diêm Vương nó hỏi tôi muốn đầu thai lại thành người gì, tôi sẽ móc túi đút cho nó năm bảy cây để năn nỉ xin nó cho làm lại người Việt Nam. Tôi mà đi giữa đường đụng xe, nhắm mắt một cái là hồn bay một mạch về Huế liền.
Rồi chị cười dòn tan.
Tuần trước, tôi nhận được thư của gia đình chị. Thư báo tin chị H. vừa mất, không phải vì đụng xe mà vì ung thư.Tôi bàng hoàng, không tin. Suốt ngày nghe văng vẳng bên tai tiếng cười của chị.
Trước khi từ giã tôi, năm ngoái ở sân bay, chị còn lúi húi kê tập ngân phiếu lên va ly viết một món tiền tặng Huế. Tôi cám ơn chị và hứa sẽ mua một món quà xứng đáng với trái tim của chị. Chị bảo: Chính tôi phải cám ơn các anh chị, chính tôi phải cảm ơn Huế. Không bao giờ tôi dám nói là "tôi giúp Huế". Tôi luôn nghĩ rằng "Huế giúp tôi". Tôi sống lang thang như thế này, không mẹ cha làng nước, không cả cái giọng Huế trên môi mấy đứa con tôi, nếu không có Huế để tôi nghĩ tới, để tôi níu lấy, bám lấy thì tôi sẽ ra cái gì! Nếu không có cái mái chùa cong cong kia để tôi thấy thoang thoảng màu khói hương trên bức ảnh mẹ tôi, nếu không có mấy sợi bông cỏ bay bay trên mộ của ông ngoại tôi phía sau đồi Long Thọ, nếu không có Huế để tôi nghĩ rằng một ngày nào đó, tóc bạc phơ, tôi sẽ về dầm chân trong nước sông Hương giặt áo, làm sao tôi biết được tôi bây giờ là ai!
Hấp tấp ra máy bay, chị còn ngừng lại nói đùa: Nè, có nhớ chuyện ông Quan Công không? Quan Công thua trận, bị chặt đầu, đêm đêm cứ hiện về đòi trả đầu lại. Đến khi đầu ông được kẻ thù đặt lại vào cổ, hai mắt ông trợn lên, râu tóc dựng ngược, kẻ thù khiếp vía! Tụi mình sống ở đây, thân thể một nơi, lòng dạ một nơi, đâu có khác chi Quan Công bị đứt cổ. Mai mốt chết phải bay về Huế tìm lại ruột, chắp đầu. Chỉ tiếc là đàn bà thì không có râu để dựng ngược lên, dọa thiên hạ chơi!
Rồi chị cười dòn tan.
Hôm Tết vừa rồi, cô vợ của tôi từ Đức về thăm gia đình ở Huế, cô đi xe lửa từ Sài Gòn ra Huế và mua vé xe lửa ở Huế để vào lại Sài Gòn. Nhờ vậy mà có dịp gặp ông trưởng ga. Và cũng nhờ vậy mới biết rằng nhà ga Huế đang cần một cái đồng hồ lớn. Hành khách chờ xe lửa ở sân ga thì đông, mà không phải ai cũng có đồng hồ đeo tay, cứ người nọ hỏi giờ người kia. Nhà ga thì vắng giờ, bởi vì đồng hồ cũ đã hư từ lâu. Một nhu cầu nhỏ thôi, nhỏ quá, nhưng ở Huế đang có cả vạn nhu cầu nhỏ như vậy, và cũng đang có cả ngàn nhu cầu lớn. Cô em vợ tôi đề nghị là nếu Hội Người Yêu Huế tặng nhà ga Huế một cái đồng hồ lớn để báo giờ giấc cho hành khách chờ tàu, quà đó sẽ thiết thực biết bao, có ý nghĩa biết bao!
Tôi chợt nghĩ đến lời hứa của tôi năm ngoái với chị H. Trên một năm nay, tôi chưa biết phải tặng Huế một món quà gì ấm áp như trái tim của chị. Một chiếc đồng hồ treo trước ga, giữa lòng thành phố! Tôi tưởng như thấy nụ cười bằng lòng của chị.
Chúng tôi sẽ mang đồng hồ về cho nhà ga Huế. Và chưa chi, chúng tôi đã thấy đồng hồ gắn trước nhà ga, thấy nỗi vui của ông trưởng ga Huế, thấy bao nhiêu ánh mắt đang nhìn hai cây kim chuyển động, không phải do một bộ máy nào mà là do lòng quyến luyến Huế của một người đang nằm ở cõi xa.
Một buổi tối, nằm không ngủ, tôi nghe chuông nhà thờ gõ, bỗng như nghe tiếng tích tắc của đồng hồ trước nhà ga Huế. Rồi bất chợt tôi nghĩ đến chị H. nghe tiếng cười dòn của chị, nhớ đến chuyện ông Quan Công chị kể, nghĩ đến hồn chị đã bay về Huế như chị nói. Trong đầu tôi chờn vờn hình ảnh mấy cọng cỏ may, một đám cỏ khô, vài con châu chấu tỉ tê trong cỏ, một làn khói hương nhẹ tan trong nắng chiều. Rồi tôi lại nghe tiếng tích tắc của đồng hồ và rùng mình chợt nghĩ không, đó không phải là tiếng đồng hồ, đó là nhịp đập của trái tim chị H. Tim chị đã nhập vào tiếng đồng hồ kia để sống lại giữa Huế của chị. Tim chị đập với người đưa. Tim chị đập với người đón. Tim chị đập báo tàu đến. Tim chị đập tiễn tàu đi. Tim chị đập như trái tim của thành phố, như nhịp sống, như buồn vui của sông núi phố phường. Hai cây kim kia là hai cánh tay của chị. Chị dang tay ra chỉ thời gian, chỉ lịch sử đang quay. Không, đó không phải là tiếng đồng hồ trước nhà ga Huế, đó là nhịp đập của trái tim chị. Tôi biết chắc chắn như vậy, bởi vì trái tim đó không thể đập ở đâu khác hơn là giữa lòng đất thân yêu của chị, của anh, của tôi. Giữa Huế.
C.H.T.
(SH23/01-87)