Trong đời sống của thiên nhiên, sông Hương có tự bao giờ, chưa ai xác định chính xác. Và có lẽ, điều đó không thật sự quan trọng. Nhưng, trên diễn đàn của văn hoá - xã hội của miền Trung, và của riêng xứ Huế, thì Sông Hương đã hai lần ra đời, mỗi lần đều có sứ mệnh riêng. Ở bài viết này, chúng tôi không đề cập đến Sông Hương trong lần xuất hiện đầu tiên vào thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, mà chỉ muốn đề cập tới lần ra đời và hoạt động của Sông Hương trong hai mươi năm vừa qua.
Hẳn là bao nhiêu người con của xứ Huế cái thời những năm tám mươi của thế kỷ trước, không thể nào quên được sự kiện sinh thành của Sông Hương! Cái không khí bấy giờ náo nức xiết bao! Tôi làm việc ở một cơ quan thông tin - văn hoá bên dòng sông Hương thơ mộng, ngay dưới chân cầu Trường Tiền, lúc ấy đang độ tuổi 30 - 40, mà khi cầm những số tạp chí Sông Hương mới phát hành, lòng vẫn thấy tự hào, náo nức như một chàng thanh niên đang trong những giấy phút tương tư... Trong gió mát của dòng sông, trong nắng vàng của trời hè và màu đỏ thắm tươi của hoa phượng ngả bóng bên bờ nam Sông Hương, tôi lần giở từng trang tạp chí. Tôi còn nhớ như in cái mùi giấy mới thơm thơm, rồi từng nét chữ, to có, nhỏ có, những bức minh họa xinh xinh, lần lượt hiện ra, giản dị thôi, nhưng mà... rưng rưng làm sao!
Này đây, Lâm Thị Mỹ Dạ với bài thơ "Bên tượng Mỵ Châu", Hải Bằng với bức ảnh có ánh mắt và khoé miệng kìm nén một nụ cười, và dưới những dòng giới thiệu trân trọng của Nguyễn Khoa Điềm, tổng biên tập thời đó, là những dòng thơ náo nức của bài Nước giếng:
Mẹ xối lên đầu con Mảng trời cao Bồng bóng nước sông quê Gáo dừa ngọt lịm Mẹ xối lên đầu con bao giọt mồ hôi Vàng những mùa lúa chín đi qua Mẹ xối lên đầu con nước mắt Cảnh nghèo và giọt vui gặp mặt Mẹ xối lên đầu con Cả nụ cười của mẹ mai sau...
Tôi dừng lâu trước tên tuổi của một cô gái trẻ vẫn thường gặp mặt ngoài đời. Trần Thuỳ Mai, với truyện ngắn "Một chút màu xanh", với trang phụ bản minh họa đáng yêu của Bửu Chỉ, cũng lấy tên Một chút màu xanh! Dưới dàn cây cảnh đơn sơ làm bằng những sợi giây thép căng thẳng tắp, hiện lên khuôn mặt thiếu nữ có hai bím tóc bềnh bồng xoã xuống làn vai lẳn tròn trong viền áo dài cổ đứng kín đáo của con gái xứ Huế, thật thuỳ mị, đoan trang làm sao. Đó là một phụ bản giản dị mà hàm chứa, ai đã đọc câu chuyện nhẹ nhàng nhưng đầy day dứt ấy, sẽ khó quên được hình ảnh của đôi mắt mở to vừa như hồn nhiên, vừa như đọng lại nhiều điều trăn trở của người thiếu nữ một thời chưa xa! Cùng một mạch nguồn với truyện ngắn đó, là tiểu thuyết "Ngoại ô" của nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Cái bề thế của tiểu thuyết này không phải chỉ ở số trang được trích đăng, mà ở ngay cái tranh minh họa cũng của Bửu Chỉ, thật là đầy ấn tượng. Ấy là cảnh một dãy phố với những mái nhà nhấp nhô, có những hàng giây điện chạy dài theo con đường hút xa.
Họp mặt trong số đầu tiên ấy, còn có những tên tuổi thân quen trên văn đàn cả nước và riêng của miền Trung, của xứ Huế bấy giờ: Bửu Ý với "Trang văn nước ngoài" đầu tiên, giới thiệu một nhà văn Biêlôrútxia, nước Cộng hoà kết nghĩa với Bình Trị Thiên; mục "Nghiên cứu - phê bình" đầu tiên, nhà nghiên cứu Phan Thuận An giới thiệu về "Nghệ thuật kiến trúc Ngọ Môn", cụ Nguyễn Hữu Đính lại khảo cứu "Sông Hương đã có tên ấy tự bao giờ"; trang thơ với nhiều tác giả xứ Huế và yêu Huế: Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Bằng, Vũ Quần Phương, Phạm Ngọc Cảnh, Thanh Thảo; mục "Những mẩu chuyện quê hương đánh giặc" mở đầu với gương một nữ anh hùng của tác giả Nguyễn Khoa Bội Lan, con gái của cụ Nguyễn Khoa Vy, nhà thơ xứ Huế nổi tiếng một thời; rồi nhạc sĩ Trần Hữu Pháp với bản nhạc "Dòng sông ai đã đặt tên", từ số đầu tiên ấy, còn vang mãi trên dòng sông trong hai mươi năm qua.
Dòng chảy của Sông Hương trong 18 số đầu tiên do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng biên tập là một dòng chảy tươi mát, sum suê, trĩu nặng những "Hoa trái quanh tôi". Ấy là hoa trái của xứ Huế, của chính những người con xứ Huế sáng tạo ra trên mảnh đất Huế, và góp thêm hoa trái ngọt lành từ khắp miền đất nước của những tấm lòng bạn bè thương yêu, trìu mến, là sự gạn lọc chắt chiu nhiều sản phẩm tinh hoa của những miền thế giới xa xôi trong xu thế nhân loại hội nhập, hợp tác. dòng chảy hiền hoà ấy có thể hình dung được như tạp chí số đầu tiên mà tôi đã giới thiệu ở trên. Cho đến nay, sau hai mươi năm, Sông Hương đã qua sáu đời tổng biên tập. Nhưng giòng chảy của Sông Hương không phải là một sự liên tục, ngọt ngào, sum suê quả ngọt của "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy". Đến đời tổng biên tập thứ hai là nhà văn Tô Nhuận Vỹ, thì càng về sau, Sông Hương càng không còn êm ả nữa. Khoảng mười số đầu, nghĩa là từ giữa năm 1986 đến giữa năm 1988, từ số 19 đến số 30, là sự kế tục dòng chảy thuở ban đầu, vẫn là cảnh thanh bình để gieo cấy những vườn cây xanh mát, những mầm hoa thơm ngát, phản ánh, ngợi ca, trăn trở suy tư... trên một vùng đất cũng bộn bề những suy tư, trăn trở để đi lên.
Đã xuất hiện hàng loạt những cây bút xông xáo, đi vào những mũi nhọn cuộc sống, xới xáo lên những mặt khác nhau, nhiều vấn đề nóng hổi trong đời sống xã hội, trong công cuộc lao động dựng xây. Đó là Nguyễn Quang Hà, với "Ai lên Bạch Mã mà xem", "Luận chứng của một tâm hồn đa cảm", "Những tiếng gõ cửa cuộc đời"...; đó là Nguyễn Quang Lập với "Một đời người một rừng cây", "Tiếng lục lạc", "Bốn mươi chín cây cơm nguội"..., đó là Nguyễn Khắc Phê với "Những vòng tròn vĩnh cửu", "Gương mặt thành phố ban mai"... Rồi những Lê Thị Mây, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Quang Vinh, Trần Thuỳ Mai, Phùng Tấn Đông, Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, Trần Vàng Sao, Phạm Tấn Hầu, Võ Quê, Ngô Minh, Trần Chấn Uy, Nguyễn Xuân Hoa, Trương Thị Cúc, Nguyễn Trọng Tạo, Văn Lợi, Mai Văn Hoan, Nguyễn Văn Dinh, Lê Hùng Vọng, Nguyễn Khắc Thạch, Dương Thành Vũ, Nguyễn Loan, Nguyễn Thế Tường..., lần lượt xuất hiện, mỗi người một vẻ, chen vai thích cánh soi mình trên dòng sông nên thơ, bên những bóng đại thụ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, những tên tuổi lớn như Thanh Tịnh, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khắc Viện... đến những bậc đàn anh như Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lương An, Phan Thuận An, Xuân Hoàng, Hồng Nhu...
Người ta thích thú với những bút ký phóng sự nóng hổi cuộc sống của Quang Hà, Hà Khánh Linh, Võ Mạnh Lập, Nguyễn Khắc Phê... lại càng say mê với những tuỳ bút giàu chất thơ, dồi dào suy tư của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Những hồi ký đầy ấn tượng của Huy Cận, Tố Hữu, Phan Quang, Đặng Văn Ngữ, Vương Định Quang, Trần Huy Liệu, Văn Cao, Nguyễn Tuân..., cùng với mục "Những mẩu chuyện về quê hương đánh giặc" họp thành một mảng lịch sử truyền thống hàm chứa biết bao thông tin gợi cảm, truyền cho người đọc niềm tự hào, ý thức tự tin và lòng biết ơn chân thành đối với những thế hệ đi trước. Mảng khảo cứu - phê bình với tinh thần trân trọng ý kiến trao đổi thảo luận của nhiều giai tầng, nhiều quan điểm, nhiều đối tượng khác nhau, đem tới cho người đọc những thông tin nhiều chiều, đa dạng, phong phú, thúc đẩy sự suy nghĩ, sáng tạo, nghiên cứu nghiêm túc. Có thể nói là thật bất ngờ và ngạc nhiên khi nữ nhà văn Vũ Thị Thường đã "trình làng" một bài phê bình rất ấn tượng về giòng giõi của Nguyễn Trãi, tỏ rõ thái độ không đồng tình với nhà nghiên cứu Bùi Xuân Nguyên. Hay như bài "Tướng Ngô Văn Sở ấy không phải là tướng Ngô Văn Sở" của Phan Thuận An, đã làm rõ sự thật việc có hai tướng Ngô Văn Sở, một của triều Nguyễn Gia Long, một của triều Tây Sơn mà lâu nay người ta vẫn ngộ nhận.
Nhưng, bắt đầu từ các số có con số 3 trở đi, thì Sông Hương không còn là "dòng sông phẳng lặng" như ý tưởng của người tổng biên tập Tô Nhuận Vỹ - tác giả của bộ tiểu thuyết khá nổi tiếng viết về chính con sông ấy. Ấy là vào những năm trên thế giới sôi sục không khí cải tổ từ chính quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Ngọn gió hầm hập hơi nóng "cải tổ, dân chủ, công khai" cứ thổi tới rần rật mỗi ngày, mặt nước Sông Hương dường như cũng không còn có thể làm dịu mát được cái sức nóng như có ma lực kia!
Nhưng những gì vừa xuất hiện như kể trên, chỉ là khúc dạo đầu. Chắc hẳn, nhiều người trong cuộc lúc ấy của Sông Hương chưa hiểu được rằng, sóng lớn và gió to vẫn còn ở phía trước. Và Tổng biên tập mới Nguyễn Khắc Phê "trình làng" được 2 số 3, 4, tức 46, 47 (tháng 4 và tháng 5, 1991), thì anh đi nhận công tác khác và các tháng sau đó của năm 1991, Sông Hương cũng lỡ hẹn cùng độc giả. Mãi cho đến Tết Nhâm Thân (1992), Sông Hương bộ mới lại xuất hiện, lại đánh số từ số 1. Và lúc này, tổng biên tập mới: Hồng Nhu bắt đầu cầm lái con thuyền Sông Hương.
Vậy là, những bước gập ghềnh, khúc khuỷu của Sông Hương diễn ra suốt hai năm rưỡi, từ giữa năm 1989 đến hết năm 1991, tức là từ số 31 đến số 47. Cả quãng dài dùng dằng ấy, khuôn mặt Sông Hương, nỗi lòng Sông Hương ra sao? Phải chăng, nhà thơ Thu Bồn đã viết rất ứng nghiệm khi một lần đến rồi tạm biệt Sông Hương:
Con sông dùng dằng, con sông không chảy Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu!
Quả là thế. Cái sự dùng dằng ấy khiến cho những người trong cuộc và bạn đọc xa gần của Sông Hương ái ngại và sốt ruột, như tâm trạng của Bửu Ý trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Sông Hương số 2 (45), tháng 3/1991, rằng: "Thấy người ta làm báo ở Thành phố Hồ Chí Minh mà thèm thuồng, náo nức... Chạnh lòng nhớ đến câu: "Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp".
Lý giải về chặng đường trắc trở, dùng dằng ấy, chính người Sông Hương, đại diện cho Ban biên tập và Toà soạn, đã tâm tình trong số 1 (44), số Xuân Tân Mùi, 1991 rằng: "Số Tết năm ngoài - số đầu tiên kể từ ngày Thừa Thiên Huế trở lại là một tỉnh - Người Sông Hương đã có đôi lời tâm sự trước chặng đường mới với biết bao hy vọng, nhưng con ngựa của năm Ngọ suýt nữa thì tuột dây cương! Sau cơn sóng gió, nhìn lại, nhiều anh em đã bảo nhau: "Mình lòng thành, nhưng suy nghĩ còn đơn giản và có phần chủ quan, không lường hết nhân tình thế thái, cũng không hình dung công cuộc đổi mới văn học nghệ thuật, đổi mới báo chí nó phức tạp, khó khăn đến vậy..." Đồng chí Nguyễn Văn Linh trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 35 năm xuất bản Tạp chí Cộng Sản đã nói: "Dừng lại ở cách làm cũ và kinh nghiệm cũ như cuộc sống đã chứng minh là không thể được. Nhưng đổi mới như thế nào... trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội vẫn còn là điều mới mẻ, chưa có một khuôn mẫu sẵn có nào cho trước..." Nghĩa là chúng ta đang cùng nhau tìm tòi, không một ai - tất nhiên trong đó có văn nghệ sĩ và cả các nhà lãnh đạo - có thể vội vàng tự cho mình là đúng, là mới hoàn toàn.." Ngay sau số 1 (44) đăng lời tâm tình như thế, thì tiếc thay, 3 số tiếp theo của Sông Hương lại chảy ngập ngừng, dường như là mò mẫm tìm đường, trong cái tâm trạng mà sau này Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết chua chát trong Bài Ngâm Đùa Chơi, một bài thơ thể hiện tâm trạng của bao nhiêu người trước sự hỗn loạn, trước những đỗ vỡ của công cuộc cải tổ ở một xứ sở xa xôi nhưng là sự gửi gắm của bao nhiêu người lúc bấy giờ:
Đùa thôi nhé, Thiên Đường mộng ảo Thế giới võ tan ngoài chân mây Cầm giấc mơ xanh vàng tím đỏ Ngảnh lại nhìn thấy nấm mọc đầy tay ... Ta tìm lại trong hình hài hoá bướm Chút tự do quả thực trên đời Rũ sạch hết đam mê hoang tưởng Núi thông nhiều ta hãy rong chơi
Chú tiều ơi chú tiều xưa cổ Lời du ca lảnh lót gọi ta về Cuộc phong trần ta may còn hồ rượu Để cùng người kết bạn sơn khê
Tiều rằng đã từ lâu chẳng dại Kia như tranh vân cẩu trên trời Những tấn kịch thánh thần sa nước mắt Thế gian này cũng chuỵện đùa thôi!
Nhưng rồi, cơn chấn động ấy đã qua đi. Người ta bình tâm lại. Sự nghiệp của hàng triệu con người không vì một sự đổ vỡ, dù thật là đáng tiếc ấy, mà bị ngừng lại. Mùa xuân 1992, cùng với đất nước đón Xuân, Sông Hương lại ra mắt, với tổng biên tập mới: Hồng Nhu. Lời ra mắt của số Xuân Nhâm Thân 1992 thật là dễ thương:
"Nhiều tháng qua SÔNG HƯƠNG không đến tay bạn đọc. Chúng tôi xin bạn đọc rộng lòng thứ lỗi cho về sự vắng mặt này. Giờ đây, SÔNG HƯƠNG lại tiếp tục ra mắt, đúng vào lúc mùa xuân mới đang về gõ cửa mọi khát vọng, mọi tâm hồn bằng hương sắc chứa chan của nó... Mùa xuân không quay lưng, không dè xẻn với bất cứ ai. Chúng tôi nghĩ như vậy và tự dặn rằng, từ đây SÔNG HƯƠNG phải cầm giữ cho được mãi chất sáng tươi phóng khoáng của mùa xuân".
Rồi đã hơn 10 năm trôi qua từ ngày ấy. Đã lại thêm hai đời tổng biên tập mới: Nguyễn Quang Hà (1997-2000), Nguyễn Khắc Thạch (2001 đến nay). Lặng lẽ quan sát những diễn biến thời cuộc, những sóng gió ngoài đời và trên dòng Sông Hương, vị tân tổng biên tập của Sông Hương gởi gắm tâm tư vào đôi dòng ngắn gọn mà sâu nặng như sau: "Thời nào cũng vậy, việc tranh luận về khoa học thường mang lại cho sự thông tuệ và phát triển... Ngược lại với khoa học, việc tranh luận về văn nghệ thường kéo theo một độ lùi lịch sử. Và, thất bại của nó cũng không phải ở đó mà ở chỗ nó làm cho con người trở nên kiêu ngạo. Kiêu ngạo về sự bõ hờn, về sự chiến thắng lòng phẫn hận di oán. Với vấn đề này, đã có không ít những thể nghiệm đớn đau trận mạc khơi nguồn từ phê bình văn học. Trên đấu trường quý phái này, có một cái gì đó hết sức phũ phàng, tàn nhẫn vì sự dịu êm đẫm máu của nó” (“Cảm nghĩ về thơ hôm nay” - Nguyễn Khắc Thạch (Sông Hương, số 11, 1994). Rồi anh Nguyễn Khắc Thạch - nhận định tiếp về một nguy cơ, thách thức đối với văn nghệ nói chung, trong đó có nền văn nghệ xứ Huế: "Nền văn nghệ của chúng ta vừa thoát ra khỏi cái cơ chế bao cấp, thì lại phải bước ngay vào thời kỳ kinh tế thị trường, cũng không kém phàn khốc liệt. Thân phận thơ ca càng trở nên bạc bẽo. Những phương tiện vật chất ngày một nhiều, nó ùn ùn kéo đến, nó chiếm chỗ trong không gian, trong tâm hồn con người. Những giá trị tinh thần ngày một teo tóp và trở nên lạc lõng, rẻ rúng". Vâng, đó là một thách thức gay gắt mà anh nhấn mạnh tránh những nguy cơ đang chi phối cả đất nước suốt giai đoạn hơn 10 năm qua, khi mà những nhà quản lý mới của Sông Hương tiếp thu một gia sản quý báu ở một vùng đất vừa sum suê hoa trái ngọt lành, vừa dập dồn những nắng lửa, bão to, lụt lớn, mà có lúc, chính Tố Hữu, người con thân yêu của Huế cũng đã tự hỏi:
Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên!
Nhận rõ những nguy cơ thách thức, nhưng những người làm văn nghệ xứ Huế cũng thấu hiểu sứ mệnh và vị trí của mình. Hơn mười năm, Sông Hương, Người Sông Hương, vin tay cùng bầu bạn bốn phương, lại cần mẫn gieo trồng, chăm sóc, ươm những mầm xuân mới trên những trang giấy vẫn luôn thơm phức, tinh khôi. Nhiều khuôn mặt mới từ Huế vụt lớn lên, chững chạc sánh vai với đàn anh, đàn chị. Những Văn Cầm Hải, Hồng Hạnh, Triều Nguyên, Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Anh Đào, Dương Phước Thu, Việt Hùng, Nguyễn Thị Thái, Vi Thuỳ Linh, Hoàng Dạ Thi, Trương Đức Vỹ Nhật... người thì thầm lặng, suy tư, người thì gay gắt, quyết liệt, xông xáo, nhưng tất cả đều chung một hướng là bền bỉ, cần mẫn, trăn trở trên cánh đồng mênh mông để sáng tạo cho Huế, cho xứ sở của núi Ngự, Sông Hương thương yêu những mùa hoa trái ngọt lành. Tất nhiên, trong từng lúc, Người Sông Hương cũng tự thấy, "lực bất tòng tâm", như khi ngoảnh nhìn lại một chặng đường, tạp chí số 104 đã tự phê bình một cách khá dí dỏm: "Nhìn lại một cách tổng thể lại thấy "giá trị tự thân" của Sông Hương dù chưa có gì đáng kể nhưng khi đem đặt bên cạnh các tạp chí văn nghệ địa phương khác thì ở đấy, nó vẫn có sức vóc trong "giá trị so sánh". Nó vẫn giữ được phong cách và phong độ riêng của một vùng văn hoá. Bởi vậy, Sông Hương cũng được coi là một thứ "đặc sản Huế” nên nhiều đoàn khách được nhận nó trong gói quà có cả tôm chua lẫn mè xửng!" Xin dẫn ra đây như vậy để thấy rằng, Sông Hương cũng biết người biết mình lắm chứ!
Khi bước vào thế kỷ hai mươi mốt, tổng biên tập Nguyễn Khắc Thạch đã có những dòng tâm huyết của chính mình, mà cũng là của Sông Hương. Trong bài viết của mình, anh cho rằng, khi bước vào mùa xuân mở đầu cho một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới, lý tưởng về độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc vẫn lung linh toả sáng trên nền đất di sản thế giới ở cố đô Huế, toả sáng trong cuộc đổi mới trên toàn đất nước. "Đó cũng chính là cái ĐẸP "tam giao" Chân - Thiện - Mỹ. Với cái đẹp ấy, con người cộng sản và con người nghệ sĩ luôn luôn thống nhất với nhau trong tư duy, trong hành động. Cũng có nghĩa, văn học nghệ thuật và chủ nghĩa xã hội đều thuộc phạm trù Cái Đẹp. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây cái đẹp. Sáng tạo văn học nghệ thuật là sáng tạo cái đẹp"
Khép lại bài viết này, tôi cầu mong sao cho SÔNG HƯƠNG luôn toả sáng, thực hiện được lời tâm niệm mà vị tổng Biên tập thứ sáu đương nhiệm đã nói: "Tác phẩm nghệ thuật bao giờ, ở đâu cũng đều là những biểu tượng của khát vọng tự do và ý chí cách mạng của con người" trước hết, ở chính ngay Sông Hương.
N.T.Đ (173/07-03)
|