Huế bốn phương
Huế tha hương
09:26 | 29/06/2018

ĐẶNG TIẾN

Từ ngoài nước nói về văn chương Huế mà không nhắc đến những tấm lòng hải ngoại còn hướng về Cố đô, là vô tình và bạc bẽo. Ở hải ngoại có nhiều hội thân hữu, ái hữu, đồng hương Huế, nhiều hoạt động văn hóa tích cực, như tổ chức Ngày Nhớ Huế… 

Huế tha hương
Tranh Đinh Cường

Huế, mùa biển động

Trong văn học ngoài nước, người viết nhiều nhất - và có lẽ hay nhất về Huế - là Nguyễn Mộng Giác, người Bình Định, đã dạy học và làm rể Huế. Trong bộ tiểu thuyết trường thiên Mùa Biển Động, năm tập, ông đã dành 2 tập đầu mô tả hoàn cảnh và tâm lý Huế những ngày biến động 1964-1967, khi quần chúng Huế, kéo theo một số tỉnh miền Trung, nổi dậy chống chính quyền chế độ cũ: “Huế là ngọn cờ đầu cho một cuộc vận động dân chủ hóa chế độ, tự do hóa chính trị, dân tộc hóa quân sự...”(?) (tr. 291). Hai tập Những Đợt Sóng Ngầm (1984) và Bão Nổi (1985) ghi lại những ngày hào hứng, sôi nổi của đường phố Huế “tưng bừng biểu tình như đi trẩy hội...” (tập II, tr. 245) hồi quang một số sự kiện lịch sử có thực với những địa danh, tên người cụ thể. Suốt 800 trang, Nguyễn Mộng Giác làm sống lại một giai đoạn sôi động tại Huế, bằng kỷ niệm và rung cảm tha thiết, từ những điều nghe thấy, suy nghĩ, và tra cứu.

Riêng về thành phố Huế, Nguyễn Mộng Giác đã nhiều lời ưu ái: “Khắp miền Nam Việt Nam, Huế là nơi còn giữ được nhiều truyền thống lễ nghi dân tộc nhất (...) đã giữ được một nét biệt lập. Một thứ mơ mộng cổ điển pha lẫn nét kiêu hãnh cô đơn (...). Cách ăn mặc hay cách cúng kính tổ tiên trong đêm giao thừa có cái gì... có cái gì lỗi thời một cách đáng cảm động (...). Dường như thời gian ở đây đã dừng lại từ lâu...” (tr. 511).

Huế, niêu cá bống kho khô

Nhà văn, họa sĩ Võ Đình, gốc Huế, dời quê từ mười bảy tuổi (1950), hai mươi bốn năm sau trở về mái nhà xưa, một đêm cúng giao thừa, đã đứng giữa sân “òa ra khóc”; “Khóc um lên! Nước mắt tôi cứ tuôn ra như suối! Tôi khóc đến nỗi ngã khuỵu xuống chiếu thờ...” (Chiếc Vòng, 1978, trong Xứ Sấm Sét, tr. 63).

“Thật lạ, tôi xa Huế ngót một phần tư thế kỷ, mà khi trở lại Huế, tôi tưởng như đã không bao giờ bước chân ra đi (...). Thế mà xa ngôi nhà ở Mỹ chưa đầy ba tháng, khi về tôi lại tưởng như đã chết đi, đầu thai lại bao nhiêu lần, và nay ở kiếp này đang đưa chân vào một thế giới lạ lùng, cách biệt (...). Tôi đánh mất thời gian giữa ngày rời Huế lần thứ nhất cho đến ngày rời Huế lần thứ hai (...). Dòng nhận thức trong tôi hiện vẫn còn xuôi đúng mức như ngày tôi rời Huế lần thứ hai. Như thể ngày tôi về Huế, một thứ nhiên liệu nào đó đã bốc cháy, thắp sáng trong tôi, và đến nay vẫn còn hừng hực...” (Xứ Sấm Sét, tr. 74).

Thành phố, và con người, trong tư cách Huế, như cắm sào ngoài thời gian. Có những con người, không cứ gì là Huế, dù đi bất cứ xứ nào, sau bao năm tháng, vẫn giữ đậm đà màu sắc của tuổi thơ và quê cũ, như lời thơ Bùi Giáng:

Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà


Võ Đình lưu lạc giang hồ gần trọn đời, khắp bốn bể năm châu. Nhưng trọn đời vẫn là một tảng đá dưới gốc cây, bên một dòng sông nhỏ. Lá rụng nước trôi, đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, ăn thì vẫn “niêu cá bống thệ, trách muối sả, đọi nước tôm kho đánh” (Sao Có Tiếng Sóng, tr. 228). Nới rộng tâm hồn cho lắm cũng chỉ bao la đến “miếng cà bát hấp dằm nước mắm tỏi...” (tr. 233). Mặc dù mảnh áo nhà quê kiểu “nhật bình do mẹ may tay...” (tr. 245), “lỡ ra tôi có chết ở xứ người thì hãy lấy bộ nhật bình mặc cho tôi trước khi đem di hài tôi đi hỏa táng...” (tr. 246). Về xứ Huế ngàn năm văn vật, đẹp và thơ, Võ Đình chỉ nhớ một “vũng bùn dưới chân thành cửa Thượng Tứ...” (tr. 79), thậm chí, nhớ một bãi phân trâu ở An Hòa, quê nội! (Sao Có Tiếng Sóng, tr. 235).

Nhà phê bình Đặng Tiến cùng với văn nghệ sĩ Huế


Nói về Huế, phải nghĩ trước tiên đến những tấm lòng. Sẽ là “bất nhơn vô hậu” nếu không nhớ đến Võ Đình. Nhà văn Túy Hồng có lần “cam đoan không ai yêu Huế bằng tôi”. Tôi ngờ là có Võ Đình.

Có thể thêm một người nữa là Trúc Chi với tập tùy bút Đó Đây mới xuất bản (1999). Trúc Chi là người Huế, đồng lứa với Võ Đình, nhưng có vẻ tiếp thu cuộc đời uyển chuyển hơn. Nhắc tới Huế, Trúc Chi thường buồn đau vì những mất mát “hình như Huế là nguồn buồn của tôi” (tr. 38). Buồn vui thường kiểu cách trưởng giả, dù khi ông nhắc lại, rất hay, những cảm nhận tầm thường. Ông dành một chương dài cho lối pha nước chấm của người Huế “Tao ớt với mỡ heo mà làm nước ruốc. Thơm nhờ chút mỡ heo xưa nay của mình đó (...). Trong một miếng thịt, vị ở trong nạc, mà hương phải tìm trong mỡ. Không phải nói phách tấu, chớ thiệt ra ôn mệ mình cũng đã rành lắm rồi” (tr. 204).

“Vị trong nạc và hương trong mỡ” là kiểu nhấm nháp khề khà rất Huế và rất Mệ. Những trang văn xuôi hay về đất Thần Kinh, ít khi tả cảnh lăng tẩm đền đài, mà chỉ dừng lại ở cảm giác riêng tư.

Huế, dòng sông tím

Nhà thơ Trần Hồng Châu, học ở Huế gần với thời Huy Cận, cũng bắt đầu làm thơ ở Huế như Huy Cận. Ông đã ghi lại ở Thành Phố Trong Hồi Tưởng: “Tôi nhớ sông Hương. Nhớ đến đau nhói, dòng nước như ngưng đọng trong thời gian ngưng đọng của một đô thành cổ kính, dường như cũng đứng bên ngoài cái trôi chảy không ngừng của lịch sử? Hương cỏ bồ và hồ huệ trắng... Hồi đó, những vần thơ đầu tiên chợt đến, hồn nhiên dung dị... Đó là dòng sông của những tà áo vân vê, hay bước đi ngập ngừng, đánh dấu mối tình đầu của tuổi hai mươi” (tr. 19-20).

Trần Hồng Châu, bút danh giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, người Hải Dương, đã đi nhiều nước, dừng lại nhiều dòng sông lớn lừng danh, nhưng ở đâu cũng giao cảm với hồi quang “màu thời gian tím ngát” từ dòng sông tuổi hai mươi. “Sông vẫn lững lờ trôi. Nước xanh nhạt ngả sang tím hoa cà. Một con chim lạc đàn bay lượn (...). Nước sông từ màu hoa cà ngả sang đen nhạt. Xa xa một làn sương” (tr, 22-24).

Dòng sông tâm linh. Ánh sáng mong manh của Màu Thời Gian.

Nhà văn Mai Kim Ngọc học mấy năm trung học tại Huế, đã ghi lại nhiều cảnh sắc êm đềm thắm thiết trong truyện dài Muôn Kiếp Cô Liêu. Nguyễn Xuân Hoàng, bà nội người Huế, đã sống nhiều mảnh đời bên bờ sông Hương còn giữ những kỷ niệm thiết tha:

“Huế, thành phố của tuổi mười sáu gắn chặt ta vào với Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử. Ôi thỏi nam châm tình ái của con đường đi qua Đập Đá và ánh nắng mới lên trên những hàng cau hiu quạnh...

... Ôi Huế rêu phong buồn bã, thành quách cuồng tín, mưa dầm nắng cháy!
... Huế bạo động và trầm lặng như đêm,
... Huế cổ tích và hiện đại,
Xin chào thành phố buồn thiu, con sông lặng lẽ.
Xin nghiêng mình trước một xứ Huế của những con người chịu đựng bền bỉ dẻo dai mãnh liệt hơn bất cứ một người dân nào trên thế giơi (151).
... Huế, xin hãy chờ ta...
Hãy làm bộ vĩnh biệt Huế, nghe!”

            (Huế, mà ta sẽ trở lại, Căn Nhà Ngói Đỏ, 1989, tr. 160-170)

Tranh Đinh Cường


Huế, buồn chi

Trong lớp các tác giả hải ngoại trẻ tuổi hơn, Nguyễn Bá Trạc đã có nhiều bài thơ hay về Huế, quê ngoại, tài hoa, tươi thắm:

Chao ơi cơn gió mùa đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành
Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi
Khi tóc em vừa mới chớm xanh
Năm mười tám tuổi pha ngây ngất
Yêu một dòng sông những chuyến đò
Trưa trên Văn Thánh thơm mùi gỗ
Anh chẳng cho lòng chút đắn đo
Anh nhớ Thanh Long cầu nước chảy
Bao nhiêu nước chảy những cơn mê
Anh vô quê mẹ năm mười một
Huế hay Hà Nội cũng là quê

            (Quê Mẹ, báo Văn Học, số 20, 1987)

Hình ảnh cụ thể, nhạc điệu u hoài đan quyện vào nhau thắm thiết. Tâm cảnh và phong cảnh giao thoa, một bài thơ tình hay và Huế đẹp.

Thơ cũ có câu “yêu nàng bao nhiêu người làm thơ”. Yêu Huế, số người làm thơ còn nhiều hơn nữa. Hoàng Xuân Sơn ở Canada, đã dành nguyên một tập thơ cho cố đô. Huế Buồn Chi, nói chuyện Huế, tả cảnh tả tình Huế, bằng từ vựng Huế:

Huế buồn chi, Huế không vui
Huế o ở lại, Huế tui đoạn đành
O đau sương khói một mình
Tui đi ray rứt nội thành tái tê
Huế buồn chi, tội rứa thê!
Tình xưa nghĩa cũ ngó về tựa nương
Huế ơi mộng tới đường trường
Kim Luông Vỹ Dạ dòng Hương có còn


Dòng sông, Đông Ba, Gia Hội nhất định sẽ còn trên cố quận. Chỉ e nó mất đi trong lòng chư vị cố nhân. “Cái mất mát đó làm cho tôi buồn. Tôi không lo Huế không nhận ra tôi, tôi chỉ lo mình nhận không ra Huế”, Trúc Chi đã nói lên lời minh mẫn (Sđd, tr. 41). Cảnh xưa vẫn vậy, chỉ ngại lòng xưa. Cứ nhìn con sông Hương lừng danh thiên hạ, chỉ một vũng nước mưa cũng chung thủy với Võ Đình những mấy mươi năm: “Ở chân thành cửa Thượng Tứ vũng nước thủy chung không biến dạng, đã chờ đợi tôi suốt một phần tư thế kỷ, để hôm ấy, rất tình cờ ngước lên chờ đón một kẻ quy cố hương. Trời!” (Xứ Sấm Sét, tr. 79). Võ Đình kêu Trời là phải. Kêu Người, sẽ không ai hiểu ông nói điều gì. Làm thơ kiểu Hoàng Xuân Sơn, dễ “tiếp thu” hơn. Và ông Hoàng-Thơ-Huế đã có những câu thơ hay:

Nước xiết chân rồi, đò không lại
Thương thương này gửi gió qua bờ
Gửi màu mây xám giăng ô cửa
Cho nhớ nhung mềm những sợi thơ


Nguyễn Mộng Giác, sau khi ca ngợi, đã giải thích những sợi mưa thưa làm mềm lòng người. Cũng là cách... “tiếp thu”.

Huế, nhãn và sen

Thơ Huế hay, có rung cảm, lắng đọng và chắt lọc phải trích dẫn Nguyễn Xuân Thiệp, dù hình ảnh quê hương chỉ thoáng qua, len lỏi vào những đề tài khác, rộng hơn:

Mai mốt chị qua vùng thảo nguyên
Ngày reo vui. Vườn chim bay chim
Lòng reo vui. Reo tà áo lụa
Chị gội đầu bằng nước hoa chanh
Hương tóc bay sang. Chiều vời vợi
Chị ơi. Mai qua vùng thảo nguyên
Mang cho em một chùm nhãn chín
Ôi. Tình xưa như nhãn và sen
Dẫu tình phai khi chưa kịp hẹn

            (Thảo Nguyên, trong Tôi Cùng Gió Mùa, tr. 89)

Bài thơ làm năm 1980, mà “thảo nguyên” là một ẩn dụ. Nhà thơ đã sống lại màu sắc, hương vị của những tình xưa. Nhãn và sen, và người chị xứ Huế ấu thơ, là những kỷ niệm có thật. Nguyễn Xuân Thiệp - nhà thơ Huế Châu Liêm ngày xưa - còn nhiều bài khác rất hay về sông Hương núi Ngự trong tập Tôi Cùng Gió Mùa, (1998).



Huế, từ văn học đến tình người

Không ai yêu Huế bằng người Huế, đã đành. Tuy nhiên, viết về Huế, hay nhất, chưa chắc đã là người Huế, và đó chính là niềm kiêu hãnh của một địa phương. Người Huế hay hát, nhưng bài hát về Huế được phổ biến nhất là Tiếng Sông Hương của Phạm Đình Chương, không phải là người Huế và không mấy hiểu biết về cố đô. Tiêu biểu cho Huế, theo hướng vừa phản ánh, vừa dự báo, có lẽ là bài Về Miền Trung của Phạm Duy, làm tại Đại Lược năm 1948.

Người Huế, khi viết hay về quê hương, là nhờ ở tình người chứ không phải màu sắc địa phương: Trường hợp Võ Đình. Nếu ông ấy sinh trưởng ở Lai Châu hay Rạch Giá thì văn chương vẫn hay, và hay theo phong cách ấy, kiểu ông ấy.

Chưa kể người Huế, khi ca ngợi quê hương, một đôi lúc lấy cớ để ca ngợi bản thân hay dòng họ. Dù không lá ngọc cành vàng thì cũng mũ cao áo rộng. Nhớ Huế, với là nhớ những vàng phai son nhạt, có khi đi ngược chiều ánh sáng thời đại.

Nhắc lại văn chương Huế, đã đành là phải đi tìm những hương nhạt màu phai trong thời gian đã mất. Nhưng chủ tâm là ghi lại tình người. Tình người với một mảnh đất. Tình người với người.

Tấm lòng người ăn ở với nhau vững bền hơn vàng son cung điện, cao quý hơn chữ nghĩa văn chương. Huế hay không Huế cũng vậy thôi.

Nhiều khi tôi về thăm anh em Sông Hương, vẫn nghe người Huế nhắc đến câu thơ xưa của lòng tôi da diết:

“Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế
Ta sẽ hong tình trên lá sen”.


Đ.T  
(TCSH352&SDB29/06-2018)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng