ĐINH PHONG
Thư từ thành phố Hồ Chí Minh
Các anh chị thân mến,
Tôi thành thật thú nhận rằng: đã có hai lần viết thư và bài cho Sông Hương, song thấy sự "thăng trầm" của tạp chí mà chựng lại. Nay thấy trong không khí hiểu biết cởi mở báo lại ra đời, tôi mạnh dạn viết thư về quê hương với tâm trạng một "NGƯỜI HUẾ Ở XA"...
Quê tôi ở làng Dương Xuân Hạ - sau này là xã Phong Thủy - bây giờ là ngoại thành của Huế. Ngôi nhà xưa nằm trên mấy ngọn đồi gập ghềnh. Bàn thờ của ba tôi vẫn đặt ở Phường Đúc với tấm ảnh lớn và những tấm huy chương cao quý.
Ngày đầu kháng chiến chống Pháp - khi tôi đã biết được ít nhiều, thì gia đình đã sơ tán ra khu 4.
Kháng chiến chống Pháp kết thúc, bà O ruột ở đường Nguyễn Hoàng (Bến Ngự) cho người ra kêu ba mạ tôi dắt mấy đứa nhỏ về Huế, không cho ở mãi ngoài đó "áo quần đà như người chống đò". O tôi cũng không gởi cho một đồng vì lẽ "cho tiền rồi ở miết ngoài Bắc". Ba mạ tôi chưa kịp đi thì việc qua lại hai miền bị cắt ngăn.
Nỗi day dứt của ba mạ tôi về Huế trong những ngày ở trên đất Bắc đã truyền cho chúng tôi tấm lòng yêu tha thiết một xứ Huế xa vời mà gần gũi. Tất cả những cảnh đẹp của quê hương từ chùa Thiên Mụ, phá Tam Giang, lăng tẩm, cung điện, núi Ngự, sông Hương... hiện lên rõ mồn một từng ngày. Đến nỗi sau này về Huế tôi không có cảm giác xa lạ mà hình như đã gặp đã thấy nhiều lần. Chúng tôi lớn lên trong điệu hát ru, điệu hò của Huế - mà mạ tôi là người biết nhiều điệu hát hay. Trên đất Bắc, với giọng Hà Nội đặc sệt, tôi vẫn lẽo đẽo theo các anh, các chị đến Câu lạc bộ Thống Nhất, đến trường phổ thông cấp 3 Hà Nội để được họp hội đồng hương, nghe ca Huế.
Cho đến năm 1963, có các anh ở khu ủy Trị Thiên ra Bắc, "chiêu mộ" người về quê chiến đấu. Thế là tôi xin Ba Mạ tôi đi ngay. Tôi muốn làm người lính của quê hương, thay mặt cha mẹ mình trả nghĩa với sông Hương, núi Ngự. Bất ngờ trước khi lên đường. Trung ương Cục gọi tôi về làm báo. Tôi phải đi theo đoàn về "Ông Cụ" tức Trung ương Cục lúc đó. Đoàn Thừa Thiên trêu chọc tôi, gọi tôi là kẻ "phản bội" quê hương.
Qua trạm giao liên trên đất Thừa Thiên - nhớ là một rừng thông - tôi theo đoàn về phía Nam còn anh em Thừa Thiên rẽ về quê. Đêm đó tôi rất buồn vì nay phải đi xa, tan tành ước mơ về Huế.
...Mãi đến đầu năm 1965, một chuyện gắn bó với quê hương đến với tôi. Dạo đó, ở căn cứ của Trung ương Cục diễn ra Đại hội anh hùng Quân Giải phóng miền Nam lần thứ I. Một số anh em viết văn được tập hợp lại để viết chuyện anh hùng. Ai cũng tranh viết những người anh hùng quen biết. Cuối cùng còn một người không ai "dám" nhận viết, đó là Vai - lúc đầu còn gọi là Cu Thời - người du kích Pakoh của Thừa Thiên. Vai nói không rành tiếng Việt lại nói đặc sệt nhiều chữ Thừa Thiên, nên người Nam Bộ không ai nghe nổi. Nhà văn Nguyễn Thi, trưởng đoàn giao cho tôi. Anh nói:
- Cậu quê ở Thừa Thiên. Cậu nghe rõ Vai nói hơn tụi mình. Cậu viết là phải lắm.
Tôi cũng mừng vì có dịp "gần" quê hương, nhưng lúc gặp Vai thì lo quá. Tôi là dân Huế mà không nghe nổi Vai nói gì. Lúc đó Vai đi ghép chung với Đoàn Liên Khu 5 nên không ai biết thêm chi tiết nào về Vai cả, ngoài báo cáo tóm tắt ba trang đánh máy. Thế là tôi mang võng xuống chỗ Vai nằm để "ba cùng" nhằm khai thác chuyện của Anh. Vai vừa nói, vừa ra hiệu, vừa vẽ trên mặt đất. Độ hai mươi ngày sau, tôi đã có một tập ghi chép dày về Vai. Hôm Đại hội khai mạc, Vai được báo cáo điển hình trước các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Định. Vai nói nhưng chẳng ai hiểu được gì. Chủ tịch đoàn mời tôi làm "phiên dịch" - thực ra là tôi kể lại điều tôi đã ghi chép. Vai được phong danh hiệu Anh hùng. Sau Đại hội, tôi đã viết cuốn "Rừng núi diệt thù" (tức truyện anh hùng Vai). Anh Nguyễn Chí Thanh có xem lại trước khi xuất bản ở trong Nam và ngoài Bắc.
Năm 1973, chính quyền Sài Gòn trao trả các tù binh quê ở Thừa Thiên về sân bay Thiện Ngôn (Tây Ninh), tôi đã ra tận máy bay đón và tìm gặp những người đồng hương, sống với các anh những ngày vừa thoát tù. Trong lễ cưới của tôi vào đầu 1974, vắng ba mạ tôi, đã có các anh thay mặt đồng hương đến dự. Các chiến sĩ vừa ra tù lao động vất vả, đã đánh thêm tranh, chặt thêm cây góp tiền tặng vợ chồng tôi món quà nhỏ. Quê hương đã đem đến cho tôi biết bao tình cảm ngọt ngào.
... Mãi năm 1976 tôi mới có dịp về Huế. Xuống xe đò, đạp xe lang thang trên những đường phố Huế tôi thấy lòng lâng lâng dễ chịu, nước mắt cứ nhòa đi. Tất cả những địa danh mà tôi thuộc từ hồi nhỏ đang hiện ra trước mắt. Tìm cho ra chợ Đông Ba, tìm cho được cầu Tràng Tiền, ngó cho thấy núi Ngự, sông Hương với bao thèm khát được trèo núi, được rửa mặt trong nước trong xanh. Tôi còn ráng đi tìm những địa danh trong các câu ru của mạ hồi nhỏ như chợ Dinh, Mậu Tài, Văn Lâu, Thiên Mụ... Có một chuyện nhỏ mà tôi rất xúc động. Ba tôi sắp mất tại Hà Nội, O tôi cần ra gặp ông anh lần cuối. Thế nhưng tôi đi lên xã lên huyện xin giấy thông hành không ai cho vì sắp đến ngày tổng tuyển cử. Tôi đánh liều vào Tỉnh ủy gặp ai cũng trình bày. Thế rồi các anh quyết định cho bà mẹ liệt sĩ này một giấy giới thiệu "nhân viên văn phòng Tỉnh ủy" để đi Hà Nội. Trước khi nhắm mắt, ba tôi đã gặp người em gái sau hàng chục năm xa cách. Quê hương ân tình vậy, quên sao được.
Ba Mạ tôi đều đã mất sau giải phóng và chôn trên đất Hà Nội. Mạ tôi có hai lần về thăm quê hương. Còn ba tôi đã không có cơ may thực hiện ước mơ từ trong kháng chiến, ông muốn cuối đời được về thăm quê và nằm xuống trên đất Dương Xuân Hạ của mình.
Năm tháng ở xa Huế tôi chỉ còn có mấy cách để gắn với Huế. Việc thứ nhất là tham gia hội đồng hương ở thành phố Hồ Chí Minh để đôi lần góp công, góp của về quê hương bị bão lụt, để có một buổi sáng chủ nhật ngay sau Tết hàng năm, đến gặp nhau, ăn bánh bột lọc nghe ca Huế. Việc thứ hai là mua Tạp chí Sông Hương và các sách báo viết về Huế để đọc, để nhớ, để thương. Vì công việc, vì đời sống, gia đình tôi không thể trở về đất Huế, thật không phải với ước mong của ba mạ tôi bao năm ở xa cách.
Đọc hai số Sông Hương mới ra, tôi lại càng nhức nhối với dòng máu Huế trong người. Dù cách xa bao lâu đi nữa thì chứng minh thư, lý lịch của tôi cũng ghi nơi sinh và quê quán là Huế. Dù giọng nói không được Huế rặc, tôi cũng gắn bó với Kẻ Vạn, với Nguyệt Biều, với đất Dương Xuân Hạ.
Tôi mong quê hương tha lỗi cho kẻ lưu lạc và tôi thấy có nghĩa vụ góp phần nhỏ nhặt của mình. Và từ bài này, xin các anh cho tôi góp mặt với SÔNG HƯƠNG như một người Huế, dù ở xa...
26-03-92
Đ.P
(TCSH50/07&8-1992)