(SHO) - Chiều ngày 9/7, Tạp chí Sông Hương tổ chức buổi giới thiệu sách “Thượng Tứ ngày xưa nhớ nhớ... quên quên” của tác giả Quế Chi Hồ Đăng Định, tại trụ sở số 9 Phạm Hồng Thái, Tp Huế. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Phát triển không gian văn hóa” của Sông Hương năm 2013.
Quế Chi Hồ Đăng Định tên thật là Hồ Đăng Định, bút hiệu là Quế Chi. Ông là con của ông chủ Lạc Thành, một tiệm ăn nổi tiếng của Huế ở gần cửa Thượng Tứ. Những năm tháng sống ở khu xóm nhỏ Thượng Tứ này đã để lại trong ông bao nhiêu câu chuyện để ông viết nên tập sách này.
Buổi giới thiệu sách đã thu hút sự quan tâm của những nhà nghiên cứu văn hóa Huế, các văn nghệ sĩ và đặc biệt là những người hàng xóm thân thuộc ở cửa Thượng Tứ.
21 bài viết trong “Thượng Tứ ngày xưa nhớ nhớ... quên quên” là những kí ức không thể nào quên về một Thượng Tứ thấm đẫm tình người. Đó là hình ảnh của Mệ, với tấm lòng, với tình thương và với sự cần cù nhẫn nại trong lương thiện.. Với hình ảnh nhân hậu của " Mạ" , khi buôn bán bị lừa đảo, không giận họ, vì " chắc họ cũng có gì khó khăn”.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, giới thiệu chung về tác giả Quế Chi Hồ Đăng Định và tập sách. |
Hình ảnh nhân hậu khác khi Quế Chi Hồ Đăng Định kể về câu chuyện hai vợ chồng chủ tiệm đem tất cả giấy nợ của những người khách ăn ghi sổ ra đốt, xí xóa nợ nần, vì "Trời cho mình đủ rồi, chắc họ cũng gặp hoàn cảnh ngặt nghèo sao đó, xí xóa đi, để cái đức cho con cháu" . Chuyện tấm lòng của hai anh chị MinhTước giúp đỡ người thiếu nữ hàng xóm ngày xưa lỡ dại mang thai, nuôi trong nhà cho đến khi sinh nở. Chuyện hiếu để của chị Nhỏ, ví như Thúy Kiều ngày xưa bán mình chuộc cha. Chị Nhỏ hy sinh mình cho cha khỏi sa vòng tù tội. Chuyện các ông thầy bói mù Hậu Bổ và cả những giai nhân một thời của Huế, cũng được nhắc đến trong “Thượng Tứ ngày xưa nhớ nhớ... quên quên”.
|
Tại buổi giới thiệu, nhà văn - dịch giả Bửu Ý, nhà thơ Võ Quê, họa sĩ Vĩnh Phối và những bạn hữu của Quế Chi Hồ Đăng Định đã chia sẻ những cảm nghĩ về tập sách góp vào dòng chảy chung của văn hóa Cố đô.
|
|
T.Giang