Từ Ô Lâu đến Hải Vân
TẠP CHÍ VĂN NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG: Cần những cú hích để phát triển
08:54 | 16/08/2013

Tạp chí văn nghệ (TCVN) ở các địa phương đã có nhiều đóng góp vào dòng chảy văn học Việt Nam. Đó là nơi góp sức hình thành tên tuổi của nhiều tác giả, tác phẩm từ các địa phương trước khi soi vào gương mặt chung của nền văn học nước nhà. Tuy nhiên, trong tiến trình phát triển, TCVN địa phương đang đối mặt với không ít khó khăn. 

TẠP CHÍ VĂN NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG: Cần những cú hích để phát triển
Văn nghệ sĩ hội tụ trong dịp kỷ niệm 30 năm Tạp chí Sông Hương

Hợp thành dòng chảy văn học Việt Nam

Mỗi tờ tạp chí văn nghệ (TCVN) địa phương có một đặc trưng riêng, mang hơi thở cuộc sống riêng của vùng đất đó. Với Tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình), qua bao thời kỳ, không khí thi đua sáng tác trong văn nghệ sĩ vẫn sôi động, tạo nên một lực lượng tác giả khá hùng hậu. Trong sáng tác, họ có xu hướng tìm về cội nguồn, những giá trị tinh thần và nhân văn cao cả của dân tộc. Từ đó tạo nên những giá trị mới thích ứng với cuộc sống hiện đại. Những đòi hỏi của thời đại buộc các văn nghệ sĩ tìm tòi, nâng cao trình độ chuyên nghiệp và dày công với các tác phẩm mới, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển văn học nghệ thuật của cả nước.

Suốt 30 năm thành lập, Tạp chí Sông Hương đã có những đóng góp nhất định trong dòng chảy văn học Việt Nam khi thu hút và chuyển tải các tác phẩm của nhiều cây bút tiêu biểu của cả nước qua các thời kỳ, xác định và tôn vinh các giá trị văn học nghệ thuật đã khuất lấp theo thời gian và cổ súy những trào lưu sáng tác mới, phát hiện và ươm trồng nhiều nhân tố mới cho nền văn học Việt Nam. Sau này, dù gặp nhiều khó khăn trong cơ chế thị trường và văn hóa đọc có nhiều biến động, Tạp chí Sông Hương vẫn luôn giữ cho mình một vị trí nhất định, thu hút được sự góp mặt của nhiều thế hệ cầm bút, kết nối những người cầm bút trong và ngoài nước, tạo ra một không gian viết đa thanh, đóng góp cho Huế một địa chỉ văn hóa sang trọng.

Yếu thế trong cạnh tranh

Nhà thơ Phạm Trường Thi, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nhân (Nam Định) cho biết: “Ở Tạp chí Văn Nhân, tuổi đời trung bình của các hội viên đã ngoài 60 - cái tuổi đang chầm chậm đến với “ráng đỏ hoàng hôn”. Với lực lượng đông đảo, sáng tác khỏe, thơ văn được “sản xuất” ra đều đều nhưng chọn được tác phẩm chất lượng tương đối để đăng thì chẳng được bao nhiêu”.

Tính đến lực lượng kế cận, vài năm Tạp chí Văn Nhân mới tổ chức được một trại sáng tác văn học cho thiếu nhi gồm các em học sinh giỏi văn trong tỉnh. Lúc ấy, đa số các em đều có ước mơ trở thành nhà văn, nhà thơ. Ấy vậy mà đến kỳ thi đại học, hầu hết các em nộp đơn thi vào các ngành Tài chính Ngân hàng, Ngoại giao, Ngoại thương… mà quên ước mơ xưa. Thiếu lực lượng trẻ kế thừa, bổ sung cho đội ngũ văn nghệ sĩ già nua là thực trạng của văn học nghệ thuật Nam Định nói riêng và của nhiều tỉnh, thành khác. Nhà thơ Phạm Trường Thi trăn trở: “Đây là hồi chuông cảnh báo về sự suy cạn nguồn lực văn chương để cấp cho dòng chảy văn học cả nước khiến chúng tôi luôn suy ngẫm”.

Bên cạnh đó, sự bát nháo của xuất bản khiến cho công chúng đến với sách văn học như đi vào một ma trận, rồi sự xuất hiện khá rầm rộ những sản phẩm văn học kém chất lượng khiến công chúng bị bội thực. Thực trạng này khiến sản phẩm văn học đích thực muốn đến với công chúng càng khó khăn hơn.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương cho rằng: “Trong cuộc chiến dành giật thời gian giải trí của công chúng, tạp chí văn học hoàn toàn lép vế. Thế giới đầy màu sắc và cực kỳ nhanh nhạy của internet và truyền hình kỹ thuật số hấp dẫn hơn nhiều so với các tạp chí văn học đang được in ấn không đẹp lắm, thậm chí lộ rõ sự nghèo nàn, sống dở chết dở hiện nay”.

Bên cạnh đó, TCVN địa phương không có nguồn kinh phí dồi dào để tạo cú hích phát triển, khuyến khích những người tâm huyết. Dù được ngân sách Nhà nước bao cấp một phần nhưng sự đầu tư này quá thấp, với nhuận bút kém hơn nhiều lần, TCVH địa phương bị các báo thời sự cạnh tranh bài vở, lôi kéo sự cộng tác của các cây bút tên tuổi, lôi kéo độc giả…   Nhà văn Nguyễn Thị Phước, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam băn khoăn: “Có một đội ngũ biên tập giỏi và tâm huyết là điều quan trọng nhất đối với mỗi tờ báo, tạp chí. Tiếc thay, điều này lại vô cùng hiếm hoi đối với báo chí văn nghệ. Bởi người giỏi đang hoặc chắc chắn sẽ có những công việc tốt, thu nhập cao và có vị thế trong xã hội tốt hơn nhiều so với ở báo chí văn nghệ địa phương”.

Vì thế, TCVN địa phương đang cần những cú hích để phát triển, như cần có sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị: “Đầu tư cho văn học nghệ thuật là đầu tư cho phát triển”. Về lâu dài, phải lưu ý đầu tư trong chương trình giáo dục để việc phổ cập kiến thức cảm nhận thẩm mỹ được rộng rãi, giúp đông đảo công chúng có điều kiện cảm nhận cái đẹp mà nghệ sĩ chuyển tải. Trên hết, bản thân các TCVN địa phương cần nâng cao năng lực làm báo văn nghệ để mỗi số ra mắt thật sự là một ấn phẩm văn học chất lượng, tận dụng ưu thế của internet để tạo cho mình một thế đứng trong cuộc sống số.

Theo TTH 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng