Từ Ô Lâu đến Hải Vân
KINH THÀNH HUẾ CÓ THÀNH LŨY HÌNH NGÔI SAO CÒN LẠI DUY NHẤT Ở VIỆT NAM
15:08 | 06/09/2013

Huế là kinh đô của Việt Nam trong một thời gian khá dài dưới hai triều đại : Tây Sơn (1788 - 1801) và Triều Nguyễn (1802 - 1945). Huế còn lưu giữ trong lòng một khối lượng đồ sộ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc ta. Unesco đã công nhận quần thể di tích cố đô và nhã nhạc cung đình Huế là di sản văn hóa thế giới. Kinh thành cố đô Huế với Thành lũy hình ngôi sao hiện nay còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam.

KINH THÀNH HUẾ CÓ THÀNH LŨY HÌNH NGÔI SAO CÒN LẠI DUY NHẤT Ở VIỆT NAM

 Từ thời Gia Long (1802-1819) cho đến thời Minh Mạng (1820-1840), quần thể kiến trúc tạo nên diện mạo kinh đô Huế đã được quy hoạch thiết kế và xây dựng tuân thủ các nguyên tắc trong Kinh Dịch và thuật phong thủy. Trong số các loại hình kiến trúc ấy, hệ thống thành quách đã được định vị ở bờ Bắc sông Hương với 3 vòng thành, ngoài lớn trong nhỏ được gọi tên theo thứ tự là Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Mỗi thành có một chức năng khác nhau.

   Riêng về kinh thành, thì đây là công trình kiến trúc lớn nhất của Huế xưa nay, là thành lũy đồ sộ và kiên cố nhất có hình ngôi sao trong lịch sử xây dựng các thành lũy của Việt Nam. Các nhà xây dựng trước đây đã chọn đất nhắm hướng, lợi dụng các yếu tố tự nhiên về địa lý để có minh đường (Sông Hương), bình phong (Núi Ngự Bình), tả long (Cồn Hến), hữu hổ (Cồn Dã Viên). Có thể khẳng định rằng kinh thành Huế là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa hai luồng văn hóa Đông - Tây.

    Trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, bao thế hệ đã xây dựng được khá nhiều thành lũy với quy mô tầm cỡ khác nhau dùng để làm trung tâm chính trị - hành chính của chính quyền Trung ương hoặc địa phương nhằm điều hành công việc, bảo vệ Hoàng gia và bảo vệ biên cương, chủ quyền của Tổ Quốc. Một trong những thành lũy xưa nhất là thành Cổ Loa được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, nay chỉ còn lại một số vết tích ở cách Hà Nội khoảng 17 km ở huyện Đông Anh. Sau hơn 1000 năm bị Bắc thuộc, các triều đại độc lập và tự chủ của Việt Nam như Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn từ cuối thế kỷ thứ 10 đến nửa đầu thế kỷ 19 đã cho xây dựng nhiều thành lũy trên khắp đất nước như thành Hoa Lư, Thăng Long, Phú Xuân, Đồ Bàn, Gia Định, Huế, Hà Nội...
    Về kiểu dáng xây dựng của tất cả các thành lũy ấy, các nhà nghiên cứu kiến trúc đều chia ra làm 2 loại : Loại thứ nhất có nguồn gốc từ phong cách Trung Hoa được xây dựng từ trước thời Bắc thuộc đến cuối thế kỷ 18 như thành Cổ Loa, thành Thăng Long, thành Đông Kinh, thành Đồ Bàn... là những thành lũy có hình tứ giác đều, các cạnh tương đối thẳng và chung quanh không xây các pháo đài quân sự. Loại hình thứ hai chịu ảnh hưởng từ lối kiến trúc Pháp được xây dựng theo kiểu Vauban. Đây chính là loại thành lũy có hình ngôi sao như kinh thành Huế. Đó là một phức hợp các công trình liên quan chặt chẽ với nhau và có giá trị phòng thủ cao, bao gồm nhiều bộ phận như lũy, pháo đài, hào, hộ thành hà ... Chung quanh Kinh Thành có 24 pháo đài, trông giống như 24 cánh của một ngôi sao. Có lẻ đây là thành lũy hình ngôi sao có nhiều cánh nhất so với một số thành lũy có hình ngôi sao của một số nước trên thế giới còn lại đến nay.

 

Kinh Thành Huế có chu vi 10 km, cao 6,6m, chiều dày của thành 21m với diện tích 520 ha. Kinh thành Huế đã trải qua 200 năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, hậu quả đến nay kinh thành Huế không còn hoàn chỉnh như xưa, nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn, là thành cổ có hình ngôi sao duy nhất còn lại ở Việt Nam, một số khác đã thành phế tích.   

    Nhân dân Việt Nam nói chung, Cố Đô Huế nói riêng luôn luôn tự hào với Huế một Thành Phố văn hóa lịch sử có kinh thành hình ngôi sao còn tồn tại, sống mãi với ký ức thời gian ! Do đó, sau khi hòa bình, thống nhất đất nước 1975, dù còn nhiều khó khăn vất vả cần phải tập trung giải quyết khắc phục hậu quả chiến tranh ; nhưng không lâu sau đó chúng ta đã cố gắng thực hiện một số biện pháp liên quan đến việc khoanh vùng bảo tồn di tích Kinh Thành, như tu sửa Kỳ đài, nạo vét sông Ngự Hà, tu bổ các cầu bắt qua hào trước cổng thành ... Trong dự án bảo tồn di tích cố đô Huế từ năm 1996-2010 với kinh phí được Thủ Tướng chính phủ phê duyệt là 60 triệu USD cộng với sự hỗ trợ giúp đỡ của nhiều tổ chức cá nhân trong ngoài nước, Bộ Văn hóa Thông tin (này là Bộ VHTTDL) và lãnh đạo Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô cùng với các cơ quan liên quan đã trùng tu, sửa chữa, phục chế khá nhiều công trình hạng mục của kinh thành và các di sản khác, Kinh Thành Huế vẫn đang được chỉnh trang lại hàng ngày. Mỗi lần Huế tổ chức Festival chúng ta lại có những công trình mới được trùng tu để giới thiệu với du khách. Đến nay đã có hàng chục công trình được trùng tu phục chế và một số công trình khác đang triển khai.

    Thiên nhiên và con người là hai yếu tố quan trọng nhất trong quá trình xây dựng đô thị Huế là đô thị hạt nhân (đô thị trung tâm) khi Thừa Thiên Huế là Thành Phố trực thuộc T.W trong tương lai gần theo kết luận 48 của Bộ Chính trị khóa X. Thành Phố Huế phải là trục tổ chức không gian phát triển đô thị, lấy quần thể di tích cố đô làm chủ thể chính để định hướng qui hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh. Bên cạnh Huế Cố đô phải xây dựng Huế văn minh, hiện đại, giàu đẹp nhưng vẫn giữ được sự hài hòa, không bảo thủ hoài cổ, nhưng cũng không được bất chấp phá vỡ cảnh quan là một tài sản quí giá mà ông cha ta đã dày công gây dựng để lại cho hậu thế !

    Chúng ta đang bước vào thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21 ! Tương lai của các đô thị nói chung và Thành Phố thành lũy có hình ngôi sao nói riêng phụ thuộc vào nhận thức và hành động của mỗi người. Việc giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị truyền thống các Thành Phố Văn hóa lịch sử là trách nhiệm ý thức của mỗi công dân, của cộng đồng !

 Theo Nguyễn Cương

Các bài mới
Các bài đã đăng