Ở Huế, có một người phụ nữ đam mê với nghề làm trống, sau tiếng trống là cả một bầu tâm huyết, bà là Hồ Thị Thương, nổi danh với hiệu trống Âm Hồn.
Từ lâu, tiếng trống được xem như là linh hồn của những buổi lễ hội, đặc biệt hơn là với vùng đất văn vật Cố đô Huế.Tuy nhiên, ít ai biết được, đằng sau những âm thanh vang vọng của trống lại là công sức của biết bao nhiêu người thợ làm nghề này. Đến với con đường Lê Thánh Tôn, gần miếu Âm Hồn, dừng lại hỏi mọi người hiệu trống nổi tiếng nhất nhì Huế, ai ai cũng chỉ đến hiệu trống nổi tiếng được mọi người thân thiết gọi tên, trống dì Thương-trống Âm Hồn.
Dành trọn cuộc đời cho những chiếc trống, đến nay, dì Hồ Thị Thương vẫn sống trọn tâm huyết với nghề. Hơn 40 năm gầy dựng, dù không bảng hiệu rộn ràng thế nhưng qua truyền miệng mọi người vẫn biết và tìm đến với thương hiệu trống của dì. Nghỉ tay bào mấy tấm da trâu làm mặt trống, dì Thương tâm sự: “ Nghề làm trống là nghề gia truyền của mấy đời gia đình tui. Nghề này do mẹ tui truyền lại. Mẹ mất nên chỉ còn lại mình tui làm nghề trống, mấy người hay nói rằng tui là người phụ nữ duy nhất làm trống là rứa đó. Dù làm trống, thu nhập kiếm thêm chỉ vừa đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình, thế những tui vẫn cố bám trụ để giữ nghề cho mấy đứa con sau này”.
Những chiếc trống mang “hồn” cho lễ hội
Để làm ra được một cái trống dù to hay nhỏ cũng đều mất nhiều thời gian và trải qua những công đoạn cầu kì khác nhau. Trống hay không chỉ nhờ người gõ mà trước hết là do người làm. Việc chọn da là công đoạn quan trọng nhất, quyết định đến chất lượng cũng như âm thanh của trống, da làm trống phải là da trâu còn tươi, đẹp được đem phơi ngay sau khi mổ, da không được ươn, không được dầm qua hóa chất vì nếu da ươn thì tiếng trống sẽ không hay; làm trống người ta ít chọn da bò, vì da bò không bền, căng dãn nhiều lần thì âm thanh của chiếc trống làm ra sẽ không hay và trống mau thủng. Đặc biệt hơn, âm thanh của trống cũng phụ thuộc vào độ dày mỏng của da. Do vậy, tùy theo nhu cầu của khách hàng sử dụng trống mà người thợ sẽ khéo léo làm ra những chiếc trống mang những âm thanh phù hợp khác nhau. Cách làm thân trống cũng khá phức tạp, các mảng gỗ mít được bào mỏng theo hình vòm cung với độ dày mỏng của tang trống phải phù hợp với mỗi loại trống lớn, trung, nhỏ. Sau đó, người thợ sẽ đem trống đi trội rồi đem đi đóng đinh. Dì Thương cho biết, trống của nhà dì phần lớn là được các khách hàng đặt làm để sử dụng trong các ngày lễ lớn. Việc làm trống Lân là dễ nhất vì chỉ đánh một mùa, tiếp theo là trống lễ, trống hội, trống làng và trống Nhã Nhạc.
Chồng bà Thương phụ giúp làm trống
Ngày nay, theo thị hiếu của thị trường, trống được sản xuất hàng loạt bằng máy móc hiện đại, tuy nhiên dì Thương vẫn muốn làm trống theo cách thủ công để giữ lại nghề truyền thống của gia đình cho con cháu sau này. Mỗi cái trống làm ra đều được dì Thương gửi gắm hết tâm niệm, lòng hăng say và cả sự nhiệt huyết. Dành trọn hơn 40 năm cuộc đời cho nghề làm trống, giờ đây, tiếng trống của dì Thương đã gắn bó với đời sống đất Cố Đô và được nhiều người biết đến, đó cũng là kết quả của sự cần mẫn, chu đáo hết mực của một người thợ làm nghề trống gia truyền.
Theo Hiền Duyên ( TRT)