Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Nguyện ước đơn sơ
08:06 | 02/10/2013

Có những người cháu nội vua Thành Thái chỉ mong được một lần về thăm Huế nhưng ước mơ ấy trở nên quá xa vời bởi gánh nặng áo cơm.

Nguyện ước đơn sơ
Ông Bảo Thọ bên di ảnh ông nội là vua Thành Thái.

Hoàng tử Vĩnh Giu mất trong nghèo khó. Ông có di nguyện về cố đô Huế đoàn tụ với dòng tộc. Ông Vĩnh Giu hẳn cũng không ngờ rằng mình được an táng với nghi thức hoàng tộc, cho dù những cung tần, quân lính, quan lại đưa tang chỉ là những người… đóng vai.
Năm 2007, hoàng tử Vĩnh Giu đã qua đời tại BV 121 ở Cần Thơ do căn bệnh phổi. Sau đó, ông được gia đình đem tẩn liệm ở ngôi nhà 586 (nơi Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đến thăm hỏi và trao tặng nhà tình thương cho gia đình). Lần trở về quê hương “an nghỉ ngàn thu” ấy cũng là dịp con cháu ông tìm lại dòng tộc.
Ông Bảo Thọ kể lại sự kiện này: “Trước khi mất hoàng tử Vĩnh Giu rất khỏe mạnh, ông phát bệnh trong thời gian ngắn, rồi qua đời đột ngột. Theo di nguyện của ông, di hài ông được chính quyền điạ phương giúp đỡ đưa về cố đô Huế, nơi quê cha đất tổ để đoàn tụ với tổ tiên”.
Hoàng tử Vĩnh Giu là công dân thời hiện đại, xa rồi nghi lễ cung đình. Nhưng di hài của ông về đến Huế thì “người trưởng tộc” muốn mai táng vị hoàng tử cuối cùng của vua Thành Thái theo nghi lễ cung đình vẫn có lính hầu, cung tần mỹ nữ, võng lộng hai hàng rất trang nghiêm.
Ông Bảo Thọ cười sảng khoái kể: “Chúng tôi chỉ nghĩ đưa cha tôi ra tới Huế là mãn nguyện rồi, còn nghi thức cung đình thì chịu thua. Nhưng rất may có một “cụ già” trưởng tộc đang phụ trách thờ phụng nhang khói tại các lăng tẩm sắp xếp mọi chuyện. Rồi ông đi tìm người thực hiện nghi lễ. Cả họ phải chạy đôn chạy đáo để kiếm đủ 12 người cho đủ nghi thức, lúc đó không biết kiếm đâu. Hỏi thăm xung quanh đó, may mà có người chỉ cho ở khu du lịch có một đội chuyên cho thuê để cho du khách chụp ảnh đủ cả quan chức, lính hầu, cung tần mỹ nữ… cho dù đó chỉ là những người làm dịch vụ đóng vai”.
“Trong đám tang cha tôi, dòng họ đến rất đông nhưng lúc ấy tôi không hề biết ai là ai. Bởi từ trước đến giờ chúng tôi chưa một lần liên lạc với nhau, chưa một lần đến Huế. Vì cuộc sống mưu sinh ai cũng lo cho cái ăn cái mặc của gia đình còn chưa xong nói gì… Chúng tôi đến cảm ơn người chủ lễ ở Huế là ông Nguyễn Phước Bảo Khôi, năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tôi gọi ông là chú. Ông vỗ vai chúng tôi cười, gọi anh thôi, tôi con nhà bác. Rồi anh Bảo Khôi giới thiệu cho chúng tôi biết từng người, vai vế làm sao. Có người già cóng kêu mình bằng ông. Nhờ vậy mà anh em, dòng tộc mới có dịp gặp nhau để nhìn họ hàng” - ông Bảo Thọ tâm đắc.
Sau đám tang của vị hoàng tử Vĩnh Giu, con cháu mới bắt đầu tìm đến nhau nhìn nhận lại dòng tộc. Những người trong số họ thành đạt cũng có, sống nghèo khó cũng nhiều. Nhưng ai cũng rưng rưng nước mắt, dòng máu quý tộc chảy trong người họ từ xưa đến nay luôn khiến mỗi người tự dặn lòng sống sao cho giữ trọn cốt cách, cho trọn đạo làm người.
Nhọc nhằn cơm áo vẫn giữ gìn cốt cách
Ông Nguyễn Phúc Bảo Thọ, con thứ ba của hoàng tử Vĩnh Giu, hiện sống trong căn nhà nhỏ hẹp có đến gần 20 nhân khẩu, chỉ trừ Bảo Bồi là có việc làm ổn định và ra ở riêng, còn lại đều hành nghề chạy xe ôm.
Ông Bảo Thọ tâm sự: “Nhà khó khăn lắm, các anh em không có việc làm ổn định, đều chọn nghề chạy xe ôm làm phương tiện kiếm sống. Ai cũng chỉ mơ ước có một chiếc xe chạy cho đàng hoàng vì gần như năm anh em đều phải đi thuê xe để về chạy, khổ lắm!”.
Trước giải phóng, ông cùng các anh em của mình làm công nhân ở xưởng đóng tàu 55 thuộc quận Bình Thủy. Sau giải phóng, cả mấy anh em của ông chuyển sang chạy xe đạp ôm ở các bến xe khách kiếm sống qua ngày. Đến năm 2000, do xã hội phát triển nên công việc chạy xe đạp ôm không tồn tại. Ông cùng với các anh em còn lại mướn mỗi người một chiếc xe Honda 15.000 đồng/ngày để tiếp tục hành nghề đưa, đón khách.
Nay dù bước qua cái tuổi lục tuần nhưng ông Bảo Thọ vẫn ngày đêm rong ruổi trên đường đưa đón khách. “Bây giờ người hành nghề xe ôm cũng đông, phải cố thức khuya dậy sớm thì mới mong có tiền mua gạo cho ngày hôm sau” - ông Bảo Thọ tâm sự. Công việc vất vả có khi đến tối mịt ông mới ì ạch với chiếc xe cũ về tới nhà. “Ngày may mắn trừ hết chi phí cũng kiếm được 5-6 chục ngàn, còn ngày mưa nắng thất thường như hiện nay có khi đủ tiền xăng xe” - ông nói.
Còn ông Bảo Hoàng, người con thứ sáu của hoàng tử Vĩnh Giu cho biết trước cũng làm công nhân ở một công ty sản xuất nhựa tại quận Bình Thủy, sau đó nghỉ việc cũng đi lang thang khắp Cần Thơ xin làm bảo vệ kiếm sống. Thời trai trẻ ông nảy sinh tình cảm với rất nhiều cô gái, do gia đình quá nghèo khó mà không lấy được vợ. Cho đến đầu năm 2008, khi đã bước sang cái tuổi ngũ tuần, ông mới tìm được người nâng khăn sửa túi. Nay đã lớn tuổi nên ông cũng chuyển chạy xe ôm kiếm cơm ngày hai buổi. Còn các ông Bảo Cao, Bảo Lộc, Bảo Tài sau khi lập gia đình về sống cùng gia đình nhà vợ cũng kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm.
Dù vất vả đến đâu con cháu vua Thành Thái vẫn sống tốt, vẫn giữ phong cách quý tộc. Trong căn nhà cấp 4, trên tường treo rất nhiều hình ảnh về vua Thành Thái và hoàng tử Vĩnh Giu, trong đó có bức ảnh vua Thành Thái chụp cùng với gia đình sau khi bị lưu đày trở về Việt Nam, ở Vũng Tàu vào năm 1947. “Dù nghèo nhưng tui luôn khuyên bảo anh em, vợ con phải sống đàng hoàng không được làm tổn hại đến uy tín của gia tộc” - ông Bảo Thọ chia sẻ.

Theo HỒNG ĐANG
 

Các bài mới
Các bài đã đăng