Huế nổi tiếng với vẻ đẹp thơ mộng của dòng sông Hương, nét cổ kính của cầu Trường Tiền hay những lăng mộ uy nghi tráng lệ. Thế nhưng, ngoài sự độc đáo của cảnh vật là nét đẹp mê hồn của người con gái xứ Huế.
Đó là sự hiền dịu, đằm thắm, nét đẹp đoan trang đã đi vào lòng người và nhiều thơ ca. Và vùng đất đại diện cho nét đẹp đặc trưng của người con gái Huế là xứ Kim Long.
“Kim Long có gái mỹ miều”
Du thuyền dọc sông Hương lên thẳng chùa Thiên Mụ, chúng tôi được người lái đò kể nghe sự tích câu nói nổi tiếng một thời của vua Thành Thái về vẻ đẹp của người con gái Kim Long.
Cách đây hơn 100 năm, vua Thành Thái cải trang thành một người dân bách tính liều mình lên Kim Long tìm chọn quý phi bởi trước đó ông đã được nghe nhiều về nét đẹp của con gái vùng này.
Người đời kể lại như bịa rằng, lục kiếm khắp nơi trong làng nhưng chẳng gặp được ai vừa ý, ông buồn bã ra bến sông và thuê một chiếc đò để về. Đò vừa ghé vào, mới bước lên, nhà vua trông thấy cô lái đò đôi má ửng hồng rất có duyên.
Lòng người xao xuyến đến nỗi, kẻ thường dân lộ nguyên hình bản tính của một bậc thiên tử: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”. Cô lái đò vội nhìn ông khách lạ hỏi câu lạ đời, rồi nói: “Đừng có bậy bạ mà họ lấy đầu chừ!”. Lời dân dã bật ra lại càng thấy đáng yêu hơn, vua dấn tới và đổi giọng: “Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối cho!”…
Câu chuyện còn dài nữa nhưng kết cục thì ai cũng rõ, không lâu sau đó, cô gái lái đò Kim Long kia đã vô Đại Nội, làm quý phi cho ông vua yêu nước chống Pháp và cũng nổi tiếng là… “ông vua điên”. Bảo rằng, câu chuyện đó bịa cũng không ngoa vì đã có tài liệu nói rõ ràng rằng, không phải cô gái lái đò nào cả mà đích thị là người con út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ tên là Nguyễn Hữu Thị Nga là người đã theo Thành Thái vào cung.
Kể đến đây xong, người lái đó liền ngâm câu thơ: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”. Câu thơ đó gây ấn tượng mạnh, khiến chúng tôi phải suy nghĩ và quyết định hành trình về mảnh đất huyền thoại này để tìm hiểu về nét đẹp của người con gái từng làm các vua chúa phải “liều đi” như vậy.
Tại phủ Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ nằm ngay bờ sông Hương, chúng tôi đã được anh Nguyễn Hữu Hồng Kỳ - người cháu của Vĩnh Quốc Công cho biết nguồn gốc của câu thơ trên. Hai câu thơ để đời đó xuất phát từ cảm xúc chân tình của vua Thành Thái khi lần đầu tiên nhà vua đến làng Kim Long, ghé nhà ông Nguyễn Hữu Độ.
Thời đó, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có ba người con gái rất xinh đẹp nét na, nổi tiếng một vùng. Vẻ đẹp của các cô khiến các vua thời bấy giờ phải chết mê chết mệt.
Lớn lên, ba người con gái của gia đình Nguyễn Hữu Độ đều vinh dự được làm vợ vua, cô đầu được gả cho vua Đồng Khánh, cô em gả cho em vua Hàm Nghi. Người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga lại có nét đẹp mỹ miều đặc biệt hơn hai người chị, khiến vua Thành Thái si mê đến nỗi thường xuyên đi xe song mã đến nhà chơi. Sau này, bà Nga cũng được vua Thành Thái đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con.
“Nói về người đẹp có tiếng của vùng Kim Long thời xưa không thể không nhắc nói đến bà Mai Thị Vàng (1899 - 1980). Bà đẹp không những đẹp về ngoại hình, mà còn đẹp trong cách ứng xử, lối sống. Những người em gái của bà đều nổi tiếng ở vùng này cả”, ông Cao Minh Sơn, Phó chủ tịch Phường Kim Long giới thiệu với chúng tôi.
Tìm về căn nhà đặc biệt mà lúc xưa là nơi cư trú của những người phụ nữ nổi tiếng một thời, điều khiến chúng tôi ấn tượng là kiến trúc đặc biệt của ngôi nhà. Căn nhà theo kiến trúc nhà vườn nổi tiếng ở Huế. Phía trong nhà, bàn thờ của bà Mai Thị Vàng được trang trí rất chu đáo. Thấy khách vào nhà, người cháu là ông Mai Khắc Lưu (81 tuổi) mặc dù đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cố gượng dậy đon đả mời khách vào.
Trong buổi nói chuyện, ông hầu như không nói được nhiều vì những những cơn ho liên tục, thấy vậy người con trai tên Nhất liền đi vào trong lấy ra máy ghi âm nhỏ rồi nói. “Bố tôi là người duy nhất trong gia đình sống cùng thời với bà hiện còn sống. Đợt trước thấy sức khỏe của ông yếu đi nhiều, nên chúng tôi đã quyết định lưu lại toàn bộ cuộc đời của bà bằng cách ghi âm để làm tư liệu sau này”.
Bà Mai Thị Vàng sinh ra trong một gia đình gia giáo, từ nhỏ bà đã được bố mẹ thuê thầy về nhà dạy riêng cho bà, nhờ bản tính thông minh có sẵn và sự chịu khó học hành nên người con gái tên Vàng không những có nét đẹp đoan trang mà bà còn nỗi tiếng là người học rộng tài cao.
Năm 1915, vua Duy Tân trong một lần du ngựa qua nhà ông Mai Khắc Đôn đã gặp nhóm thiếu nữ đang chơi ngoài sân, trong đó có Mai Thị Vàng. Nét đẹp của cô gái tuổi đôi mươi đã thu hút nhà Vua ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Hôm sau, nhà vua đã ngỏ ý với ông Mai Khắc Đôn rồi mời hai bà có uy tín trong triều đình cùng một số thiếu nữ lên thăm và xem mặt Mai Thị Vàng. Sau khi xem xong, triều đình đồng ý và tổ chức lễ nạp vi, đồng thời cung tế cho gia đình những điều cần thiết nhất để chuẩn bị cho ngày lễ cưới.
Đầu năm 1916, đám cưới diễn ra long trọng suốt một tuần lễ, bao gồm quan chức trong triều đình, họ hàng và bà con hàng xóm. Đó không chỉ là niềm vui mừng của gia đình ông Đôn mà còn là niềm kiêu hãnh của làng Kim Long.
“Tất cả là nhờ dòng sông”
Phường Kim Long là một phường nằm phía Tây thành phố Huế, bên bờ Bắc sông Hương. Trước đây là thủ phủ của các chúa Nguyễn Đàng Trong. Địa danh Kim Long (Rồng vàng) từng được biết đến với sự kiện năm 1636, khi chúa thượng Nguyễn Phúc Lan dời thủ phủ từ Phước Yên về Kim Long và xây dựng một “đô thị lớn”. Đây là lần đầu tiên một đô thị được xây ven bờ sông Hương.
51 năm là thủ phủ, ngay cả một con người đây đó từng trải như Alexandre Rhodes cũng phải mô tả Kim Long như một thành phố lớn có phủ chúa khang trang, nhà cửa xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột kèo chạm trỗ tinh vi và nhà nào cũng có vườn. Lịch sử gần 400 năm phát triển để lại một “thương hiệu” Kim Long găm sâu vào lòng người: đình Kim Long, cầu Kim Long, chợ Kim Long, bến đò Kim Long… và cả gái Kim Long nữa làm mê mẩn vị vua phong tình Thành Thái.
Nói chuyện với chúng tôi về nét đẹp của con gái vùng Kim Long, ông Mai Khắc Lưu tâm sự: “Gái Kim Long đẹp có lẽ nhờ nguồn nước lành của sông Hương và những vườn cây trái xum xuê từ những ngôi nhà vườn đặc trưng nơi đây”.
Không những vậy, cư dân nơi đây là những danh gia vọng tộc nên nếp ăn, cách nghĩ, sự hành xử cũng nền nã, gia phong. Con gái Kim Long thời xưa không những nổi tiếng về nét đẹp, ngoại hình mà còn trong cách ứng xử, lối sống hằng ngày.
Hiện nay, Kim Long cũng là nơi tập trung hầu hết các phủ đệ của họ hàng bên vợ các vua nhà Nguyễn như phủ Đức Quốc Công Từ, phủ Vĩnh Quốc Công…
Mặc dù giai thoại nổi tiếng: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi” đã có từ lâu, thế nhưng đến nay vùng đất này vẫn còn giữ nét đẹp riêng của mình. Bằng chứng là khi tìm đến mảnh đất này, chúng tôi bắt gặp rất nhiều “mệ” mặc dù đã cao tuổi nhưng vẫn giữ nguyên nét đẹp riêng trên khuôn mặt. Điều đó được thể hiện rõ trong ánh mắt và nụ cười của họ đối với các vị khách lạ và người đối diện.
Ai mà không mê cho được? Trước khi ra về, một người dân đã nói nhỏ với chúng tôi: Con gái Kim Long với đôi mắt đen to tròn, ánh nhìn đa tình nhưng lại phảng phất nét lạnh lùng của người con gái Huế, dáng người mảnh khảnh, tóc dài ôm trọn bờ vai thì ai mà không mê cho được. Và dù có miêu tả thế nào đi chăng nữa thì nét đẹp của con gái Kim Long một thời sẽ mãi là nét quyến rũ riêng chỉ có ở Huế mộng, Huế mơ. |
Theo Kim Long – Loan Nguyễn ( doisongphapluat.com)