Tôi là một trong những người có may mắn và cơ duyên từng được trực tiếp giới thiệu cho Đại tướng xem phần trưng bày “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Thừa Thiên-Huế 1954 - 1975” cũng như nhận được những lời góp ý giá trị cách đây 18 năm – tháng 5/1995.
Vào dịp kỷ niệm 20 năm giải phóng Thừa Thiên-Huế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định giao cho ngành Văn hóa Thông tin nghiên cứu xây dựng đề cương, kịch bản và tổ chức thi công trưng bày giai đoạn 1954 - 1975, nhằm giới thiệu và giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phục vụ khách du lịch trong nước và nước ngoài về một giai đoạn lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế, đã cùng với nhân dân hai miền Nam, Bắc viết nên những trang sử vàng chói lọi trong lịch văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Phần trưng bày được đông đảo nhân dân, cán bộ các ban, ngành, các nhà khoa học lịch sử, quân sự, văn hóa cùng lãnh đạo trong tỉnh, tỉnh bạn và lãnh đạo các ban ngành ở Trung ương khi đến thăm và làm việc tại Thừa Thiên-Huế, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tháng 5/1995, Bảo tàng Tổng hợp được vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến tham quan. Ông đi xem hết bốn phòng trưng bày, trong đó, ông xem, nghe và hỏi rất kỹ về lai lịch khẩu sơn pháo 75 li và hai sự kiện: “Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” và “Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế mùa xuân 1975” được thể hiện qua sưu tập hiện vật trưng bày, trong đó có hai sa bàn, hai bộ phim tư liệu về hai chiến dịch này.
Về khẩu sơn pháo 75 li, tôi giới thiệu: Đây là khẩu sơn pháo của một trung đoàn sơn pháo 75 sử dụng trong các đợt tấn công của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khẩu sơn pháo 75 này cùng với nhiều khẩu khác được đưa vào các chiến trường miền Nam theo con đường Hồ Chí Minh, và được để lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa phận Bình Trị Thiên. Một thời gian sau, có lẽ do không còn sử dụng được nên “tạm cất giữ” ở một nơi thuộc huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhân kỷ niệm 25 năm, ngày thành lập đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/1984), Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Hậu cần tổ chức triển lãm về đường Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và đến tháng 5/1985 đưa triển lãm đường Hồ Chí Minh ra Huế trong thời gian trên 2 tháng.
Những thông tin về khẩu sơn pháo 75 trên là do Đại tá Lê Trọng Tâm kể lại, ông nguyên là một trong những trợ lý đầu tiên cho “Phòng nghiên cứu chi viện quân sự miền Nam”, gọi tắt là “Phòng nghiên cứu”, được Tổng Quân ủy quyết định thành lập ngày 5/5/1959, lúc đó đồng chí Tâm được giao làm nhiệm vụ thư ký. Năm 1984, đồng chí được giao nhiệm vụ chỉ đạo nội dung triển lãm đường Hồ Chí Minh toàn quốc, và là người trực tiếp đi sưu tầm, vận chuyển khẩu sơn pháo này từ huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) ra Hà Nội. Sau khi kết thúc triển lãm đường Hồ Chí Minh tại Huế, khẩu sơn pháo 75 cùng với sưu tập hiện vật, tài liệu về đường Hồ Chí Minh được Tổng cục hậu cần, Quân khu 4 bàn giao cho Bảo tàng Bình Trị Thiên bảo quản. Đến năm 1990, theo chủ trương của Bộ Quốc Phòng, toàn bộ hiện vật này được bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Bảo tàng Thừa Thiên Huế chỉ xin giữ lại hiện vật - khẩu sơn pháo 75.
Nghe xong, Đại tướng nhắc nhở phải bảo quản và gìn giữ cho tốt hiện vật nay.
Sau đó, Đại tướng có góp ý một số ý kiến bổ ích, chúng tôi không nhớ hết được chi tiết, chỉ nhớ đại ý như sau: về cơ bản nội dung trưng bày là tốt, đã phản ánh được những nét chính về những mốc sự kiện cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Thừa Thiên Huế. Nên chú trọng đầu tư hơn nữa cho công tác sưu tầm hiện vật, từng bước chỉnh lý bổ sung cho hoàn chỉnh và phong phú thêm nội dung, (tôi còn nhớ Đại tướng có hỏi: nói như thế có đúng không?).
Về hai sa bàn, Đại tướng cho là tạm thời chưa tương xứng với hai sự kiện này, ông nói nhỏ quá nên không thể hiện được nội dung, nên ra học tập các sa bàn ở Bảo tàng Quân đội ở Hà Nội, (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).
Sau khi nghe bảo tàng báo cáo, giới thiệu thêm, Đại tướng có nói một ý rất quan trọng, là nên phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa phim tư liệu với âm thanh, ánh sáng, các hình thức thể hiện diễn biến chiến dịch trên hai sa bàn, nhất là phải thể hiện được địa điểm Sở chỉ huy chiến dịch.
Quả thật, hồi đó nghe vậy, biết vậy, vì còn nhiều vấn đề liên quan ràng buộc, không phải muốn là được, nên chưa hiểu hết ý nghĩa, giá trị lời nói đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chín năm sau, nhân Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2004), tôi tham gia sưu tầm tư liệu biên soạn thư mục về “Chiến dịch lịch sử Điên Biên Phủ” đọc được bài viết về lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn Chủ tịch Phiđen Caxtơrô (Cu Ba) đến xem sa bàn Điện Biên Phủ ở Bảo tàng Quân đội, khi xem xong, ông hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thế Sở chỉ huy chiến dịch ở đâu không thể hiện trên sa bàn? Sau đó Bảo tàng Quân đội mới bắt đầu đi tìm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng hiện nay.
Không chỉ xem phần trưng bày “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1975), Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn xem rất kỹ phần trưng bày các hiện vật về Văn hóa Sa Huỳnh do Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam khai quật tại di tích Cồn Ràng, Hương Chữ, Hương Trà.
18 năm sau, khi vị Đại tướng kính yêu của chúng ta đã đi xa, những bức ảnh chụp kỷ niệm với Đại tướng hồi đó, tôi vẫn giữ xem là những kỷ vật quý giá của cuộc đời mình. Suy ngẫm lại mới thấm thía lời góp ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho hai sa bàn ở Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế quá sâu sắc, và có lẽ những người đang làm việc ở Bảo tàng Thừa thiên Huế hiện nay cũng nên ghi nhớ để nghiên cứu xây dựng đề cương, kịch bản xây dựng hai sa bàn – hai sự kiện lịch sử lớn trong những sự kiện lịch sử quan trọng của quân và dân Thừa Thiên-Huế trong hai cuộc kháng chiến khi xây dựng Bảo tàng Tổng hợp quy mô, hiện đại trong tương lai gần.
Theo Xuân Phượng (TT-Huế)