Ngày 24/10, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức công bố quy hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển của tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, quy hoạch phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 quy định địa điểm, phạm vi không gian gồm vùng đất liền và vùng biển.
Trong đó, vùng đất liền bao gồm 5 huyện, thị xã có biển của tỉnh với 45 xã ven biển, vùng đầm phá; vùng biển bao gồm khu vực cách bờ 6 hải lý trở vào.
Phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ được chia thành 11 vùng theo bốn nhóm chính gồm nhóm vùng bảo tồn, bảo vệ thủy sản và phục hồi sinh cảnh; nhóm vùng đệm; nhóm vùng phát triển và nhóm vùng dự trữ - sử dụng cường độ thấp; đồng thời, đưa ra nhóm các hoạt động được ưu tiên như bảo tồn, phát triển; hoàn thiện chính sách, tăng cường thể chế.
Đối với quy hoạch phân vùng sử dụng đất các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng bền vững vùng ven biển của tỉnh gồm 19 xã, 1 thị trấn ven biển thuộc 5 huyện có biển, gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và thị xã Hương Trà.
Quy hoạch đưa ra các tiêu chí xây dựng bãi tắm cộng đồng và điểm vui chơi giải trí phù hợp với khu vực dân cư, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, an toàn. Phân vùng sử dụng đất các bãi tắm cộng đồng và các điểm vui chơi giải trí cộng đồng cũng được quy hoạch chi tiết đối với từng xã, thị trấn về vị trí, diện tích, chiều dài bờ biển (từ 1.200m đến 21.500m), chiều rộng bãi cát (từ 30m đến 150m).
Việc đầu tư xây dựng các bãi tắm, điểm vui chơi giải trí cộng đồng được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 đến năm 2015, ưu tiên tôn tạo các bãi tắm hiện đang thu hút nhiều du khách; giai đoạn 2 đến năm 2020 ưu tiên xây mới các khu vực trọng điểm, có tiềm năng và giai đoạn đến năm 2025 xây mới các bãi tắm, điểm vui chơi theo quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên-Huế khuyến khích tổ chức, kết hợp nhiều loại hình phát triển như du lịch ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển và đầm phá; du lịch khám phá tìm hiểu các loài thủy hải sản, các loài chim; du lịch chuyên đề tìm hiểu về các loài động thực vật phục vụ cho mục đích nghiên cứu, học tập; du lịch tìm hiểu đời sống của dân cư và hoạt động làng nghề; du lịch tắm nắng, nghỉ biển và thể thao trên mặt nước; du lịch xe đạp địa hình trên cồn cát; du lịch tham quan các di tích lịch sử…
Hiện du lịch biển ở Thừa Thiên-Huế đang có điều kiện phát triển, nhất là biển Lăng Cô và Thuận An. Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 40 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 850 phòng cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách.
Từ khi Lăng Cô được công nhận là Vịnh đẹp thế giới, lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 25%, doanh thu tăng bình quân 12%; trong đó, nhiều thời điểm trong mùa hè khách đặt kín chỗ nghỉ ở khách sạn. Bãi biển Thuận An cách thành phố Huế chừng 12km cũng là điểm đến hấp dẫn cho du khách.
Ở đây đang được địa phương đầu tư để nâng cấp hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống các đường dẫn vào bãi biển, lập bảng chỉ dẫn cụ thể giúp du khách dễ dàng tìm ra điểm cần đến.
Quốc Việt (TTXVN)